Hải Phòng: Nơi đầu tiên ở châu Á được thắp sáng bằng đèn điện
- Trần Hưng
- •
Không phải thành phố Bengaluru (Ấn Độ), Hà Nội hay Sài Gòn, mà Hải Phòng mới là thành phố đầu tiên được thắp sáng bằng đèn điện ở Đông Dương và cả châu Á.
Nơi đầu tiên ở châu Á được thắp sáng bằng đèn điện
Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng. Nhận thấy nơi đây là đầu mối giao thông quan trọng của các tuyến hàng hải quốc tế, người Pháp có ý định tương lai sẽ biến Hải Phòng thành trung tâm công nghiệp lớn của Đông Dương, mà một trung tâm công nghiệp thì rất cần có nguồn điện để hoạt động. Chính vì vậy sau khi thành lập thành phố Hải Phòng, các công ty của Pháp được giao phát triển điện năng cho thành phố.
Sau thời gian chuẩn bị, tháng 4/1892, nhà máy điện than mang tên Nhà Đèn Vườn Hoa được tiến hành xây dựng, công suất 750 kW. Hai năm sau nhà máy đi vào hoạt động. Vậy là năm 1894, thành phố Hải Phòng được thắp sáng, đây cũng nơi đầu tiên ở Đông Dương và cả châu Á được thắp sáng bằng đèn điện.
Thời điểm năm 1894 khi thành phố Hải Phòng được thắp sáng, nhiều người đã kinh ngạc. Bởi đèn điện chỉ bắt đầu được thương mại hóa vào năm 1880, đến năm 1894 thì ngay cả Paris hoa lệ thì cũng chỉ dùng đèn điện thắp sáng ở nơi trung tâm thành phố bởi chi phí đắt đỏ.
Một số nghiên cứu cho rằng thành phố Bengaluru của Ấn Độ là nơi đầu tiên thắp sáng bằng đèn điện của châu Á vào năm 1905. Nhưng dường như nghiên cứu này chỉ tính hạn cuộc trong các nước thuộc địa của Anh. Ở Việt Nam cũng có một số nghiên cứu về vấn đề này. Trong “Những bài khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn” thì Hà Nội là nơi đầu tiên của châu Á được thắp sáng bằng đèn điện. Nhưng trong cuốn “Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu” của PGS.TS Trần Hữu Quang thì Hải Phòng mới là nơi có đèn điện đầu tiên.
Hội đủ điều kiện
Nhiều người thắc mắc Hải Phòng không phải là trung tâm của Đông Dương, nhưng tại sao lại xây dựng nhà máy điện đầu tiên ở đây, trong khi Phủ toàn quyền Đông Dương đặt ở Hà Nội, dinh Thống sứ Bắc Kỳ và phủ Khâm sai Bắc Kỳ cũng đặt tại Hà Nội.
Có nhiều lý do. Một là bởi Hải Phòng thuận lợi giao thông cả đường biển và đường bộ, người Pháp mong muốn xây dựng thành phố này thành trung tâm kinh tế lớn. Thật vậy, ngay sau khi có điện, người Pháp đầu tư biến Cảng Hải Phòng cảng biển quan trọng, đầu mối giao thông của các cảng biển quốc tế.
Mặt khác Hải Phòng cũng gần Quảng Ninh – nơi có những mỏ than lớn, thuận tiện cung cấp nguồn nhiện liệu cho việc sản xuất điện.
Sau đó, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng cũng được xây dựng, đến năm 1902 thì đi vào vận hành. Tiếp nối, hàng loạt các Công ty chế tạo cơ khí, công ty sửa chữa đóng tàu và luyện kim, các nhà máy xay xát gạo cũng ra đời. Công ty xi măng Portland Đông Dương (Société des Ciments Portland artificiels de l’Indochine) cũng khởi công xây dựng Nhà máy xi măng đầu tiên ở Hải Phòng với công suất thiết kế ban đầu là 30.000 tấn, cùng hàng loạt xưởng cơ khí và hệ thống máy đóng bao đay hoặc bao giấy hiện đại.
Miền bắc được thắp sáng
Sau khi nhà máy máy điện Nhà Đèn Vườn Hoa được xây dựng ở Hải Phòng thì tháng 12/1892, Hà Nội xây dựng nhà máy đèn Bờ Hồ, 3 năm sau tức năm 1896 thì hoàn thành thắp sáng cho thành phố.
Đến năm 1922, nhu cầu điện tăng cao, Nhà máy Đèn Bờ Hồ không đủ công cấp cho hoạt động công nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh, vì thế mà năm 1925, nhà máy điện Yên Phụ được xây dựng ở phía bắc hồ Trúc Bạch (Hà Nội), công suất 22.500 kW cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh.
Sau năm 1925, các nhà máy điện được xây dựng ở các tỉnh phía bắc cung cấp điện đến các nơi.
Thắp sáng ở miền Nam và miền Trung
Khi thành phố Sài Gòn được xây dựng xong, ban đêm rất tối tăm vì không có đèn đường. Cuối năm 1865, nhà cầm quyền thành phố cho làm hàng trăm cột đèn đường thắp sáng bằng dầu dừa. Đến năm 1870 thì thành phố thay thế bằng dầu hỏa. Đến năm 1889 thì Hội đồng thành phố cho chạy thử bằng đèn điện.
Năm 1894, Hội đồng thành phố Sài Gòn bàn bạc việc nên đặt nhà máy điện ở đâu, đường dây điện thì nên đặt ngầm dưới đất hay trên cao thì thuận lợi và an toàn, v.v..
Ngày 11/5/1896, Hội đồng thành phố và hãng Hermenier đã ký hợp đồng cung cấp điện. Ngay trong năm đó, hãng Hermenier cùng một số người khác góp tiền thành lập Công ty Điện lực Sài Gòn (Société d’Electricité de Saigon).
Đến năm 1897, Công ty Điện lực Sài Gòn xây dựng nhà máy điện đầu tiên, đặt gần đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), phía sau Nhà hát thành phố (nay là trụ sở Công ty Điện lực miền Nam). Cũng trong năm 1897, Sài Gòn được thắp sáng bằng đèn điện.
Năm 1900, Công ty Nước và Điện Đông Dương được thành lập, cung cấp điện cho Sài Gòn, Chợ Lớn và Thủ Đức.
Đến năm 1912, Nhà Đèn Cầu Kho có công suất khoảng 3.300 kW đi vào hoạt động. Năm 1922, Nhà Đèn Chợ Quán có công suất 5.000 kW cũng đi vào hoạt động, đèn điện chiếu sáng được mở rộng đến Lái Thiêu và Thủ Dầu Một.
Tại Trung kỳ, năm 1919, Nhà máy đèn Huế được thành lập với công suất 3.600 kW giúp chiếu sáng cho thành phố Huế.
Từ sau năm 1921, các Nhà máy Điện nhỏ được xây dựng ở Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn và Nha Trang, đèn điện thắp sáng các tỉnh miền trung.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đông Dương Pháp thuộc