Trí tuệ cổ nhân: Người xảo trá không bằng người thành thật
- An Hòa
- •
Trong cuốn “Thuyết uyển” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán có câu: “Xảo trá bất như chuyết thành”, tức là xảo trá không thể bằng với mộc mạc thành thật. “Xảo trá” mà Lưu Hướng nhắc tới chính là chỉ người trong lòng hiểm độc, có mục đích, biểu hiện giả tạo để làm mê hoặc người khác mà đạt được ý đồ thâm sâu của mình. “Chuyết thành” là trong lòng không mang ác niệm, thành tâm thành ý đối đãi với người khác. Ngôn hành cử chỉ của người “chuyết thành” tựa như ngốc nghếch nhưng thực ra là chất phác mộc mạc, không lừa người.
Thời Chiến Quốc, Nhạc Dương là tướng lĩnh của nước Ngụy, phò tá Ngụy Văn Hầu dẫn quân tấn công vào nước Trung Sơn. Con trai của Nhạc Dương là Nhạc Thư bị người dân nước Trung Sơn bắt giam trong thành và treo lên. Nhưng Nhạc Dương sau khi nhìn thấy liền nói: “Ta tận sức làm hết chức trách của bề tôi, không thể vì tư tình với đứa con mà thay đổi.” Vì thế, Nhạc Dương chỉ huy quân lính tiến đánh thành càng mãnh liệt hơn.
Trước tình thế nguy ngập, vua Trung Sơn sai giết chết Nhạc Thư rồi lấy thịt làm canh mang đến cho Nhạc Dương. Tuy nhiên Nhạc Dương lại thản nhiên ăn canh thịt con. Cuối cùng, Trung Sơn bị diệt. Nhạc Dương mở rộng được lãnh thổ cho nước Ngụy, lập công lớn.
Sau khi Nhạc Dương lập được công lớn, Ngụy Văn Hầu nói với cận thần: “Nhạc Dương vì quốc gia mà phải ăn thịt con trai mình!” Nhưng cận thần lại nói: “Ngay cả thịt con trai mình mà cũng ăn thì còn thịt của ai mà ông ta không dám ăn?”
Ngụy Văn Hầu khen thưởng chiến công của Nhạc Dương, đem đất Thọ Linh phong cho Nhạc Dương, nhưng cũng hoài nghi tâm địa tàn nhẫn của ông ta. Từ đó về sau, Ngụy Văn Hầu không còn tín nhiệm Nhạc Dương và không dùng ông ta nữa.
Nhạc Dương bởi vì truy đuổi công danh mà không để tâm đến ân nghĩa, đánh mất đi lòng nhân ái. Người tàn nhẫn bất nhân làm sao có thể lấy được sự tín nhiệm của người khác?
Trong “Hoài Nam Tử” có ghi chép một câu chuyện về Mạnh Tôn chọn thầy cho con. Mạnh Tôn là một người rất thích đi săn. Một lần, Mạnh Tôn đi săn thú, săn được một con nai rừng, liền sai thuộc hạ là Tần Tây Ba mổ thịt. Con nai mẹ chạy theo Tần Tây Ba và không ngừng biểu lộ bi thương. Tần Tây Ba không đành lòng giết thịt con nai ấy mà thả nó về với nai mẹ. Sau khi về đến nhà, Mạnh Tôn hỏi Tần Tây Ba về con nai. Tần Tây Ba thành thật kể lại chuyện. Mạnh Tôn nghe xong liền đuổi Tần Tây Ba đi.
Một năm sau, Mạnh Tôn lại tìm kiếm và mời Tần Tây Ba trở về làm thầy giáo dạy bảo con trai mình. Người thân của Mạnh Tôn thấy vậy liền hỏi: “Tần Tây Ba có lỗi với ông, vì sao ông lại cho hắn làm thầy giáo của con mình?”
Mạnh Tôn trả lời: “Ngay cả một con nai nhỏ ông ta cũng không nhẫn tâm làm tổn thương, huống chi đối với người?”
Đây là có lỗi lại được người tín nhiệm, vì không đánh mất đi lòng nhân ái mà được thế. Người có tấm lòng nhân từ, có những lúc nhất thời gặp phải trở ngại nhưng nhân cách của họ thì không ai sánh được, sức mạnh của Thiện là vô cùng lớn, cuối cùng họ chiếm được sự tín nhiệm và tôn trọng của người khác.
Bởi vậy, việc chọn lựa giữa tiến hay thoái của một người là không thể không cẩn thận. Trong lòng có Thiện, lấy nhân từ làm gốc tất sẽ biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái. Lương thiện như gió mùa xuân, như mưa phùn có thể làm dịu đại địa. Lòng nhân từ lại giống như ánh sáng mặt trời ấm áp có thể làm tan băng tuyết. Trái lại, tâm địa xảo trá, bấn nhân bất nghĩa thì tất sẽ gặp khó, dẫu có thành tựu cũng bị giới hạn rất nhiều.
Có một chuyện khác, vào những năm cuối thời Xuân Thu, Trí Bá là người nước Tấn, giỏi về biện luận nhưng lại ngang ngược kiêu ngạo, hung ác bất nhân, vô duyên vô cớ khơi mào chiến tranh vô nghĩa. Trí Bá đòi Ngụy Tuyên Tử phải cấp đất cho mình. Có người hiến kế với Ngụy Tuyên Tử: “Trước tiên, chúng ta cấp cho ông ta một chút, sau đó Trí Bá sẽ thuận đà mà đòi đất của các nhà khác. Các nhà khác cũng đành phải nghe theo nhưng trong tâm nhất định sẽ sinh ra oán hận. Như thế thì Trí Bá sẽ sớm diệt vong thôi.”
Ngụy Tuyên Tử nghe theo kế đó, cấp cho Trí Bá một chút đất. Quả nhiên, Trí Bá hướng đến gia tộc nhà Hàn mà đòi đất và được cấp. Sau đó, Trí Bá lại tiếp tục hướng đến Triệu Tương Tử để đòi đất nhưng Triệu Tương Tử từ chối. Vì thế, Trí Bá uy hiếp nhà Hàn, nhà Ngụy buộc họ tấn công nhà Triệu, vây khốn Triệu Tương Tử trong thành Tấn Dương. Nhưng chính vào lúc Trí Bá chuẩn bị chiến thắng thì ba nhà Triệu, Hàn, Ngụy đã hợp mưu đánh bại quân của Trí Bá ở Tấn Dương, bắt được Trí Bá.
Bởi thế xưa nay xảo trá không thể sánh với mộc mạc thành thật. Người xảo trá tuy rằng nhất thời được lợi nhưng cuối cùng cũng bị xảo trá hại. Chỉ người thành thật, nhân ái, lương thiện mới có phúc báo, phúc trạch lâu dài.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thành thật Đạo đức trung thực