Hoàng Hạc Lâu và những câu chuyện đắc Đạo thành Tiên
- An Hòa
- •
Hoàng Hạc Lâu được xưng là thiên cổ danh lâu. Nơi đây không chỉ nổi danh với kiến trúc hùng vĩ và tinh xảo mà còn nổi tiếng là thánh địa của Tiên nhân, nơi người tu Đạo thời xưa thành Tiên, để lại nhiều truyền thuyết.
Trong tác phẩm “Hoàng Hạc Lâu ký” của tác giả Diêm Bá Cẩn và tác phẩm “Nhập Thục ký” của tác giả Lục Du thời Đường đều có ghi ghép về nguồn gốc cái tên “Hoàng Hạc”. Theo đó, Phí Y, một đại tướng quân thời Thục Hán được thành Tiên. Tương truyền, sau khi Phí Y đăng Tiên thường cưỡi hạc vàng quay trở lại nhân gian và ở lại Hoàng Hạc Lâu. Hiện tại ở phía đông bắc của Hoàng Hạc Lâu có dựng một đình Phí Y, phản ánh truyền thuyết này.
Trong “Báo ứng lục” cũng có ghi chép một câu chuyện về cái tên Hoàng Hạc Lâu. Trước khi Hoàng Hạc lâu được xây dựng, gần đó có một quán rượu, chủ nhân của quan rượu mang họ Tân. Ngày nọ, có một người khách vóc dáng to lớn, vẻ mặt khôi ngô nhưng mặc quần áo rách rưới đến quán. Vị khách hỏi ông chủ với ngữ khí bình tĩnh: “Có thể cho tôi một chén rượu không?”
Ông chủ Tân thấy người đàn ông có khí độ bất phàm, liền dâng lên một bát rượu lớn. Trong cả nửa năm sau đó, vị khách này đều đến quán xin uống rượu nhưng đều không trả tiền. Dù vậy, ông chủ họ Tân chưa bao giờ có thái độ thất lễ, trái lại luôn tiếp đón chu đáo.
Một hôm, vị khách nói với ông chủ: “Tôi thiếu nợ tiền rượu của ông rất nhiều nhưng tôi lại không có tiền trả cho ông”. Vừa nói xong, vị khách lấy ra một miếng vỏ quýt, vẽ lên tường trong quán một con hạc. Sau đó ông vừa đánh nhịp vừa ca hát. Không ngờ, con hạc trong bức tranh trên tường cũng vỗ cánh múa theo. Những người khách khác trong quán rượu thấy cảnh tượng kỳ diệu như vậy liền tụ lại xem và để lại tiền thưởng.
Con hạc nhảy múa trên tường này giúp cho ông chủ Tân phát tài. Một ngày vào mười năm sau, vị khách xưa lại đến, vẫn với bộ dạng rách rưới như cũ. Ông chủ Tân tiến đến nói lời cảm ơn và xin được phụng dưỡng vị khách.
Vị khách cười đáp: “Ta không phải vì điều này mà đến”. Sau đó, vị khách lấy ra một cây sáo từ trong ngực và thổi. Chỉ chốc lát sau, những đám mây trắng từ trên bầu trời bay tới và hạ xuống. Lúc này, con hạc vàng trên tường bay đến bên cạnh vị khách, vị khách bước lên lưng hạc, bay lên trời. Về sau, ông chủ Tân đã dùng số tiền kia xây dựng một kiến trúc để tưởng nhớ chuyện hạnh ngộ đó và đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.
Những câu chuyện về người tu Đạo thành Tiên ở Hoàng Hạc Lâu có rất nhiều. Như trong cuốn “Nam Tề thư” có ghi lại truyền thuyết về Tử An, một người trần tu Đạo thành Tiên. Tử An từng cưỡi hạc vàng bay qua Hoàng Hạc Lâu.
Nhâm Phưởng thời Nam Triều từng viết trong cuốn “Thuật dị ký” câu chuyện Tuân Tương gặp được Tiên nhân ở lầu Hoàng Hạc. Tuân Tương, hay còn gọi là Thúc Vĩ là một người con rất hiếu thảo, yêu thích văn chương và đạo thuật. Tự bản thân ông ở ẩn tu hành. Ông chọn cách tịch cốc, không dùng bất cứ đồ ăn thức uống gì ở nhân gian.
Ông từng đi đến Giang Hạ nghỉ chân và cũng đến Hoàng Hạc Lâu nghỉ ngơi. Khi đứng trên lầu nhìn ra thì ông thấy ở phía Tây Nam có một vật gì đó phiêu phiêu nhẹ nhàng từ trên trời giáng xuống. Rồi từ trên xe hạc có một vị Tiên nhân bước đến trước mặt ông. Chim hạc thu cánh lại và đỗ ngoài cửa lầu. Vị Tiên nhân khoác áo lông vũ tiến vào trong lầu và đàm luận với Tương Tuân. Hai người vừa nói vừa cười, thật sự rất hợp ý. Sau đó, vị Tiên nhân từ biệt và cưỡi hạc bay vào không trung rồi biến mất, không để lại dấu vết gì.
Tương truyền Lã Động Tân cũng ở Hoàng Hạc Lâu thăng thiên. Lã Động Tân có thể nói là vị Tiên nổi tiếng nhất trong Bát Tiên của Đạo giáo. Ông tên là Lã Nham, tự là Động Tân, đạo hiệu là Thuần Dương Tử. Ông được phái Toàn Chân tôn sùng là Thuần Dương tổ sư.
Truyền thuyết kể rằng khi Lã Động Tân giáng sinh, mùi hương tỏa khắp phòng, âm nhạc thiên đường vang khắp không trung, lại có một con hạc trắng từ trên trời hạ xuống, bay vào trong màn trướng rồi biến mất. Ông từ nhỏ đã thông minh nhanh trí, xuất khẩu thành thơ. Khi ông trưởng thành thân dài tám thước hai tấc, mặt mũi tươi cười, để râu dài và thích quàng khăn. Vào những năm Hội Xương nhà Đường, ông vâng mệnh cha mẹ đến Trường An dự thi. Một ngày nọ, khi đang ở Trường An uống rượu lúc thanh nhàn, ông gặp đạo sĩ Chung Ly Quyền. Chung Ly Quyền mình choàng áo trắng, tay cầm bút viết lên tường ba bài thơ tứ tuyệt. Nhờ có sự chỉ đạo của Chung Ly Quyền, Lã Động Tân đã bỏ sự nghiệp làm quan đi quy ẩn.
Trong cuốn “Lã tổ chí” có ghi chép lại mười khảo nghiệm mà Chung Ly Quyền đặt ra khi nhận Lã Động Tân làm đồ đệ, để khảo nghiệm xem tâm tính của Lã Động Tân thuần tịnh đến mức độ nào, có đạt được yêu cầu tiêu chuẩn của người tu Đạo không. Lã Động Tân lần lượt vượt qua được mười khảo nghiệm này. Sau đó, Lã Động Tân đi theo Chung Ly Quyền lên Hạc Lĩnh núi Chung Nam và nhận được chân truyền tu Đạo.
Theo truyền thuyết, Lã Động Tân từng ở Hoàng Hạc Lâu truyền Đạo và tu hành. Cuốn “Lịch thế chân tiên thể đạo thông giám” của Đạo Tạng viết rằng, Lã Động Tân “đăng Hoàng Hạc Lâu, dĩ ngũ nguyệt nhị thập nhật ngọ khắc thăng thiên nhi khứ” (Lên lầu Hoàng Hạc, vào giờ ngọ, ngày 20 tháng 5 thăng thiên mà đi).
Những truyền thuyết tu Đạo thành Tiên này đã làm cho Hoàng Hạc Lâu trở nên nổi danh là một thánh địa. Bởi vậy thi nhân nhà Đường Thôi Hạo đã muốn lưu lại bằng những vần thơ cảm thán: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, thử địa không dư Hoàng Hạc lâu”, người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi, nơi đây chỉ còn lầu Hoàng Hạc trống không. Ý tứ là người sống trong trời đất, giống như “bóng câu qua cửa”, giống như mây tụ mây tan, người và việc chớp mắt đều không còn, còn như người thành Tiên thành Đạo thì không có mấy ai, cuối cùng bao năm qua đi chỉ còn lại truyền thuyết. Nếu như có thể dứt bỏ sự trói buộc của thế giới vật chất này, bước trên con đường tu luyện, thì sẽ lĩnh ngộ được dẫn dắt sâu sắc đằng sau những câu chuyện tưởng chừng là “truyền thuyết” ấy.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu luyện Hoàng Hạc Lâu đắc đạo Thần Tiên