Liệt nữ truyện: Tình nghĩa chân thành giữa mẹ kế và con gái
- Thiên Cầm
- •
Những người cùng chung một nhà nhưng không cùng huyết thống liệu có thể nảy sinh tình nghĩa chân thành, để tới khi đối diện với khảo nghiệm sinh tử, họ vẫn có thể biết nghĩ cho đối phương, cùng chung hoạn nạn? Vào thời Hán, từng xảy ra một câu chuyện khiến những người chứng kiến phải xúc động, hơn nữa nhân vật chính lại là người mẹ kế và con gái không cùng huyết thống. Điều này được ghi lại trong cuốn “Liệt Nữ truyện” thời Tây Hán.
Hai nhân vật chính trong câu chuyện này, một là người vợ kế của vị quan địa phương quản lý Chu Nhai, một là cô con gái của người vợ trước tên là Sơ, 13 tuổi. Khi vị quan qua đời thì để lại người mẹ và con gái không cùng huyết thống, cùng cậu con trai 9 tuổi của người vợ kế. Ba mẹ con đưa linh cữu của ông về quê.
Chu Nhai là nơi sản xuất ra những viên ngọc trân châu. Bà mẹ thường ngày hay đeo một chuỗi vòng có 10 viên ngọc lớn như một thứ đồ trang sức. Nhưng theo luật pháp thời Hán, không được mang trân châu lớn qua cổng thành, những người vi phạm sẽ bị định tội chết. Vì muốn đưa linh cữu về quê, vợ kế của Chu Nhai Lệnh bèn vứt bỏ món đồ trang sức đeo tay này, nhằm tránh sinh chuyện đa đoan.
Phải rất vất vả ba mẹ con mới tiến được đến cổng thành, nhưng đúng vào lúc này, quan trông coi cổng thành lại tìm được một viên trân châu lớn từ trong hộp đồ nữ trang của người mẹ.
Mọi người kinh ngạc thất sắc, bởi tội mang ngọc vào thành là tội chết. Quan trông thành hỏi việc này ai làm, và chuẩn bị truy cứu trách nhiệm. Sơ, con gái người vợ trước đột nhiên tranh lên phía trước mà trả lời rằng: “Chuyện này là tôi nên chịu trách nhiệm”. Vị quan hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra?” Sơ đáp rằng: “Tôi nhìn thấy phu nhân vứt vòng ngọc đi, trong tâm thấy nuối tiếc, bèn để chuỗi ngọc vào hộp nữ trang của phu nhân, mà phu nhân không hề hay biết.” Kỳ thực Sơ lo lắng nếu mẹ kế thực sự làm chuyện này, thì e rằng bà sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng, nên dứt khoát đứng ra nhận tội thay.
Mẹ kế thấy tình hình như vậy, cũng vội vàng tiến về phía trước hỏi han con. Sơ trả lời mẹ kế rằng: “Phu nhân đã vứt vòng ngọc đi, con lại để lại vào trong hộp nữ trang, là con nên bị trách phạt.” Mẹ kế không nghi ngờ rằng có chuyện như vậy, nhưng lại cảm thấy con gái đáng thương, bèn nói với quan coi thành rằng: “Xin ngài thư thư hãy định tội. Viên ngọc lớn này là tôi buộc trên cánh tay. Khi chồng tôi chẳng may qua đời, tôi bèn để viên ngọc lớn này vào trong hộp nữ trang. Sau này bận rộn với việc tang sự, nên quên không lấy viên ngọc ấy ra, là tôi nên chịu phạt mới phải.”
Nhìn thấy mẹ kế nói như vậy, Sơ lại nói với quan rằng: “Viên ngọc ấy quả thực là do tôi lấy.” Mẹ kế nhìn tình cảnh này thì nước mắt giàn giụa, nói: “Đó là do con gái đang muốn bao che cho tôi, kỳ thực là do tôi để vào.” Nhưng Sơ vẫn không nhường nhịn, lại nói: “Phu nhân thương Sơ là cô nhi, nên mới miễn cưỡng để Sơ tiếp tục sống. Kỳ thực phu nhân quả thực hoàn toàn không hay biết sự tình.” Nói tới đây, hai mẹ con không thể kìm nén mà ôm đầu bật khóc thảm thiết. Mọi người chứng kiến việc này cũng cảm thấy sống mũi cay cay.
Theo lý mà nói, mang ngọc vào thành ắt phải có một người gánh tội. Quan coi thành chấp bút chuẩn bị viết tội trạng, nhưng nhìn thấy hai mẹ con không cùng huyết thống lại đại nghĩa nhẫn nhịn như vậy, thì vô cùng cảm động. Mặc dù quan sớm đã nhấc bút, nhưng mãi vẫn không thể đặt bút viết. Quan Hầu phụ trách phán quyết việc này cũng rơi nước mắt, trầm ngâm rất lâu vẫn không thể phán quyết.
Sau này quan Hầu nói rằng: “Hai mẹ con đại nghĩa như vậy, sao ta có thể nhẫn tâm định tội được đây? Hai mẹ con đều không nỡ để người kia phải chịu khổ, mà nhường nhịn nhau, ta sao có thể biết được ai đúng ai sai?” Nói rồi quan Hầu ném thẳng viên ngọc xuống đất, khiến nó vỡ tan và để hai mẹ con rời đi. Mãi sau khi họ đã rời đi mọi người mới phát hiện ra, người để viên ngọc vào trong hộp nữ trang, không phải người mẹ, cũng không phải con gái, mà là cậu con trai nhỏ của người mẹ kế.
Hai người liệt nữ không cùng huyết thống ấy được người đời sau truyền tụng nhờ tinh thần đại nghĩa nhường nhịn của họ. Sử sách ca ngợi hai mẹ con họ là “Hai vị đại nghĩa đất Chu Nhai”.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
- Cổ dài lại mọc khối u vẫn trở thành vương hậu lưu danh sử sách
- Tản mạn hình ảnh người con gái hái dâu thời cổ
Mời xem video:
Từ khóa Tình cảm gia đình tình cảm mẹ con Liệt Nữ Truyện mẹ kế con chồng