Thờ ơ trước những cuộc diệt chủng: Sự thất hứa lớn nhất thế kỷ 20 và 21
- Minh Huy
- •
Diệt chủng – Tại sao người dân của một đất nước lại có thể giết lẫn nhau? Tại sao con người lại có thể nhuốm máu hàng triệu con người khác? Tại sao người ta lại thờ ơ trước mạng sống của hàng triệu người ngay trên chính mảnh đất của mình, hoặc giả ngay bên cạnh biên giới của mình, ngay trong châu lục mà mình đang sống, hay ngay trên chính tinh cầu mà nhân loại cùng tồn tại?
Tóm tắt bài viết:
- Cuộc diệt chủng Rwanda và những sai lầm không thể cứu vãn
- Thế giới đã làm gì trước những cuộc diệt chủng?
- Sự thất hứa lớn nhất thế kỷ 20 và có thể là thế kỷ 21
Trong kỳ 1, chúng ta đã nhìn lại cách Đức Quốc xã bóp méo tư tưởng của người Đức, và bản chất thực sự ít người biết của cuộc diệt chủng Do Thái. Kỳ 1 đưa ra một ví dụ điển hình xoay quanh những gì xảy ra bên trong vùng lãnh thổ xảy ra diệt chủng. Trong kỳ 2 này, chúng ta sẽ tập trung vào sự chối bỏ trách nhiệm của thế giới trước những cuộc diệt chủng.
1. Cuộc diệt chủng Rwanda và những sai lầm không thể cứu vãn
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước Rwanda chìm trong mâu thuẫn sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi. Bấy giờ, chính quyền Rwanda do người Hutu làm chủ đã đưa ra một loại học thuyết mang tên “Hutu Power” (Tạm dịch: Quyền lực của người Hutu), trong đó miêu tả người Tutsi như một thế lực ngoại lai, không tôn thờ Chúa (tín ngưỡng chủ yếu ở Rwanda là Kitô giáo), muốn lật đổ và biến người Hutu thành nô lệ.
Tháng 4/1994, chỉ vài giờ sau khi chuyên cơ của Tổng thống Rwanda người Hutu bị bắn rơi, những kẻ quá khích người Hutu đã nhân cơ hội phát động một cuộc diệt chủng nhắm vào mâu thuẫn sắc tộc tại Rwanda. Những người Hutu quá khích bắt đầu bằng việc dựng lên 1.157 hàng rào xung quanh thủ đô. Các tay súng cực đoan người Hutu là Interhamwe được trang bị dao rựa, cuốc, dùi cui và súng trường phối hợp với binh lính người Hutu trong quân đội Rwanda hình thành đội quân giết người hung bạo, vác loa kêu gọi giết người Tutsi và cả những người ôn hòa cùng dòng máu Hutu mà Interhamwe gọi là những “con gián”. Những vụ tàn sát diễn ra ngay tại các giáo đường, các điểm dừng giao thông, chợ, tại các gia đình; và sự giết chóc diễn ra cùng với những lời chửi mắng nguyền rủa, đánh đập hoặc hãm hiếp. Cả đất nước Rwanda chìm trong loạn lạc đẫm máu.
Các nhà thờ cũng trở thành địa điểm giết chóc
trong cuộc diệt chủng tại Rwanda.
Sau khi Liên Hiệp Quốc quyết định rút các lực lượng của mình khỏi Rwanda, các đài phát thanh nước này đã phát sóng kêu gọi người Hutu sát hại toàn bộ người Tutsi trong cả nước. Quân đội và cảnh sát quốc gia chỉ đạo việc thảm sát và còn dọa giết cả thường dân Hutu ôn hòa khi không thuyết phục được họ hiệu quả. Hàng trăm ngàn người dân vô tội chiếm 75% số người Tutsi sống tại Rwanda đã bị những người hàng xóm chém chết bằng dao phay. Hãm hiếp và làm nhục được sử dụng như là công cụ chiến tranh của lực lượng cực đoan đối với những người phụ nữ Tutsi, những người vợ có chồng là người Tutsi hoặc những người được cho là đã giúp đỡ người Tutsi. Lực lượng cực đoan Interhamwe đã có các hành động dã man như là hãm hiếp, cắt âm vật, buộc làm nô lệ tình dục hoặc cưỡng bức phá thai.
Chỉ trong vòng 100 ngày, có khoảng 500.000 tới 1.000.000 người dân Rwanda bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
*****
Thế giới đã làm gì trong cuộc diệt chủng Rwanda?
Hai tháng trước khi cuộc diệt chủng diễn ra, Jacques-Roger Booh Booh, bấy giờ là chủ tịch cơ quan gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Rwanda (UNAMIR), đã gửi tới trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York cảnh báo về tình trạng mất an ninh leo thang, với “các cuộc biểu tình bạo động, tấn công bằng lựu đạn, ám sát, giết hại đối thủ chính trị và người thiểu số”. Đồng thời, ông cũng cho biết đã nhận được thông tin về việc quân đội có thể sẽ phân phối vũ khí cho những người ủng hộ đảng cầm quyền.
Tổ chức gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại Rwanda kể từ cuối năm 1993, và chứng kiến việc người Hutu tấn công người Tutsi, việc người Hutu cực đoan lập nên những doanh trại quân đội bí mật để đào tạo các tay súng cực đoan, chứng kiến việc họ tích trữ vũ khí…
Theo Linda Melvern, một phóng viên điều tra người Anh nghiên cứu về cuộc diệt chủng Rwanda, thì lúc đó, quân đội Liên Hiệp Quốc đóng tại Rwanda là quân Bỉ. Họ biết rất rõ những gì đang xảy ra tại đây, và đã yêu cầu quân đội Anh và Mỹ giúp đỡ vì lực lượng của quân Bỉ không đủ. Tuy nhiên, cả hai cường quốc này đã từ chối vào tháng 2 năm 1994, với lý do “kinh tế”. Linda Melvern cho rằng chính sự từ chối này đã “gửi một thông điệp tới những kẻ chuẩn bị cho cuộc diệt chủng là chúng có thể tiếp tục, vì thế giới sẽ không phản ứng lại [trước vấn đề ở Rwanda]”.
Sự kinh hoàng của cuộc diệt chủng.
Khi cuộc diệt chủng xảy ra vào ngày 7/4/1994, những người mang nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình” của Liên Hiệp Quốc đã không có một động thái gì. Khoảng 3.000 người Tutsi tìm được nơi trú ẩn an toàn trong doanh trại của Bỉ tại Kigali… Nhưng sau khi 10 lính Bỉ bị quân đội Rwanda giết hại, Bỉ quyết định rút khỏi Rwanda. Những người Tutsi đó đã bị bỏ lại, và bị giết vào ngày 11/4 trên ngọn đồi Nyanza.
Trong suốt cuộc diệt chủng Rwanda, điều đội quân gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc làm được là rút quân Bỉ đi, và đưa quân Pháp vào, nhưng không phải là để ngăn chặn cuộc diệt chủng…
Kể từ khi nạn diệt chủng Rwanda chấm dứt năm 1994, có khoảng 95.000 trẻ em bị mồ côi cha mẹ và khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Năm 2001, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em bị mất mẹ hoặc cha vì bệnh AIDS và con số này có thể lên tới 350.000 trẻ em vào năm 2010. Con số trẻ em không được đến trường còn lên tới 400.000 em. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết lên tới 1/5 ngay từ những ngày đầu tiên ra đời. Những đứa trẻ lớn tuổi hơn trở thành nguồn cung cấp lao động rẻ mạt và sa vào tệ nạn xã hội như trộm cắp và du đãng. Hệ thống toà án thất bại trong việc đưa ra những phán quyết thuyết phục. Những kẻ cầm đầu không ngừng sát hại những người bị cho rằng có thể đứng ra làm chứng chống lại chúng. Hậu quả của nạn diệt chủng vẫn còn đeo đuổi những người phụ nữ Rwanda với cái chết chậm chạp, đau đớn từ căn bệnh AIDS…
Đó là những mất mát…
Sau này, trong một hội thảo chuyên đề tổ chức tại Pháp vào ngày 4/4/2002 (8 năm sau cuộc diệt chủng), người từng đại diện cho Liên Hợp Quốc tại Rwanda là Roger Booboh bày tỏ “việc cho rằng một cuộc diệt chủng xảy ra thì gần với ‘chính trị siêu thực’ hơn là với sự thực”… Có lẽ với Roger Booboh, việc thừa nhận sự thực là quá khó, bởi vì nó cũng đồng nghĩa với việc ông vô tình đã góp phần vào một cuộc diệt chủng kinh hoàng của thế kỷ 20.
2. Thế giới đã làm gì trước những cuộc diệt chủng?
Thế kỷ 20, thế giới chứng kiến nhiều cuộc diệt chủng lớn:
- Cuộc diệt chủng của Đế quốc Ottoman nhắm vào người Armenia 1914 – 1923 (1,5 triệu người)
- Cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã nhắm vào người Do Thái 1933 – 1945 (6 đến 11 triệu người)
- Cuộc diệt chủng của Đảng cộng sản Campuchia 1975 – 1979 (1,5 đến 3 triệu người)
- Cuộc diệt chủng Rwanda giết hại người Tutsi 1994 (500.000 đến 1 triệu người)
Rồi có những cuộc diệt chủng ít được nhắc tới hơn như diệt chủng tại Bangladesh 1971 (300.000 đến 3 triệu người), hay cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc 1966 – 1976 (400.000 đến 10 triệu người)… Rồi cả những cuộc diệt chủng gần đây hơn mà người ta vẫn chưa ước đoán được số lượng người bị giết, như cuộc diệt chủng của ISIS đối với các dân tộc thiểu số hay cuộc diệt chủng mổ cướp nội tạng của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, Thiên chúa giáo gia đình, và Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Thế giới đã làm gì?
Tương tự như ở Rwanda, sự có mặt trợ giúp của cộng đồng quốc tế ít ỏi đến đáng thương:
Nhiều nước đã không rộng cửa chấp nhận cho người Do Thái tị nạn khi họ chạy trốn khỏi cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã.
Tổng thống Mỹ Nixon từ chối gọi cuộc diệt chủng tại Bangladesh 1971 là một cuộc diệt chủng. Cuộc diệt chủng tại Bangladesh kinh hoàng đến mức hàng trăm nghìn phụ nữ bị hãm hiếp rồi bị giết bởi vì theo những kẻ Hồi giáo cực đoan thì phụ nữ là tài sản công cộng…
Điều duy nhất phương Tây làm được trong cuộc diệt chủng của Đảng cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) là lên án cuộc diệt chủng.
Với câu trả lời nghiệt ngã là “vì lý do kinh tế” như ở Rwanda, chúng ta chợt nhận ra rằng chính phủ các nước tự do đã để cho lợi ích vượt trên lương tri của chính mình.
Giới truyền thông nhiều nước cũng câm lặng trước các cuộc diệt chủng. Đơn cử như trong cuốn “Buried by the Times: The Holocaust and America’s Most Important Newspaper” (tạm dịch: “Chôn vùi bởi tờ Times: Cuộc diệt chủng người Do Thái và tờ báo hàng đầu nước Mỹ”), nữ học giả Laurel Leff đã chỉ ra rằng trước, trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tờ New York Times đã bảo trì một chính sách kỳ lạ: tối thiểu hóa việc báo cáo về cuộc diệt chủng Do Thái. Cho tới tận ngày nay, New York Times vẫn luôn không muốn người đọc chú ý tới các báo cáo đó, đẩy chúng vào chỗ không thu hút trong các ấn bản thường nhật, và làm mờ nhạt sự thảm khốc của cuộc diệt chủng Do Thái.
Trong một số trường hợp, thậm chí các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền cũng có những logic thật kỳ lạ. Đơn cử như đối với việc thu hoạch nội tạng của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với người tập Pháp Luân Công, người theo Kitô giáo, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ; thì theo Cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á Thái Bình Dương David Kilgour, tổ chức nhân quyền quốc tế uy tín như Human Right Watch đã từng từ chối lên án việc này trong nhiều năm vì lo sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng tới việc họ thuyết phục chính quyền Trung Quốc giảm số lượng án tử hình. Chỉ đến vài năm gần đây, các tổ chức nhân quyền uy tín mới quyết định đứng về phía những người bị hại.
Hãy tạm gác sang một bên phản ứng của chính quyền các nước và các tổ chức, để đi vào tâm lý của từng cá nhân. Có một câu chuyện về cuộc diệt chủng Do Thái như thế này:
Năm 1943, khi tới gặp thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ là Felix Frankfurter, Jan Karski, một nhà ngoại giao người Ba Lan đã kể lại sự thật lạnh người về cuộc diệt chủng Do Thái của Đức Quốc xã, về những gì ông chứng kiến tại một trại tập trung ở Ba Lan. Jan Karski đã hy vọng rằng Felix Frankfurter sẽ giúp ông truyền rộng sự thật, nhưng vị thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ lại phản ứng một cách bất ngờ:
“Tôi không tin anh.”
“Felix! Ông đang nói gì vậy?”, ngài đại sứ Ba Lan tại Mỹ là Jan Ciechanowski ngắt lời, “Anh ấy không nói dối đâu!”.
Felix Frankfurter giải thích: “Tôi không bảo là anh ấy nói dối; tôi nói là tôi không tin anh ấy.” Trớ trêu ở chỗ, vị thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ cũng là một người Do Thái…
Tâm lý của một cá nhân trước một cuộc diệt chủng là quá phức tạp. Từ thờ ơ, cho rằng không can hệ gì đến mình, tới phủ nhận, không tin sự thật tồn tại. Nhưng điều quan trọng nhất mà mỗi cá nhân chúng ta vẫn hay mắc phải là đã để cho tâm lý che khuất mất lương tri. Nếu không tin, hãy tìm hiểu. Nếu biết rồi, hãy làm một điều gì đó. Nếu không chắc chắn, hãy đứng về phía “quả trứng gà”, đừng vô tâm hay đứng về phía “bức tường”, bởi vì nếu không có chúng ta, trứng gà rất có thể sẽ nát.
Chúng ta luôn có thể làm một điều gì đó!
3. Sự thất hứa lớn nhất thế kỷ 20 và có thể là thế kỷ 21
“Không bao giờ nữa!”, đó là thông điệp mà một tấm bia viết bằng nhiều ngôn ngữ ở trại tập trung Dachau tại Đức muốn truyền tải. Nó là lời xin lỗi khi để cuộc diệt chủng Do Thái xảy ra. Nó là lời thệ ước sẽ không thờ ơ của nhân loại. Nó là một khẩu hiệu đẹp xuất hiện trong tôi khi viết loạt bài này, cho thấy quyết tâm của nhân loại trước những tội ác chống lại loài người.
Nhưng chúng ta chưa làm được như vậy.
Sau cuộc diệt chủng Do Thái (1933 – 1945), nhiều cuộc diệt chủng khác đã diễn ra, như cuộc diệt chủng Bangladesh (1971), cuộc diệt chủng Rwanda (1994), cuộc diệt chủng của ISIS, hay cuộc diệt chủng mổ cướp tạng của Đảng cộng sản Trung Quốc… Những thảm họa lương tri đó lại diễn ra, và một số ít người sẽ thấy, và rồi tiếng nói của họ có thể sẽ lại chìm vào vô vọng. Cũng giống như một số người đã từng dự đoán được cuộc diệt chủng Do Thái trước Thế Chiến II, họ đã bị bỏ qua, bị chế giễu, bị bắt hoặc bị giết.
Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, dù ít hay nhiều, thông tin về những cuộc diệt chủng sẽ đến với chúng ta. Thực hiện được lời hứa hay không, giữ vững được lương tri hay không, chính là ở bản thân mỗi người. Thờ ơ sẽ giết chết lương tri…
Nhân loại đã thất hứa trong thế kỷ 20, và chúng ta cần phải thực sự tự vấn lại lương tâm mình khi tiếp bước trong thế kỷ 21.
Minh Huy
Xem thêm:
Mời xem video “Một cuộc diệt chủng “lạnh” đang diễn ra tại Trung Quốc”
Từ khóa diệt chủng Do Thái diệt chủng Rwanda Sự thờ ơ trước những cuộc diệt chủng Tâm lý gì đằng sau sự thờ ơ trước những cuộc diệt chủng diệt chủng lựa chọn của lương tri