Nói đến làm việc thiện, không ít người cho rằng đó chỉ là việc đơn giản, chẳng phải chỉ là giúp đỡ người khác mà thôi sao? Tuy nhiên kiên trì giúp đỡ người khác một cách thực chất thì không phải là một việc dễ dàng. Trong cuốn “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có kể một câu chuyện về một người tên là Khang Tuấn sống vào thời nhà Tống như sau.

Gương người xưa làm việc thiện ngay cả khi nghèo khó
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Secret China)

Vào thời nhà Tống có một người đàn ông rất khẳng khái và hào hiệp tên là Khang Tuấn. Ngay cả khi cuộc sống lâm vào cảnh nghèo khó cùng cực, ông vẫn không quên giúp đỡ người khác.

Một hôm, khi Khang Tuấn ngồi thuyền đi Duy Dương thì gặp một ông lão cùng thuyền chỉ bảo cho cách làm ăn và lại còn tặng vốn cho. Thông qua việc buôn bán củ sen, chỉ trong mấy năm Khang Tuấn đã trở thành một người giàu có. Khang Tuấn cảm thấy duyên phận này quá mức may mắn nên đã làm lễ, khấn vái cảm tạ Trời đất đã ban ơn cho mình và hứa từ nay sẽ kiên trì dốc lòng dốc sức làm việc thiện giúp người. 

Từ đó, Khang Tuấn thu mua lương thực sau đó bán cho người nghèo với giá chỉ bằng một nửa, đồng thời cũng để cho người nghèo tự cân đong. Tới khi xảy ra nạn đói, Khang Tuấn bắt đầu phát cơm và cháo, đồng thời cho người già, phụ nữ và bệnh nhân nhận được một thăng gạo mỗi ngày.

Khang Tuấn còn thiết lập các gian phòng để dân nghèo hoặc người bệnh đến ở, mỗi người được cấp một gian, một chiếc giường, một tấm chiếu để tạm nghỉ. Ông cũng thông báo tuyển dụng danh y đến khám bệnh cho bệnh nhân, dùng dược liệu loại tốt, cung cấp đồ ăn thức uống và đồ bổ cho bệnh nhân để họ sớm được chữa trị khỏi bệnh. Khi người bệnh ra về, nếu không có tiền, ông còn cho họ tiền lộ phí đi đường. Không chỉ vậy, Khang Tuấn còn nộp thuế thay cho các hộ bần cùng, trợ cấp nhiều thứ cho những góa phụ không có con cái, thu nhận và nuôi dưỡng những người già cả không có nơi nương tựa…

Khang Tuấn cũng mở trường học miễn phí, tích lũy sách, tuyển dụng những học giả nổi tiếng về giảng dạy. Ông thu nhận thiếu niên từ khắp nơi đến học tập miễn phí, đồng thời còn cung cấp cho họ thức ăn và chỗ ở đầy đủ. Ông cũng thành lập một nhà trẻ và thuê nhũ mẫu về để chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi…

Khi trong gia đình có người thân thích hay hàng xóm xung quanh có con cái đến tuổi lập gia đình nhưng không có tiền, Khang Tuấn sẽ tặng cho họ chút tiền của để trợ giúp họ có tiền tổ chức hôn lễ.

Vào các ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, Khang Tuấn đều đến ngục giam thăm các phạm nhân và phát cho mỗi phạm nhân ba thăng gạo, ba mươi xu tiền và bốn chiếc bánh bao chay.

Đối với những thi thể không có người thân mai táng, Khang Tuấn sẽ bố thí quan tài và chôn cất cho họ.

Về sau này, Khang Tuấn đã gặp lại ông lão khi xưa từng chỉ bảo cách làm ăn cho mình. Khang Tuấn mời ông lão đến nhà mình để cảm tạ. Ông lão nói với Khang Tuấn rằng: “Lúc bần cùng anh vẫn có thiện tâm giúp đỡ mọi người, yêu quý vạn vật cho nên ta mới tặng anh chút vốn làm ăn. Điều đáng mứng chính là sau khi đã phát tài rồi anh vẫn hành thiện tích đức. Anh sẽ được thiện báo vô cùng, hãy tiếp tục nỗ lực giúp người.”

Khang Tuấn sống đến năm 104 tuổi thì không bệnh mà chết. Cả 7 người con và hơn 10 người cháu của ông đều làm quan trong triều, nhiều đời đều phú quý. Suốt cuộc đời ông đều được mọi người kính trọng và biết ơn.

Trong sách “Mạnh Tử” có câu: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ”, nghĩa là lúc nghèo thì cần tu dưỡng bản thân, khi hiển đạt thì cần tạo phúc cho thiên hạ. Nhưng Khang Tuấn ngay cả khi nghèo hay khi hiển đạt đều dốc lòng làm việc thiện giúp người, đây cũng là cách tu dưỡng bản thân rất tốt.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: