Tỉnh Khánh Hòa nằm sát dãy núi Trường sơn trùng điệp, uốn lượn nhấp nhô, bên những thung lũng hẹp dài, chia cắt bởi những con sông tạo nên những tiểu đồng bằng phù sa màu mỡ. Khánh Hòa có vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh nổi tiếng với những dải bờ biển xanh ngắt, cát trắng, nắng vàng. Nơi đây đúng là miền đất thiên nhiên giao hòa và là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của những người yêu thiên nhiên, thích khám phá những vẻ đẹp hoang sơ.

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về phía Bắc, tỉnh Đắk Lắk về phía Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về phía Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về phía Nam và Biển Đông về phía Đông. Đây chính là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam: 109 độ 27’55” kinh độ Đông, tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm của Vịnh Vân Phong. Là nơi đón ánh nắng đầu tiên (phần đất liền) trên lãnh thổ nước ta, Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp. Nơi đây, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C và có hơn 300 ngày nắng trong năm. Với những lợi thế về thiên nhiên như vậy, Khánh Hoà là một trong những cái nôi của du lịch Việt Nam.

Khánh Hòa: Miền đất của thiên nhiên
Khánh Hòa (Ảnh qua ahomevietnam.com)

Nằm sát dãy núi Trường Sơn, đa số diện tích Khánh Hòa là núi non, miền đồng bằng rất hẹp, chỉ khoảng 400 km², chiếm chưa đến 1/10 diện tích toàn tỉnh. Miền đồng bằng lại bị chia thành từng ô, ngăn cách bởi những dãy núi ăn ra biển. Do đó, để đi dọc tỉnh phải qua rất nhiều đèo như đèo Cả, đèo Cổ Mã, đèo Chín Cụm, đèo Bánh Ít, đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì.

Đặc trưng núi non và đồng bằng Khánh Hòa

Địa hình của Khánh Hoà tương đối cao, độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 60 m. Núi ở Khánh Hòa không có nhiều những đỉnh cao chót vót, phần lớn chỉ trên dưới một ngàn mét nhưng gắn với dãy Trường Sơn nên địa hình núi khá đa dạng.

Phía Bắc và Tây Bắc tỉnh có vùng núi cao thuộc dãy Vọng Phu cao hơn 1000 m. Trong đó có dãy Tam Phong gồm ba đỉnh núi cao là Hòn Giữ (1.264 m), Hòn Ngang (1.128 m) và Hòn Giúp (1.127 m). Dãy Vọng Phu – Tam Phong có hướng Tây Nam – Đông Bắc, kéo dài trên 60 km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Khánh Hòa với Phú Yên, Đắk Lắk. Các núi thuộc đoạn giữa của tỉnh có độ cao thấp hơn, có nhiều nhánh đâm ra sát biển tạo nên nhiều cảnh đẹp. Đến phía Nam và Tây Nam lại xuất hiện một vùng núi rộng, với nhiều đỉnh núi cao trên 1.500 m đến trên 2.000 m. Trong đó có Đỉnh Hòn Giao (2.062 m) thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, là đỉnh núi cao nhất Khánh Hòa. Do có nhiều núi, mật độ chia cắt lớn bởi khe, suối, sông tạo thành nhiều hẻm, vực, thung lũng sâu.

Khánh Hòa: Miền đất của thiên nhiên
Đèo Hòn Giao nối Nha Trang với Đà Lạt (Ảnh qua vntrip.vn)

Đồng bằng ở Khánh Hòa đa số nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ra biển. Các đồng bằng lớn ở Khánh Hòa gồm có đồng bằng Nha Trang – Diên Khánh nằm ở hai bên sông Cái với diện tích 135 km²; đồng bằng Ninh Hòa do sông Dinh bồi đắp, có diện tích 100 km². Cả hai đồng bằng này đều được cấu tạo từ đất phù sa cũ và mới, nhiều nơi pha lẫn sỏi cát hoặc đất cát ven biển. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có hai vùng đồng bằng hẹp là đồng bằng Vạn Ninh và đồng bằng Cam Ranh ở ven biển; cùng với lượng diện tích canh tác nhỏ ở vùng thung lũng của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Đường bờ biển và bãi biển

Bên cạnh những dãy núi trùng trùng, điệp điệp, những thung lũng sâu, vực hẻm, những đồng bằng được chia cắt bởi những con sông, Khánh Hòa còn có đường biển và bãi biển.

Khánh Hòa: Miền đất của biển xanh, cát trắng, nắng vàng…
Đường bờ biển Nha Trang. (Ảnh qua originvietnam.com)

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có đường bờ biển đẹp của Việt Nam. Đường bờ biển kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385 km tính theo mép nước với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ. Khánh Hòa có sáu đầm và vịnh lớn là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh.

Thềm lục địa tỉnh Khánh Hòa rất hẹp. Địa hình vùng thềm lục địa phản ánh sự tiếp nối của cấu trúc địa hình trên đất liền. Các nhánh núi Trường Sơn đâm ra biển trong quá khứ địa chất như dãy Phước Hà Sơn, núi Hòn Khô, dãy Hoàng Ngưu, không chỉ dừng lại ở bờ biển để tạo thành các mũi Hòn Thị, mũi Khe Gà (Con Rùa), mũi Đông Ba… mà còn tiếp tục phát triển rất xa về phía biển mà ngày nay đã bị nước biển phủ kín. Vì vậy, dưới đáy biển phần thềm lục địa cũng có những dãy núi ngầm mà các đỉnh cao của nó nhô lên khỏi mặt nước hình thành các hòn đảo như hòn Tre, hòn Miếu, hòn Mun… Xen giữa các đảo nổi, đảo ngầm là những vùng trũng tương đối bằng phẳng gọi là các đồng bằng biển; đó chính là đáy các vũng, vịnh như vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh.

Những danh thắng

Vịnh Vân Phong: Là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới, khí hậu ôn hoà, bãi biển đẹp, cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh, hệ sinh thái biển độc đáo, hoang sơ, và bình yên. Phía Tây vịnh Vân Phong (cách bờ vịnh 20-30 km) là phần kéo dài của dãy Trường Sơn. Phía Đông Nam cửa Vịnh rộng 17 km thông ra biển Đông. Phía Đông Bắc là bán đảo Hòn Gốm gồm các dãy núi nhỏ và cồn cát kéo dài nên tránh được sóng. Phía Đông Nam nằm giữa bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và đảo Cổ Cò, là dải nước hẹp có chiều rộng 200 m có độ sâu trung bình 25 m, là kênh tàu tự nhiên rất thuận lợi. Tổng diện tích khu vực này khoảng 150.000 ha. Trong đó, diện tích mặt nước vùng vịnh khoảng 80.000 ha và diện tích đất liền khoảng 70.000 ha. Khu vực này có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát tuyệt đẹp và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ.

Nói đến Vịnh Vân Phong, hẳn nhiều người đã nghe nói tới con đường dưới biển độc đáo nhất Việt Nam, dài khoảng 700 m, nối liền hòn đảo giữa đến đảo Điệp Sơn lớn. Điệp Sơn gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Con đường uốn lượn, rộng khoảng 1 mét và nằm sâu dưới mặt nước biển trong xanh chưa đến nửa mét. Bạn chỉ có thể đi bộ trên con đường này khi thuỷ triều chưa lên hoặc thuỷ triều đã rút.

Khánh Hòa: Miền đất của thiên nhiên
Vịnh Vân Phong (Ảnh qua annamtourist.com)

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507 km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, 04 đảo nổi tiếng nhất là Hòn Miễu, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Một. Đảo lớn nhất là Hòn Tre, với diện tích 32,5 km2. Đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc, chỉ khoảng 4 ha. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12. Nhiệt độ bình quân hàng năm là 26⁰C, nóng nhất 39⁰C, lạnh nhất 14,4⁰C. Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, động vật quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ.

Khánh Hòa: Miền đất thiên nhiên giao hòa
Vịnh Nha Trang (Ảnh theo vi.wikipedia.org)

Vịnh Cam Ranh là một cảng biển nước sâu, thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh này được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động, có hệ sinh thái phong phú và khí hậu ôn hòa.

Song song với Vịnh Nha Trang, Vịnh Cam Ranh cũng được nhiều du khách tìm đến để tận hưởng không khí mát lành của biển xanh, của cát trắng với các bãi biển thiên nhiên ở đảo tôm hùm Bình Ba, đảo ngọc thô Bình Hưng, đảo thiên đường Bình Lập và Bãi Dài chạy dọc Cam Ranh ra đến sân bay.

Khánh Hòa: Miền đất của thiên nhiên
Vịnh Cam Ranh (Ảnh qua threeland.com)

Xem thêmNghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ

Nguồn cội, dân tộc và lễ hội

Đất Khánh Hoà xưa là một vùng đất thuộc vương quốc Chăm Pa. Năm 1653, vua Chiêm Thành xâm phạm biên cảnh, chúa Nguyễn Phúc Tần sai người đánh dẹp, người Chiêm đầu hàng. Sau đó, vua Chiêm dâng đất từ Phú Yên vào đến sông Phan Rang đặt làm 2 phủ Thái Khương, Diên Ninh và gồm 5 huyện: Quảng Phước, Tân Định (thuộc phủ Thái Khương), Phước Điền, Vinh Xương và Hoa Châu (thuộc phủ Diên Ninh). Vùng đất này là tỉnh Khánh Hoà ngày nay.

Khánh Hoà có 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Kinh là nhiều nhất. Mặc dù là dân bản địa nhưng hiện nay số người Chăm ở Khánh Hoà không còn nhiều, chỉ khoảng chưa đến 300 người, nhiều người đã di cư vào sinh sống ở các tỉnh phía Nam.

Tuy vậy, ngày nay Khánh Hòa còn lưu giữ được khá nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa Chăm Pa và tục thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian. Các lễ hội đều xuất phát từ phong tục tập quán, là nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Theo thống kê của chính quyền địa phương, tính đến năm 2010, Khánh Hòa có 494 di sản lễ hội lớn, nhỏ của người Kinh, bao gồm 237 lễ hội đình làng, 121 lễ hội miếu, lăng và 136 lễ hội chùa. Ngoài ra còn các lễ hội truyền thống của người dân tộc.

Khánh Hòa: Miền đất thiên nhiên giao hòa
Lễ hội tháp Bà. (Ảnh theo tuoitre.vn)

Các lễ hội tiêu biểu:

  • Lễ hội Tháp Bà: Diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến ngày 23 tháng ba âm lịch tại khu di tích Tháp Po Nagar – thành phố Nha Trang, tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ sở (Po Ino Nogar). Đây là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất của hai dân tộc Việt – Chăm ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ, thu hút đông đảo người Việt, người Chăm, người Hoa và du khách đến dự. Năm 2001, lễ hội Tháp Bà được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia.
  • Lễ hội Am Chúa: Tổ chức vào ngày 22 tháng 4 âm lịch để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na, còn gọi là Bà Chúa.
  • Lễ hội đình làng nông nghiệp: Là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ đến tổ tiên, có khác nhau về ngày giờ ở mỗi vùng.
  • Lễ hội Ăn mừng lúa mới: Lễ hội của người dân tộc Raglai ở Khánh Hòa diễn ra hằng năm sau mỗi vụ thu hoạch.
  • Lễ hội Cầu ngư: Tổ chức vào ngày giỗ của ông Nam Hải – hiện thân của loài cá voi. Đây là một tục thờ được diễn ra tại các đình làng.

Ẩm thực

Là một tỉnh ven biển có nhiều làng chài nên phong cách ẩm thực ở Khánh Hòa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, với nguyên liệu chủ yếu được chế biến từ hải sản. Đồng thời cư dân Khánh Hòa xưa chủ yếu di cư vào từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi nên phong cách ẩm thực cũng mang đậm dấu ấn của những người dân của các tỉnh này.

Khánh Hòa: Miền đất thiên nhiên giao hòa
Bún cá Nha Trang (Ảnh theo foody.vn)

Các món đặc sản của Khánh hòa được nhiều người biết đến như nem Ninh Hòa, bún cá Nha Trang, bún sứa, bánh ướt Diên Khánh… Ngoài ra ẩm thực nơi đây còn chịu sự ảnh hưởng của người Hoa sống đông đúc gần khu vực chợ Đầm phường Xương Huân; của người Pháp từng đến Nha Trang nghỉ dưỡng rất đông thời Pháp thuộc và những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954.

Không phải ngẫu nhiên mà Khánh Hoà trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với khí hậu trong lành, những bờ biển dài cát trắng mịn, những hòn đảo hoang sơ, những danh thắng nổi tiếng như vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh… Khánh Hoà hẳn đã mang tới cho nhiều du khách những cảm xúc đồng điệu với cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ca khúc “Nắng vàng, biển xanh và anh”.

Thanh Phong

Xem thêm: