Vũ Di là làng khoa bảng của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, làng có 5 người đỗ đại khoa có tên trên bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mang lại tiếng thơm cho huyện Vĩnh Tường.

Từ thế kỷ 15, Vĩnh Tường thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Cũng thời gian này Văn Miếu phủ Tam Đái được xây dựng. Văn Miếu thờ các vị Thánh Hiền Nho gia mở ra đạo lý tôn sư trọng đạo, khuyến học trong vùng, số người đỗ đạt ngày càng nhiều.

Làng khoa bảng Vũ Di
Văn miếu phủ Tam Đái – tiền thân Văn miếu Vĩnh Phúc. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

5 người đỗ đại khoa, 18 người đỗ trung khoa

Có 5 vị đỗ đại khoa ở Vũ Di, trong đó người đỗ khai khoa là Nguyễn Công Chất, sau đó là Nguyễn Bá Dung, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Tú và Lưu Túc. Ngoài ra còn có 18 người đỗ trung khoa.

Những người đỗ đạt khi vinh quy trở về làng đều được chào đón long trọng, trở thành sự kiện trọng đại của thôn làng. Khi mất, họ được dân làng nhớ tên, được khắc lên bia đá đặt tại Văn chỉ của làng.

Người đỗ khai khoa là Nguyễn Công Chất, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1448 đời vua Lê Nhân Tông. Ông đảm đương các vị trí trọng yếu như Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, Đồng tu soạn ở Quốc sử viện, Đô Ngự sử ở Ngự sử đài, Thượng thư bộ Hộ.

Năm 1480 thời vua Lê Thánh Tông, ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Bằng tài năng ông đã giữ được mối quan hệ 2 nước tốt đẹp dù Đại Việt vừa đánh tan cuộc xâm lược của quân Minh. Khi về nước Hoàng đế nhà Minh có ban yến tiệc và tặng các vật phẩm cho đoàn sứ thần mang về: “Ban yến cùng y phục lụa thải, đoạn có phân biệt; lại giao cho Sứ thần gấm hoa văn, thải, đoạn mang về ban cho Vương nước này”. (Đại Việt Sử ký Toàn thư)

Sau Nguyễn Công Chất, làng có Nguyễn Bá Dung đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1466.

Người đỗ đại khoa thứ ba là Nguyễn Đình Phương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 29 tuổi.

Nguyễn Văn Chất có con là Nguyễn Văn Tú đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1481 thời Hồng Đức, đảm nhiệm chức vụ Thừa chính sứ.

Người đỗ đại khoa cuối cùng của làng là Lưu Túc, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1487 thời Hồng Đức, làm quan đến Thượng thư. Đến khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, dù chịu sức ép nhưng ông quyết không theo nhà Mạc, được xem là người có tiết nghĩa. “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đánh giá ông là “Bề tôi tiết nghĩa”.

Sau đó Vũ Di có các chính sách sách khuyến học, nghênh đón người đỗ đạt trở về, dù không có thêm người đỗ đại khoa, nhưng có nhiều người đỗ trung khoa. Truyền thống hiếu học của làng cũng được truyền từ đời nay sang đời khác.

Làng khoa bảng Vũ Di
Cổng làng Vũ Di. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Đội Cấn cùng Đại Hùng Đế quốc

Đến thời thuộc Pháp, làng có Trịnh Văn Đạt phải đăng ký đi lính khố xanh cho anh trai, lấy tên anh là Trịnh Văn Cấn, được thăng lên chức “Đội” và được gọi là Đội Cấn.

Khi Đội Cấn đưa quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ông rất khâm phục tinh thần của các nghĩa quân. Khi canh giữ tù nhân, ông đã được thành viên của Việt Nam Quang phục Hội là Lương Ngọc Quyến cảm hóa.

Sau đó Đội Cấn đã lãnh đạo binh lính người Việt khởi nghĩa ở Thái Nguyên, diệt được Giám binh Pháp tên là Noël, phá nhà tù Thái Nguyên, giải phóng 230 tù nhân yêu nước. Đội Cấn tuyên bố độc lập ở Thái Nguyên và thành lập nước “Đại Hùng Đế quốc”.

Đội Cấn nhận thêm số người gia nhập nghĩa quân, đưa quân số lên 600, bao gồm 130 lính vệ binh, 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương.

Tuy nhiên Pháp đã đưa 2.700 quân cùng đại bác và vũ khí hiện đại đến đàn áp cuộc khởi nghĩa. Dù ít quân ở thế yếu, lại phải chống lại hỏa lực mạnh của quân Pháp, nghĩa quân vẫn bất khuất cầm cự suốt hơn 5 tháng với quân Pháp. Đội Cấn thể hiện được tấm lòng yêu nước cùng sự kiên cường của người con làng Vũ Di.

Tiếp nối truyền thống khoa bảng

Ngày nay Vũ Di vẫn giữ được truyền thống hiếu học, làng vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp, ủng hộ kinh phí nhằm xây dựng quỹ khuyến học.

Vào đầu năm học, Hội khuyến học hỗ trợ kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục đến trường; tặng đồ dùng, quần áo cho học sinh nghèo. Các học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi đều được khen thưởng kịp thời.

Làng Vũ Di vẫn nối tiếp truyền thống từ tổ tiên, nhiều gia đình nổi tiếng đỗ đạt cao như nhà giáo ưu tú Lê Văn Cung – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Vũ Di có 2 con là tiến sĩ, 1 giáo sư; PGS.TS Lê Quang Trung có 3 con là tiến sĩ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: