Không có cái gọi là “thái độ trung lập” giữa thiện và ác
- Minh Nhật
- •
Khi nhân loại thờ ơ trước những hành vi vô đạo đức hay mang tính phá hoại để tỏ “thái độ trung lập” thì rốt cuộc sẽ chẳng có ai được an toàn. Những bài học lịch sử về việc này không phải là ít.
Trong Thế Chiến II, các nước như Luxembourg, Bỉ và Hà Lan đều tuyên bố trung lập, nhưng họ vẫn bị quân đội Đức xâm lược. Tương tự, sự trung lập ban đầu của Hoa Kỳ đã không ngăn được Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Giữ thái độ trung lập, hay nói chính xác hơn là thờ ơ, không nhất thiết sẽ mang lại sự an toàn cho người ta.
Bà Hannah Arendt, triết học gia nổi tiếng người Đức, một trong những nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20, đã sử dụng cụm từ “sự tầm thường của cái ác” để mô tả cách Adolf Eichmann, một quan chức chủ chốt của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Đức Quốc Xã), thực thi các việc như một nhân viên của chế độ mà không cân nhắc đến mục đích của chúng. Eichmann là một trong những người tổ chức cuộc diệt chủng Do Thái mà sau này được gọi là Holocaust. Ông ta không trực tiếp giết người Do Thái, nhưng lại phụ trách công tác hỗ trợ và quản lý hậu cần trong việc đưa hàng loạt người Do Thái vào các trại tập trung trong suốt Thế Chiến II.
Trong phiên xét xử ở Jerusalem năm 1961, Eichmann liên tục tuyên bố rằng ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh và các quyết định không phải do ông ta đưa ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn bị kết tội là tội phạm chiến tranh và bị xử tử bằng cách treo cổ.
Bà Arendt đã tham dự phiên tòa và nhận định rằng ngoại hình và tính cách của Eichmann đều bình thường. Do đó, bà cho rằng tội ác có thể là những hành động khác thường của những người bình thường. Khi người ta chỉ biết phục tùng hay giữ “thái độ trung lập” trong một chế độ toàn trị mà không suy nghĩ gì, họ đã trở thành một phần của chế độ đó, họ chấp nhận những hành vi vô đạo đức của chính quyền đó, và họ đồng lõa với tội ác, giống như Eichmann vậy thôi. Cho dù họ có bị cắn rứt lương tâm, họ vẫn dựa vào những giáo điều mà chế độ đó công nhận để bao biện cho mình, theo đó mà xua đi mọi cảm giác tội lỗi của bản thân.
Ngày nay, trong khi Hoa Kỳ tuyên bố không cho phép những người đã gia nhập Đảng cộng sản hay các đảng độc tài đăng ký xin cấp thẻ xanh và nhập tịch Hoa Kỳ, trong khi phong trào Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dâng cao tại Trung Quốc và hải ngoại, thì vẫn có người Trung Quốc thắc mắc rằng vì sao ĐCSTQ là thủ phạm chính mà những người không trực tiếp phạm tội, nhưng lại không chủ động thoái xuất khỏi nó, đều nhận hậu quả (Xem bài: Luật sư: Sở Di trú Mỹ không chấp nhận thoái đảng thụ động). Kỳ thực thái độ của những người thắc mắc như vậy cũng giống như thái độ của Eichmann năm xưa. Họ kỳ vọng rằng khi họ chỉ là “những con ốc vít” của Đảng thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cho tội lỗi mà họ đã thờ ơ.
…
Hãy suy nghĩ về điều này:
Ngày 28 tháng 10 năm 2018, một chiếc xe buýt đã lao xuống sông Dương Tử ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. 15 người, gồm cả tài xế và hành khách, đã chết trong vụ tai nạn. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do một hành khách bỏ lỡ điểm dừng của cô ấy và yêu cầu tài xế dừng xe để cho cô xuống. Tài xế từ chối vì không có điểm dừng xe buýt ngay lúc đó. Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã dẫn đến một cuộc xô xát. Tài xế mất lái khiến xe buýt rơi xuống sông. Tuy nhiên, thông tin điều tra cho thấy trong 5 phút đầu xung đột giữa hành khách và tài xế, không ai khác trên xe tìm cách can thiệp. Họ chỉ ở ngoài, im lặng nhìn cuộc xung đột và để cho thảm kịch diễn ra.
Câu chuyện trên đây, đáng buồn là, cho thấy tâm lý rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Tâm lý thờ ơ này phổ biến đến nỗi từ tận năm 2001, đã có một bộ phim ngắn nổi tiếng gây chấn động nói về nó (Xem bài: Chút hồi tưởng về bộ phim “Chuyến xe buýt số 44”).
Những việc này đã đưa ra một thực tế đau xót về sự trượt dốc đạo đức sau hơn 70 năm bị chà đạp dưới chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nền văn hoá truyền thống và các đức tin đã bị thế chỗ bằng chủ nghĩa vô thần và thuyết đấu tranh giai cấp, bạo lực và lừa dối của Đảng. Quá nhiều người đã trở nên ích kỷ và vô cảm khi chứng kiến nỗi đau khổ của người khác. Để được yên thân, nhiều người ở Trung Quốc ngày nay đã chọn cách im lặng trước nỗi đau của người khác, tỏ “thái độ trung lập”, “không quan tâm đến chính trị”, thậm chí tham gia vào nó, như những gì Eichmann đã làm dưới thời Đức Quốc Xã.
…
Sau khi chứng kiến những gì mà thảm họa COVID-19 đã gây ra cho quê hương mình, Đồ Long, một người Vũ Hán, đã nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng đại dịch virus corona đã thay đổi mong muốn trở thành một công dân ngoan ngoãn của anh. Anh nói, “Nếu không có mấy người bạn ở nước ngoài nói với tôi sự thật [về đại dịch], thì giờ đây, tôi có thể đã chết.”
Anh chia sẻ suy nghĩ của bản thân trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa:
Khi họ trục xuất những người lao động nhập cư ở Bắc Kinh, tôi tự nhủ: “Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi không phải là người nhập cư, tôi sẽ không bị trục xuất.”
Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương [dành cho người Duy Ngô Nhĩ], tôi đã nghĩ, “Tôi không phải là người dân tộc thiểu số, tôi không có tín ngưỡng tôn giáo nào, tôi sẽ không gặp rắc rối.”
Tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân Hồng Kông, nhưng tôi nghĩ, “Tôi sẽ không ra ngoài biểu tình [vì dân chủ] – điều đó không liên quan gì đến tôi.”
Lần này nó ập đến quê hương tôi. Nhiều người tôi biết đã bị bệnh và một số đã chết – tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.
Điều Đồ Long chia sẻ thật giống như bài thơ nổi tiếng của Martin Niemoeller tại Đài tưởng niệm những nạn nhân trong cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã:
BAN ĐẦU HỌ TỚI SÁT HẠI những người Cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là Cộng sản.
RỒI HỌ SÁT HẠI người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái.
RỒI HỌ SÁT HẠI các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.
RỒI HỌ SÁT HẠI người Công giáo, và tôi im lặng vì tôi là người theo đạo Tin lành.
ĐẾN KHI HỌ SÁT HẠI tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa.
…
David Matas(*), luật sư nhân quyền từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vì đóng góp của ông trong việc đưa sự thật về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm mà ĐCSTQ hậu thuẫn ra ánh sáng, đã chia sẻ: Vấn đề cơ bản trong thảm họa COVID-19 là bản chất dối trá của ĐCSTQ. Từ tội ác thu hoạch nội tạng đến sự bùng phát SARS trước đó, ĐCSTQ chưa bao giờ thay đổi hành vi dối trá trong nỗ lực che đậy tội ác của mình, và luôn muốn tuyên truyền cho chế độ trở nên tốt đẹp và tiên phong trong mắt cộng đồng quốc tế.
Theo ông Matas, sự lây lan của COVID-19 trên toàn cầu có nguyên nhân sâu xa là sự thờ ơ của thế giới trước tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đơn cử, trong một khoảng thời gian dài gần 15 năm, thế giới đã có cơ hội khiến Trung Quốc “phải đối mặt với áp lực toàn cầu về tính minh bạch và trách nhiệm trong hệ thống y tế của mình”, cộng đồng quốc tế đã có thể gây áp lực “trong việc phản đối tất cả sự xuyên tạc, che đậy và phủ nhận của chính quyền Trung Quốc về vấn đề lạm dụng cấy ghép tạng”, nhưng các chính phủ đã không đủ quyết liệt. Điều này tạo điều kiện cho chế độ tiếp tục thói quen đàn áp, che giấu và cuối cùng “chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả của việc nhắm mắt làm ngơ trước tội ác lạm dụng ghép tạng”.
Trong quá trình nâng cao nhận thức về tội ác có quy mô không kém gì cuộc diệt chủng Holocaust, và “một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh” này, ông David Matas đã nhận xét: “Đối với rất nhiều người trên thế giới, chỉ vì thuận lợi cho chính trị và kinh tế mà hợp tác với ĐCSTQ.” Tuy nhiên, khi mọi người thờ ơ trước những hành vi vô đạo đức hay mang tính phá hoại để tỏ “thái độ trung lập”, thì rốt cuộc sẽ chẳng có ai được an toàn.
…
Martin Luther King từng nói rằng, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”. Nhưng mấy ai hiểu được lời nói đó? Nếu im lặng, không hành động, vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn.
Minh Nhật
(*) Ông David Matas tốt nghiệp Đại học Oxford, Anh, và là một chuyên gia pháp lý về luật tị nạn, nhập cư và nhân quyền, chuyên gia nghiên cứu về diệt chủng Do Thái. Năm 2006, thông qua các cuộc điều tra độc lập, ông David Matas và ông David Kilgour (cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương) đã xuất bản “Báo cáo về các cáo buộc thu hoạch nội tạng của người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc”. Kể từ đó, hai ông đã xuất bản nhiều nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, mới nhất là báo cáo “Thu hoạch Đẫm máu / Đại thảm sát: Bản cập nhật 2016” (Xem bản tiếng Anh tại đây). Các nghiên cứu này đã mang tới cho hai ông Giải thưởng Nhân quyền của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) có trụ sở tại Đức vào năm 2009, và khiến cả hai được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Xem thêm:
Mời xem video “Một cuộc diệt chủng lạnh đang diễn ra tại Trung Quốc”
Từ khóa diệt chủng Do Thái Trời diệt Trung Cộng phong trào thoái đảng