Mình nhai 120 lần thì miếng xôi mới tạm nhuyễn. Loại xôi đậu xanh có dừa non bào sợi. Những sợi dừa bị răng hàm cắn vụn, vụn ra mãi, nhỏ dần nhưng khó nhuyễn mịn. Cơm hoặc xôi trắng mình nhai khoảng 80 – 100 lần thì nhuyễn nhừ. Thịt chế biến mềm như hầm, luộc thì 150 – 180 lần nhai. Thịt chế biến cứng như nướng, kho thì nhai đến lần thứ 200 vẫn cảm thấy không nhuyễn. Trái cây, rau thì tùy loại. Mình nhận thấy cơm, xôi trắng muối mè, hạt sấy, trái cây và rau xanh không qua nấu nướng là những thức dễ nhai và nhanh nhuyễn mịn, càng nhai càng thấy ngon. Các loại thịt cá khi nhai quá 50 lần thì bắt đầu cảm thấy vị hôi, tanh nồng dù chế biến kiểu gì, không muốn nuốt xuống nữa. Các loại bún, phở, mỳ, miến… thì không thể nhai nhuyễn mà chỉ có thể cắn đứt khúc rồi nuốt. Nếu cố tình nhai nhuyễn thì sau 40 – 50 lần nhai đã lợm, cảm thấy muốn nhổ.

Hồi bệnh nặng, ăn vào thường ói ra. Một tối sau khi ói, không đứng dậy được, mình gục mặt vào bồn, mắt nhìn thấy những khúc phở ăn từ ngày hôm trước, lẫn đó là những mẫu rau cải xanh xanh từ bữa trưa, mùi chua tanh bốc lên xộc vào não khiến mình tiếp tục ói cho đến khi ra mật vàng. Nhận ra mình đã tự hành hạ bản thân một cách vô thức, ngu ngốc thế nào. Sau lần đó mình tự hiểu và bắt đầu nhai kỹ, nhuyễn bất cứ thức gì cho vào miệng. Ngày càng hạn chế dần những món bún, phở, mỳ. Thỉnh thoảng có dịp ăn thì cũng không còn cảm thấy ngon miệng nữa.

Khi nhai chậm và kỹ, mình dần phát hiện ra rằng có rất nhiều thức ăn trước đây mình thích thì bây giờ không thích nữa. Có những thức trước đây mình tưởng là bổ là tốt cho sức khỏe, đa phần là do nghe người khác nói, nghe theo sách, thì bây giờ phát hiện nó không tốt cho mình. Khi nhai chậm và kỹ, mình cảm nhận vị tốt hơn do nước bọt từ răng hàm tứa ra trộn lẫn với thức ăn, trong nước bọt có enzyme ptuylin giúp thủy phân tinh bột, trung hoà vị, kích thích vị giác giúp ngon miệng hơn và dễ tiêu hoá hơn khi thức ăn đi vào dạ dày, đường ruột. Ăn chậm, nhai kỹ lâu dần thì cảm nhận được cả trạng thái cảm xúc của người chế biến; điều này không có gì đặc biệt hay thần kỳ, bởi phân tử nước là loại vật chất mang chứa và truyền dẫn thông tin nhiều nhất. Cảm xúc cũng là một dạng thông tin và nó được truyền vào phân tử nước khi tiếp xúc. Đó là lý do vì sao ông bà mình hay nói “nấu từ tâm”. Người chế biến món ăn bằng tình yêu thương thì người ăn cảm nhận được nên ăn ngon hơn, và ngược lại.

Khi nhai chậm và kỹ, mình dần ăn ít lại và chỉ ăn khi có nhu cầu thực sự, lâu đói, khi đói thì thần trí cũng không bấn loạn cuống cuồng kiếm cái ăn hay khó chịu bực bội, khi đói nhưng chưa có cái ăn thì cơ thể vẫn không bủn rủn mất sức, cơn đói qua nhanh và vẫn hoạt động bình thường. Bốn năm nay mỗi ngày mình ăn chỉ một bữa nhưng làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, không từ bất cứ dạng công việc nào.

Khi nhai chậm và kỹ, sau một thời gian mình phát hiện ra khuôn mặt mình có những biến đổi. Khớp cắn dần dần tự điều chỉnh, không còn quá lệch như trước. Mình phát hiện ra rằng mình thích bụng trống hơn khi no, khi bụng trống mình làm việc hiệu quả gấp mười lần khi no. Bữa nào ăn no thì sau đó chỉ muốn đi ngủ, người rủ ra. Ông bà mình biểu “căng da bụng chùng da mắt” là vậy. Khi nhai chậm, kỹ mình phát hiện ra mỗi một miếng ăn có nhiều thú vị riêng, không miếng nào giống miếng nào.

Khi nhai chậm và kỹ, mình nhận ra nếu khi nhai chỉ nhai thì mức độ cảm nhận rất cao. Nếu khi nhai mà trong đầu đang lo ra, đang nghĩ ngợi, đang theo đuổi một dòng suy tưởng nào đó thì cảm nhận được rất ít, hay vô thức nhai nhanh nuốt vội vàng. Nếu nhiều bữa vừa ăn vừa nghĩ ngợi trong đầu hoặc phân tâm vào điều gì đó bên ngoài như xem điện thoại, xem ti vi… thì luôn ăn trong vô thức: nhanh, vội, nhiều hơn nhu cầu thực tế.

Khi ăn nhanh, nuốt vội nhiều lần thì hình thành thói quen, ăn trở thành một quán tính vô thức, bỏ qua kho enzyme vì nước bọt không kịp tiết ra. Thức ăn phải chế biến nhiều kiểu, nêm nếm đủ loại gia vị để kích thích vị giác. Khớp cắn dần lệch. Thức ăn không được nhai nhuyễn khi trôi xuống dạ dày khiến dạ dày phải nhào trộn nhiều và mạnh hơn, hao tốn năng lượng nhiều hơn. Cho dù đã mất nhiều năng lượng nhưng dạ dày vẫn không thể khiến mọi thức ăn trở thành chất dễ hấp thu. Toàn bộ hệ tiêu hóa phải làm việc cật lực, tiêu tốn rất nhiều năng lượng vào việc hấp thu năng lượng. Đường ruột không hấp thụ được nhiều chất trong thức ăn, phần lớn thức ăn theo đường thải tống ra ngoài. Hấp thu một phần tiêu tốn mất một phần hoặc hơn, thế là vừa ăn xong làm chưa được mấy việc lúc sau đã lại đói bủn rủn và muốn ăn nữa. Vòng xoay ấy cuốn đi mãi. Cuống cuồng kiếm ăn, ăn, kiếm, ăn, kiếm… tiêu tốn quá quá nhiều năng lượng, suy cho cùng mới vô nghĩa làm sao. Cái gì hoạt động quá mức thì nhanh hư hao. Bệnh tật kéo đến. Ông bà mình nói “bệnh từ miệng mà ra” có lý của nó. Thần trí lộn xộn. Ông bà mình cũng nói “mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” có ý đúng cả nghĩa bóng lẫn đen.

Quan sát cách chúng ta ăn, nhai, nuốt, cách chúng ta cảm nhận, cách chúng ta cho con ăn, cách chúng ta chế biến thực phẩm và cách chúng ta kiếm miếng ăn, mỗi người đều có thể tự nhận ra nhiều điều. Chỉ khi tự thấy ra nơi bản thân thì một người mới nhận ra mình đã bị vô thức, thói quen, kiến thức và kinh nghiệm của người khác mà nhiều cái núp dưới bóng khoa học dẫn dắt như thế nào, tự hại thân ra sao.

Mình ngồi với bất cứ người bệnh nào, bạn bè nào, cũng nói nên ăn chậm nhai kỹ, cũng đã viết nhiều về chủ đề này. Phản ứng thông thường mà mình hay gặp là không quan tâm. Không ít người dè bỉu. Hiếm hoi có người quan tâm thì cũng chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn rồi lại bị những thói quen cuốn đi, quên mất. Hầu hết đều vừa ăn vừa bận rộn nghĩ ngợi, lo toan cho điều kế tiếp hoặc suy tưởng quá khứ. Mình cũng không thể làm gì khác ngoài việc lặp đi lặp lại, nói viết mãi. Mình đã trải qua nên thấu hiểu không dễ gì thay đổi nếu chỉ dựa vào lời người khác nói. Thậm chí khi đã thấy và biết tự thân thì cũng dễ bị thói quen cuốn đi, dễ phân tâm vô cùng. Mỗi ngày một chút, mỗi khi ăn, bất cứ lúc nào sực nhớ ra, thì hãy ăn chậm, nhai kỹ, để ý vào thức mình đang ăn, dần dần một người sẽ thay đổi được những thói quen trong ăn uống. Khi nhận ra được lợi ích của việc ăn chậm, nhai kỹ, thấu hiểu trọn vẹn rồi thì không có gì khiến một người ăn nhanh nuốt vội, tự hại hoặc hại người khác.

Khi và chỉ khi biết ăn, biết tự cảm nhận thì một người mới biết cách chế biến thực phẩm đúng cách cho người khác, không làm hỏng người xung quanh và không giết lần hồi con trẻ trong gia đình.

Một bữa mình và đứa cháu ghé quán ăn cháo. Đôi vợ chồng trẻ chở đứa con gái khoảng tám, chín tuổi ghé vô ăn. Hai vợ chồng ăn xong rất nhanh, uống nước, xỉa răng, đứng lên. Người vợ đi ra trả tiền. Người chồng đi ra ngoài đường lên xe máy ngồi, mở khoá đề xe. Đứa con gái mới chỉ xong một phần ba tô cháo. Nó ngước nhìn ba, mẹ, hỏi:

“Ba mẹ định bỏ con lại đây hả?”

Người mẹ cười giả lả.

“Không không. Cứ ăn đi. Ai mà bỏ đâu nà.”

Hai vợ chồng miệng thì nói không gấp nhưng hành động thì nhong nhóng như thể có việc quan trọng phải làm gấp, cháy nhà chết người tới đít rồi. Đứa nhỏ nhìn ba mẹ thêm mấy lượt, thở dài rồi mặc kệ họ, cúi xuống từ tốn ăn.

Mình phì cười vì cái thở dài của nó, khều cháu, nói khẽ.

“Ê, con thấy hông, đứa nhỏ thiệt có phong thái. Nó là thầy dạy ba mẹ nó đó nhưng ba mẹ nó chưa nhận ra con mình là thầy mình. Hi hi.”

Cháu gật gật.

“Con thấy rất nhiều người, kể cả bạn bè con thường ăn rất nhanh và sau khi ăn xong thì không thể đợi người còn lại. Miệng họ nói họ đợi nhưng hành động thì đi trả tiền, nhấp nhỏm, không có ý đợi khiến việc mình còn ngồi ăn trở thành gánh nặng. Mình ăn mất ngon. Sau con không muốn đi ăn cùng họ nữa.”

“Ừ, nếu vì vậy mà cố ăn nhanh thì mình lại tự hại mình vì nó rất dễ thành thói quen. Mà đa phần thì sẽ cố ăn nhanh vì không muốn người khác chờ. He he. Nên mới thấy đứa nhỏ kia mới thật đĩnh đạc làm sao! Tin là nó giữ được mãi như vậy.”

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: