Khỏi cần nói chúng ta cũng biết người Việt coi trọng vai trò người thầy như thế nào. Người Việt ai cũng thuộc lòng “Không thầy đố mày làm nên”. Quan niệm của người Việt trong thời quân chủ cũng đặt “thầy” ngang “vua” và “cha”: “quân – sư – phụ”.

Người Việt rất coi trọng trường lớp và bằng cấp. Thời quân chủ, đi thi mà không đỗ, không có bằng cấp, danh hiệu vua ban như hương cống, cử nhân, tú tài, tiến sĩ thì… coi như vứt.

Người ta chỉ coi người đó là một “anh khóa hỏng thi”. Dân gian chế giễu, vua quan coi thường. Thân phận và tiếng cười của Tú Xương – một anh học trò thi mãi vẫn… tạch là một minh chứng. Ai thi đỗ, có bằng cấp thì về được đón rước, vinh quy bái tổ, cỗ bàn linh đình, xóm làng, dân gian trọng vọng.

Trong thời hiện đại này, cũng thế. Người ta rất quan tâm và hỏi han xem học trường nào, có bằng gì, thầy là ai…

Bằng cấp trở thành niềm tự hào trong cả giao tiếp thông thường lẫn nơi làm việc và trên phương tiện truyền thông.

Người ta cũng xô đổ cả cổng trường nọ, xếp hồ sơ dự thi từ 3 giờ sáng, rồi ép con cái học chí chết để chen vào một trường nào đó ở trong và ngoài nước…

Tư duy về trường lớp, bằng cấp, thầy cô như thế có đúng không?

Đúng!

Cơ hội cho một người được học trường tốt, thầy tốt, có bằng cấp cao sẽ rộng mở thênh thang hơn rất nhiều người không có những thứ đó. Đối với cá nhân cũng thế mà với một tập hợp các cá nhân cũng vậy.

Đơn giản vì thi cử, trường lớp, thầy cô là một bộ lọc, là những tác nhân trợ giúp quan trọng. Trong môi trường tốt, cá nhân có cơ hội để học hỏi nhiều hơn, gặp thầy cô tốt sẽ được chỉ bảo để vượt qua khó khăn dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian công sức hơn, được khơi gợi, truyền cảm hứng, dẫn dắt tốt hơn…

Hơn nữa, có một số ngành nghề, lĩnh vực bằng cấp, trường lớp, có thầy dạy là điều kiện bắt buộc để được hành nghề và điều này được quy định bằng luật pháp nghiêm ngặt như luật, y, một số ngày kĩ thuật liên quan đến an toàn.

Ở Nhật không học qua trường, không có chứng chỉ, sẽ không được ngồi lên lái cả các máy móc sử dụng trong đất riêng nhà mình hoặc trong xưởng của mình. Trong các nhà máy, người không được đào tạo có chứng chỉ sẽ không được lái máy nâng hạ, không được vận hành các máy công cụ nhất định, không được trói vật cho cần cẩu nhấc lên…

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chỉ qua trường lớp, phải có thầy cô dạy, phải có bằng cấp cá nhân mới mài sắc được tài năng, mới lành nghề, mới có thành tựu hay trở thành nhân tài, thiên tài?

Không hẳn vậy!

Có nhiều nhân tài, thiên tài là sự hội tụ của cả giáo dục trường lớp, bài bản và tự học, tự rèn luyện nhưng cũng có rất nhiều tài năng xuất chúng hay nhân tài có cống hiến, thành tựu lớn nhờ tự học, nhờ lăn lộn với đời.

Trong khoa học người ta thường nhắc đến Edison như một ví dụ.

Các lĩnh vực giao thoa với đời sống nhiều, hòa trộn phần học thuật, nghệ thuật với đời sống sẽ là mảnh đất để các tài năng không có điều kiện hoặc không thích, chối bỏ trường lớp, bằng cấp, thầy cô mài sắc bản thân, thăng hoa tới đỉnh cao.

Những lĩnh vực ấy thường là nghệ thuật, văn chương, thợ thủ công, kinh doanh – buôn bán, công tác xã hội, nhà cách mạng, nhà tu hành, diễn giả…

Ở Việt Nam các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Bính, Tô Hoài… là những người không học nhiều trong trường lớp chính quy, không có bằng cấp cao, nhưng ai dám bảo họ viết văn không hay, không có nền tảng văn hóa sâu rộng, tư duy không sâu sắc, không để lại tác phẩm có giá trị?

Xa hơn về trước nữa thì là Phạm Đình Hổ!

Trên thế giới cũng không thiếu các nhà văn xuất thân hèn kém. Henri Charrière – tác giả tiểu thuyết “Papylon người tù khổ sai” – trước khi đi tù oan mấy chục năm, chịu đựng cảnh sống đầy khổ ải và ghê tởm rồi thành nhà văn, chỉ là một gã ma cô sống bằng thủ đoạn nhơ bẩn.

Nishimura Kenta trước khi bước ra ánh sáng trở thành nhà văn lớn, nổi tiếng khi nhận giải thưởng văn chương danh giá Akutagawa Ryunosuke (2010) chỉ là một người vô danh với cuộc đời đầy khổ ải, trụy lạc và vô vọng, một người dưới đáy xã hội. Tiểu thuyết này của ông được xếp vào dạng “tư tiểu thuyết” tức là được viết dựa trên phần lớn cuộc đời thật của tác giả (rất gần với tự truyện). Đọc nó sẽ thấy nhà văn đã từ dưới đáy xã hội vươn lên như thế nào.

Trong các lĩnh vực khác ta có thể tìm vô vàn ví dụ sống động như vậy.

Thú vị hơn nữa là có rất nhiều nhân vật có bằng cấp cao, học hành bài bản trong trường lớp, có thầy cô chỉ dạy chu đáo nhưng họ lại chỉ thật sự chói sáng khi bước ra khỏi biên giới đó hoặc đi trật đường ray, thậm chí là nhạo báng, phủ nhận cuộc đời trước đó. Ở Việt Nam là trường hợp của Cao Bá Quát, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Tú Xương, Nguyễn Khuyến…

Ta hãy tưởng tượng Tú Xương thi đỗ ngay từ lần đầu và trở thành một viên tri huyện hay thư lại.

Ta cũng hãy tưởng tượng cụ Nguyễn Khuyến cả đời làm quan vui vẻ, sung sướng.

Và cụ Nguyễn Du làm tể tướng tiếp nối truyền thông gia đình.

Đôi khi một biến cố nào đó cũng làm cho nhiều người tái sinh trong một con người khác, sự nghiệp khác.

Ví dụ Natsume Soseki (1867-1916), vốn là sinh viên, giảng viên xuất sắc ngành Văn học Anh của Đại học đế quốc Tokyo, đại học danh giá số 1 của Nhật Bản (nay là Đại học Tokhyo). Ông được cử sang Anh du học. Nhưng sang đó phần vì ông nghe không hiểu tiếng Anh, phần không thích hợp với cuộc sống ở đó nên bị khổ sở, giày vò rồi rơi vào trầm cảm nặng phải về nước. Trong những ngày về nước sống với thất vọng, buồn chán, ông đã cầm bút và rồi giống như trời định ông trở thành một nhà văn tiêu biểu nhất thời Minh Trị và cũng là nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản (cho đến nay).

Vậy nên, bằng cấp, trường lớp, thầy cô là điều kiện rất cần và thậm chí là bắt buộc cho đa số các trường hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chỉ có nó người ta mới thành công. Thế giới rộng mênh mông, nhân sinh muôn nghìn lối, còn có rất nhiều cơ hội, con đường cho cá nhân có thể chọn hoặc dấn bước khi bị đẩy vào.

Hơn nữa, bây giờ trường lớp và thầy cô còn được hiểu theo nghĩa rất rộng. Đó có thể là sách, là internet, là những người bình thường trong cuộc sống…

Nhiều người có tất cả từ bằng cấp, trường lớp, thầy cô tốt nhưng cũng chỉ làm được ở mức trung bình khá hoặc khá mà không thể thăng hoa lên đỉnh cao được.

Có lẽ ở họ thiếu một cái gì đó giống như thiên bẩm trời cho hoặc thứ gì đó giống như là thiên mệnh, sứ mệnh thượng đế trao cho cũng như là sự giác ngộ về sứ mệnh đó.

Trong các tác phẩm của Kim Dung vốn rất phổ biến ở Việt Nam, được nhiều người biết tới, những nhân vật có gia thế, chăm chỉ học võ, thậm chí học điên cuồng từ bé với tham vọng khủng khiếp lại không đạt tới được cảnh giới cao trong võ thuật. Trong khi đó những nhân vật hồn nhiên, chất phác, không mưu cầu danh lợi, sống phiêu du tự tại như Đoàn Dự, Quách Tĩnh, Hư Trúc… lại đạt tới đỉnh cao võ thuật nhờ một cơ duyên… ngớ ngẩn nào đó.

Ai đã trải nghiệm ít nhiều trường đời sẽ thấy dù là tác phẩm kiếm hiệp, giải trí và là hư cấu, nó không hoàn toàn phi lý.

Vậy nên, nếu cá nhân mình hay con mình vào được trường tốt, gặp được thầy tốt, học tập tiến bộ trên đại lộ để tiến tới tương lai ta cũng vui vẻ.

Trong nhiều trường hợp khác, nếu không được như vậy, ta vẫn có thể hi vọng và nỗ lực tìm kiếm, tận dụng các cơ hội khác. Đường đời muôn ngả, đầy rẫy phép màu. Biết đâu nhờ nỗ lực cố gắng và giữ được sự nhiệt thành, chân thật người ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc và thành công.

Không một con đường nào là tuyệt đối.

Có trường lớp tốt, thầy cô tốt, bằng cấp tốt mà bám chấp vào đó cũng có khi không hẳn là điều hay. Nhiều người không vượt được qua những gì thầy mình đã viết, đã nghĩ, đã làm.

Thi hỏng, không được vào trường tốt, bị thầy cô từ chối… cũng có khi chưa hẳn là tuyệt vọng.

Quan trọng là biết “nở ở nơi bị đặt vào” và tìm thấy con đường hợp nhất với mình là được. Muốn biết thế nào là hợp thì chẳng có cách nào ngoài trải nghiệm, thử thách, phản tỉnh và học hỏi liên tục.

Quan trọng hơn nữa, những thanh niên không được học trường tốt, thầy cô tốt, có được bằng cấp cao ấy phải hiểu rằng “mình phải có nghị lực gấp 2, gấp 3” để bù lại phần mình không được ưu ái ấy.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: