Người phụ nữ thời Lê khiến người người từ dân đến Chúa đều tôn kính
- Trần Hưng
- •
Thời Lê, bà Bổi Lạng là một người phụ nữ giàu có, nhưng bà giàu có là để có điều kiện cứu tế dân. Chuyện của bà bay đến tận phủ chúa Trịnh, Chúa đã đến tận nơi và bày tỏ lòng tôn kính đối với bà.
Đã nghèo lại giúp người, chẳng màng đến mình
Vào giữa thế kỷ 17 ở làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ) có gia đình vợ chồng ông Nguyễn Tá và bà Nguyễn Thị Xướng rất nghèo khó. Hai vợ chồng sinh được người con gái gọi là Thuyết, được mấy năm thì ông Tá qua đời.
Hai mẹ con Nguyễn Thị Xướng và bé Thuyết sống trong ngôi nhà nhỏ, bốn vách xơ xác, cột nhà siêu vẹo, nhà chỉ có vài sào ruộng vườn bạc màu. Bé Thuyết phải tự lập kiếm sống từ sớm, nhưng được trời phú cho thông minh, lại sống giàu tình cảm với xóm làng, càng lớn càng xinh đẹp.
Theo người dân làng Bình Lãng bé Thuyết khi lớn lên được đặt tên là Nguyễn Thị Trị, được gọi là cô Trị. Cô Trị hàng ngày chăm chỉ làm việc nuôi mẹ già, dù sống cô quạnh nhưng cô Trị vẫn làm cho mẹ vui, dân làng ai cũng khen ngợi.
Hàng ngày khi thủy triều xuống cô Trị lại ra sông mò hến rồi đem ra chợ làng bán, lấy tiền nuôi mẹ già. Dù vất vả nhưng cô Trị siêng năng, lại biết thương người nghèo khó.
Một năm mất mùa, dân làng đói lắm. Cô Trị dù nghèo nhưng còn ít gạo dự trữ liền đem cho hết dân nghèo, chẳng màng đến sau này lấy gì ăn. Nhiều người thấy thế thì lo cho tương lai sau này của cô, cầu trời cầu Phật cho cô Trị được giàu có để giúp dân nghèo.
Ước nguyện của dân làng thành hiện thực
Một chiều tà tháng 3, thủy triều xuống sâu. Cô Trị ra xa bờ mải mê mò hến, rồi đột nhiên mò được thỏi vàng, thế rồi càng mò lại tìm được càng nhiều báu vật. Cô Trị từ đó có số vốn ban đầu để dành sau này làm ăn.
Giải thích cho việc mò được số của cải này, có người cho rằng trước đó quân Trịnh và quân nhà Mạc có trận chiến ở sông Thái Bình đoạn làng Bình Lãng, thuyền chở vàng bạc của quân Trịnh lấy được của nhà Mạc bị đánh đắm chìm xuống sông. Sau đó có người cất công mò tìm số vàng bạc này nhưng không đáng là bao.
Có được của cải, cô Trị thường giúp người nghèo khó. Phía trước nhà cô Trị có nhánh sông, cô bảo dân nghèo ra đó mò cua mò hến rồi cứ bán hết cho mình. Đến khi cua, ốc, hến đã cạn hết, chỉ còn lại sỏi, thì cô Trị cũng mua cả sỏi, chủ yếu để giúp dân nghèo, vì thế mà dân chúng đồn rằng cô Trị nhìn sỏi ra vàng, dân chúng cũng gọi khúc sông này là sông vàng.
Buôn bán lúa gạo, càng giúp người càng giàu có
Đến năm 20 tuổi cô Trị nên duyên với người con trai họ Sái tên là Đắc Lộc, quê xã An Ấp, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Có chồng giúp đỡ, cô Trị quyết định dùng số vốn của mình để làm ăn.
Thời đấy đất đai tuy màu mỡ nhưng hay thiên tai gây mất mùa cục bộ, giá thóc gạo giữa các vùng rất chênh lệch, đó là cơ hội cho nghề buôn bán lúa gạo. Cô Trị quyết định buôn bán lúa gạo, đây cũng là cơ hội để giúp đỡ dân chúng các nơi đói kém khi gặp lúc thiên tai mất mùa.
Nhờ đã có vốn ban đầu, cô Trị cùng chồng buôn bán lúa gạo, vừa làm giàu cho mình, cũng là dịp giúp rất nhiều người, càng giúp người thì người lại càng tìm đến mua hàng. Vì thế mặc dù cũng có những người khác buôn bán, nhưng dân chúng lại chọn mua hàng của cô Trị.
Có lẽ trong vùng chẳng có mấy ai yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ người khác như cô Trị, và chẳng bao lâu cô Trị đã là người giàu có nhất vùng, ruộng trên nghìn mẫu, tiền hàng vạn xâu; còn thóc lúa gia súc nhiều không kể xiết. Rồi dân chúng dần quen gọi cô là bà Bổi Lạng.
Gặp nhiều người nghèo, cô Trị đều sẵn lòng giúp đỡ. Dù đã nuôi 2 con trai khôn lớn, nhưng cô Trị có nhiều con nuôi, con đỡ đầu ở các nơi. Cô Trị đi khắp nơi, đến nơi đâu đều giúp người đến đó.
Có lần cô Trị đến xã La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, đến bên sông Vạn, thì cây cầu gỗ nơi đây lâu năm đã hư hại không đi được. Người qua đây phải lội bùn, đến sông thì phải đợi đò rất lâu, muốn đi ngay thì phải tự bơi qua sông.
Cô Trị liền cho người mua gỗ phiến làm 2 con thuyền, rồi tìm 2 người làm lái đò chuyên chở khách qua sông. Cô Trị cho mỗi người lái đò 5 mẫu ruộng, lấy hoa lợi để chèo đò chở dân miễn phí. Sau này khi chuyển cho người khác chở đò thì số ruộng này cũng chuyển cho người ấy, để dân chúng nơi đây được đi đò miễn phí.
Bà còn xây cầu, mở nhiều con đường khác giúp dân. Những năm mất mùa, thóc gạo đắt như vàng, cô Trị không vì thế mà nâng giá gạo, ngược lại cô Trị không chỉ cho dân gạo, mà còn bán bớt gia sản lấy tiền giúp dân.
Tiếng lành về Bổi Lạng nhân đức bay đến tai chúa Trịnh. Chúa Trịnh Sâm đến tận nơi xem thực hư thế nào, rồi phong cho Bổi Lạng là “Thạc nhân” tức người vĩ đại. Từ “Thạc nhân” đến nay vẫn còn trên ngôi mộ của cô.
Khi về già phân phát hầu hết tài sản cho dân chúng
Khi về già bà Bổi Lạng phân phát rất nhiều ruộng đất của mình cho dân chúng các xã quanh vùng.
Năm 1720 biết mình đã già và không còn sống được bao lâu, bà Bổi Lạng nhờ người có uy tín nhất trong dân chúng là Thám hoa Tể tướng Nguyễn Quý Đức (đã nghỉ hưu) soạn văn bia về cuộc đời của mình, cùng văn bản phân chia tài sản cho các con nuôi, lại chia cả tài sản, ruộng đất cho dân chúng và các làng xã. Tổng số ruộng chia cho con nuôi và các xã là 340 mẫu và hơn 2.000 quan tiền.
Nguyễn Quý Đức khi làm văn bia cũng nhận xét bà Bổi Lạng là “Tố phong” nghĩa là không quyền cao chức trọng nhưng ai cũng kính trọng bà
Bà Bổi Lạng mất vào ngày 27/9/1721. Lăng bà Bổi Lạng được xây cất trên một gò đất gần một sào khá bằng phẳng ở cánh đồng thôn Đông, hai bên có hai hàng cây. Lăng rất cổ kính, tiếc rằng đến nay đã bị hư hại vài phần. Bên trái lăng có tấm bia đá do Thám hoa Tể tướng Nguyễn Quý Đức soạn.
Ngày nay ở huyện Tứ Kỳ có rất nhiều cây cầu đá mà dân chúng vẫn gọi là cầu bà Bổi. Chỉ tính riêng Tứ Kỳ, bà Bổi Lạng đã cho xây 36 cây cầu đá giúp dân chúng đi lại thuận tiện
Hàng năm vào ngày giỗ bà 27/9 dân chúng khắp nơi lại đến trước lăng bà tế lễ rất đông, tưởng nhớ đến một con người giàu có nhưng gần gũi với dân chúng.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Bí ẩn phong thủy dòng họ khoa bảng – P2: Lòng nhân hậu cảm động trời đất
- Phong thủy giúp vương triều chúa Trịnh kéo dài suốt 12 đời
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử Lòng tốt Nhân quả