Thời vua Tự Đức, có 2 vị quan Đốc học giàu lòng yêu nước, đạo đức và nhân cách, đó là Văn Đức Giai và Lê Đình Diên.

Văn Đức Giai

Văn Đức Giai là người làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sinh ra trong gia đình khoa bảng, từ bé ông được người cha làm Tri huyện dạy dỗ kèm cặp. Khi cha mất ông đã học gần hết Tứ thư và Ngũ kinh – những kinh điển của Nho gia.

Sau khi cha mất, gia cảnh khó khăn, Văn Đức Giai phải đi dạy học để kiếm tiền nuôi mẹ già. Người mẹ thấy con sáng dạ lại có chí nên cho con theo học với thầy Hồ Đức Cảnh rồi Dương Doãn Nguyên, lại giao du với các nhân sĩ như Hồ Sĩ Đề, Phạm Đình Trọng, Hồ Sĩ Lâm, Phan Hữu Tĩnh.

Năm 1828, Văn Sĩ Giao đỗ kỳ thi Hương. Ông đi dạy học cho các trường ở Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, có lúc ra đến Thanh Hóa dạy học, vừa có tiền nuôi mẹ già, lại vừa trau dồi thêm chữ nghĩa.

Năm 1843, Văn Đức Giai đỗ cử nhân, sang năm 1844 thì đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tuy nhiên mẹ già đau yếu luôn nên ông xin không ra làm quan, ở nhà dạy học để tiện chăm sóc thuốc thang cho mẹ. Ông ở bên mẹ suốt 10 năm liền đến khi mẹ mất. Thời gian này ngoài việc chăm sóc mẹ già ông cũng lo chấn hưng việc học ở quê nhà, giáo dục thuần phong mỹ tục, khuyến khích dân làm nông. Đến khi mẹ mất ông vẫn ở bên mẹ thêm 3 năm nữa chịu tang, nổi tiếng là người con hiếu thảo của làng Quỳnh Đôi.

Sau khi lo chu toàn cho mẹ, năm 1856 khi đã 50 tuổi, Văn Đức Giai mới ra làm quan, giữ chức Đốc học 4 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó ông được gọi về Triều giữ chức Ngự sử. Là người đức cao trọng vọng, ông được các đồng liêu và Vua Tự Đức yêu quý.

Năm 1861, quân Pháp đánh chiếm Nam bộ, Văn Đức Giai được cử vào nam giữ chức Quân thứ Gia Định, chiêu mộ quân Nghĩa dũng chống Pháp.

Nhưng ở miền biển phía bắc, Tạ Văn Phụng nhờ sự giúp đỡ của người Pháp mộ quân nổi loạn chống nhà Nguyễn, đánh chiếm Quảng Yên (thuộc Quảng Ninh ngày nay) rồi đưa quân tiến đánh các nơi. Vua Tự Đức điều quân đánh dẹp nhưng bị thiệt hại mà không sao dẹp được.

Năm 1863, Văn Đức Giai được cử ra bắc cùng Trương Quốc Dụng đưa quân đi bình định quân của Tạ Văn Phụng. Trương Quốc Dụng đưa quân đi đánh nhưng thất thế tử trận. Văn Đức Giai hay tin, dù quân yếu hơn vẫn phản công. Thất thế, ông đành tử tiết chết theo bạn.

Vua Tự Đức hay tin, thương tiếc, cho đổi tên ông từ Văn Đức Giai thành Văn Đức Khuê, ý khen đức hạnh của ông sáng như sao khuê.

den quan dai
Đền Quan Đại tại La Khê xã Tiền An (Quảng Ninh), nơi Văn Đức Giai hi sinh và được dân lập đền thờ. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Lê Đình Diên

Lê Đình Diên là người làng Hạ Đình, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Nội (nay là phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân năm 1849, được cử làm Giáo thụ rồi Đốc học ở các nơi, trong đó có 5 năm làm Đốc học Nghệ An được giới sĩ phu nể trọng.

Rời Nghệ An, ông được cử làm Đốc học Hà Nội. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt giúp nước như Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên (cha của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền).

Thể hiện được phẩm cách khi làm Đốc học, ông được cử làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Tuy nhiên ông từ chối xin nghỉ hưu để mở trường dạy học ở Hà Nội. Học trò của ông khá đông, ngoài Hà Nội còn có các vùng lân cận cũng tìm đến học.

Theo các nguồn tư liệu thì trường ông dạy học có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến nhất là tên “Cúc Hiên”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn lưu trữ rất nhiều bài văn của học sinh trường Cúc Hiên.

Lê Đình Diên cũng sáng tác nhiều thơ văn. Ông có các tác phẩm như “Cúc Hiên tiên sinh thi văn tập”, “Cúc Hiên tiên sinh văn loại”, “Lịch triều sử ký văn tuyển”, các tác phẩm này đều được lưu trữ tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm.

Trong nhiều năm làm Đốc học dạy học, Lê Đình Diên có 3.000 học trò. Khi ông mất, đám tang ông có rất đông người đến, ngoài các học trò thì giới nhân sĩ đều đến tiễn đưa ông.

Học trò ông cũng giúp xây dựng lại trường Cúc Hiên, từ trường lợp lá đến lợp bằng ngói khang trang rộng lớn hơn.

Dạy học trò chữ nghĩa, ông cũng dạy học trò đạo làm người. Ông thích nhất câu: “Quân tử thành nhân chi mỹ”, rồi rút gọn câu này thành “Quân tử thành mỹ” cho khắc trước cổng trường Cúc Hiên để học trò luôn luôn nhìn thấy và ghi nhớ.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: