Đồng Đại Bái: Tiếng chuông vang vọng hồn núi sông
- Thanh Phong
- •
Làng Đại Bái thuộc xã Đại Bái nằm ở phía Tây của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đại Bái là một làng nghề truyền thống với các nghề chính: gò đồng, đúc đồng, dát đồng, đúc nhôm, gò nhôm, nhưng gò đúc đồng là nghề chủ yếu. Ngoài ra, ở đây còn nhận dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, hoàn chỉnh các chi tiết, chạm khắc kim loại, ghép tam khí…
Nghề đúc đồng Đại Bái qua nhiều thăng trầm đã không dừng lại với trình độ thủ công ban đầu mà phát triển mở rộng sang các loại hình đòi hỏi trình độ cao như chạm khắc hàng mỹ nghệ. Người Đại Bái năng động đã làm ra một loạt hàng trang trí, gia dụng bằng đồng mạ bạc như các bình hoa, các bộ đồ trà, rượu, tranh gò đồng nổi…
Đại Bái có tên cổ là làng Bưởi Nồi, cách Hà Nội khoảng 35km, cách trung tâm tỉnh Bắc Ninh khoảng 20km, nằm bên bờ Nam sông Đuống và cách huyện lỵ Gia Bình 3km. Chính vì vậy dân gian lưu truyền câu ca dao:
Muốn ăn cơm trắng, cá trôi
Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh.
Muốn ăn cơm trắng, canh cần
Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng.
Lịch sử làng nghề Đại Bái
Theo tư liệu lịch sử thì Việt Nam bước vào thời kỳ đồ đồng khoảng bốn, năm nghìn năm trước, đó là bước ngoặt lớn của nền văn minh. Lợi thế của nước ta là có nhiều mỏ kim loại như mỏ đồng, mỏ thiếc, v.v.. Cùng với khối óc sáng tạo và bàn tay cần cù, người Việt cổ đã bắt đầu biết đến những kỹ thuật dùng đồ đồng và luyện kim.
Truyền thuyết về ông tổ nghề thì có rất nhiều sách ghi lại, nhưng cũng chưa thực sự thống nhất ai là ông tổ nghề đúc đồng. Mỗi một câu chuyện và truyền thuyết đều có phần khác nhau. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vào thời nhà Lý có nhà sư Nguyễn Minh Không, tên thật là Nguyễn Trí Thành, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, với tài trị tà chữa bệnh. Thời ấy vua Lý Thần Tông bị mắc bệnh chữa mãi không khỏi, nhà sư Nguyễn Minh Không đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và được phong làm Quốc sư.
Có sự tích Nguyễn Minh Không đi Tống và mang về một túi thần chứa toàn đồng. Về nước, ông đem đồng ra đúc “tứ bảo linh khí” và được tôn làm tổ nghề đúc đồng. “Tứ bảo linh khí” đó bao gồm:
- Pho tượng Phật khổng lồ cao khoảng 20m ở chùa Quỳnh Lâm, Đông Chiều, Quảng Ninh.
- Tháp Báo Thiên ở Thăng Long, gồm 12 tầng cao khoảng 70m.
- Chuông Quy Điền ở chùa Một Cột, Hà Nội.
- Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Nam Định.
Tứ bảo linh khí đến ngày nay đã bị thất lạc sau nhiều biến động của lịch sử.
Tương truyền rằng vào thế kỷ XVIII, một số người trong làng Đại Bái đã tập hợp nhau lại và ra mở một xưởng đúc đồng trong khu bán đảo trên hồ Trúc Bạch ngày nay. Vì vậy mà miếu thờ cũng được lập nên ở đó.
Mặc dù chưa có sự thống nhất về ông tổ nghề đúc đồng. Nhưng lòng tôn kính với những bậc tiền nhân đi trước thì không có gì thay đổi. Họ là người đã khai sáng ra nghề và truyền lại cho các thế hệ sau những tinh hoa trong nghề đó. Nhà thờ tổ ở Đại Bái có treo vế đối như sau:
Công đại tiên khai – Nghiệp tùy hậu thế.
Vế đối có nghĩa là người trước có công mở ra nghề, nhưng nghề đó có được phát triển hay không là tùy vào đời sau.
Kỹ thuật đúc đồng
Kỹ thuật làm đồng cụ thể được phân thành 5 bước như sau:
Bước 1: Tạo cốt mẫu
Để tạo được cốt mẫu đạt tiêu chuẩn về kiểu dáng, mỹ thuật, hay kỹ thuật thì đòi hỏi phải có tay nghề cao, có kinh nghiệm. Vậy nên người tạo mẫu thường là các nghệ nhân. Chất liệu cốt bằng đất sét, thạch cao là cách tạo khuôn mẫu đúc đỉnh đồng và tượng đồng.
Bước 2: Làm khuôn
Làm khuôn là công đoạn khó nhất trong kỹ thuật đúc đồng. Nó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, có năng khiếu về tạo hình, tính tỉ mỉ. Khuôn đúc đỉnh đồng và những linh vật bằng đồng như long, ly, quy, phụng, kỳ lân… rất phức tạp nên người tạo khuôn thường được gọi là nghệ nhân, thợ cả và cũng chính là người chỉ huy toàn bộ công đoạn đúc đồng.
Khuôn đúc đồng được làm bằng đất phù sa lấy từ sông, trộn cùng đất sét trong đồng và có pha cùng tro trấu, bông vụn. Để có khuôn tốt, phải đập đất, say đất, sàng đất thật nhỏ, thật mịn. Đất ngoài khuôn còn phải trộn thêm cả nguyên liệu làm từ gạch chịu lửa đập nhỏ rồi ngiền mịn pha vào. Đất lót trong khuôn càng phức tạp hơn nữa, phải dùng đất trộn với giấy bản, bông vụn, đảo thấu thật kỹ để giảm độ co ngót của khuôn. Làm khuôn không thể làm ẩu, làm dối. Có khuôn rồi, trước khi đúc phải nung khuôn cho nóng đều. Khi đốt khuôn phải giữ lửa đều hai bên, lửa nặng hay nhẹ bên nào cũng không được.
Nếu khuôn sống thì đúc sẽ hỏng. Còn nếu khuôn quá già, khi đúc sẽ bị rỗ, méo khuôn. Khuôn quá non khi đúc đồng chảy hết, chảy đều, đồng sẽ đọng lại và bị xô .v.v.
Bước 3: Nung khuôn
Với những khuôn đất sét thì việc nung khuôn là không thể thiếu, mục đích của việc nung khuôn là làm mất nước trong đất để tránh bọt khí trong quá trình đúc, nếu còn bọt khí thì sản phẩm đồng sẽ bị khuyết, rỗ.
Bước 4: Nấu chảy và rót nguyên liệu vào khuôn
Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, ít tạp chất, đồng càng sạch càng tốt (không dính bùn đất, dầu mỡ, sơn…). Sau đó nguyên liệu được đưa vào nồi gang hay nồi phấn chì để nung chảy. Khi nhiệt độ đạt khoảng 1200 độ C thì đồng nóng chảy chuyển dần sang màu đỏ. Lúc này là thời điểm thích hợp rót đồng vào khuôn.
Cái khó của nghề đúc đồng là phải xem được nước đồng chảy đều chưa, chảy vừa độ chưa. Những điều đó chỉ có qua con mắt nhìn và kinh ngiệm mới biết được. Nếu nồi nấu đồng không chảy đều, đồng chưa chảy ở dạng đồng chất, thì đúc vật sẽ bị hỏng.
Khi rót đồng vào khuôn cần phải từ từ, đều tay, liên tục, đồng thời phải giữ được nhiệt độ cao trong khuôn.
Bước 5: Làm nguội và hoàn thiện sản phẩm
Rót đồng xong, để khuôn và sản phẩm nguội rồi dỡ sản phẩm ra khỏi khuôn. Lúc này các sản phẩm đúc như: đỉnh đồng, lư hương, hạc, chân nến, tượng đồng… vẫn còn thô ráp nên cần được hoàn thiện thông qua mài, dũa, đục, tách và đánh bóng. Tùy vào yêu cầu của sản phẩm như đỉnh đồng vàng thì chỉ cần đánh bóng, đỉnh đồng chạm bạc thì cần phải chạm bạc, đỉnh đồng tam khí thì phải ghép tam khí, đỉnh đồng giả cổ thì phải lấy màu sao cho giống hình thức đồ cổ, chủ yếu là màu đen, và màu hun.
Thời xưa, trong nghề đúc có hai thứ khó đúc nhất là đúc tượng và đúc chuông. Đúc tượng đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật làm khuôn phải cực kỳ chuẩn để có được bức tượng đẹp và có thần thái. Cái khí cái thần làm nên cốt cách của pho tượng và điều đó cũng phản ánh tư tưởng của người thợ làm ra bức tượng đó.
Việc đúc chuông cũng có những khó khăn riêng của nó. Khi gõ chuông âm thanh phải rõ và tiếng phải giống nhau. Nếu đúc chuông mà không kêu thì người nghệ nhân hay làng đó sẽ bị mất uy tín.
Mỗi sản phẩm bằng đồng được làm ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người nghệ nhân. Một người thợ đúc đồng giỏi phải có kinh nghiệm, thành thục nhiều kỹ thuật tinh xảo: kỹ thuật tạo hình để tạo mẫu sản phẩm; kỹ thuật tạo khuôn để đúc thành đồng; kỹ thuật pha chế, nấu đồng và rót đồng; kỹ thuật chạm khắc và bố cục hoa văn trên bề mặt sản phẩm; kỹ thuật đánh bóng và cuối cùng không kém phần quan trọng là kỹ thuật làm màu cho sản phẩm.
Nghệ thuật trong đúc đồng
Đồng Đại Bái rất tinh xảo, đẹp về tạo dáng và lối tạo hình trong các hoa văn trang trí. Những họa tiết trên các sản phẩm thường xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật cổ, trong điêu khắc đình chùa, trong những giai thoại, huyền thoại, truyền thuyết dân gian mà từ lâu đã quá quen thuộc. Ngoài ra đồng Đại Bái còn có các hoa văn hình hoa lá, chim, thú, mây, nước, mặt trời, mặt trăng… Đó là những hình ảnh thiên nhiên gắn bó với đời sống được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Trong việc bố cục các họa tiết trên từng sản phẩm, nghệ nhân thường sử dụng nhiều dạng đề tài xen kẽ các mảng trang trí thuần túy như các hình hoa cúc, vân mây, hoa văn, hoa dây, đường triện, hoa lá cách điệu, động vật cách điệu, hình kỷ hà, nét đậm, nét mảnh. Các dạng trang trí này thường được bố cục theo kiểu đăng đối hay bố cục kiểu đường diềm, tức là cả mảng trang trí chạy theo một vòng tròn, không có điểm mở đầu hay kết thúc như trên các quả chuông, mâm đồng, đỉnh đồng… Những nghệ nhân còn sử dụng yếu tố tương phản hay là sự đối lập giữa đơn giản và phức tạp, giữa giản lược và chi tiết, giữa khoảng chính phụ với khoảng trống hay sự thiết kế tối thiểu loại bỏ những chi tiết không quan trọng nhằm nhấn mạnh những chi tiết quan trọng.
Đơn cử như họa tiết hình ảnh hai con rồng chầu quanh một hình tròn xuất hiện rất nhiều trên các sản phẩm như lư hương, đỉnh đồng, chân nến, bồ lao (quai cheo), chuông đồng… Trong tâm thức người Việt, rồng có vị trí đặc biệt về văn hoá, tín ngưỡng, nó biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”. Thuyết rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích “con rồng, cháu tiên” và tập quán trồng lúa nước, trong đó rồng đóng vai trò giúp mưa thuận, gió hòa. Hình tượng hai con rồng chính là biểu tượng lực Âm – Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của Thái cực. Hình ảnh hai con rồng chầu quanh hạt châu là hình ảnh “Lưỡng long tranh châu”.
Thân rồng to mập, khúc nới ra uốn lượn đều đặn thu dần về đuôi. Điều này thể hiện được sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của loài linh vật cai quản thời tiết, mùa màng. Đầu rồng dữ tợn, mào kéo dài ra phía trước, có sừng. Bờm tóc to trải dài, những chòm lông quanh cổ hình xoắn ốc dựng lên, trên thân có chạm vẩy, hình dáng rồng uy nghi, nổi rõ phong cách với những hình khối, đường nét khỏe khoắn, tinh lọc giản dị, vững chãi mà không nặng nề. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đây là một hình tượng rồng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt.
Hoạ tiết thứ hai cũng thường hay gặp là hoa sen. Đây là loài hoa được dùng nhiều nhất trong các đề tài trang trí trên các sản phẩm. Họa tiết hoa sen được thiết kế tinh tế và được thể hiện dưới nhiều dáng vóc, góc độ khác nhau, thật sống động và ý nghĩa. Ở nền văn hóa phương Đông, hoa sen là biểu tượng vô cùng tốt đẹp trong tâm niệm của mỗi người. Nó được coi là thứ hoa tuyệt vời nhất, biểu tượng cho sự thuần khiết và phần tâm linh cao quý của con người. Hoa sen trong truyền thuyết có 8 cánh biểu hiện cho sự hài hòa của vũ trụ, của Phật giáo, đại diện cho sự thông thái, thấu hiểu, sự giác ngộ và cuộc sống.
Hoa sen có bốn đức: hương (thơm), tịnh (sạch), nhu nhuyễn (mềm mại) và đáng yêu. Nó có mặt trên hầu hết các sản phẩm của làng Đại Bái như lư hương, bình hoa, đỉnh, đĩa bày trái cây, chân nến…
Mỗi họa tiết dân gian trên các sản phẩm đúc đồng không chỉ là họa tiết hoa văn trang trí làm đẹp mà còn hàm chứa một giá trị văn hóa sâu sắc. Mỗi biểu tượng đều mang ý nghĩa lịch sử, quan điểm thẩm mỹ, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng.
Hoa văn trên các sản phẩm đúc đồng là ngôn ngữ tạo hình, giữ vai trò phản ánh tâm thức dân tộc trong nghệ thuật tạo hình của dân làng Đại Bái qua các thời kỳ. Những đường nét, dù trau chuốt hay giản đơn, với những họa tiết thực vật hay động vật được miêu tả rất có hồn hàm chứa nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài sự vật, phản ánh ước vọng muôn đời của người Việt về một cuộc sống an lành. Các bậc tiền nhân khai sáng nghề đúc đồng đã cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng hình bóng của nền văn hóa dân tộc qua các thời kỳ vẫn luôn tiềm ẩn trên các sản phẩm đúc đồng.
Thanh Phong tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nghề cổ đất Việt đúc đồng