Vùng đất Nam bộ trước kia là người Khmer sinh sống, rất nhiều địa danh được người Khmer đặt tên, người Việt phát âm lại, vì thế mà đến nay khi nghe gọi các địa danh này chẳng còn mấy ai hiểu được nguồn gốc ý nghĩa nữa.

Côn Đảo

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà rịa Vũng tàu. Vì nằm ngoài khơi nơi giao nhau của nhiều nước nên rất nhiều dân tộc từng đến đây như người Việt, người Khmer, Mã Lai, người Indo.

Đặt tên cho đảo này đầu tiên là người Mã Lai, họ gọi là “Pulau Kundur” nghĩa là “Hòn Bí”, sau đó người Khmer gọi là “Koh Tralach” nghĩa là “Hòn đảo bí đao”, mang ý nghĩa cũng như người Mã Lai, có lẽ do hòn đảo này xưa kia có trồng nhiều bí đao.

Người Việt đến đây đã gọi tên theo tiếng Mã Lai “Kundur”, phát âm thành Côn Lôn. Tên gọi Côn Lôn phổ biến một thời, nhưng lại không thể hiện được đây là đảo, vì thế mà sau này đổi tên thành Côn Đảo.

Cần Thơ

can tho
Nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ. (Ảnh: Daaé, Wikipedia, Public Domain)

Thời Mạc Cửu được chúa Nguyễn giao cho cai quản vùng đất Hà Tiên, ông tiếp tục khai phá miền Tây Nam bộ, lập ra vùng đất Trấn Giang (sau là Cần Thơ) và sáp nhập vào Hà Tiên vào năm 1730, nhưng phải đến năm 1739 thì Trấn Giang mới có tên trên bản đồ.

Sau khi Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn cho thay cha cai quản vùng Hà Tiên. Nhận thấy Trấn Giang có vị trí chiến lược nhằm chống lại sự xâm lăng của Xiêm La và Cao Miên, ông đã xây dựng nơi đây phát triển về mọi mặt quân sự, kinh tế, thương mại và văn hoá.

Về tên gọi “Cần Thơ”, có rất nhiều nghiên cứu về nguồn gốc tên gọi này. Có chuyện kể rằng sau này khi Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh xây dựng Nam bộ, một lần đoàn thuyền của Vương đi theo sông Hậu đến thủ phủ Trấn Giang, đêm đến thì đoàn thuyền cũng đến Vàm sông (Bến ninh kiều ngày nay). Giữa đêm khuya nhưng nơi đây vẫn vọng lại nhiêu câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hòa nhau nhịp nhàng, thể hiện cuộc sống yên bình của người dân Nam bộ. Nguyễn Vương rất cảm khái gọi con sông này là “Cầm Thi giang” – nghĩa là sông có nhiều tiếng nhạc và vần thơ. Từ đó tên gọi Cầm Thi lan rộng. Tuy nhiên người dân Nam bộ thời đấy nhiều người không rõ “Thi” là gì, khi biết “Thi” nghĩa là Thơ thì liền gọi theo tên cho dễ hiểu là “Cầm Thơ”, rồi dần dần đọc chệch đi thành “Cần Thơ” như ngày nay.

Tuy nhiên từ các tư liệu lịch sử cho thấy tên gọi “Cần Thơ” có trước cả khi Nguyễn Phúc Ánh đến nơi đây.

Dù Triều đình đặt tên và lịch sử gọi địa danh này là Trấn Giang, nhưng dân gian lại gọi là “Cần Thơ”. Nguồn gốc Cần thơ bắt nguồn từ tiếng gọi xưa của người Khmer là “Kìn Tho” nghĩa là cá sặc rằn do loài cá này có rất nhiều ở nơi đây (người Việt thời đó hay gọi là cá lò tho).

Người Việt phát âm “Kìn Tho” thành Cần Thơ, và tên này được gọi trong dân gian, trong khi Triều đình vẫn dùng từ “Trấn Giang”. Dần dần tên gọi theo dân gian “Cần Thơ” phổ biến hơn tên gọi “Trấn Giang” của Triều đình.

Đến khi người Pháp chiếm đóng Nam kỳ Lục tỉnh, khi thiết lập mộ máy hành chính rất lúng túng vì nhiều địa phương có hai tên gọi theo Triều đình và tên tục (theo dân gian).

Ngày 27/2/1868, Thống đốc Nam Kỳ De Lagrandière quyết định sử sụng tên gọi dân gian (tục danh) cho các địa danh. Từ đó Cần Thơ trở thành tên gọi duy nhất cho địa danh này.

Đồng Nai

Đồng Nai là vùng đất trước đây của người Mạ sinh sống, từ xa xưa người Mạ gọi con sông ở đây là “Đạ Đờng”, với “Đạ” là nơi xuất phát dòng nước, “Đờng” là sông.

Tác giả Sakaya trong công trình “Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình” cho rằng: “Địa danh Đồng Nai trong địa lý Chămpa được gọi là vùng Ndong Nai”. Đây là “xứ sở thần linh” mà người Chăm gọi là “vùng đất thánh”. Sau này người Việt đến thì từ “Ndong Nai” đọc thành Đồng Nai.

Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu là tên một tỉnh gồm 2 thành phố là thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu

Bà Rịa: Có một số nghiên cứu khác nhau về nguồn gốc tên gọi địa danh Bà Rịa, cho thấy tên gọi đó có từ thế kỷ 18 trở đi. Nhưng lịch sử lại ghi nhận tên Bà Rịa lại xuất hiện từ năm 1690. Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” chép rằng: “Năm Canh Ngọ (1690), Cai cơ Nguyễn Hữu Hào đem quân đi đánh Nặc Thu, vua Chân Lạp, rồi rút từ Bích Đôi (Chân Lạp) về đóng ở Bà Rịa”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Linh dẫn lời ông L.Malleret (Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội): “Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tên gọi Khmer của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, chuyển sang âm Việt chệch đi thành Bà Rịa”

Vũng Tàu: Theo sử sách, từ thế kỷ 13 nơi đây được gọi là trấn Chân Bồ. Năm 1658 chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập 3 làng đầu tiên của người Việt nơi đây gọi là “Tam Thắng”, đó là làng Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam.

Sau này có tàu buôn nước ngoài thường trú đậu ở nơi đây nên gọi là Vũng Tàu – tức cái vũng có nhiều tàu đậu. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép rằng: “… Trong có cái vũng lớn gọi là Vũng Tàu, ngày để che chở cho tàu thuyền đỗ nghỉ”.

Cà Mau

Xưa kia người Khmer gọi đây là “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Người Việt khi phiên âm “Kha-mau” đọc thành Cà Mau.

Rạch Giá

rach gia
Cổng tam quan thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Rạch Giá là thành phố nằm ở trung tâm tỉnh Kiên Giang. Khi Chúa Nguyễn khai phá về phương nam, người dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) đã đến nơi đây, thấy ven biển có 2 con rạch ăn thông với nhau và chạy gần như song song ôm lấy một cù lao rồi trổ ra vịnh biển. Vì là vùng cửa sông nên trên cù lao ấy mọc nhiều cây giá (một loại thực vật thân gỗ cùng họ với mắm, đước). Những người trước gọi nơi đây là Cù Lao Giá, còn con rạch bám theo cù lao gọi là Rạch Cây Giá.

Địa danh này xuất hiện lần đầu trong tư liệu lịch sử vào cuối thế kỷ 16 với tên gọi là Rạch Cây Giá. Dần dần người dân gọi đơn giản đi thành Rạch Giá.

Theo thời gian nơi đây ngày càng phát triển và mở rộng thành thành phố, người dân vẫn quen gọi là Rạch Giá để chỉ địa danh của cả khu vực này.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: