Làng Cổ Am: Đất học – Quê hương Trạng Trình
- Trần Hưng
- •
Làng Cổ Am xưa nay nổi tiếng là “đất học”, thời kỳ nào cũng có nhiều bậc nhân tài được sinh ra từ ngôi làng này. Đặc biệt, nơi đây còn là quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân tài kiệt xuất đã giúp định hình nên cương thổ của đất nước.
Cổ Am là một làng cổ nằm ở phía đông nam của huyện Vĩnh Bảo, cách thành phố Hải Phòng 40 km, hình thành từ thời nhà Trần, được phù sa của hai con sông lớn là sông Thái Bình và sông Hóa bồi đắp mà thành.
Theo các thư tịch cổ, văn bia, tộc phả để lại thì người làng Cổ Am hiếu học, điều đặc biệt ở đây là học trò không cần đi xa hay lên kinh thành tìm thầy giỏi, mà ngay tại làng đời nào cũng có những người giỏi và thầy hay.
Người làng Cổ Am xem viêc học là quan trọng hơn tất cả các việc khác, học không phải để cầu danh lợi mà để hiểu được đạo làm người, trở thành bậc Thánh hiền. Nhiều người dân làng học giỏi hay chữ nhưng có khi không muốn đi thi, có người thi đỗ nhưng không muốn làm quan, chỉ muốn dạy học, dạy Đạo làm người cho lớp con cháu.
Người ở những làng khác cũng đến đây tầm sư học đạo. Chính vì thế mà dân gian có câu: “Muốn đỗ đạt cao hãy vào làng Cổ”.
Vào thời kỳ nhà Lê khi làng Cổ Am còn thuộc trấn Hải Dương, trong dân gian có câu rằng: “Hải Dương tứ hổ, nhất Cổ vi tiên”, tức bốn con hổ lớn ở Hải Dương thì Cổ Am đứng đầu về truyền thống khoa bảng. Thậm chí dân gian còn truyền câu “Cổ Am nhất tiếng Xứ Đông”, Xứ Đông ý chỉ phía đông Kinh thành Thăng Long bao gồm Hải Dương, Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên ngày nay.
Các bậc nhân kiệt thì thời nào làng cũng có, còn đỗ đại khoa thì có: Trần Công Bật đỗ tiến sĩ năm 1664 thời Hậu Lê, làm đến chức Hữu thị lang bộ binh, khi mất còn được truy phong chức Tả thị lang; Trần Công Hân đỗ tiến sĩ năm 1733 thời Hậu Lê, một trong “tứ hổ Tràng An”, là người có học vấn uyên thâm bậc nhất lúc đó, được truy phong Đông Các Đại học sĩ; Phó bảng Lê Huy Thái; đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nhân tài hiếm có và là niềm tự hào của người dân làng Cổ Am.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người nổi tiếng với ba câu nói quyết định “cuộc cờ” đất nước.
Khi cuộc chiến Nam – Bắc Triều bước vào giai đoạn ác liệt, Mạc Mậu Hợp liền đến hỏi trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc. Trạng Trình đáp rằng: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế”, nghĩa là ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời. 7 năm sau vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, nhớ lời dặn cụ trạng liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.
Tại Đàng Ngoài Chúa Trịnh nắm hết mọi quyền hành, vua Lê lúc này chỉ là bù nhìn. Chúa Trịnh muốn cướp ngôi vua Lê, nên tìm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi. Cụ trạng Trình lại nói rằng: “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong” khiến chúa Trịnh dù rất muốn nhưng cũng không dám cướp ngôi vua Lê. Quả nhiên sau này khi nhà Lê mất thì chúa Trịnh cũng bị diệt.
Nguyễn Hoàng e sợ Trịnh Kiểm, nên đến tìm gặp cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xin chỉ dạy. Cụ trạng Trình đáp rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là tới dãy Hoành Sơn có thể tính kế dung thân lâu dài. Tháng 10/1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến đến Thuận Hóa giúp dân khai khẩn vùng này, đánh bại quân Chiêm Thành xâm lược, các đời chúa Nguyễn khai khẩn về phương nam, mở rộng dần lãnh thổ.
Đúng 200 năm sau, trải qua 8 đời Chúa Nguyễn đến năm 1758, lãnh thổ Đàng Trong đã vô cùng rộng lớn, trải dài hết vùng đất Nam bộ đến tận vùng cực nam, định hình cho nước Việt Nam ngày nay. Tất cả điều này đều bắt đầu từ một câu nói ngắn gọn quyết định vận mệnh dân tộc của trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi từ quan đã về chùa Mét ở làng Cổ Am, mở lớp dạy học, tạo nên những nhân tài kiệt xuất vào thời đấy như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dư, Nguyễn Quyện, Lương Hữu Khánh, v.v..
Thế kỷ 19, Cổ Am cũng xuất hiện các nhân tài như: Tiến sĩ Trần Mỹ, thi đỗ vào triều Thành Thái năm 1891, làm tới chức quan Thượng thư; Tiến sĩ Đào Trọng Thiều làm tới chức Hàn lâm viện thị độc học sĩ; Tiến sĩ Đào Trọng Kinh giữ chức huấn đạo trung thuận đại phu; Tiến sĩ Đào Trọng Kỳ đã từng giữ chức Thượng thư bộ lại, hiệp biên đại học sĩ, v.v..
Từ hế kỷ 20 đến nay có anh em Trần Tiêu và Trần Khánh Dư (tức Khái Hưng), đặc biệt Khái Hưng là nhà văn nổi tiếng bậc nhất trong nhóm “Tự lực văn đoàn”; Giáo sư Trần Bảng là người nghiên cứu Chèo nổi tiếng.
Hiện tại làng Cổ Am có đến 24 viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư; 62 tiến sĩ; hàng trăm thạc sĩ; hàng nghìn cử nhân ở khắp các nơi trong nước và trên thế giới.
Làng Cổ Am có Hội khuyến học ra đời trước cả Hội khuyến học Việt Nam, các dòng họ cũng có quỹ khuyến học, con cháu học giỏi có thành tích được được khen thưởng, và có nguồn trang trải học phí khi đi học xa nhà.
Dù truyền thống là vậy, nhưng làng Cổ Am cũng không thể tránh khỏi tình trạng người dân từ làng đi định cư tại khắp nơi. Vì chỉ có nghề trồng lúa, nên nhiều người giỏi đỗ đạt, khi học thành tài đều không về lại làng mà ở nơi khác lập nghiệp nhằm phát huy sở học. Chỉ riêng người gốc Cổ Am ở Hà Nội đã nhiều hơn cả dân số của làng.
Đến nay nhiều kiến trúc xưa vẫn được lưu lại ở Cổ Am như chùa Mét, chùa Bến, chùa Huệ, đình Thượng Thọ Giáp, đình Phần, v.v. cùng nhiều nhà thờ cổ kính và những ngôi nhà cổ mộc mạc.
Có hai kiến trúc cổ xưa được công nhận là “Di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia” là Miếu Tràng với cây Sanh hơn 100 năm tuổi; cùng chùa Thiên Hương, hay còn gọi là chùa Mét, nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đào tạo ra lứa nhân tài kiệt xuất phụng sự cho đất nước.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện cụ Tả Ao điểm mắt cá chép cho làng Hành Thiện ở Nam Định
- Về làng Tiên Điền nổi danh đường khoa bảng ở Hà Tĩnh
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Bỉnh Khiêm khoa bảng