Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần khi cướp ngôi, khiến hoàng tộc nhà Trần ly tán khắp nơi. Trải qua nhiều sóng gió, hậu duệ của Hưng Đạo Vương vẫn có được 9 đời liên tiếp là Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.

tuong quan 4
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Tiến đánh nhà Mạc, được ban tước Quận công

Có thêm lực lượng của Lê Bá Ly, tháng 3/1551, Trịnh Kiểm đưa quân tiến đánh nhà Mạc, Đặng Huấn được giao Quản đốc quân bộ tiên phong.

Quân nhà Lê toàn thắng tiến thẳng đến Thăng Long, vua Mạc Tuyên Tông phải rời Kinh thành chạy đến Kim thành (Hải Dương). Còn Mạc Kính Điển cầm quân chống giữ Kinh thành Thăng Long.

Mạc Kính Điển cho đắp lũy đất từ Bồ Đề (ở xã Lâm Hạ) kéo dài ra phía bắc để phòng thủ, lại xếp đặt thủy chiến để quân thủy bộ hỗ trợ được cho nhau, kỷ luật quân rất nghiêm. Quân nhà Lê dù dốc hết sức cũng không sao vượt qua được.

Nhận thấy quân Mạc còn mạnh, thời cơ chưa đến, Trịnh Kiểm cùng Lê Bá Ly đành phải rút quân. Đặng Huấn từ đó rong ruổi cùng Trịnh Kiểm kinh qua nhiều trận đánh, trở thành vị tướng tài ba của nhà Lê.

Tháng 9/1559, Trịnh Kiểm cho tinh binh trấn giữ các vị trí trọng yếu, còn lại đưa 6 vạn quân tiến đánh nhà Mạc. Quân chúa Bầu phía bắc cũng cùng hội quân đánh Mạc. Đặng Huấn tham gia trong trận đánh lớn này.

Quân nhà Lê nhanh chóng chiếm được Khoái Châu, Hồng Châu, các huyện Siêu Loại, Văn Giang, Nam Sách, Tiên Hưng, rồi tiến đánh Kinh thành Thăng Long. Nhưng ở phía nam, Mạc Kính Điển bố trí quân phòng thủ vững chắc khiến quân nhà Lê đánh mãi đến tận năm 1561 nhưng không sao vượt qua được. Trịnh Kiểm phải cho quân đánh chiếm lấy phía bắc nhờ có Chúa Bầu tiếp lương.

Tại phía bắc, quân Trịnh cũng không tiến đánh vào Thăng Long được vì phòng thủ kín kẽ, nên phải đánh tiếp sang phía đông. Trịnh Kiểm đóng quân ở phía nam Lãm Sơn, quân Mạc đóng đồn ở Vũ Ninh.

Trong khi hai bên đang giáo chiến thì Đặng Huấn cầm một cánh quân đi đường tắt tiến đánh nhằm tạo bất ngờ. Nhưng Mạc Kính Điển đã tính hết các tình huống, cho quân phòng thủ kín kẽ, nên lần này quân của Đặng Huấn bị đánh tan. Đặng Huấn cùng vài trăm quân còn lại chạy đến Cao Bằng, quân Mạc đuổi theo vây kín cả bốn mặt.

Đặng Huấn lệnh cho quân không động, giữ yên quan sát, thấy khi quân Mạc trễ nải không chú ý thì dốc toàn lực bất ngờ tiến đánh đột phá vòng vây chạy được đến nơi đóng quân ở Lãm Sơn. Trận này được Thái sư Trịnh Kiểm khen ngợi. Sau đó ông cùng quân Trịnh giành liên tiếp các chiến thắng.

Thấy quân Lê – Trịnh tập trung ở phía bắc, quân Mạc liền đưa quân nam tiến đánh thẳng vào Thanh Hoá. Trịnh Kiểm vội cho toàn quân trở về khiến quân Mạc cũng rút lui. Sau chiến dịch lớn này, Trịnh Kiểm luận công ban thưởng, Đặng Huấn được phong tước Nghĩa quận công.

Nam triều nội chiến, giúp các tướng đoàn kết đánh lui quân Mạc

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Trịnh Cối lên thay nắm giữ quân đội. Tuy nhiên Trịnh Cối lại nhanh chóng sa vào tửu sắc không chú ý quản lý quân, khiến các tướng trụ cột bất mãn chạy về với Trịnh Tùng.

Trịnh Cối đưa quân tiến đánh em mình là Trịnh Tùng, nhưng Trịnh Tùng đã chuẩn bị trước nên thủ vững chắc khiến Trịnh Cối không thể làm gì phải rút lui.

Lúc này Mạc Kính Điển hay tin Nam Triều có biến liền thống lĩnh 10 vạn quân cùng 700 chiến thuyền tiến đánh Thanh Hóa. Trịnh Cối vừa lo đối phó Trịnh Tùng ở phía nam, lại gặp phải quân Mạc rất mạnh ở bắc, liền chọn cách đầu hàng nhà Mạc.

Mạc Kính Điển thu phục được Trịnh Cối thì đưa quân tiến đánh Kinh thành nhà Lê ở An Trường.

Lúc này Đặng Huấn đang đóng quân ở dinh Kim Thành, ủng hộ để Trịnh Tùng nắm giữ quân đội. Ông cùng với Trịnh Tùng đến yết kiến Vua ở An Trường. Vua phong cho Trịnh Tùng làm Trường quận công, tiết chế các dinh thủy bộ, cầm quân chống lại nhà Mạc. Đặng Huấn cùng các tướng theo Trịnh Tùng đoàn kết cùng thề quyết tâm đánh đuổi quân Mạc.

Tình thế nguy nan, Trịnh Tùng cho quân ban ngày phòng thủ chắc ngăn quân Mạc, ban đêm thì chia thành các cánh quân nhỏ liên tục tập kích. Mạc Kính Điển cho quân tiến đánh mãi không vượt qua được.

Sau đó quân nam triều phản công, quân của Hoàng Đình Ái, Đặng Huấn và Nguyễn Hữu Liêu thắng lớn, chiếm lại được Nông Cống, Ngọc Sơn. Mạc Kính Điển phải rút quân về bắc.

Sử gia Phan Huy Chú chép lại rằng: “Khi Cối hàng giặc, Biện dinh thất thủ, sự thế khẩn cấp, Kính Điển tự cho chỉ một tiếng trống là hạ được. Thế mà vẫn giữ vững lòng quân, chống giặc mạnh, cuối cùng chuyển thua hóa được, đổi nguy ra yên đều do sức các ông cả”.

Sau chiến thắng, Triều đình luận công ban thưởng, Đặng Huấn được thăng làm Thiếu phó, đây là chức vụ nắm quân đội rất cao, chỉ đứng dưới Trịnh Tùng.

Dùng mưu trí đánh lui quân Mạc, được ban tước Thái phó

Năm 1579, Mạc Kính Điển lại đưa quân nam tiến. Quân Mạc tiến đánh Tống Sơn, Đặng Huấn đưa quân đến Thái Đường chặn lại, sai tỳ tướng là Văn Hải làm tiên phong đến khiêu chiến ở núi Kim Âu, còn ông đưa quân theo sông Bình Hòa đến núi Mục chặn hậu, phối hợp cùng quân của Hữu Liên đánh quân Mạc. Trận này quân Mạc thua to phải rút về bắc.

Sau chiến thắng đầy mưu trí này, ông được thăng làm Tả đô đốc thự phủ ở Tây quận, Thái phó, tước Nghĩa quận công.

Năm 1583, Đặng Huấn mất vì tuổi cao, được truy tặng làm Nam quân Hữu đô đốc, Chưởng sự, Thái úy, Nghĩa quận công, đặt tên thụy là Cương Chính.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: