Văn Từ, Văn Chỉ: Biểu tượng tinh thần hiếu học chốn làng xưa
- Trần Hưng
- •
Nếu Văn Miếu là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của cả một dân tộc thì Văn Từ, Văn Chỉ là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của mỗi làng quê.
Ở nước ta, ngoài Văn Miếu Quốc Tử Giám là lớn nhất thì các tỉnh cũng có Văn Miếu của địa phương mình, đặc biệt thời nhà Nguyễn có nhiều Văn Miếu của các tỉnh trấn được xây dựng. Các Văn Miếu tiêu biểu ở miền bắc là Văn Miếu Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Ở miền nam có Văn Miếu Trấn Biên ở Đồng Nai, Văn Thánh Miếu Gia Định, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.
Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, bậc “vạn thế sư biểu” sáng lập ra Nho giáo, đồng thời còn thờ “tứ phối” là Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư, cùng Thất thập nhị hiền và nhiều vị khác.
Văn Miếu được xây ở cấp độ tỉnh trấn, còn ở lãng xã thì có Văn Từ, Văn Chỉ. Các công trình này được xây dựng ở những làng có truyền thống khoa bảng, cũng là nơi thờ đức Khổng Tử, các bậc tiên hiền, cùng những vị đỗ đại khoa mang lại vinh dự cho làng.
Văn Từ, Văn Chỉ thường được xây từ 1 đến 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có 3 đến 7 gian. Để phân biệt giữa Văn Từ và Văn Chỉ, sách “An Nam phong tục” của cử nhân Đoàn Triển có viết rằng: “Nơi thờ phụng có làm nhà thờ gọi là Văn Từ, chỉ có đàn thờ mà không làm nhà thì gọi là Văn Chỉ”. Như vậy có thể thấy rằng Văn Từ được xây dựng với nhiều tòa nhà và lớn hơn Văn Chỉ.
Văn Chỉ dù nhỏ hơn nhưng phong phú, tiêu biểu như Văn Chỉ ở Từ Liêm, Hà Nội có 2 tòa nhà, mỗi tòa 3 đến 5 gian. Văn Chỉ làng Nguyệt Ánh huyện Từ Liêm là 2 dãy nhà 3 gian. Văn Chỉ ở nhiều làng khác là bệ thờ ngoài trời.
Trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính viết rằng:
“Mỗi làng có một Văn Từ hoặc Văn Chỉ… để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ đức Khổng Tử để làm chủ trương cho việc học trong làng.”
Trong “Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh có mô tả rằng:
“Lớp trong cùng [của Văn Từ, Văn Chỉ] thờ đức Khổng Tử được tôn làm Tiên Thánh Sư… Lớp này gồm 1 ban xây thay cho hương án, hai bên có những câu đối và ở trên, nếu là Văn Chỉ thì viết ngay vào tường, nếu là Văn Từ thì có hoành phi mang mấy chữ ‘Vạn thế Sư biểu’ hoặc ‘Chí Thánh Tiên Sư’. Trên ban có bình hương riêng, không có bài vị. Đại tự hay hoành phi được viết ngay trên tường để thay cho bài vị.
Lớp thứ 2 gồm 3 ban, 1 ban ở giữa và 2 ban ở 2 bên. Cả 3 ban này đều xây bằng gạch thay cho hương án. Ban ở giữa thờ những người đã đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tam, Tứ phẩm trở lên. Ban bên phải thờ những người đỗ Cử nhân và những người làm quan từ Lục, Thất phẩm trở lên. Ban bên trái thờ những người đỗ Tú tài và những người làm quan đến Bát phẩm. Các bậc Tiên hiền nước ta như Chu Văn An, Hàn Thuyên được thờ vào ban giữa. Những người Trung Quốc có công truyền bá Nho giáo sang Việt Nam như Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp… (nếu có) cũng thờ ở ban này.
Lớp thứ 3 là Bái đình tức là cái sân dùng vào việc tế tự.”
Văn Từ tiêu biểu có thể kể tới như Văn Từ làng Hữu Bằng ở Thạch Thất, Hà Nội, gồm hai lớp nhà ngói 3 gian với kiến trúc thời nhà Nguyễn. Lớp ngoài để tế tự, tổ chức sinh hoạt, khuyến học. Lớp bên trong gian giữa thờ đức Khổng Tử, hai gian hai bên thờ những người đã đỗ đạt ở địa phương cùng với tấm bia ghi chép về từng người. Cột trụ cổng ngoài là câu đối ca ngợi đạo học, khen tụng thi thư, và khuyến khích việc học tập
Nho học phát nguyên tài Khổng Mạnh,
Tư văn trường tại sáng Lê triều.
Nghĩa là:
Nho học khởi nguồn tài Khổng Mạnh,
Văn chương còn mãi tự Lê triều.
Ở hàng hiên lớp nhà trong Văn Từ cũng có những câu đối là:
Lục tịch văn chương thiên nhật nguyệt,
Bách vương lễ nhạc tuế xuân thu.
Nghĩa là:
Văn chương sáu kinh sáng rõ như nhật nguyệt trên trời,
Lễ nhạc trăm vương mỗi năm hai kỳ xuân thu.
Hay câu:
Sở tồn giả thần, dữ thiên địa hợp kỳ đức,
Vi dân lập cực, hữu huyết khí mạc bất tôn.
Nghĩa là:
Cái còn lại là (tinh) thần, cùng hợp đức với trời đất,
Dựng đỉnh cao cho dân chúng, người có huyết khí chẳng ai không tôn sùng.
Hoặc câu:
Đạo như nguyên khí bất hưng mẫn,
Lý tại nhân tâm vô cổ kim.
Nghĩa là:
Đạo như nguyên khí không dấy lên cũng không mất đi,
Lý ở lòng người, chẳng phân biệt là cổ xưa hay hiện tại.
Ngoài ra còn có các Văn Chỉ khác như Văn Chỉ làng Hoàng Xá, huyện Quốc Oai được lập từ thời Lê Trung Hưng thờ Văn Xương Đế quân và các Tiên hiền; Văn Chỉ Tốt Động, huyện Chương Mỹ thờ Thám hoa Đặng La Ma ở gian giữa, thờ các bậc Tiên hiền cùng các vị khác ở 2 bên; Văn Chỉ làng Thế Trụ, xã Nghĩa Hưng, huyện Quốc Oai thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, v.v..
Nhiều làng xưa kia có Văn Chỉ xây riêng, nhưng bị phá hủy do chiến tranh, người làng liền đưa các văn bia đặt thờ ở trong Đình làng.
Xưa kia Văn Từ, Văn Chỉ không chỉ là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, mà nhiều nơi còn kiêm luôn cả làm trường học, nơi khảo hạch sĩ tử trước mỗi kỳ thi, và cũng là nơi tiếp đón các tiến sĩ vinh quy bái tổ trở về làng.
Tiếc rằng đến nay, số lượng Văn Từ, Văn Chỉ ít hơn so với trước rất nhiều do bị phá hủy theo thời gian. Những địa phương nào chú trọng khuyến học, tu bổ, phục dựng lại tốt thì vẫn lưu lại được Văn Từ, Văn Chỉ.
Xã hội ngày càng phát triển, Văn Từ, Văn Chỉ ở làng quê ít được quan tâm biết đến, tuy nhiên đó chính là biểu tượng của sự hiếu học và lòng tôn sư trọng đạo nơi làng quê xưa.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục khoa bảng làng Việt