Mất kết nối…
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Con nhỏ coi tiktok thấy cái hình buồn cười, bèn đọc cho mình nghe.
“Đề: Em hãy viết một bức thư thăm hỏi bà.
Bài làm: Đã lâu con không viết thư thăm hỏi bà. Bà có khoẻ không? Thôi thư đã dài con xin ngừng bút.”
Lời phê của cô: Vậy là dài dữ hen?”
Mình vừa cười vừa cãi cho đứa học trò.
“Cô phê vậy thì không được rồi. Đứa nhỏ làm đúng chính xác yêu cầu của đề bài và xứng đáng được điểm cao vì không thừa không thiếu. Với cô, người có thể nói nhiều thì như vậy là không đủ dài. Nhưng với đứa nhỏ, ví như giống mẹ Ngà ngày nhỏ ba ngày không cạy miệng được một câu, thì nói viết vậy là dài rồi còn gì. Cô không thể lấy cô ra so với đứa nhỏ và bắt nó phải hiểu chữ ‘dài’ giống như cách cô hiểu. Vậy là áp đặt, bức hiếp trẻ con. Ha ha.”
Con nhỏ cười khì lắc đầu bó tay le lưỡi với lý luận của mình luôn.
Chuyện vui, nhưng nếu để ý thì ta thấy trong đời sống hằng giờ hằng ngày người lớn thường xuyên áp đặt, bức hiếp trẻ con như vậy và buộc chúng phải nghĩ, hiểu, làm theo ý mình, giống mình. Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào. Để ý lời ăn tiếng nói của bản thân thì mỗi người đều dần dần tự nhận ra hết trọi.
Ba mẹ hay buồn rầu than thở con cái ngày càng lớn càng mất kết nối với mình, như thể họ vô tội và mọi lỗi lầm đều từ phía đứa trẻ. Hổng phải đâu. Không một đứa trẻ nào muốn mất kết nối với ba mẹ, người nuôi dưỡng. Ba mẹ có đánh đập, chửi bới sỉ nhục, đuổi đi, gây hàm oan,… kiểu gì thì đứa nhỏ vẫn ôm riết, xoắn lấy, không rời xa và nhanh chóng tha thứ, bỏ qua cho ba mẹ. Nó yêu thương vô điều kiện. Không đứa trẻ nào chê ba mẹ xấu, nghèo, dở. Mọi sự chỉ bắt đầu sai hướng khi và chỉ khi ba mẹ gây ra lỗi lầm trước đối với trẻ, rất nhiều lần, trong thời gian dài thì mới khiến nó trở thành người cay nghiệt. Ba mẹ thường luôn đặt điều kiện để yêu thương. “Con phải ăn nhanh thì mẹ mới yêu.” “Con phải học giỏi thì ba mới thương.” “Con phải ngoan ngoãn, sạch sẽ thì ba mẹ mới vui mới thương.” “Con phải đạt điểm cao thì mới được mua cái này.” “Con phải…” Ngày qua ngày đứa trẻ bị giáo dục phải có điều kiện mới được yêu thương. Tình yêu vô điều kiện, trong trẻo thánh thiện của trẻ bị chính ba mẹ dùng điều kiện, như gạch đá, đè lên, hình thành những bức tường che đậy, khuất lấp. Tình yêu ngắc ngoải dưới chân tường. Rồi, chính ba mẹ lại trách khi con chê ba mẹ hoặc ngó lơ hoặc chỉ thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo chính xác những gì mà nó nhìn thấy và được dạy.
Người mẹ già run run muốn nắm lấy tay con khi nó chào để đi nhưng không dám. Con không thấy mẹ muốn nắm tay mình vì đầu đang bận nghĩ đến cuộc gặp kế tiếp với khách mần ăn. Mình chứng kiến cảnh này hoài hoài, khắp nơi. Ba mẹ già được chăm chút cái ăn cái mặc nhưng tình cảm thì… Bạn thấy rồi đó.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Tựa do tòa soạn đặt
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa Nguyễn Thị Bích Ngà