Dòng họ Vũ Công có nguồn gốc từ người Việt Thường, ban đầu định cư ở trang Phượng Lâu. Dòng họ này 2 lần gặp phải đại nạn phải di dời nhưng không đổi họ, sau cùng chuyển đến làng Đông Cao. Trong suốt chiều dài lịch sử dòng họ này cũng xuất sinh các bậc tài đức giúp nước.

Lich su ho Vu Cong 02
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục

Trong cuộc chiến chống quân Hán giữ nước thời Hai Bà Trưng, họ Vũ có đại diện kiệt xuất là Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Trong cuộc chiến cuối cùng Vũ Thị Thục phá vòng vây một mình một ngựa đầy thương tích chạy thoát ra ngoài. Đến gò Kim Quy ở Tiên La (thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) thì bà kiệt sức vì vết thương trong khi quân Hán đang đuổi tới, để tránh sa vào tay giặc nữ tướng đã tuẫn tiết tại gốc cây trên gò Kim Quy. (Xem bài: Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục)

Dân chúng ở Tiên La đem dấu Vũ Thị Thục trong khu rừng bạt ngàn ở Tiên La khiến quân Hán lùng sục nhiều tháng vẫn không tìm được. Cho rằng bà đã chạy thoát, quân Hán liền đến quê nhà của Vũ Thị Thục ở Phượng Lâu – Đông Mật (thuộc Việt Trì, Phú Thọ), giết hại họ Vũ nơi đây để truy tìm Vũ Thị Thục.

Họ Vũ nơi đây phải chạy đến hai nơi lánh nạn. Một là đến vùng rừng núi thuộc Phú Thọ, Hà Giang ngày nay. Hai là đến vùng ven biển ở Hải Phòng, nơi có rừng ngập mặn hiểm trở sinh sống, hình thành nên trang Du Lễ, (thuộc xã Cung Hiệp, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

Có nhiều dòng họ khác khi tránh nạn thường phải đổi họ sang họ khác, tuy nhiên dòng họ Vũ Công vẫn giữ nguyên họ mà không đổi.

Tướng quân lập công lớn giúp bắt Ô Mã Nhi

Họ Vũ ở trang Du Lễ trong lịch sử có những người tài giúp nước, điển hình như Vũ Hải thời nhà Trần. Ông không chỉ giỏi võ nghệ mà còn có tài văn chương, có sức khỏe địch muôn người, giữ chức Đô Chỉ huy Thiêm sự khi còn rất trẻ, nhờ góp công lớn trong chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 2 nên được thăng làm Tả Phó Đô Ngự Sử.

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3, trận đánh trên sông Bạch Đằng, Vũ Hải dũng cảm dẫn quân tiên phong giao chiến với lâu thyền của Ô Mã Nhi. Ô Mã Nhi bị thương phải nhảy thoát xuống biển. Vũ Hải bị quân hộ tống đâm từ phía sau khiến bị thương. Ô Mã Nhi dù nhảy xuống biển nhưng sau đó cũng bị bắt, Vũ Hải dù được cứu chữa nhưng không qua khỏi.

Giúp ổn định Xã Tắc thời nhà Mạc

Đến cuối thời Lê Sơ, họ Vũ ở trang Du Lễ có Vũ Hội là người văn võ song toàn, sức khỏe địch muôn người, giúp lập nên vương triều nhà Mạc. Sau khi Mạc Thái Tổ lên ngôi, Vũ Hộ được phong làm Khai phủ Nghi đồng tam ty, Bình Chương Quân quốc trọng sự, Thừa tướng Thượng tể coi quản tất cả công việc Triều đình.

Vũ Hội có công trị quốc yên dân trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua giai đoạn loạn lạc vào cuối thời Lê Sơ.

Sau này nhà Mạc ngày càng suy sụp. Năm 1592 quân Nam Triều của chúa Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc ở Thăng Long. Họ Vũ ở trang Du Lễ vì có công lớn lập ra nhà Mạc, bị quân Nam Triều truy tìm, nên phải lánh nạn chạy đến định cư ở làng Đông Cao dưới chân núi Thiên Thai thuộc huyện Lương Tài (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)

Đến cuối thời kỳ Lê Trung Hưng họ Vũ làng Đông Cao có ông Vũ Bân, nhờ lập công lớn nên được làm quan đến nhất phẩm (ngang với Tể tướng, Thái bảo), được phong tước Thái Lĩnh hầu.

Danh sĩ nổi tiếng giúp dân thời loạn lạc

Năm 1819 thời nhà Nguyễn, họ Vũ ở Đông Cao sinh được người con trai đặt tên là Vũ Đức Quang, lớn lên dù thi đỗ nhưng không muốn ra làm quan, trở thành danh sĩ nổi tiếng ở Bắc hà. Ông đi khắp nơi giao du với các bậc danh sĩ.

Thời điểm những năm 1870, quân địa phương bên nhà Thanh hay vượt biên đến hạt Tây Sơn cướp phá giết người. Vũ Bân thương xót dân chúng, quyên góp tiền thuê vớt được vài nghìn người chôn ở chùa Mục Đồng. Thời gian này Bắc hà loạn lạc, nhiều nơi đói khổ, cướp bóc khắp nơi, cụ Vũ Đức Quang thường đi khắp nơi quyên góp phát chẩn cứu đói, giặc cướp cũng biết mặt ông nên gặp đều tránh.

Cùng dân chống Pháp

Vũ Đức Quang có người con trưởng là Vũ Cẩn. Khoa thi năm 1876 Vũ Cẩn đỗ cử nhân, năm sau tổ chức thi Hội nhưng chủ khảo bị tội nên kỳ thi bị bãi. Vua chọn 3 người vào Hàn Lâm viện là Vũ Cẩn, Phạm Bành, Vũ Nhứ.

Vũ Cẩn làm quan trong cảnh quân Pháp đánh chiếm Bắc hà. Vua Tự Đức muốn hòa hoãn với Pháp, nhưng Hoàng Kế Viêm cùng một số quan lại kháng lệnh Vua chống Pháp.

Đám quan lại viện cớ trì trệ cung cấp quân nhu. Hoàng Kế Hoàng phải giao cho Vũ Cẩn quyền Tổng đốc Sơn Tây để lo quân nhu chống Pháp. Vũ Cần đã hoàn thành tốt lo quân nhu hậu cần đầu đủ cho 4 vạn quân. Nhờ đó quân của Hoàng Kế Viêm cùng quân Cờ Đen có lương thực chống Pháp và không bãi binh theo lệnh vua Tự Đức. Quân Hoàng Kế Viêm cùng quân Cờ Đen có trận đánh Cầu Giấy nổi tiếng lịch sử, tiêu diệt được chỉ huy quân Pháp ở Bắc hà là Riviere cùng nhiều sĩ quan và binh lính. (Xem bài: Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp)

Sau đó Hoàng Kế Viêm biết rằng Vũ Cẩn không chỉ giỏi ứng biến mà còn giỏi văn, liền cho ông làm Đông Các Đại học sĩ kiêm Tham tá rồi Tham tri. Ở Bắc hà, Vũ Cẩn chiêu mộ quân nghĩa dũng chống Pháp khiến quân Pháp chịu tổn thất.

Triều đình nhà Nguyễn liền cho gọi những người chống Pháp ở Bắc hà về Triều, trong đó có Vũ Cẩn. Ông đành phải đi theo lệnh Triều đình.

Năm 1885, Triều đình cử Vũ Cẩn làm Tri phủ Ninh Bình, Hàn Lâm Viện thị giảng. Thời điểm này có biến lớn khi ở Huế, Tôn Thất Thuyết cùng phe chủ chiến bất ngờ đưa quân tấn công quân Pháp. Dù bị đánh bất ngờ trong đêm nhưng quân Pháp nhờ vũ khí hiện đại vượt trội nên đến mờ sáng thì đánh lui quân Triều đình và tiến vào Kinh thành. Vua Hàm Nghi phải chạy ra Tân Sở phát động phong trào Cần Vương, nhiều người Việt chống Pháp bị bắt vào thời gian này.

Một lần Vũ Cẩn nhận được 26 người bị bắt đưa đến vì chống Pháp, viên Công sứ người Pháp yêu cầu phải xử chém, nhưng chờ vẫn chưa thấy xử khiến người Pháp phải nhắc nhở. Vũ Cẩn đáp rằng mạng người quan trọng không thể khinh suất. Sau thời gian chần chừ ông tim cách phóng thích cả 26 người này.

Năm 1907, Vũ Cẩn mất, mộ của ông được đặt trên sườn núi Phúc Đức (dân chúng hay gọi là núi Nác). Ông để lại là thế hệ học trò thành đạt, 20 người đỗ cử nhân trong ba khoa thi từ năm 1891 đến 1897, ba người đỗ tiến Sỹ, bốn người làm đến Tuần Phủ, còn 16 người làm đến Tri Phủ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: