Hậu duệ Hưng Đạo Vương: 9 đời Công, Hầu thời Lê Trung Hưng (P3)
- Trần Hưng
- •
Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần khi cướp ngôi, khiến hoàng tộc nhà Trần ly tán khắp nơi. Trải qua nhiều sóng gió, hậu duệ của Hưng Đạo Vương vẫn có được 9 đời liên tiếp là Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.
- Tiếp theo phần 2

Thái phi Đặng Thị Ngọc Dao
Đặng Huấn có hai người con trai đều trở thành Công, Hầu nhà Lê. Còn về con gái, con gái đầu gả cho Đô đốc Thái Quận công Lê Phúc Thạc. Người con gái thứ hai là Đặng Thị Ngọc Dao sinh năm 1556. Đây là thế hệ thứ hai của họ Đặng làng Lương Xá.
Bấy giờ Trịnh Tùng là con của Thái sư Trịnh Kiểm. Năm 1568, Trịnh Kiểm được phong làm Phúc Lương hầu, đặc ân cho đeo ấn bình đông, mở phủ riêng. Sau khi Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối lên thay nhưng không được lòng tướng sĩ. Đặng Huấn cùng các tướng sĩ theo Trịnh Tùng và đồng lòng đưa Trịnh Tùng lên thống lĩnh ba quân. Vua Lê phong cho Trịnh Tùng là Trường quận công. Việc này đã nói ở phần trước.
Năm 1571, Ngọc Dao gặp Trịnh Tùng, Trịnh Tùng muốn hỏi Ngọc Dao làm người vợ thứ. Thấy con gái mình lấy Trịnh Tùng không được làm chính thất nên Đặng Huấn không đồng ý, nhưng vợ ông lại đồng ý và nói hết lời ông mới nghe theo. Vậy là Ngọc Dao trở thành Á Phi của nhà Chúa.
Năm 1577, Ngọc Dao sinh hạ được con trai đặt tên là Trịnh Tráng, đích thân ông ngoại Đặng Huấn đã cắt rốn và nuôi dưỡng.
Gia phả họ Đặng ví Ngọc Dao với đức của Thái Khương đời Chu: “Tính nết cần kiệm, hiếu kính hiền hậu, có ơn huệ, ôn hoà cung kính, với tư cách thánh nữ sánh với thánh đức, bà thấm nhuần đạo làm vợ, lấy đức nhu thuận để phục tùng chồng. Có thể làm mẫu mực cho bốn phương. Đạo đức của bà có thể là gương mẫu cho muôn đời. Bà giúp việc nội trợ cho chúa, có thể sánh với các đức của bà Thái Khương đời Chu, nên đã giúp nên cơ nghiệp Trung hưng. Khi có thai, mắt bà không nhìn mầu ác, tai bà chẳng nghe tiếng dâm, miệng bà chẳng nói lời thô bạo.”
Chính phi của Trịnh Tùng có con trai là Trịnh Túc, theo lệ thì ngôi Thế tử phải truyền cho con của Chính phi. Nhưng năm Trịnh Túc 28 tuổi thì không may bị chết. Thế phả Trịnh tộc viết cái chết của Trịnh Túc như sau: “Hay rượu, sức mạnh, thích quần voi, ngựa, thường cưỡi voi lội qua sông, bị voi húc chết”. Vì thế khi Trịnh Tùng mất thì Trịnh Tráng lên kế vị, Ngọc Dao cũng trở thành Thái Phi.
Con trai cả của Đặng Huấn cũng là em của Đặng Thị Ngọc Dao là Đặng Tiến Vinh, sinh năm 1562 thời vua Lê Anh Tông, được ban tước Hà quận công. Con trai thứ của Đặng Huấn là Đặng Thế Kỵ được ban tước Thụy Khê hầu.
Tể tướng đầu triều Đặng Thế Khoa

Đặng Tiến Vinh có 6 người con trai được phong tước Công, Hầu cho nhà Lê. Đây là thế hệ thứ ba của họ Đặng, nổi bật là con trai thứ Đặng Thế Khoa.
Đặng Thế Khoa sinh năm 1593, khi nhà Lê đã chiếm được Kinh thành Thăng Long, cuộc chiến Nam – Bắc triều cũng chấm dứt.
Thời trẻ Đặng Thế Khoa có tài văn học, nhưng do dòng dõi nhà võ nên ông được xếp vào hàng võ tướng. Đến thời vua Lê Thần Tông thì ông được phong tước Liêm quận công, được chúa Trịnh Tráng gả quận chúa Trịnh Thị Ngọc Hân cho.
Ông được cử đi trấn thủ Sơn Tây và Sơn Nam. Sau đó ông cầm quân đánh nhà Mạc ở Thái Nguyên, được phong Tả đô đốc.
Dù làm võ tướng, nhưng Đặng Thế Khoa là có tài văn chương, lại hay chữ nghĩa, khéo vỗ yên dân chúng. Vì thế mà năm 1647 ông được cử làm Tả thị lang bộ Hộ, sau đó được thăng làm Bồi tụng. Đây là chức quan lớn chỉ sau Tham tụng (Tể tướng).
Lúc này xảy ra vụ kiện người trong Phủ chúa ăn hối lộ, riêng Đặng Thế Khoa không dính dáng gì. Ông được chúa Trịnh Tráng khen rồi phong làm Tham tụng (tương đương Tể tướng đầu triều). Khi ông mất được truy tặng là Thiếu phó, gia phong làm phúc thần.
Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Ông là con nhà huân phiệt, học thức rộng rãi, giữ mình trong sạch và kiệm ước. Bấy giờ ai cũng khen”.
Đăng Thế Khoa có người con trai là Đặng Thế Xứng được phong tước Thụy Lộc hầu, được Thế tử Trịnh Kiều gả quận chúa Trịnh Thị Ngọc Bính cho.
Đặng Thế Xứng là thế hệ thứ tư của họ Đăng, ngoài ông ra thế hệ này còn có nhiều người khác cũng được phong làm Công, Hầu.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Phong thủy giúp vương triều chúa Trịnh kéo dài suốt 12 đời
- Ba người phụ nữ góp phần tạo nên triều đại kéo dài suốt 800 năm
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam dòng họ Việt Nam nhà Lê Trịnh
