Họ Bùi làng Thịnh Liệt là dòng họ danh gia vọng tộc của trấn Sơn Nam xưa, khởi đầu cụ tổ vào đầu thế kỷ 15, sau đó đời nào cũng có danh nhân làm quan trong Triều.

tam quan
Tam quan đình Giáp Nhị. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Làng Thịnh Liệt

Làng Thịnh Liệt (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tên Nôm là làng Sét, xuất hiện từ thế kỷ 15. Ban đầu đây là ngôi làng rất lớn gồm 9 giáp, đặt tên từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Về sau do bất đồng nên giáp Cửu tách riêng ra thành làng Phương Liệt.

Làng Thịnh Liệt còn lại 8 giáp, nhưng sau đó 8 giáp này cũng lần lượt lập thành các làng riêng, mỗi làng giáp có một dòng họ chính, dần dần tên dòng họ được gọi luôn cho tên làng: Giáp Nhất được gọi là Bùi Tây; Giáp Nhị được gọi là Bùi Đông; Giáp Tam được gọi là Đỗ Trung; Giáp Tứ được gọi là Đỗ Nội; Giáp Ngũ được gọi là Đỗ Ngoại; Giáp Lục được gọi là làng Sét, v.v…

Sau đó các làng có một số hợp nhất, chia làm 5 làng. Đến năm 1964 các làng lại hợp nhất lại gọi là Thịnh Liệt, còn gọi theo tên Nôm là làng Sét. Từ 1973, thành phố Hà Nội dần mở rộng nên Thịnh Liệt trở thành một phường thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Nguồn gốc họ Bùi làng Thịnh Liệt

Họ Bùi làng Sét là dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời, được nhắc đến trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú,…

Theo “Bùi Thị gia phả” được lưu trữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm thì vào cuối thế kỷ 14, cụ tổ của họ Bùi vốn là người có sức khỏe phi thường, giỏi võ nghệ, làm nghề bốc thuốc, lấy tên hiệu là Chí Đức, là người gốc ở xã Cát Xuyên, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa).

Chí Đức một mình đánh đuổi đàn trâu rừng cứu được cô con gái một võ tướng nhà Trần là Hoàng Công Thục. Quý mến người tài đã cứu con gái mình, vị võ tướng này đã gả cô con gái Hoàng Thị Ngọc Trân cho Quý Đức.

Đến năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Cuối thời nhà Hồ, gia đình Chí Đức chuyển đến ở xã Quảng Công, huyện Thanh Đàm (nay là Định Công, Thanh Trì, Hà Nội).

Ngôi đất phát “Kế thế công khanh”

Cũng theo “Bùi Thị gia phả”, trên đường từ Thanh Hoa ra Thanh Long, con trai của Chí Đức là Trung Thức đã có ơn cưu mang một người Tàu – vốn là con của một đạo sĩ. Để đền ơn cưu mang vị đạo sĩ này tìm được ra hai vùng đất phúc địa để Trung Thức chọn: Một vùng đất tạo ra một vị Vua trong đời con cháu sau này, một vùng đất khác sẽ có nhiều thế hệ là danh nhân.

Trung Thức chọn vùng đất thứ hai – tức đất “Kế thế công khanh”. Vị đạo sĩ dặn cả gia đình nên dời đến định cư ở làng giáp Nhị thì con cháu mới đời đời được hưởng phúc.

Nghe lời, cả gia đình chuyển đến làng giáp Nhị, lúc đó nơi đây chỉ là khu đầm lầy, có gia đình Cao Lệnh Công đang ở. Trung Thức lấy cô con gái họ Cao là Cao Thục Tịnh. Về sau quả nhiên gia đình nhiều đời đều phát làm công khanh trong Triều. Trung Thức được tính là tổ đời thứ nhất của họ Bùi ở Thịnh Liệt.

Đời đời phát công khanh

tho chi
Thọ chỉ làng Giáp Nhị – nơi ghi nhiều dấu ấn Hoàng giáp Bùi Huy Bích. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Trung Thức đựợc vua Lê phong chức Tả Thị lang, tước Diễn Phúc bá, lấy tên hiệu là Tả Dụ. Vợ chồng Trung Thức sinh được hai trai một gái, trong đó có người con là Bùi Xương Trạch. Họ Bùi ở giáp Nhị ngày càng phát triển, làng giáp Nhị cũng được gọi là làng Bùi Đông.

Họ Bùi từ đó ngày càng đông đúc, học hành tấn tới, người đỗ khai khoa cho họ Bùi là Bùi Xương Trạch đời thứ hai, đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1468 thời vua Lê Thánh Tông. Năm 1489, ông được cử đi sứ sang nhà Minh, 3 năm sau làm quan giám thí kỳ thi Hội.

Bùi Xương Trạch làm quan giữ các chức vụ trọng yếu khác nhau như Đông các Học sĩ, Thượng thư bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư chưởng lục bộ (tức chức quan điều khiển cả 6 bộ như quyền Tể tướng) kiêm Đô Ngự sử, được gia phong làm Quảng Quận công. Bùi Xương Trạch là người đỗ khai khoa, và cũng là niềm tự hào đầu tiên của dòng họ Bùi.

Con trưởng của Bùi Xương Trạch là Bùi Trụ làm văn thư ở điện Ngọc Khuê, do có công “dựng lập triều nghi” nên được vinh thăng Hiệp mưu Tán lý công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Hộ bộ Thượng thư, tước Đổng Giang hầu, sau gia phong Thái phó Kính Quận công.

Con thứ của Bùi Xương Trạch là Bùi Vĩnh đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1532 thời nhà Mạc, làm quan đến Hộ bộ Tả thị lang kiêm Tả xuân phường Tả thuyết thư, Đông Các học sĩ, tước Mai Lĩnh hầu, vinh thăng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, gia phong Thái bảo mai Quận công.

Con trai của Bùi Vĩnh là Bùi Bỉnh Uyên có 60 năm làm quan phụng sự qua 4 đời vua. Ông không đi lên bằng con đường khoa bảng mà bằng “binh nhung”, làm Binh bộ Thượng thư, được phong làm Tiên Quận công.

Cứ thế họ Bùi liên tục các đời đều có người làm quan tước trong Triều, danh nhân. Đến đời thứ 9 chi trưởng xuất hiện 2 nhân vật nổi danh là Bùi Huy Bích và Bùi Phổ.

Bùi Huy Bích đỗ đầu khoa thi năm 1769 tức Đình nguyên Hoàng giáp, làm quan thăng qua các chức vụ khác nhau, sau làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), tước Kế Liệt hầu. Sau đó ông xin nghỉ hưu.

Sau này xảy ra nạn kiêu binh làm loạn kinh thành, khống chế cả chúa Trịnh, Bùi Huy Bích dù đã nghỉ hưu nhưng khi làm quan có uy tín trong Triều đình, nên ông đã đứng ra thương lượng giữa hai bên, nhờ đó mà tình hình mới yên. Sau chiến công này Bùi Huy Bích được phong làm Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng, đây là chức quan đứng đầu cả Triều đình chỉ dưới Chúa, nhưng ông không nhận mà cáo bệnh về quê.

Không chỉ nổi danh bởi quan lộ, Bùi Huy Bích còn nổi danh bởi ông là nhà văn, nhà sử học có tiếng với các tác phẩm như: Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, Nghệ An thi tập, Tồn Am thì văn tập…

hoang viet 2
Tác phẩm ‘Hoàng Việt thi văn tuyển’ của Bùi Huy Bích. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Bùi Phổ là vị quan danh tiếng dưới thời vua Gia Long, ông làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, được Vua quý mến, hậu đãi, trở tành tấm gương cho con cháu.

Sau này các thế hệ họ Bùi có nhiều người đỗ đạt và thành danh ở các lĩnh vực khác nhau. Việc khuyến học của họ Bùi ở Thịnh Liệt cũng có nề nếp, ngoài khuyến học với từng cá nhân còn vinh danh các gia đình hiếu học.

Thịnh Liệt là một trong số ít các làng có cả Văn chỉ lẫn Thọ chỉ. Nhà thờ họ Bùi có bức hoành phi “Sơn Nam Vọng Tộc” do vua Lê Hiển Tông ban tặng, được treo ở cửa Từ đường, khẳng định dòng họ vọng tộc của trấn Sơn Nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: