Một cuộc so tài bất thành giữa Leonardo da Vinci và Michelangelo
- Lý Mai
- •
Sau khi Florence thành lập nền Cộng hòa (Repubblica di Firenze) vào năm 1494, chính quyền mới quyết định xây dựng thêm một hội trường có sức chứa 500 người tại tòa nhà Palazzo Vecchio (Tòa thị chính ngày nay, trước đó là cung điện của Florence, cái tên Palazzo Vecchio có nghĩa là “cung điện xưa kia”). Phần lớn công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1500, nhưng hai bên sảnh hội trường cần được trang trí bằng những bức bích họa để thể hiện lịch sử huy hoàng của nền Cộng hòa, đặc biệt là hai chiến thắng trong chiến dịch Cascina năm 1394 và chiến dịch Anghiari năm 1440. Chính quyết định này đã dẫn tới một cuộc so tài bất thành giữa hai thiên tài trong Tam Kiệt của thời kỳ Phục Hưng, đó là Michelangelo và Leonardo da Vinci.
Để đảm bảo chất lượng của công trình, chính quyền Florence đã quyết định mời những đại sư nặng ký trong giới nghệ thuật tham gia sự kiện trọng đại này. Đầu tiên họ mời tác giả của “Bữa tiệc cuối cùng” là Leonardo da Vinci vẽ bức “Trận chiến tại Anghiari”. Vài tháng sau, chính quyền lại yêu cầu ngôi sao nghệ thuật mới nổi Michelangelo vẽ một bích họa khác, thể hiện “Trận chiến tại Cascina”. Bấy giờ Michelangelo vừa mới hoàn thành xong bức tượng David nổi tiếng, thể hiện ra sở trường điêu khắc vượt trội của mình.
Sự khác biệt giữa Leonardo da Vinci và Michelangelo
Ở Florence, công chúng luôn có sự so sánh giữa Leonardo da Vinci và Michelangelo. Khoảng cách tuổi tác khiến họ thuộc về hai thế hệ khác nhau: Leonardo thuộc thời đại Lorenzo của thế kỷ 15; còn Michelangelo, trẻ hơn 23 tuổi, thuộc thời đại Cộng hòa sau Savonarola (Girolamo Savonarola là một thầy dòng có ảnh hưởng lớn tới tình hình Florence trước và trong giai đoạn đầu của nền Cộng hòa).
Không chỉ khác nhau về tuổi tác mà phong cách, ngoại hình và tính cách của Leonardo da Vinci và Michelangelo cũng rất khác biệt. Leonardo chú trọng đến ngoại hình và có phong thái nhẹ nhàng; Michelangelo không cầu kỳ và thẳng thắn. Leonardo thích đối đãi với nghệ thuật bằng một thái độ mực thước, trong khi Michelangelo lại là thiên tài thể hiện vẻ đẹp bên trong.
Bản thân Michelangelo có tài điêu khắc và sử dụng cái nhìn của một nhà điêu khắc để vẽ tranh cũng như thiết kế kiến trúc. Trong khi đó, Leonardo da Vinci lại nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực, có thể gọi là bác học, và thiên hướng bác học đó cũng biểu hiện trong các tác phẩm hội họa của ông. Việc này đã dẫn đến sự đối nghịch về quan điểm nghệ thuật. Leonardo tin rằng hội họa là nghệ thuật cao quý nhất có thể thể hiện chân thực tất cả những cảnh tượng mà mọi con mắt nhìn thấy. Michelangelo thì tin rằng điêu khắc là một nghệ thuật vĩ đại hơn.
Những xung khắc
Anonimo Magliabechiano đã ghi lại một giai thoại về Michelangelo và Leonardo da Vinci trong một bản thảo của mình. Theo đó, một nhóm người tình cờ gặp được Leonardo và hỏi ông về một vài vấn đề. Đúng lúc đó, Michelangelo tình cờ đi ngang qua, và Leonardo nói: “Hãy hỏi Michelangelo, cậu ấy có thể giải thích cho các ông”. Michelangelo nghĩ rằng Leonardo đang chế nhạo mình nên giận dữ trả lời: “Ông hãy tự mình giải thích đi. Ông vẽ phác thảo một bức tượng ngựa bằng đồng, mà còn đúc không ra. Thật đáng xấu hổ khi để nó ở đó và đi mất.”
Kỳ thực Michelangelo đã nhắc đến một tác phẩm bất thành của Leonardo da Vinci. Thời đó, Leonardo da Vinci được ủy thác thực hiện một bức tượng ngựa bằng đồng cực lớn, với khối lượng lên tới hơn 70 tấn. Ông đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng công trình này và thậm chí thực hiện một phiên bản kích cỡ tương tự bằng đất sét và đưa đi trưng bày. Tuy nhiên, vì lý do chiến tranh mà số đồng này sau đó đã bị đem đi để đúc pháo. Vậy nên đây là một nuối tiếc lớn của Leonardo da Vinci.
Trong một dịp khác, Leonardo cũng không tán đồng với việc đặt tác phẩm David nổi tiếng của Michelangelo tại quảng trường lớn bên ngoài tòa nhà Palazzo Vecchio. Lúc đầu, bức tượng này được ủy thác để đặt trên mái của Nhà thờ chính tòa Florence. Nhưng sau đó, vì không thể đưa được bức tượng lên trên mái Nhà thờ, nên một cuộc họp đã được tổ chức. Một nhóm nghệ thuật gia cho rằng tảng đá cẩm thạch dùng để điêu khắc nên bức tượng có chất lượng không được tốt, và dễ bị hư hỏng nên cần phải đặt nó ở dưới mái vòm của tòa Loggia dei Lanzi cùng nhiều bức tượng khác, có nghĩa là vị trí không được nổi bật. Trong khi đó, một nhóm khác cho rằng nó nên được đặt ở cổng vào của Palazzo Vecchio, nơi đóng vai trò trọng yếu nhất của Florence.
Cuối cùng, David đã được đặt ở cổng vào của Palazzo Vecchio. Tuy nhiên sau này điều Leonardo và các nghệ thuật gia khác lo ngại cũng trở thành sự thật. Năm 1873, người ta đã buộc phải thay thế bức tượng David bằng một bản sao để bảo vệ nó khỏi sự hư hại.
Cuộc so tài bất thành
Quay trở lại cuộc so tài tại hội trường tòa nhà Palazzo Vecchio, thông tin hai đại danh họa sẽ hoàn thành hai tác phẩm đứng đối lập nhau trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi ở Florence. Ý định của chính quyền Cộng hòa là tổ chức các hoạt động sôi nổi. Đồng thời, cuộc thi này có thể kích thích hai bậc thầy phát huy tài năng của mình đến cực hạn và tạo ra nghệ thuật tuyệt vời cho Florence.
Sự kiện này thực sự gây xôn xao, thậm chí nhiều nghệ sĩ từ các vùng khác (chẳng hạn như Raphael là một trong số đó) đã nhân cơ hội hiếm có này để tới chiêm ngưỡng các tác phẩm của hai bậc thầy.
Tuy nhiên điều đáng tiếc là hai nghệ sĩ cuối cùng đều rời khỏi Florence mà không hoàn thành công việc của họ. Không phải là Leonardo da Vinci và Michelangelo không đủ nỗ lực. Trên thực tế, cả hai đều đã chuẩn bị những bức phác thảo bìa cứng khổng lồ, và đều được trưng bày công khai trước công chúng. Tuy nhiên khá nhiều việc đã xảy ra vào thời điểm đó.
Về phía Leonardo da Vinci, không muốn bị giới hạn trong các kỹ thuật bích họa đã biết, ông mạnh dạn thử một kỹ thuật không quen thuộc là kỹ thuật La Mã đã thất truyền từ lâu. Do sử dụng kỹ thuật này không thành thạo, cộng thêm điều kiện khí hậu, nên sau khi Leonardo sử dụng màu để sơn thì màu bị chảy. Leonardo đã sử dụng các chậu lửa để làm ấm bức tường, nhưng việc này cũng chỉ cứu được phần dưới của bức tranh. Thất vọng, Leonardo đã từ bỏ tác phẩm của mình.
Trong khi đó, Michelangelo thậm chí còn chưa trực tiếp cất bút. Khi ông đang trong quá trình chuẩn bị thì bị Giáo hoàng Julius II gọi đến Rome để điêu khắc trang trí cho phần mộ cho mình. Điều khá hài hước là sau này tác phẩm của Michelangelo lại không được đặt trên mộ của Giáo hoàng Julius II.
Vẫn “rất Michelangelo” và vẫn “rất Leonardo da Vinci”
Cả hai bức phác thảo “Trận chiến tại Anghiari” và “Trận chiến tại Cascina” của hai danh họa đã hư hại và thất lạc. Ngày nay, chúng chỉ còn được biết đến qua các sao chép của những họa sĩ khác.
Tuy nhiên ngắm nhìn các bức tranh sao chép này, chúng ta vẫn có thể thấy được sự khác biệt cơ bản trong phong cách của Leonardo và Michelangelo. Theo biên niên sử thế kỷ XIV của Giovanni Villani, những người lính Florence đóng trại gần Cascina đã bất ngờ bị quân địch tấn công khi đang tắm ở sông Arno. Trong bản phác thảo của Michelangelo, những người lính đang khỏa thân tắm khi nghe thấy tiếng báo động, đã nhanh chóng lên bờ lấy vũ khí chuẩn bị chiến đấu. Với chủ đề này, Michelangelo đã thể hiện đầy đủ các động thái khác nhau của cơ thể người trong trạng thái vặn xoắn, đầy căng thẳng và giàu sức mạnh nam tính.
So với cách quản lý hiệu ứng từ góc độ hội họa của Leonardo Da Vinci, Michelangelo từ đầu đến cuối vẫn không quên thân phận là một nhà điêu khắc của mình. Ông sử dụng cơ thể con người như một yếu tố thể hiện tác phẩm. Các nhân vật trong tranh ai nấy đều có bắp thịt săn chắc như tạc tượng và có đường viền sắc nét. Hình khối chỉnh thể sinh động, chặt chẽ.
Trong khi đó, Leonardo lại vẽ một cuộc chiến dữ dội giữa những người lính trên lưng ngựa. Cách bố cục và hội họa của ông trực tiếp mang đến cho người xem một cảm giác căng thẳng, một sự đụng độ đầy sức mạnh và tàn khốc. Tuyệt phẩm này mang đến một cảm giác hoàn toàn khác so với khi chứng kiến một “tác phẩm điêu khắc” như của Michelangelo.
Thật đáng tiếc khi cả hai tác phẩm của Leonardo Da Vinci và Michelangelo đều không được hoàn thành hoàn thiện.
Theo Lý Mai, Epoch Times
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại
- Nhà nguyện Brancacci: Thánh địa tạo nên các danh họa
Mời xem video:
Từ khóa hội họa phương Tây Leonardo da Vinci nghệ thuật Phục Hưng Michelangelo