Trí tuệ cổ nhân: Tài phú và số mệnh không tương xứng tất sẽ có tai họa
- An Hòa
- •
Ngày nay rất nhiều người cho rằng càng có nhiều tiền tài thì càng tốt. Nhưng trong lý niệm của cổ nhân thì tiền tài càng nhiều chưa hẳn đã là tốt, mà thậm chí còn mang đến tai họa, nhất là đối với tiền tài bất nghĩa.
Quần áo mà rộng hơn vóc dáng thì không được coi là quần áo tốt. Giày dép mà rộng hơn chân quá nhiều thì cũng không được coi là giày dép vừa. Một người cô đơn trong một tòa lâu đài rộng lớn cũng không thể coi là điều hạnh phúc được. Đạo lý này có vẻ dễ hiểu, nhưng một khi nói rằng tiền tài nhiều chưa hẳn đã tốt thì không phải ai cũng công nhận. Có người còn cho rằng tiền tài của cải là do sự phấn đấu, tranh giành, dùng thủ đoạn mà có được, càng nhiều mới càng tốt.
Tuy nhiên hãy nghĩ về điều này: Một mẫu ruộng tốt có thể qua tay tới 800 người chủ sở hữu. Nhưng kỳ thực ai là chủ ai là khách đây? 800 người chủ sở hữu kia cũng chỉ như những kẻ qua đường, nay đến tá túc, mai này đã rời đi. Sinh mệnh con người chẳng hề trường cửu, nói chi đến tài sản? Vàng kia, bạc kia, tiền kia cũng không phải là để ngắm, chẳng phải những điều này cũng là nay đây mai đó hay sao?
Trong mắt con người ngày nay mà nói, cuộc sống vốn dĩ là không công bằng, cuộc sống dường như là để tranh giành nhau. Có rất nhiều việc như quyền lực, giàu sang hay nghèo khổ, thông minh hay ngu đần, đẹp hay xấu, cơ hội hay vận hạn… giữa người với người là không thể công bằng. Thậm chí sinh ra yếu khỏe khác nhau, lành lặn hay tàn tật, cũng đều đã là không công bằng. Yêu cầu mọi người được bình đẳng ngang nhau là điều không thể.
Nhưng kỳ thực trên thế gian này vạn sự vạn vật đều có quy luật, quy luật vận hành ấy là không chịu sự khống chế của con người. Luật vận hành của nguyên tử, phân tử, luật vận hành của trời đất, bốn mùa, luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Bản thân con người cũng có sinh, lão, bệnh, tử. Đó chính là những quy luật mà con người không thể tránh né. Còn có những quy luật cao hơn ảnh hưởng đến sinh mệnh của con người, như luật nhân quả, thiện ác hữu báo, lại là điều con người chỉ có thể mặc khải mà không thể chứng minh rõ ràng bằng khoa học hiện hữu. Từ góc độ này mà nói, thì kỳ thực sinh mệnh là bình đẳng như nhau, đều có một quy luật, một Pháp, một Đạo để đo lường.
Tiền tài bởi vậy cũng có quy luật sâu xa của nó: giàu là có mệnh. Có người suốt đời không thể giàu được, có người giàu trước nghèo sau, lại có người nghèo trước giàu sau, người mà cả đời giàu có thì hỏi thế gian được mấy người? Người không có mệnh giàu thì có miễn cưỡng truy cầu cũng không được, trái lại còn bị tai họa bất ngờ, bởi vì đạo Trời không cho phép “đoạt lấy”, chỉ cho phép “hữu đạo mà lấy” thôi.
Bởi vậy có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử dẫu quý trọng tiền tài, nhưng luôn chú ý thuận theo đạo trời để lấy. Tiền tài hợp với đạo thì không thể không quý trọng, bởi đó là của cải do bản thân làm ra, không thể tiêu xài hoang phí. Không phải là của cải do lao động, thì dẫu nhận trong tâm cũng cảm thấy bất an. Có bỏ công sức ấy thì mới nhận lấy tiền tài ấy, đây chính là đạo nghĩa căn bản làm người.
“Sử Ký – Hoá Thực liệt truyện” của Tư Mã Thiên lại có câu: “Phú hiếu hành kỳ đức”, nghĩa là người giàu có thích cứu tế những người nghèo khó, nguy nan, làm những việc có đạo đức, đây cũng là tích đức để có phúc phận.
Trong “Chu Dịch” viết rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, người tích thiện thì thường vui, người tích ác thì tai ương sẽ ập đến. Cũng có câu rằng “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo trời tuy không phân biệt hay thiên vị thân sơ, nhưng người lương thiện lại thường được thuận lợi, bởi người lương thiện phù hợp với đạo trời. Người chỉ chăm chăm tích tiền tài, làm việc hại người lợi mình, bất kể đạo nghĩa, chính là chiêu mời ác báo.
Giữa sinh mệnh con người và tiền tài cũng có quan hệ thâm sâu. “Người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật”, do đó tài vật không tương xứng với đức độ và phục phận thì hậu hoạn vô cùng. Lại có câu: “Tài đa thân tự nhược, cả đời phá bại việc không thành”. Thân yếu nhược mà tiền tài nhiều thì lực không đủ gánh, nếu là thân suy thì càng sớm gặp họa, thân suy mà tài vượng thì còn bị chết yểu, tài nhiều thân nhược thì dần dần sẽ bị hao tổn tinh thần sức lực… Có thể thấy có những người không chỉ là chiêu mời họa, mà còn là đổi thọ mệnh lấy tài, đổi sức khỏe lấy tài. Cuối cùng chính là cái được không bù nổi cái mất.
Trong cuốn “Triêu dã thiêm tái” có ghi chép một chuyện về Vương Hiển thời Đường. Theo đó từ nhỏ, Hoàng đế Đường Thái Tông có một người bạn rất thân thiết tên là Vương Hiển. Hai người họ, ngày ngày chơi đùa cùng nhau rất hòa thuận. Bấy giờ, Hoàng đế thường đùa giỡn nói rằng: “Vương Hiển đến già cũng không ra làm quan được!”
Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, Vương Hiển liền đến gặp và nói: “Thần hiện giờ có thể ra làm quan được không?” Hoàng đế cười nói: “Không biết có thể hay không!” Ngay sau đó, Hoàng đế triệu kiến ba người con của Vương Hiển và ban cho họ chức quan Ngũ phẩm.
Vương Hiển bấy giờ rất nóng lòng muốn được làm quan liền đến xin Hoàng đế ban cho một chức quan nhỏ. Hoàng đế băn khoăn nói: “Ông không có quý tướng, ta không ban chức quan cho ông thực sự cũng rất đáng tiếc!”
Vương Hiển nghe xong lại nói: “Nếu buổi sáng có thể được làm quan thì buổi tối có chết cũng mãn nguyện”. Lúc ấy, phó xạ Phòng Huyền Linh nói: “Bệ hạ! Ngài đã có giao tình với ông ấy từ nhỏ, vì sao không thử cho ông ấy một chức quan?”
Một mặt cũng là ngại vì tình bạn thân thiết cũ, một mặt cũng bởi sự khẩn thiết này của Vương Hiển, Đường Thái Tông liền ban cho bạn mình một chức quan nhỏ. Thật không ngờ, ngay đêm hôm Vương Hiển được ban tặng chức quan ấy liền chết bất đắc kỳ tử.
Vương Hiển “sống chết” cầu được chức quan, cuối cùng không thể hưởng thụ nổi mà thật sự đối diện với chuyện “sống chết”. Bởi vậy, tài mệnh không tương xứng thì không phải là phúc mà thực sự là họa.
“Luận Ngữ – Lí Nhân” viết: “Phú quý và vinh hiển ai cũng thích. Không dùng đạo nhân mà đạt được thì không nên làm. Nghèo khó và thấp hèn, chẳng ai ưa. Không dùng đạo nhân để thoát nghèo thì không làm.”
Sách “Đại học” viết rằng: “Đức là gốc, tài là ngọn, nếu gốc ngọn đảo lộn thì người người ắt tranh đoạt với nhau.” Chu Hy bình: “Nhân giả tán tài dĩ đắc dân, bất nhân giả vong thân dĩ thực hoá”, nghĩa là người nhân đức dùng tiền tài giúp đỡ dân chúng mà tăng thêm phúc đức, đắc được lòng người, còn kẻ bất nhân thì cam chịu hiểm nguy tới bản thân để truy cầu phú quý, tăng thêm sản nghiệp. Người bất chấp tất cả để cầu tài thì ngay từ khi bắt đầu đã chú định là sẽ “vong thân”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: