Louis XIV: “Vua mặt trời” giúp nước Pháp hùng mạnh
- Trần Hưng
- •
Vua Louis XIV của nước Pháp ở ngôi 72 năm, trở thành vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử nước Pháp và lịch sử châu Âu. Với tài năng của mình, nhà vua đã giúp nước Pháp hùng mạnh nhất, đứng đầu châu Âu cả về văn chương, nghệ thuật, chiến tranh và trị quốc. Chính vì thế mà Louis XIV còn được gọi là “vua Louis vĩ đại” hay “vua mặt trời”.
Vào thế kỷ 17 ở nước Pháp, hoàng hậu Anne sau khi kết hôn với vua Louis XIII thì mang thai đến 4 lần, nhưng cả 4 lần đều không giữ được. Phải đến 23 năm sau khi kết hôn, hoàng hậu mới sinh hạ được một hoàng tử. Vì thế mà mọi người đều xem đây như một món quà, một phép lạ mà thiên đàng ban tặng. Vì thế hoàng tử thường được gọi là Louis-Dieudonné (Louis Chúa ban).
Năm 1643, trước khi mất, vua Louis XIII đã chuẩn bị tất cả mọi thứ để con trai có thể lên ngai vàng. Vì Louis-Dieudonné còn quá nhỏ nên vua Louis XIII đã thành lập Hội đồng nhiếp chính. Hơn nữa, ông không muốn hoàng hậu Anne đứng đầu Hội đồng nhiếp chính này dù bà là mẹ đẻ của hoàng tử. Tuy nhiên trái với ý nguyện của ông, cuối cùng hoàng hậu Anne nắm giữ vị trí đó. Vua Louis XIV lên ngôi khi chưa đầy 5 tuổi.
Dù Louis XIV ở ngôi Vua, nhưng quyền lực thật sự nằm trong tay thái hậu Anne và hồng y Mazarin. Năm 1649 đến 1653, nước Pháp diễn ra cuộc nội chiến, giới quý tộc các tỉnh tạo liên minh quân sự nhằm chống lại thái hậu Anne và hồng y Mazarin. Nhiều lần thái hậu phải dẫn vua Louis XIV còn nhỏ chạy khỏi hoàng cung để đi trốn. Cuộc nội chiến này có cả sự trợ giúp của quân Tây Ban Nha. Nó đã khiến nền kinh tế suy sụp.
Nhiều biến cố xảy ra khiến vua Louis XIV ngay từ nhỏ đã hiểu rằng cần có được quyền lực tập trung vào tay mình mới có thể xây dựng một đất nước phồn thịnh.
Năm 1661, hồng y Mazarin qua đời, vua Louis XIV chính thức trị quốc, nắm thực quyền một cách tuyệt đối.
Nắm được quyền lực rồi, vua Louis XIV rất chăm chỉ làm việc, ông làm việc suốt 8 giờ mỗi ngày. Vua cũng chọn người tài bổ nhiệm vào các vị trọng trọng yếu ví dụ bộ trưởng tài chính Jean Baptiste Colbert. Nhờ có người tài giúp sức mà nền kinh tế và kỹ nghệ nước Pháp phát triển mạnh.
Nhà vua còn là một người rất sùng đạo, luôn tự giao cho mình trọng trách bảo vệ nhà thờ. Ông cũng cầu nguyện hàng ngày dù ở trong bất cứ địa điểm hay hoàn cảnh nào, tuân thủ theo lịch tế lễ.
Vua Louis XIV rất sành nghệ thuật và giúp đỡ rất nhiều các văn sĩ và nghệ sĩ, để họ cống hiện cho nền nghệ thuật nước Pháp. Đơn cử như hai nhà viết kịch lừng danh của nước Pháp là Racine và Corneille đều nhận được sự giúp đỡ của nhà vua.
Bên cạnh đó, vua Louis XIV còn cho xây cung điện Versailles, đây là công trình được xem là tinh hoa nghệ thuật của thế giới với nhiều chuẩn mực như: tính đối xứng; các hành lang nhiều cột; các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại; xen vào sự chính xác này là một số nét nghệ thuật Baroque. Versailles được xem là công trình tinh xảo và tráng lệ nhất châu Âu. Nơi đây ngày nay được xem là niềm tự hào của nước Pháp.
Về quân đội, vua Louis XIV xây dựng được đội quân hùng mạnh nhất châu Âu: 10 vạn quân trong thời bình và 40 vạn quân trong thời chiến. Với sức mạnh của mình, vua Louis XIV muốn thu phục lại các vùng đất trước đây của Pháp và đã đưa quân chinh phạt, khiến lãnh thổ của Pháp mở rộng.
Sự hùng mạnh của Pháp khiến châu Âu lo ngại. Các lực lượng châu Âu quyết định thành lập liên minh để kiềm chế bớt sức mạnh của Pháp. Liên minh có sự tham gia của Áo, Thụy Điển, các ông Hoàng Hà Lan, Anh, các ông Hoàng thuộc vùng đất của Đức ngày nay.
Để củng cố sức mạnh của mình, vua Louis XIV đã nhờ tới Sébastien Le Prestre (còn gọi là Vauban) là Hầu tước xứ Vauban. Đây là người đã giúp nhà vua xây dựng các pháo đài ở biên giới nước Pháp, gọi là Vauban. Các bệ pháo đặt bên trên pháo đài cũng dễ dàng tiêu diệt quân tấn công. Pháo đài Vauban thời đó nổi tiếng trong lịch sử châu Âu và được xem là bất bại.
Tháng 9/1688, Thống chế Duras và Vauban thống lãnh 3 vạn quân tiến đánh các vùng đất bên trái sông Rhine nhằm tạo thành vùng đệm ngăn cách dân Pháp và dân Đức. Quân Pháp nhanh chóng chiếm được các vùng đất thuộc Đức ngày nay như Mannheim, Frankenthal, Oppenheim, Worms, Bingen, Kaiserslautern, Heidelberg, Speyer.
Sau 8 năm chinh chiến, quân Pháp và đồng minh đã đánh bại các đội quân của Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và các Vương công Đức. Đến năm 1694, nước Pháp bị mất mùa, quân Pháp phải trải ra để đối phó liên quân nên không thể chiến thắng trên mọi mặt trận. Vì thế mà một hiệp ước hòa bình đã được ký kết năm 1697.
Tuy nhiên, tình hình châu Âu lại một lần nữa biến đổi khi vua Tây Ban Nha, người nắm giữ một đế chế rộng lớn, phải chọn người kế vị trong khi ông lại không có con. Lần này, vua Louis XIV dấn thân vào một cuộc chiến khác kéo dài cho đến gần cuối đời ông, khiến nước Pháp kiệt quệ. Nó chỉ thật sự kết thúc năm 1714, sau nhiều hiệp ước được ký kết rải rác. Về cơ bản, Louis XIV đã khôi phục lại lãnh thổ cho Pháp và các đồng minh của Pháp, đồng thời chiếm thêm được một số vùng lãnh thổ nhỏ và hai hòn đảo.
Điều nuối tiếc duy nhất của vua Louis XIV có lẽ là ông đã bị cuốn vào những cuộc chiến tranh trong suốt cuộc đời của mình. Trước khi mất, vua Louis XIV nói với người cháu rằng: “Cháu ạ, một ngày cháu sẽ là vị Quân chủ vĩ đại. Đừng bắt chước tính hiếu chiến của ta. Hãy luôn hành xử dựa theo Chúa và khiến cho thần dân phải trọng vọng Người. Ta đau lòng mà thấy đã để cho thần dân trong tình trạng như thế.”
Những công lao xây dựng nước Pháp và chinh phục khắp nơi khến vua Louis XIV được mệnh danh là “Vua Mặt Trời” và là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp, được xem là nhân vật trung tâm ảnh hưởng lớn nhất đến châu Âu trong thời kỳ ông tại vị.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vị vua 16 tuổi “chết một nửa” vẫn khiến “kẻ chinh phục vĩ đại” khiếp sợ
- Vị vua chống La Mã nổi tiếng với cơ thể bách độc bất xâm
Mời xem video:
Từ khóa Châu âu nước Pháp lịch sử thế giới Vua Louis XIV