Hồ Tôn Hiến, Từ Hải cùng vợ bé
- Hồ Bạch Thảo
- •
Qua Minh Sử tìm hiểu con người thật của các nhân vật trong Truyện Kiều:
Hồ Tôn Hiến, Từ Hải cùng vợ bé
Hồ Bạch Thảo
Ðể nắm vững nội dung bài viết một các rốt ráo, xin đề nghị bạn đọc sử dụng bản đồ Google [http://maps.google.com], vùng ven biển Trung Quốc, thuộc tỉnh Chiết Giang [Zhejiang], phía nam Thượng Hải. Quân của Hồ Tôn Hiến, Từ Hải thường lui tới hoạt động chung quanh vũng biển hình tam giác, góc phía tây là Hàng Châu. Có một vài địa danh vùng này vẫn tồn tại trong bản đồ hiện nay như: Gia Hưng châu [Jiaxing], trấn Sạ Phố [Zhapu], sông Tiền Ðường [Qiantangjiang], Hàng Châu [Hangzhou],Tô Châu [Suzhou], Thượng Hải [Shanghai].
Nội dung bài là bản dịch Liệt truyện Hồ Tôn Hiến trong Minh Sử, (quyển 205) liên quan đến các nhân vật nêu tại đầu đề; nhưng trước khi đi vào chính văn xin lược qua một vài nét khái quát:
- Hồ Tôn Hiến đậu Tiến Sĩ, ra làm quan đến chức Án Sát Chiết Giang. Dựa vào viên quan giám sát có uy thế đương thời, Tôn Hiến được thăng chức Tuần phủ, rồi Tổng đốc.
- Giao tranh với Từ Hải tại vùng Chiết Giang bị thua, Tôn Hiến đổi sách lược bằng cách cầu hoà.
- Tôn Hiến dùng thuyết khách móc nối với một đầu đảng giặc tên Uông Trực, người đứng vào hàng đàn anh Từ Hải.
- Uông Trực cho con nuôi đến giúp Tôn Hiến dụ Hải ra hàng; Tôn Hiến lại dùng tiền, lễ vật dụ người thiếp của Hải để khuyên chồng ra hàng.
- Tôn Hiến dùng kế ly gián giết được Từ Hải cùng hai đồng đảng là Trần Ðông, Ma Diệp.
- Rồi viên tướng giặc đầu hàng đã từng giúp cho Từ Hải là Uông Trực cũng bị giết luôn.
- Sự thất tín của Tôn Hiến khiến quân Nụy [Nhật] đến phục thù, cướp phá nhiều tỉnh vùng duyên hải. Các quan lại dâng biểu đàn hặc Tôn Hiến đã gây hoạ cho Trung Quốc.
- Tôn Hiến dùng các vật quý như hươu trắng, rùa trắng dâng lên vua Gia Tĩnh để không những được tha mà còn được thăng chức coi luôn các tỉnh duyên hải. Nhưng cuối cùng lại bị đàn hạch tiếp, nên buồn mà chết.
Liệt truyện Hồ Tôn Hiến
Hồ Tôn Hiến tự Nhữ Trinh, người đất Tích Khê [tỉnh An Huy], đậu Tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ 17 [1538]. Lần lượt giữ chức tri huyện Ích Ðô và Dư Diêu; rồi được thăng Ngự sử, Tuần án Tuyên, Ðại. Nhận chiếu chỉ coi quân Tả vệ Ðại Ðồng tại Dương Hoà, Ðộc Thạch, Tốt Tụ, Như Hoa; Tôn Hiến một mình cưỡi ngựa đến chiêu dụ Hứa Vật Tỷ nên bình định được.
Năm Gia Tĩnh thứ 33 [1554] làm Án sát Chiết Giang. Lúc bấy giờ Uông Trực, người đất Hấp, chiếm 5 đảo; xui giặc Nuỵ [Nhật Bản] vào cướp phá; còn bọn Từ Hải, Trần Ðông, Ma Diệp sào huyệt tại Thạch Lâm, Sạ Phố, Xuyên Sa Oa, hằng ngày cướp phá các quận ấp. Vua Gia Tĩnh mệnh Trương Kinh làm Tổng đốc, Lý Thiên Sủng làm Tuần phủ Chiết Giang; lại mệnh Thị lang Triệu Văn Hoa giám sát đôn đốc quân vụ. Văn Hoa dựa vào Nghiêm Tung, người có uy thế trong triều lúc bấy giờ, để đưa nhiều sách hạch, Kinh và Thiên Sủng không nghe, chỉ có một mình Tôn Hiến hùa theo. Văn Hoa rất bằng lòng Tôn Hiến và tìm cách bài xích hai người kia.
Lúc bấy giờ giặc Nuỵ đánh Gia Hưng, viên thủ thần dùng rượu độc giết được vài trăm, rồi Tổng đốc Kinh phá giặc tại Vương Giang Kính, Tôn Hiến có dự vào; nhưng Văn Hoa hoàn toàn che công của Kinh và quy công cho Tôn Hiến. Rồi tìm cách vu hãm Thiên Sủng, thăng Tôn Hiến chức Hữu thiêm Ðô Ngự sử để thay thế chức Tuân phủ Chiết Giang. Lúc này giặc Nuỵ tại Thạch Lâm di chuyển về Ðào Trạch, thế lực hơi giảm. Lại gặp lúc Tuần phủ Tô [Tô Châu], Tung, đánh Nuỵ tại Hứa Thự; Văn Hoa muốn tranh công nhưng không được, nên rất hận, bèn mang binh đến đánh tàn quân của giặc tại Ðào Trạch. Tôn Hiến tham dự, mang 4000 quân tinh nhuệ tại doanh Chuyên Kiều hẹn giáp công. Quân Nuỵ tử chiến, quân Tôn Hiến chết hơn 1000 tên; Văn Hoa sai Phó sứ Lưu Ðảo đánh, lại đại bại. Rồi quân Nuỵ xâm phạm các châu huyện vùng Chiết Ðông, giết quan lại văn võ rất nhiều. Tôn Hiến cùng Văn Hoa bàn kế chiêu an; Kế đó Văn Hoa về triều, y bài xích Tổng đốc Dương Nghi cùng tiến cử Tôn Hiến chức Hữu Thị lang bộ Binh để thay thế.
Trước đó Tôn Hiến sai hai thuyết khách tên Tưởng Châu, Trần Khả Nguyện đến dụ Quốc vương Nhật Bản; gặp con nuôi của Uông Trực là Ngạo tại vùng 5 đảo, bèn mời đến gặp Trực. Trực trước đây dụ quân Nuỵ đến, Nuỵ kiếm được rất nhiều lợi, nên càng ngày càng đến các đảo này. Nhưng quân Trực đánh nhau bị chết nhiều, cả đảo không có người về, nên nhà có người chết đều oán Trực. Trực và Ngạo cùng bọn Hoa Bích Xuyên, Vương Thanh Khê, Tạ Hoà giữ 5 đảo; người trên đảo gọi Trực là Lão Thuyền Chủ. Tôn Hiến với Trực là đồng hương, nên tìm cách chiêu dụ; thả mẹ và vợ Trực ra khỏi ngục Kim Hoa, rồi tư cấp rất hậu. Bọn Châu chuyển lời dụ của Tôn Hiến, Trực động tâm; lại được biết mẹ và vợ bình an, Trực rất mừng nói rằng:
“Du Ðại Du (1) tuyệt đường về của tôi, nếu tha cho việc làm tại Hứa Thị (2), thì tôi cũng muốn về; nhưng hiện nay Quốc vương Nhật Bản đã mất, các đảo không thuận nhau, nên cần phải chiêu dụ từ từ.”
Nhân lưu Châu lại, cho Ngạo cùng Khả Nguyện về. Tôn Hiến ưu đãi Ngạo, lệnh lập công; Ngạo đánh phá quân Nuỵ tại Châu Sơn và Liệt Biểu. Tôn Hiến xin triều đình ban cho Ngạo vàng, tiền; rồi cho trở về. Ngạo rất mừng, báo tin việc Từ Hải mang quân vào. Chẳng bao lâu bọn Hải dẫn quân Nuỵ tại 2 đảo Ðại Ngung, Lung Ma xâm lược Qua Châu, Thượng Hải, Từ Khê; riêng Hải mang hơn một vạn quân đánh phá Sạ Phố, phối hợp với bọn Trần Ðông, Ma Diệp. Tôn Hiến chặn giặc tại Ðường Thê, cùng Tuần phủ Nguyễn Ngạc làm thế ỷ dốc (3). Lúc quân Từ Hải tiến đến Tao Lâm, Ngạc sai viên Du kích Tôn Lễ đánh Hải tại Tam Lý Kiều, Sùng Ðức. Lễ tử trận, Ngạc rút lui về Ðồng Hương.
Tôn Lễ người đất Thường Thục, từ chức Thiên hộ Do Thế lên đến quyền Ðô đốc thiêm sự. Kiêu dõng dám đánh, luyện quân 3000 đánh phá Nuỵ nhiều lần, đến nay bại tử trận, truy tặng Ðô đốc đồng tri, thụy Trung Tráng, ban đền thờ tại Tao Lâm.
Sau khi Ngạc rút vào Ðồng Hương, giặc thừa thế vây. Tôn Hiến nói rằng:
“Cùng với Ngạc chịu vây hãm thực vô ích!”
Rồi trở về Hàng Châu bày kế, sai Chỉ huy Hà Chính mang thư của Ngạo đến dụ Từ Hải hàng. Hải kinh ngạc nói:
“Lão Thuyền Chủ cũng hàng ư!”
Lúc bấy giờ Hải bị thương, nên trong lòng có phần dao động, nói rằng:
“Quân có 3 cánh, không phải do một mính tôi chỉ huy.”
Chính nói:
“Trần Ðông đã ước hẹn với họ rồi, chỉ lo một mình ông mà thôi.”
Do đó Hải nghi Ðông. Riêng Ðông được tin có sứ giả của Tôn Hiến tại doanh của Hải, rất kinh sợ; bởi vậy hai bên có hiềm khích. Sau khi thuyết được Hải, Hải cho sứ đến tạ và yêu sách tài vật, tất cả đều được đáp lại theo lời xin. Hải bèn trả lại 200 tù binh bị bắt, giải vây Ðồng Hương. Trần Ðông đánh thêm 1 ngày, rồi cũng bỏ trở về sào huyệt tại Sạ Phố. Ngạc biết rằng không cự nổi Hải, bèn qua phía đông sông Tiền Ðường để đánh giặc khác.
Trước đây khi quân Hải đổ bộ vào đất liền, ra lệnh nhận chìm thuyền, biểu lộ quyết tâm không trở về. Ðến nay Hồ Tôn Hiến lại sai người nói với Hải rằng:
“Nếu có ý nội phụ, thì vùng sông Ngô Tùng hiện nay có giặc, sao không đến đó lập công, lại lấy được một số thuyền làm kế lâu dài.”
Hải cho là đúng, đột kích vùng Chu Kính, giết hơn 30 tên. Tôn Hiến sai Du Ðại Du ngầm đến đốt thuyền, khiến trong lòng Hải đâm sợ; bèn cho em là Hồng đến làm con tin, hiến những thứ bản thân dùng như mũ Phi Ngư, kiên giáp, danh kiếm và những đồ thưởng ngoạn. Tôn Hiến đãi Hồng rất hậu, dụ Hải bắt trói bọn Trần Ðông, Ma Diệp; sẽ được ban chức thế tập. Hải quả trói được Diệp đem đến hiến, Tôn Hiến cởi trói cho Diệp, lệnh Diệp viết thư xui Trần Ðông đánh Hải, lại ngầm tiết lộ thư này cho Hải. Hải giận, người thiếp của Hải lại nhận hối lộ của Tôn Hiến khuyên Hải ra hàng. Do đó Hải lập kế trói Trần Ðông đem hiến, cầm 500 quân đến Sạ Phố đóng doanh tại Lương Trang; quan quân đến đốt phá sào huyệt Sạ Phố, giết hơn 300 người. Hải xin hàng trong ngày, vội đến trước giờ hẹn, lưu giáp sĩ ngoài thành Bình Hồ, đốc suất Tù trưởng hơn 100 tên, đồng phục giáp trụ đi vào. Văn Hoa sợ, không muốn chấp nhận. Tôn Hiến cưỡng lại cho vào. Hải cúi đầu nhận tội, Tôn Hiến xoa đỉnh đầu Hải phủ dụ. Hải tự chọn Trầm trang để đóng quân. Trầm trang gồm hai trang phía đông và phía tây, ở giữa có sông làm hào; Tôn Hiến cho Hải ở trang phía đông, để trang phía tây cho đồ đảng của Trần Ðông đóng. Rồi Tôn Hiến bảo Ðông gửi thư cho đồ đảng rằng: “Ðốc phủ [Tôn Hiến] sai Hải đánh chúng bay đêm nay.”
Ðồ đảng của Ðông sợ, đang đêm mang quân đánh Hải. Hải mang hai người thiếp băng qua đường tắt, trúng phải giáo. Sáng hôm sau, quan quân vây, Hải nhảy xuống nước chết. Lại gặp lúc Lư Ðường bắt được Tốt Ngũ Lang đến, Tốt Ngũ lang là em của Ngung đảo chủ. Bèn giải Hồng, Ðông, Diệp, Ngũ Lang, cùng thủ cấp của Từ Hải đến kinh sư. Vua rất mừng, cho làm lễ thái miếu, thăng Hồ Tôn Hiến chức Hữu Ðô Ngự sử, ban vàng. Dư đảng của Từ Hải chạy đến Châu Sơn. Tôn Hiến sai Du Ðại Du ban đêm đốt trại. Lưỡng Chiết (4) giặc Nuỵ tạm bình.
Tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 36 [1557], Nguyễn Ngạc bị đổi làm Tuần phủ Phúc Kiến; Hồ Tôn Hiến được mệnh kiêm Tuần phủ Chiết Giang. Tưởng Châu hoạt động trong hàng ngũ Nuỵ dụ được hai đảo chủ Sơn Khẩu, Phong Hậu là Nguyên Nghĩa Trường, Nguyên Nghĩa Trấn trả lại những người bị bắt và mang phương vật vào triều cống. Tôn Hiến tâu lên, chiếu ban thưởng các Sứ giả rất hậu, rồi cho về. Ðến tháng 11 cho viên Di quan Thiện Diệu cùng Uông Trực đến buôn bán, ghé thuyền tại Cầm Cảng. Người dân Chiết Giang nghe tin Uông Trực cùng quân Nuỵ đến, kinh hãi. Tuần án Ngự sử Vương Bản Cố cũng cho rằng bất tiện, quan trong triều cho là Tôn Hiến gây họa cho miền đông nam. Trực sai Ngạo đến bảo Tôn Hiến rằng:
“Bọn chúng tôi phụng chiếu chỉ đến đây, dẹp việc binh để yên biên cảnh, đáng sai sứ đến đón từ xa để khao thưởng; nay dàn ra nhiều quân, cấm thuyền bè qua lại, như vậy là muốn đánh chúng tôi ư!”
Tôn Hiến đem lời phủ dụ tiếp, nhưng Trực không tin, lại sai người con [Ngạo] viết thư chiêu dụ. Trực nói:
“Con sao ngu quá. Cha mày ở đây thì họ hậu đãi mày. Nếu cha mày đến đó thì cả hai cùng chết!”
Rồi đòi hỏi một vị quý quan đến làm con tin. Tôn Hiến sai [Chỉ huy] Hà Chính cùng Ngạo đến. Tôn Hiến trước đó đã viết sớ tâu xin tha Trực, từng dẫn Ngạo vào phòng ngủ cho xem riêng [tờ sớ]. Ngạo đem chuyện này nói với Trực, nên giải mối hiềm nghi; rồi cùng Bích Xuyên, Thanh Khê đến yết kiến; Tôn Hiến uỷ lạo rất hậu, lệnh đến Hàng Châu gặp Bản Cố. Bản Cố bắt Trực bỏ vào ngục; Tôn Hiến dâng sớ tha cho Trực tội chết, để yên việc binh trên biển và yên lòng Phiên Di. Bản Cố tranh luận chống lại và người ngoài nghi rằng Tôn Hiến nhận hối lộ; Tôn Hiến sợ nên thay đổi ý kiến. Trực bị xử tội chết, Bích Xuyên và Thanh Khê bị đày đến biên giới. Ngạo cùng Tạ Hoà bèn đem giải Hà Chính đến sách Châu Sơn, chặn Cầm cảng phòng thủ. Quan quân vây bốn phía, giặc tử thủ, bị chết nhiều.
Ðến mùa xuân năm sau [1557], giặc Nuỵ mới đến rất đông, chiếu chỉ xuống nghiêm trách Hồ Tôn Hiến. Tôn Hiến sợ tội, dâng sớ trình bày chiến công, và cho rằng giặc có thể diệt trong tương lai gần. Ty sở quan bàn về sự khi trá, nhà vua giận, đoạt chức các tướng như bọn Du Ðại Du; khiển trách Tôn Hiến nặng nề, bắt phải hẹn ngày dẹp tan giặc. Lúc bấy giờ Triệu Văn Hoa đã bị tội chết, Tôn Hiến mất chỗ dựa trong triều, lại thấy giặc Nuỵ không hết, nên nghĩ cách xu mị vua. Nhân bắt được hươu trắng tại Ðan Châu, bèn đem hiến. Nhà vua rất vui, làm lễ cáo miếu, ban tiền bạc rất nhiều. Chẳng bao lâu lại hiến thêm hươu trắng, vua lại càng vui hơn, cáo tạ Huyền Cực Bảo Ðiện, trăm quan chúc mừng, thăng trật cho Tôn Hiến. Rồi giặc tại cảng Cầm di chuyển đến Kha Mai, quan quân đánh mấy lần nhưng không hạ được. Ngự sử Lý Hồ đàn hặc Tôn Hiến dụ Uông Trực gây hấn. Bản Cố cùng Cấp sự trung Lưu Nhiêu Hối lại đàn hặc dùng binh lâu, nuôi dưỡng giặc; xin truy đoạt thưởng. Nhà vua sai đình thần bàn, cho rằng Tôn Hiến công nhiều đừng nên bãi chức. Nhà vua khen việc bắt Uông Trực, vẫn cho giữ chức như cũ.
Giặc di chuyển đến Kha Hải, chế tạo hạm lớn mưu rút lui. Ðến khi chiến hạm làm xong, Tôn Hiến để cho đi, không đánh. Giặc trương buồm đến Ngô Dự, cướp phá châu huyện vùng biển Mân [Phúc Kiến]. Dân Mân kêu la rằng Tôn Hiến giá hoạ; Ngự sử Hồ lại đàn hặc Tôn Hiến 3 tội lớn. Hồ và Du Ðại Du đều quê tại đất Mân, nên Tôn Hiến nghi Ðại Du tiết lậu tin tức, bèn kể tội Ðại Du không ra sức đánh; do đó Ðại Du bị bắt.
Vào lúc này, vùng Giang Bắc, Phúc Kiến, Quảng Ðông đều bị Nuỵ xâm nhiễu; Tôn Hiến tuy quản đốc mấy chục phủ phía đông nam; nhưng xa xôi nên làm công việc chỉ đạo từ đằng xa, không thể đến tận nơi mà trù hoạch. Nhưng có được chiến thắng nhỏ thì được luận công ban thưởng, gặp bại thì không bị kết tội. Vào năm thứ 38 [1559] giặc cướp phá lớn tại Ôn, Ðài; một cánh riêng thì đánh các huyện ven biển; Cấp sự trung La Gia Tân, Ngự sử Bàng Thượng Bằng phụng chiếu đi khám, tâu rằng Tôn Hiến nuôi dưỡng giặc, đáng đưa vào trọng điển, nhưng nhà vua vẫn không hỏi tội. Năm sau bình công dẹp Uông Trực, được thăng hàm Thái tử Thái bảo.
Tôn Hiến nhiều quyền biến, ham công danh; nhân Văn Hoa liên kết với cha con Nghiêm Tung, nên hàng năm đem vàng, bạc, con gái, đồ dâm xảo đến hiến vô số. Văn Hoa chết, Tôn Hiến càng kết giao với Tung, uy quyền vang dội miền đông nam. Tình hiếu khách, mời các Sĩ phu miền đông nam đến bàn bạc; danh tiếng do đó dấy lên. Ðến như bọn kỹ thuật tạp lưu, cũng nuôi dưỡng ra ân, nên có được người đắc lực. Nhưng đặt thêm dao dịch, tăng thuế má, dân thêm khốn khổ; còn việc xâm đoạt kho công, vơ vét tài vật của phú hào thì rất nhiều. Gia Tân, Thượng Bằng trở về triều, dâng sớ Tôn Hiến xâm phạm nô khố đến 33.000 [lạng], sổ sách thì huỷ hoại. Tôn Hiến tự biện bạch:
“Thần ra sức trừ giặc, dùng gián điệp và tiền bạc mua chuộc, không đưa ra lợi nhỏ không thành được đại mưu.”
Nhà vua cho là phải. rồi ban chỉ dụ an ủi. Tôn Hiến dâng sớ xin bỏ chức Tuần vũ, Ðô Ngự sử Thao Giang; như thời xưa tại Tam Biên. Nhà vua tấn phong Tôn Hiến chức Thượng thư bộ Binh và chấp nhận lời thỉnh. Tôn Hiến lại tiếp tục hiến 2 con rùa màu trắng và cỏ linh chi ngũ sắc; nhà vua lại kính tạ văn miếu như trước và gia thưởng thêm.
Vào năm sau [1560] giặc tại Giang Tây nổi lên, được lệnh kiêm nhiệm trông coi Giang Tây. Chưa đến nơi, thì quan Tổng binh Thích Kế Quang đã bình xong giặc. Tháng 9 Tôn Hiến tâu:
“Giặc mấy lần xâm phạm Ninh, Ðài, Ôn; quân ta trước sau bắt và chém hơn 1400 tên, giặc được bình định xong.”
Vua mừng, gia phong hàm Thiếu Bảo. Rồi Lưỡng Quảng dẹp được giặc dữ Trương Liên, cũng quy công cho Tôn Hiến. Lúc bấy giờ Tung đã mất, Ðại học sĩ Từ Giai nói:
“Lưỡng Quảng dẹp được giặc, tại sao quan tại Chiết Giang lại được tham dự công?”
Nên chỉ ban cho tiền mà thôi. Chẳng bao lâu Cấp sự trung Nam Kinh Lục Phượng Nghi đàn hặc Tôn Hiến cùng đảng với Nghiêm Tung cùng 10 tội tham dâm lừa phỉnh, chiếu chỉ ban đòi về hỏi tội. Khi Tôn Hiến về đến nơi, nhà vua nói:
“Tôn Hiến không thuộc đảng của Tung, Trẫm cất nhắc dùng 8, 9 năm nay; không ai nói gì cả. Từ khi hiến những vật có điềm lành, bị bọn gian ghen tị. Trước đây đã bàn rằng ai bắt được Uông Trực được phong ngũ đẳng, nay nếu thêm tội, sau này có ai vì ta gánh công việc? Hãy tha cho sống yên ổn.”
Lâu sau đó, gặp tiết Vạn Thọ (5), dâng 14 bí thuật; nhà vua rất mừng, sắp đem ra dùng. Gặp lúc Ngự sử Uông Nhữ Chính tịch thu đồ vật tại nhà La Long Văn (6) trong đó có lá thư do Tôn Hiến viết. Nhân lúc bị đàn hặc, Tôn Hiến viết thư này cho Nghiêm Thế Phồn, bèn mượn tay La Long Văn chuyển giao; do lá thư nên Tôn Hiến bị bắt hạ ngục. Tôn Hiến tiếp tục trần tình việc đánh giặc Nuỵ có công, chỉ vì hiến các vật có điềm lành nên bị các quan thanh tra đàn hặc và bới móc việc Nhữ Chính nhận hối lộ. Cuối cùng nhà vua thương Tôn Hiến, bắt Nhữ Chính vào ngục. Rồi Tôn Hiến buồn mà chết; riêng Nhữ Chính được phóng thích, đến đầu đời Vạn Lịch [1573-1619] Chính lại làm quan, tên thuỵ là Tương Mậu.
HỒ BẠCH THẢO
Chú thích:
1. Du Ðại Du: lúc bấy giờ làm Tham tướng coi quân tại tỉnh Chiết Giang
2. Hứa Thị: tên huyện tại tỉnh Hồ Nam.
3. Ỷ dốc: quân đóng tại hai nơi, lập thế cứu ứng lẫn nhau.
4. Lưỡng Chiết: Chiết Ðông, Chiết Tây; tỉnh Chiết Giang chia làm 2, phía nam sông Tiền Ðường tức Chiết Ðông, phía bắc Chiết Tây.
5. Tiết Vạn Thọ: sinh nhật vua.
Từ khóa Truyện Kiều Hồ Bạch Thảo