Lưu Cơ: Người đặt nền móng xây dựng thành Thăng Long
- Trần Hưng
- •
Lưu Cơ cai quản cả vùng đồng bằng bắc bộ rộng lớn, giúp sửa chữa và xây dựng thành Đại La mang tầm vóc rộng lớn, trở thành Kinh đô sau này.
“Đô hộ phủ sĩ sư” Lưu Cơ
Dưới thời Thứ sử Dương Đình Nghệ, Giao Châu được yên ổn sau một thời gian bắc thuộc. Bấy giờ ở Hoa Lư có hai vợ chồng ông Lưu Hỷ và bà Lê Thị Lao đã lấy nhau hơn 10 năm vẫn chưa có con nên thường hay đến cầu tự tại đền Sơn Thần ở Bạch Bát (nay thuộc xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình).
Sau đó bà Lao thụ thai, năm 924 sinh được người con trai đặt tên là Lưu Cơ. Từ bé Lưu Cơ hay chơi với đám bạn cùng tuổi là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Đinh Bộ Lĩnh. Những đứa trẻ này đều cùng sinh năm 924 nên thân thiết, hay bày trận cờ lau.
Lớn lên Lưu Cơ theo học với Tri Hối tiên sinh ở Gia Viễn. Sau khi cha mẹ của ông mất, thấy Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở Hoa Lư, Lưu Cơ cùng những người bạn thân thiết là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú đều theo Đinh Bộ Lĩnh.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hoàn tất việc dẹp loạn 12 Sứ quân, lên ngôi Vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Năm 971 nhà Vua sắp đặt các chức quan văn võ cũng như tăng đạo. Nguyễn Bặc được phong là Định Quốc Công (tức Tể tướng), Đinh Điền là Ngoại Giáp, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư (tức Thái sư ở Đô Hộ phủ thành Đại La), Trịnh Tú được phong làm Thượng thư.
Bốn người bạn ở Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú được xem là trụ cột của triều đình. Đây cũng là những người có công lao lớn trong việc dẹp yên loạn 12 Sứ quân, thống nhất Giang Sơn. Cuốn “Thiên nam ngữ lục” chép lại rằng:
Bốn người có nghĩa đồng niên
Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
Vua Đinh Tiên Hoàng chọn đóng đô ở Hoa Lư, thành Đại La giao cho Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ cai quản. Chức “Đô hô phủ” trước đây do nhà Đường đặt ra vào thời kỳ bắc thuộc hay đóng ở thành Đại La, nhưng từ khi Ngô Quyền lên ngôi Vua thì đã không còn chức này, nay Lưu Cơ được gọi là “Đô hộ phủ sĩ sư” trông coi thành Đại La (sau này là thành Thăng Long) và cả vùng đồng bằng bắc bộ rộng lớn, chức vụ tương đương với Thái sư.
Cuộc binh biến
Thành Đại La do Cao Biền xây quay mặt về phía bắc, Lưu Cơ đã chỉnh sửa thành quay mặt về hướng nam, định hình nên thành Thăng Long sau này. Vì Triều đình đóng đô ở nơi hiểm yếu là Hoa Lư, Lưu Cơ lại ở thành Đại La nên trông coi toàn bộ vùng đồng bằng phía bắc rộng lớn.
Đến cuối năm 979 thì xảy ra biến loạn, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích đã giết cả hai cha con là vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Triều đình đưa Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Vua, phong Dương Vân Nga làm Hoàng thái hậu.
Vì Vua mới 6 tuổi còn nhỏ nên Dương Vân Nga ủng hộ Lê Hoàn làm nhiếp chính, phong là Phó Vương. Nhưng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú đều nghi ngờ cho rằng Lê Hoàn sẽ gây điều bất lợi cho Vua nhỏ, thậm chí có thể cướp ngôi (điều sau này đã trở thành sự thực).
Nguyễn Bặc đã họp mà nói rằng: “Lê Hoàn sẽ bất lợi cho “nhụ tử”, chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính tước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng nữa?”
Nhưng Lê Hoàn vốn là người rất giỏi dùng binh, cả bốn người trong Tứ Trụ Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ Trịnh dù giỏi võ nghệ, nhưng về tài dùng binh thao lược thì không phải đối thủ của Lê Hoàn. Lê Hoàn dễ dàng đánh bại được Nguyễn Bặc và Đinh Điền ở Ái châu (Thanh Hóa). Đinh Điền bị chém giữa trận, còn Nguyễn Bặc bị bắt sống giải về kinh rồi bị xử tử.
Sử sách không ghi chép về việc Lưu Cơ cùng Trịnh Tú thế nào. Nhưng Thần Phả thì có ghi chép rằng hai ông đem quân tiến đánh thì bị quân của Lê Hoàn mai phục sẵn ở Bãi Vàng bất ngờ đổ ra đánh. Quân của Lưu Cơ và Trịnh Tú bị đánh tan tác. Các nguồn sử liệu ghi chép khác nhau về Lưu Cơ, nhưng các thần phả về di tích thành Đại La đều cho rằng ông không tử trận mà phục vụ cho Lê Hoàn sống dến tận thời vua Lý Thái Tổ.
Nhà Tống hay tin Đại Cồ Việt có biến liền nhân cơ hội này đưa quân tấn công vào năm 981. Lưu Cơ trấn thủ vùng bắc bộ đã huy động sức dân lập các phòng tuyến chống giặc, góp công lớn đánh bại quân Tống. Sau khi đánh tan quân Tống, Lưu Cơ tiếp tục đảm đương tại thành Đại La.
Sửa sang và xây dựng thành Đại La
Thành Đại La do Cao Biền xây dựng vốn để phuc vụ cho Triều đình phương bắc, Lưu Cơ đã chỉnh trang lại rất nhiều, không chỉ cho thành quay về hướng nam mà còn chỉnh sửa rất nhiều các công trình khác, biến Đại La trở thành thành trì vững chắc của Đại Cồ Việt.
Các công trình khảo cổ ngày nay cũng phát hiện rằng nhiều vật liệu như gạch ngói xây thành là từ thời nhà Đinh, Tiền Lê như gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”.
Để phục vụ cho việc xây dựng chỉnh sửa thành Đại La, Lưu Cơ cũng đưa một số thợ khéo nghề gốm từ làng Bồ Bát thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (huyện Yên Mô, Ninh Bình ngày nay) đến làng Bạch Thổ (làng Bát Tràng ngày nay) phát triển nghề gốm, vì vậy mà ông được dân làng xem là Thành Hoàng của làng Bát Tràng.
Kinh đô mới Thăng Long
Khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi lập ra nhà Lý, thiền sư Vạn Hạnh biết phong thủy ở kinh đô Hoa Lư không phù hợp nữa, các Triều đại ở đây chỉ tồn tại ngắn ngủi. Nơi đó chật hẹp đất thấp không xứng với tầm vóc để xây dựng một Giang Sơn hùng mạnh. Trong khi đó thành Đại La được Lưu Cơ sửa sang xây dựng đã to đẹp, xứng tầm vóc để làm Kinh đô mới, vì thế mà Thiền sư Vạn Hạnh khuyên Vua nên dời đô đến thành Đại La.
Năm 1010 vua Lý Thời Tổ dời đô về thành Đại La, và đặt tên mới là Thăng Long, Lưu Cơ đã giao lại tòa thành cho nhà Vua. Vì Lưu Cơ đã sửa sang rất tốt, nên tháng 7 năm 1010 nhà Vua dời đô đến thành Thăng Long thì đầu năm 1011 đã hoàn tất sửa sang thành theo đúng ý Vua.
Lưu Cơ cai quản vùng đồng bằng bắc bộ suốt 40 năm trải qua 3 Triều đại là nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Lý. Ông được xem là người cai quản vựa lúa lón nhất của đất nước, cũng là nơi tập trung sức người sức của lớn nhất lúc bấy giờ, và ông cũng hoàn thành tốt chức trách của mình.
Tưởng nhớ
Sau khi Lưu Cơ mất, người dân Bạch Bát thờ ông làm Thành Hoàng vì ông có nhiều công lao, cũng là người đưa dân từ làng nghề Bồ Bát nơi đây đến làng Bạch Thổ, xây dựng sửa sang thành Đại La.
Người dân làng Bạch Thổ (Bát Tràng) cũng thờ ông làm Thành Hoàng. Làng nghề gốm Bạch Thổ có thờ 6 vị Thành Hoàng gọi là “lục vị nhà Thánh”, trong đó Lưu Cơ được phong là Thành Hoàng thứ nhất gọi là “Lưu Thiên Tử Đại Vương”. “Lưu” là họ của ông, “Thiên tử” là bởi cha mẹ ông nhờ cầu tự ở đền Sơn Thần ở Bạch Bát mà thụ thai ông, vì thế dân chúng xem ông là do Trời phái xuống ứng với lời cầu tự.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc
- Nhìn nhận về những lời tiên tri quanh việc vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Thăng Long