Nguồn gốc và ý nghĩa của các dòng họ phương Đông thời xưa
- Lâm Phương Vũ
- •
Dòng họ của con người có nguồn gốc từ thời viễn cổ, nó được xem là chất keo kết dính dân tộc và cũng là tiêu chuẩn để phân loại quan hệ huyết thống. Dòng họ thể hiện tính di truyền, tính kế thừa và ẩn đằng sau nó là nội hàm thâm sâu.
Mỗi người chúng ta đều có một họ riêng. Từ cổ phương Đông gọi dòng họ là “tính thị”. Nhưng trong văn hóa cổ xưa thì “tính” và “thị” là có hàm nghĩa bất đồng. Hàm nghĩa sớm nhất của “thị” là “Thần kỳ”, ý chỉ Thần linh. Trong các truyền thuyết cổ, có rất nhiều điều được kể về việc các vị Thần khai sáng thế giới, dùng đất bùn tạo ra con người, ban cho con người lửa, lại dạy nhân loại cách kết hôn, cách sinh sống: Bàn Cổ Thị khai thiên tịch địa, Nữ Oa Thị tạo người, Hữu Sào Thị dạy cách xây dựng nhà cửa, Toại Nhân Thị dạy con người cách đánh lửa, Phục Hy Thị tạo ra lịch pháp bát quái, Thần Nông Thị nếm trăm loại thảo cỏ để tìm ra cách chữa bệnh… Về sau, “Thị” diễn biến thành Thị tộc, như tộc Hữu Lê Thị do Xi Vưu suất lĩnh trong cuộc đại chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu. Người đời sau có cách nói “lê dân trăm họ”, chính là có quan hệ với Thị tộc thời thượng cổ.
Theo truyền thuyết, người đầu tiên có họ (tính) là Phục Hy. Người cổ ở vùng đất Trung Hoa tự xưng mình là con cháu của Viêm Hoàng, rất nhiều họ là bắt nguồn là Hoàng Đế và Viêm Đế. Hoàng Đế sống ở bên sông Cơ Thủy, lấy Cơ làm họ. Người thời nhà Chu tiếp diễn họ này, như Chu Văn Vương Cơ Xương, Chu Vũ Vương Cơ Phát… Họ Cơ sau này phát triển thành nhiều họ khác, như họ Hàn, họ Trình, họ Lưu, họ Cảnh… Trong cuốn “Bách gia tính” có 504 họ và theo thống kê thì có 411 họ là từ họ Cơ phát triển ra, chiếm 82%.
Tương truyền, Viêm Đế sống bên sông Khương Thủy nên ông đã lấy Khương làm họ của mình. Về sau, họ Khương cũng phát triển ra rất nhiều họ khác, như họ Tạ, họ Lữ, họ Tề, họ Cao, họ Thôi…
Từ nhà Tần trở đi, tính và thị hợp làm một, đều là để chỉ dòng họ.
Họ của mỗi người chúng ta đều có nguồn gốc sâu xa ở đằng sau nó và có lẽ khi chúng ta truy ngược lại để xem xét thì rất có thể chúng ta sẽ biết mình đến từ thị tộc của vị Thần nào. Ví dụ như có một truyền thuyết về nguồn gốc của họ Lý. Vào thời Nghiêu Thuấn đế, có một người tên là Cao Dao, ông ta là một vị đại thần hiền đức và được Đế Thuấn bổ nhiệm làm Lý quan quản lý hình pháp (Lý: 理). Cao Dao vì chính trực mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Thời ấy có thói quen dùng chức quan để làm họ cho nên Cao Dao đã tự xưng mình là họ Lý (理). Họ Lý sau này có một người vì lánh nạn đã chạy trốn. Đến một gốc mận, anh ta đói khát nên đã hái mận trên cây ăn, cuối cùng nhờ vậy mà vượt qua được cửa ải sinh tử. Để cảm tạ cây mận đã cứu mạng mình, người đàn ông họ Lý đã lấy từ “Lý” (李 – đồng âm) để nói về cây mận làm họ.
Văn hóa dòng họ có nguồn gốc xa xưa và ẩn sau mỗi một dòng họ đều có một câu chuyện riêng. Trẻ nhỏ thời cổ đại ngay từ bé đã học “Tam bách thiên”, chính là “Tam tự kinh”, “Bách gia tính” và “Thiên tự văn”. Trong “Bách gia tính” có ghi lại các dòng họ khác nhau vì thế ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã có thể hiểu được nguồn gốc của các dòng họ, cũng như hiểu được tổ tiên của chúng đến từ đâu. Thời xưa, nếu như nhìn thấy người cùng dòng họ với mình, người ta sẽ ngay lập tức cảm thấy đặc biệt thân thiết, cứ như là “năm trăm năm trước chúng ta là người cùng một nhà!”
Bởi vì có dòng họ nên những gia tộc thời xưa dựa vào cùng dòng họ mà sinh sống cùng một chỗ với nhau. Điều này là rất phổ biến và tạo nên những đại gia tộc, thậm chí cả một khu vực đều là người trong cùng một gia tộc, ví như trong cả thôn mọi người cùng họ Lý, gọi là Lý gia thôn hoặc là Trương gia điếm…
Lấy ví dụ, gia tộc họ Trần ở Trung Hoa thời xưa là vô cùng lớn. Thời điểm gia tộc này phồn thịnh thì có đến hơn 3000 người sinh sống cùng nhau, được xưng là “Thiên hạ đệ nhất gia”. Đến thời nhà Đường, họ Trần còn được Hoàng đế ban thưởng tên “Nghĩa môn Trần Thị” bởi vì gia tộc họ Trần tuy rằng rất đông người sinh sống cùng nhau nhưng lại luôn giữ được sự hòa thuận, vui vẻ và đoàn kết. Hoàng đế thường lấy Trần Thị làm gương và khuyên các dòng họ khác lấy đó để học tập. Theo ghi chép lại thì những băng cướp đều sẽ tránh xa “Nghĩa môn Trần Thị” bởi vì chúng biết được gia tộc này có sự gắn kết quá bền chặt, khăng khít nên không dám đến quấy nhiễu.
Trong các tác phẩm văn học hay các bộ phim cổ trang chúng ta dễ dàng thấy một chi gia tộc lớn sinh sống cùng nhau, trong gia đình thì cũng sống nhiều người cùng trong một nhà, chia làm các gian, có chung một khu vườn. Chính vì mối quan hệ huyết thống, sinh sống cùng nhau mà mối quan hệ giữa mọi người trở nên thân thiết hơn, thương yêu hơn.
Trong văn hóa cổ xưa còn có khái niệm cửu tộc (chín đời trong họ), những người họ hàng trực hệ có quan hệ huyết thống với mình, bắt đầu từ bản thân mình hướng lên trên gồm có thế hệ cha, thế hệ ông nội, thế hệ cụ (tằng tổ phụ – cha của ông nội), thế hệ kị (cao tổ phụ – cha của cụ nội), bắt đầu từ bản thân mình hướng xuống phía dưới gồm có thế hệ con trai, thế hệ cháu trai, thế hệ chắt trai và chút trai (huyền tôn). Vậy nên có thể thấy hành vi phản quốc bị “tru di cửu tộc” là khái niệm đáng sợ như thế nào.
Bởi vì trong văn hóa cổ xưa có thói quen dựa vào dòng họ mà sinh sống cùng với nhau cho nên kiến trúc truyền thống Tứ hợp viện cũng thể hiện ra cách sống này. Chúng ta vẫn thường nghe thấy những câu như “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường”… tức là ba bốn đời chung sống cùng nhà với nhau, đây chính là nét độc đáo của dòng họ nói riêng và văn hóa truyền thống của người xưa nói chung.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: