Trong thời đại đạo đức đang trượt dốc, thật khó mà phân biệt được tốt xấu, thiện ác, đúng sai. Nếu như trong tâm một người không có tiêu chuẩn để đánh giá thì sẽ dễ dàng nghe theo ý kiến ​​bên ngoài và mất đi khả năng phân biệt thật giả chân chính. Một người nếu không có trí tuệ phân biệt được thật giả thì sẽ rất dễ dàng bị mê hoặc, bị lừa bởi những thứ giả dối, thậm chí làm ra những chuyện không có lý trí dẫn đến chuốc họa vào thân.

tử vi, 5 phép tắc xử thế của cổ nhân đem lại cuộc đời thông thuận
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Sách Luận Ngữ viết rằng: “Trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”, người trí tuệ thì không mê muội, người dũng cảm thì không sợ hãi. Nhưng một người muốn trở nên “bất hoặc” thì không phải là chuyện dễ dàng. Mọi người đều biết sự khác biệt của mệnh giá tiền, nhưng ít người có thể nhận biết tiền thật tiền giả. Và cho dù có thể xác định được một tờ tiền thì cũng thật khó để có thể xác định được hàng giả, bằng cấp giả, luận văn giả… Vốn là trong một xã hội có đạo đức cao thì những sản phẩm giả mạo này không nên tồn tại và cũng nhất định sẽ không tồn tại. Chỉ trong một xã hội băng hoại về đạo đức thì mới có người làm những chuyện như thế, thậm chí là làm thành chuyên nghiệp một nghề.

Từ đó mà xét, phân biệt sự vật ở tầng diện cao hơn chính là tu đức. Người có thể phân biệt sự vật thì sẽ không bị mê hoặc ở lợi, và người có thể tu đức thì sẽ không bị mê hoặc ở Đạo. Bậc trí giả chân chính không chỉ có khả năng phân biệt sự vật mà còn có đức hạnh, nên vừa không bị mê hoặc ở lợi lại không bị mê hoặc ở Đạo. Một người muốn trở thành trí giả thì cần phải có trí tuệ và càng cần phải có đạo đức. Chỉ khi có đủ hai điều này thì người ấy mới có thể “trí giả bất hoặc”.

Đạo đức là lý niệm đã có từ rất xa xưa. Thời cổ đại, các bậc thánh nhân đều cho rằng đức là điều kết nối con người với nhau, kết nối con người với trời đất. Trong bất cứ xã hội nào, quan niệm của con người có thể thay đổi, nhưng tiêu chuẩn làm người kỳ thực là không đổi. Dù ít hay nhiều, tiêu chuẩn đạo đức vẫn luôn tồn tại trong tâm của chúng ta, là tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu, đúng sai. Cho dù người ta có cố ý giẫm đạp lên tiêu chuẩn này thì cũng mơ hồ hiểu được đạo lý trong đó. Bởi vì lương tâm luôn tồn tại trong mỗi người, chỉ là nó có vị trí quan trọng hay không mà thôi.

Muốn có “đức” thì cần phải tu tâm. Mỗi người đều có cả hai nhân tố thiện và ác. Để kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện, người ta phải tự mình nghiêm khắc với bản thân mình, không để bản thân sống buông thả, “nước chảy bèo trôi”. Ngoài ra, thông qua giáo dục và cảm hóa, người ta có thể gìn giữ và khôi phục được bản tính của mình. Bởi vậy, trách nhiệm của một người chính trực là đánh thức lương tri, bản tính của những người khác, giúp họ trở về với chính đạo.

Trong cuộc đời, mỗi ngày của một người thông thường đều trải qua hỉ (mừng rỡ), nộ (tức giận, phẫn uất), ai (buồn rầu, bi ai), lạc (vui vẻ). Người mà có thể được thì không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm, như vậy mới có thể giữ tâm cảnh ôn hòa, tu tâm dưỡng tính.

Những người tu luyện xưa nay khi nghiêm khắc bước trên con đường tu tâm, thì có thể buông bỏ sự tự tư, vượt trên cái tình, tu xuất tâm từ bi. Khi ấy họ không chỉ yêu thương những gì thuộc về bản thân mình, mà sẽ đối xử với hết thảy như thể người thân của mình vậy. Lòng từ bi của họ sẽ có thể hoá giải mọi nỗi oán hận và những mâu thuẫn, tranh đấu thiệt hơn, cảm hoá nhân tâm, dẫn dắt con người quay trở về với chính đạo.

Nếu một người có chân thật, lương thiện và nhẫn nại ở trong tâm, người ấy sẽ luôn có thể giữ được cho mình một cái tâm trong sáng và thấu triệt trong hoàn cảnh phức tạp của con người. Họ sẽ không bị thế sự làm mê hoặc.

Theo Zhengjian.org
Tác giả: Quán Minh
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: