Nguồn gốc của chiếc quạt
- Như Chi
- •
Về nguồn gốc của chiếc quạt có nhiều truyền thuyết khác nhau được lưu truyền lại.
Trong cuốn “Độc Di Chí” đời Đường có ghi chép như sau:
Khi vũ trụ còn sơ khai, mặt đất chỉ có hai người là Phục Hy và Nữ Oa. Họ đến núi Côn Luân đốt cỏ hướng lên trời cầu nguyện: “Nếu chúng con có thể kết duyên thành vợ chồng thì khói tụ lại với nhau, còn không được thì khói tản đi”. Kết quả khói tụ lại với nhau. Thế là Nữ Oa bện cỏ thành quạt, làm tấm che mặt, cùng Phục Hy kết thành vợ chồng.
Từ truyền thuyết này có thể thấy chiếc quạt ban sơ rất có thể được tết bằng cỏ, có công dụng che chắn hơn là công dụng làm quạt mát. Người đời sau có người gọi loại quạt này là “quạt Hy”. Lý Tăng Bá thời nhà Tống đã viết bài thơ “Tị thử phú”, trong đó có câu thơ: “Cử hy phiến, phi sở y” (dịch nghĩa: Nâng chiếc quạt Hy, khoác chiếc áo Sở), quạt Hy ở đây có công dụng che mưa nắng.
Dưới thời Nghiêu Đế, vua Nghiêu dùng đức cảm hóa thiên hạ, bách tính đều kính trọng ông. Truyền thuyết kể rằng Thiên Thượng vì thế mà ban điềm lành xuống, từ trong nhà bếp sinh ra một loại cỏ tiên tên là Tiệp Phủ, lá của nó chuyển động, giúp cho thức ăn mát mẻ không bị ôi thiu, còn có tác dụng đuổi côn trùng. Loại cỏ tiên Tiệp Phủ này có công dụng như chiếc quạt, không khỏi khiến người ta liên tưởng đến chiếc quạt cói vào mùa hè. Trong tiếng Hán cổ, Tiệp Phủ đồng nghĩa với chiếc quạt.
Sau thời vua Nghiêu, vua Thuấn vì muốn thể hiện sự lắng nghe cầu người hiền tài trợ giúp vua, nên khi đi tuần du để chiêu mộ hiền nhân, ông chế ra quạt lông lớn để che, gọi là quạt Ngũ minh. Ngũ minh ý nghĩa là quảng đạt thánh minh, ngũ đại biểu cho năm hướng đông, tây, nam, bắc và ở giữa. Sau này, quạt Ngũ minh được thay thế bằng quạt Nghị trượng được các vương hầu, công khanh sử dụng. Vào thời nhà Tần và nhà Hán, các công khanh, sĩ đại phu đều dùng loại quạt này, nhưng đến thời nhà Ngụy, nhà Tấn, chỉ những người giàu có mới có thể dùng.
Đến thời Ân Thương còn xuất hiện một loại quạt Trĩ vĩ, được làm từ những chiếc lông đuôi chim trĩ rực rỡ sắc màu. Sau này, vì lông đuôi chim trĩ càng ngày càng ít, nên người ta ít dùng loại quạt lông chim này, nó cũng trở thành của hiếm. Vào thời Tây Chu, những chiếc quạt lông màu trắng muốt bắt đầu xuất hiện, nó được dùng trong các nghi lễ dành cho vua Chu nên còn được gọi là quạt Nghi thức. Khi đó, quạt chủ yếu không dùng để quạt mát mà để bảo vệ vua khỏi nắng, gió, cát, bụi khi ra ngoài thị sát.
Vào thời Chiến Quốc còn xuất hiện một loại quạt hình bán nguyệt gọi là “quạt Tiện diện” (quạt che mặt), nó có hình dạng giống như cánh cửa nên còn được gọi là quạt cánh cửa. Theo trào lưu thời bấy giờ, người ta dùng quạt cánh cửa để che mặt khỏi bị nhìn trộm. Loại quạt này được làm bằng những lạt tre mỏng, từ hoàng đế đến dân thường đều có thể sử dụng.
Sau thời nhà Tần và nhà Hán, hình dạng của chiếc quạt đã đa dạng hơn, gồm có hình vuông, tròn, lục giác và các hình dạng khác, chất liệu quạt được làm từ lụa.
Vào thời nhà Hán, quạt rất phát triển và được sản xuất với số lượng lớn, không chỉ có nhiều chủng loại mà kỹ thuật thủ công làm quạt cũng rất tinh xảo. Thời đó, người ta bắt đầu sử dụng những chiếc quạt tre nhẹ và đơn giản. Quạt đã trở thành đồ trang trí bất ly thân của mọi người, còn được dùng làm quà tặng. Khi Triệu Phi Yến được phong làm hoàng hậu của hoàng đế nhà Hán, trong số các món quà mà em gái của bà tặng có sáu loại quạt rất quý như quạt Vân mẫu, quạt Khổng tước, v.v..
Sau thời Tây Hán, quạt bắt đầu được sử dụng nhiều hơn để làm mát. Vào cuối thời nhà Hán, người ta sử dụng một loại vải lụa gọi là “Tề Hoàn” để làm những chiếc quạt hình mặt trăng gọi là quạt Đoàn. Loại quạt này có khung bằng tre và mặt quạt bằng lụa nên được gọi là quạt Lụa, hoặc quạt “Tề Hoàn”. Có lẽ vì quạt Tề Hoàn rất nổi tiếng nên người đời sau đã coi “Tề Hoàn” là ông tổ của nghề làm quạt. Cán quạt Lụa hầu hết được làm bằng xương, ngọc bích, ngà voi…, đuôi quạt trang trí bằng dải tua rua, mặt quạt viết thư pháp hoặc tranh vẽ, khiến những chiếc quạt này trở nên vô cùng quý phái và trang nhã. Sau khi loại quạt này xuất hiện, nó đã thịnh hành ở Trung Quốc hơn một nghìn năm và được các cung nữ khuê các đặc biệt yêu thích.
Các văn nhân thời Hán cũng để lại nhiều bài thơ về chiếc quạt, chẳng hạn như “Phiến Phú” của Phó Nghị, “Trúc Phiến Phú” của Ban Cố và “Đoàn Phiến Phú” của Thái Ung, ca ngợi kỹ thuật thủ công tinh xảo và công dụng của chiếc quạt.
Đề thơ, vẽ tranh trên quạt bắt đầu từ thời Tam Quốc, trong thời nhà Ngụy và nhà Tấn, thói quen đề thơ và vẽ tranh trên quạt để làm quà tặng cho người thân và bạn bè trở nên thịnh hành. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa còn miêu tả rằng vào thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng phe phẩy chiếc quạt lông của mình mà đưa ra những kế sách cao siêu, chiếc quạt lông đã trở thành biểu tượng của trí tuệ.
Vào thời nhà Tùy và nhà Đường, những chiếc quạt khá tinh xảo với nhiều kiểu dáng và màu sắc đa dạng, quạt càng được mọi người ưa chuộng hơn. Những loại phổ biến lúc bấy giờ chủ yếu là quạt lụa và quạt lông, cũng có một số ít quạt giấy. Vào thời Bắc Tống, quạt gấp xuất hiện, loạị quạt này vô cùng tiện lợi khi mang theo. Quạt gấp còn gọi là “quạt Tụ cốt”, “quạt Tản”. Sở dĩ được đặt tên như vậy vì nó có thể hợp nhất hai đầu thành một khi gấp lại.
Đến thời Nam Tống, việc sản xuất quạt gấp đã đạt quy mô đáng kể, phong trào vẽ tranh trên quạt, bán quạt, tích trữ quạt trở nên rất phổ biến, còn xuất hiện các cửa hàng bán quạt và vẽ tranh trên quạt.
Sau thời nhà Tống, quạt gấp trở nên tiện lợi hơn. Hoàng đế nhà Minh còn ra lệnh cho các thợ thủ công trong cung mô phỏng theo quạt Triều Tiên và tiếp thu nghề thủ công nước ngoài để thúc đẩy sự phát triển của quạt trong nước.
Vào thời nhà Thanh, ngoài hình tròn, các loại quạt đối xứng còn có hình bầu dục, hình dẹt, hình vuông, hình hoa mai, hình hoa hướng dương, hình thắt lưng, hình móng ngựa, v.v.. Đặc điểm nổi bật của các loại quạt này là tính đối xứng, nhẹ và là đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, vào thời nhà Minh và nhà Thanh, một loại hình hội họa gọi là “quạt họa” xuất hiện đã thu hút sự tham gia sôi nổi của một số bậc thầy hội họa, khiến quạt họa đạt trình độ nghệ thuật rất cao.
Căn cứ lịch sử phát triển của chiếc quạt, về cơ bản có thể chia thành hai loại: một là loại quạt bằng (bao gồm quạt Đoàn, quạt lá cọ, quạt cỏ, quạt ngọc bích, v.v.), không thể gấp lại được; hai là loại quạt gấp, có thể mở và gấp lại dễ dàng.
Ngày nay, chiếc quạt ngoài công dụng làm mát, còn được yêu thích bởi kết cấu trang nhã, tinh tế cùng nghệ thuật thư pháp hội họa tinh xảo.
Theo “Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc của chiếc quạt“
Đăng lại từ ChanhKien.org
Tác giả: Như Chi
Xem thêm:
Mời xem video: