Làng Hương Ngải cùng Quán Nghinh Hương độc đáo
- Trần Hưng
- •
Làng Hương Ngải trước kia thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Đây là ngôi làng có tiếng về khoa bảng, đồng thời có “Quán Nghinh Hương” với ý nghĩa văn hóa độc đáo.
Làng Hương Ngải: Nơi sinh xuất những nhân tài
Hương Ngải là ngôi làng cổ xưa, theo Thần phả được ghi trong Văn Chỉ của làng, Hương Ngải được hình thành từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên với tên gọi là Chạ Ngái (hay Trại Ngái, Kẻ Ngái) bởi bao quanh làng có nhiều cây ngái, đến mùa hoa nở thì hương thơm khắp vùng. Đến thời nhà Lý, 3 anh em tiến sĩ Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang, Liêu Hiến Thuật đổi tên thành làng Hương Ngái, về sau đọc chệch đi thành Hương Ngải.
Làng Hương Ngải có số người đỗ đạt đứng đầu huyện Thạch Thất. Đây là ngôi làng phát cả văn lẫn võ, vì thế mà người trong vùng có câu: “Hương Ngải – Văn đăng khoa đệ, Võ đổng binh nhung”. Làng có 6 người đỗ đại khoa, 53 người đỗ trung khoa, chiếm số lượng gần một nửa huyện Thạch Thất.
Họ Liêu là dòng họ lâu đời của làng với 2 người đỗ đại khoa vào thời nhà Lý là anh em Liêu Hiến Chương và Liêu Hiến Quang. Họ Đỗ cũng nổi tiếng vì có đến 8 đời liên tiếp đỗ đạt.
Làng có cụ Cấn Kỳ nổi tiếng hay chữ khắp vùng, được suy tôn là đứng đầu trong “Sơn Tây tứ kiệt” gồm: “Nhất Kỳ, nhì Kiên, tam Hải, tứ Huyền”.
Làng Hương Ngải cũng là quê hương nổi tiếng của danh y Nguyễn Thúc Tôn, người đã chữa được căn bệnh hiểm nghèo cho vua Lê Hiển Tông, được mệnh danh là “Lương y phó chức”, được phong tước là “Phú nghĩa nam”.
Làng còn có Nguyễn Đăng Huân nổi tiếng là bậc kỳ tài, từ nhỏ đã nổi tiếng về tài ứng đối. Nhiều giai thoại về tài ứng đối của ông được lưu truyền đến nay. Năm 1828 Nguyễn Đăng Huân dự thi Hương ở trường thi Bắc Thành, đỗ cao thứ hai. Sau đó ông vượt tiếp qua kỳ thi Hội, vào đến thi Đình thì đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Ông làm quan thăng qua các chức vụ khác nhau, tiếc rằng ông mất sớm khi chỉ mới có 34 tuổi
Làng còn có cụ Nguyễn Tử Siêu dạy học từ năm 1932 đến năm 1939. Ngoài dạy học, cụ còn nghiên cứu viết nhiều cuốn sách có giá trị gồm 34 sách lịch sử văn học, 43 sách y học.
Lịch sử khoa bảng của làng cũng gắn liền với “Quán Nghinh Hương” – nơi tiễn các sĩ tử đi thi và cũng là nơi đón các sĩ tử vinh quy về làng.
Quán Nghinh Hương độc đáo
Quán Nghinh Hương của làng Hương Ngải được xây dựng từ rất lâu trên dải gò hình cây bút giữa những lùm cây cổ thụ, bên phải là giếng cổ, tương truyền là huyệt “mắt rồng” quanh năm đầy nước, trong vắt.
Người xưa đã áp dụng dịch học để dựng Quán Nghinh Hương theo “nhất biến tam, tam biến cửu”, nhìn từ bên ngoài thì thấy có một gian, nhưng đi vào rồi lại thấy có 3 gian, nhìn kỹ lại thấy có 9 gian. Lối kiến trúc này khiến Quán nghinh Hương trở thành độc nhất vô nhị, là văn vật vô giá của làng.
Lối kiến trúc “Nhất biến tam, tam biến cửu” này dễ liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Lão Tử “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. “Nhất” ở đây chính là thái cực, “nhị” là lưỡng nghi (âm dương), “tam” tức là tam tài thiên địa nhân. Trong Quán Nghinh Hương là “tam biến cửu” chứ không phải “tam sinh vạn vật”, thế nhưng 9 (cửu) được xem là con số lớn nhất, tượng trưng cho vạn vật, vì thế “tam biến cửu” cũng tượng trưng cho “tam sinh vạn vật”. số 9 (cửu) tức “vĩnh cửu”, mang ý nghĩa bền chắc.
Sau khi Quán Nghinh Hương được xây dựng, người xưa cũng trồng xung quanh 7 cây cổ thụ nằm theo thế giống như chòm sao thất tinh bắc đẩu. Quán Nghinh Hương nằm ở vị trí sáng nhất trong thất tinh bắc đẩu, tượng trưng cho văn chương nghệ thuật.
Đồng thời xung quanh có nhị thập bát tú chầu về: Phía đông là gò Cửa Hương tượng cho Thanh Long, phía tây là gò Đồng Lọc tượng cho Bạch Hổ, phía nam là minh đường có gò Đồng Phần tượng cho Chu Tước, phía bắc hậu chẩm là gò Đồng Chớp tượng cho Huyền Vũ. Mỗi hướng có 7 sao, bốn hướng có 28 sao (nhị thập bát tú) chầu vào Quán Nghinh Hương.
Vì thế mà Quán Nghinh Hương còn có tên là Quán Bảy Cây, còn được gọi là Quán Nghinh, Cầu Nghinh.
Trong “Quán Nghinh Hương” thì từ “Nghinh” mang ý nghĩa “nghinh đón”, ban đầu được xây dựng để nghinh rước Tam vị thành hoàng họ Chu từ trang Thúy Lai hoàn cung trong những kỳ hội Làng, thường được tổ chức hai đến ba năm một lần.
Quán Nghinh Hương cũng là nơi các sĩ tử trau dồi kinh sử, cũng là nơi làng tiễn các sĩ tử lên đường ứng thí khi có các kỳ thi khoa bảng; là nơi dặn dò, động viên và truyền đạt kinh nghiệm giúp các sĩ tử vững lòng đi thi. Đây cũng là nơi đón các sĩ tử đỗ đạt bái tổ về làng.
Trong Quán Nghinh Hương có câu đối rằng:
Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi
Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ
Dù đỗ cao đến đâu thì khi sĩ tử hồi hương bái tổ cũng phải xuống xe ngựa, đi bộ đến Quán Nghinh Hương, làm lễ tạ dân làng, quê hương bản quán, sau đó thực hiện lễ trình Thần.
Trong dân gian vẫn truyền tụng rằng:
Hương Ngải có Quán Bảy Cây
Có gò Nhất Tự đời đời mở mang
Muốn cho học giỏi quan sang
Thì năng bồi đắp Bờ Ngang cho đầy.
Năm 2009, “Quán Nghinh Hương” được thành phố Hà Nội công nhận là điểm di tích kiến trúc độc đáo, được xem là độc nhất vô nhị trên cả nước.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Văn Từ, Văn Chỉ: Biểu tượng tinh thần hiếu học chốn làng xưa
- Làng Lạc Thổ cùng bài Văn sách hiến kế bang giao
Mời xem video:
Từ khóa làng Việt Làng khoa bảng