Người xưa giáo dục con tình yêu thương con người
- Tịnh Trúc
- •
Người phương Đông xưa rất coi trọng sinh mệnh. Văn hóa truyền thống đề cao Nhân, đứng đầu trong “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, đâu đâu cũng thể hiện sự trân quý, tôn trọng sinh mệnh con người. Vậy nên người xưa luôn giáo dục con về tình yêu thương con người, và cũng có những tấm gương nhân ái mà nghĩa cử tốt đẹp đã lưu lại cho hậu thế.
Tư Mã Quang là một nhà sử học, học giả, thừa tướng nổi tiếng thời nhà Tống. Có một câu chuyện về ông khi còn nhỏ như vậy. Một lần khi Tư Mã Quang cùng các bạn đang chơi đùa ở sân sau nhà thì một người bạn bất cẩn đã rơi vào một cái chum lớn chứa đầy nước. Nhìn thấy cậu bạn nhỏ sắp bị chết chìm, những bạn khác đều cảm thấy sợ hãi không biết làm sao, có bạn gào lên khóc, có bạn thì cuống cuồng chạy đi tìm người lớn. Trong lúc nguy cấp, chỉ có Tư Mã Quang là hết sức bình tĩnh, cậu không hề hoảng sợ, mà tìm một hòn đá to ở bên cạnh, ôm đến đập vỡ cái chum nước lớn. “Xoảng” một tiếng, chum nước vỡ ra, nước bên trong tuôn ra ngoài, nhờ vậy người bạn nhỏ kia đã được cứu sống.
Nhờ đâu mà Tư Mã Quang lại dũng cảm, mưu trí như vậy? Có thể có người sẽ cho rằng đó là vì Tư Mã Quang thông minh. Thật ra không hẳn chỉ vì Tư Mã Quang có tư chất cao, mà còn là vì từ nhỏ cậu đã được cha giáo dục rất tốt. Năm Tư Mã Quang lên 6 tuổi, cha đã dạy cậu đọc “Luận Ngữ”, đọc đến đâu là cậu nói hiểu đến đó. Cha liền muốn kiểm tra: “Phàn Trì hỏi về ‘Nhân’, Khổng Tử viết ‘ái nhân’, câu này nghĩa là gì?” Tư Mã Quang trả lời luôn: “Có người học trò tên là Phàn Trì, anh ta hỏi Khổng Tử rằng ‘Nhân’ là gì? Khổng Tử đáp là yêu thương con người”. Cha lại hỏi: “Lời của Khổng Tử là có ý gì?” Tư Mã Quang nghiêng cái đầu nhỏ nghĩ ngợi rồi đáp: “Là người tốt cần biết yêu thương bảo vệ người khác”. Người cha gật đầu hài lòng. Hành động mưu trí cứu người của Tư Mã Quang không chỉ là vì cậu thông minh, mà là vì cậu còn hiểu cách yêu thương con người. Người xưa nói: “Nhân giả tất trí”, người nhân nghĩa lương thiện nhất định sẽ có trí tuệ rộng lớn.
Chúng ta đều biết hành vi của con người được quyết định bởi ý thức, tư tưởng. Một người có tấm lòng lương thiện, có chuẩn mực đạo đức, thì người ấy sẽ không chỉ kính Trời tín Thần, tin vào thiện ác hữu báo, mà cũng mang tư tưởng truyền thống quý trọng sinh mạng, đối xử tốt với người khác.
Trong xã hội hiện đại, với quan niệm vô Thần, giáo dục chính quy trên toàn thế giới dạy rằng con người chỉ là vượn người tiến hóa thành, rằng chúng ta chỉ là tổ hợp của các loại tế bào vật chất. Sự giáo dục phiến diện, bỏ qua phương diện cốt lõi về thăng hoa tinh thần và đạo đức, đã gây ra vô số thảm họa xã hội: đánh chửi người già, không phụng dưỡng cha mẹ, kinh doanh hại người, tham ô hủ bại, hút hít ma túy… Thậm chí hàng năm toàn thế giới cũng có đến vài chục triệu thai nhi bị phá bỏ, một lượng sinh mệnh vượt qua số người chết vì bất cứ nguyên nhân nào, kể cả đại dịch. Đây chẳng phải là vì người ta đã vứt bỏ đạo đức truyền thống, vứt bỏ tình yêu thương con người hay sao?
Dựa theo “Thiếu niên thời không: Tình yêu thương“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Tịnh Trúc
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục con trí tuệ cổ nhân