Nguyễn Tri Phương: Sống chết cùng thành Hà Nội (P5)
- Trần Hưng
- •
Năm 1872, Nguyễn Tri Phương được giữ chức Tuyên sát Đổng sức đại thần, thay mặt Triều đình xem xét việc quân sự ở miền bắc. Về phía người Pháp, sau khi ổn định được Nam bộ, năm 1873 quân Pháp muốn đưa quân đánh chiếm miền bắc nhưng cần một lý do để tiến quân.
- Tiếp theo phần 4
Lái buôn Dupuis
Lúc này có mâu thuẫn tranh cãi giữa thương nhân người Pháp là Jean Dupuis với Triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Tri Phương ra Hà Nội để xử lý vụ việc này.
Đến Hà Nội vào ngày 27/5/1873, Nguyễn Tri Phương gặp lái buôn Dupuis ở Hội quán Quảng Đông, và trách ông là làm trái với luật pháp Triều đình về thương mại, đồng thời yêu cầu phải khai rõ số hàng hóa và số người đem theo.
Dupuis không đồng ý, yêu cầu phải được tự do thông thương. Không thương lượng được, Nguyễn Tri Phương cho dán bố cáo cấm thuyền buôn của Dupuis đi Vân Nam và yêu cầu phải rời khỏi Hà Nội. Tuy nhiên Dupuis có lực lượng đi theo được trang bị rất hiện đại nên không chịu rời khỏi Hà Nội, mà còn ngang nhiên cho người bóc các tờ bố cáo rồi diễu phố đem đốt đi, đồng thời vẫn cho đoàn thuyền buôn đi Vân Nam.
Nguyễn Tri Phương lập tức cho các đồn trên sông bắn vào thuyền buôn buộc họ phải quay trở lại Hà Nội, đồng thời cho lập thêm các đồn ở sông Hồng. Dupuis nhờ Thống đốc Sài Gòn và Tổng đốc Lưỡng Quang đến can thiệp giúp mình.
Tại khu buôn bán người Hoa mà Dupuis đang ở, ông ta cho kéo cờ Pháp lên thay cho cờ Vân Nam, quan chức ở địa phương nào có ý kiến thì Dupuis lệnh cho bắt lại.
Tình hình Hà Nội rất căng thẳng, nhưng lúc này Triều đình nhà Nguyễn không muốn chống Pháp mà có ý thương lượng hòa hoãn, vì thế mà Nguyễn Tri Phương không thể công khai bắt Dupuis vì sợ trái lệnh Triều đình.
Quả nhiên nỗi lo của Nguyễn Tri Phương là có căn cứ, Tổng đốc Lưỡng Quảng sau khi nhận thư của Dupuis liền can thiệp báo với Triều đình nhà Nguyễn. Triều đình lệnh cho Nguyễn Tri Phương phải để thuyền buôn của Dupuis được đi Vân Nam. Thắng thế, Dupuis đe dọa các binh lính canh các đồn sông, đồng thời bắt giết một số dân phu đang xây đồn lũy.
Nguyễn Tri Phương báo lại sự lộng hành của Dupuis đến Huế, Triều đình liền yêu cầu Thống đốc Sài Gòn cho người ra Hà Nội bắt Dupuis. Quân Pháp chỉ chờ có thế, liền cử đại úy thuỷ quân Francis Garnier đưa quân ra bắc.
Garnier đưa quân ra Hà Nội
Garnier đến thành Hà Nội với thực chất là thăm dò tiến đánh thành Hà Nội, nhưng lại được dấu kín kẽ với lý do giải quyết vụ Dupuis theo yêu cầu của Triều đình. Gặp Nguyễn Tri Phương, Garnier yêu cầu được cho đóng quân ở trong thành.
Tuy nhiên Nguyễn Tri Phương đoán biết ý đồ quân Pháp nên đã không đồng ý cho quân Pháp vào trong thành Hà Nội, Garnier phải cho quân đóng ở Tràng Thi.
Nguyễn Tri Phương cũng yêu cầu Garnier phải trục xuất đoàn lái buôn Jean Dupuis, còn việc tự do thông thương buôn bán thì phải chờ kết quả đàm phán của Triều đình với Pháp. Garnier bèn cho dàn quân trước thành Hà Nội thị uy.
Thành Hà Nội lúc này có 7.000 binh lính nhưng chỉ trang bị gươm giáo, một số rất ít có súng hỏa mai nhưng không quen sử dụng. Vì không có chiến tranh nên các khẩu súng thần công lại đặt ở vị trí tránh bị nước mưa làm hư hại chứ không phải ở vị trí phòng thủ.
Theo cuốn sách “Cuộc chinh phạt Đồng Kinh của hai mươi bảy người Pháp do Jean Dupuis chỉ huy” của Jules Gros, thì một đầu lĩnh tàn dư của nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa đã đem 2.000 quân đến gặp Dupuis, tình nguyện theo Pháp và sẽ giúp làm nội ứng trong thành Hà Nội.
Garnier liên tục ra tối hậu thư trong khi chờ viện binh đến
Garnier đề nghị Sài Gòn tăng thêm quân, đồng thời gửi tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương yêu cầu được tự do thông thương buôn bán ở miền bắc, hạn chót là chiều ngày 11 tháng 11 năm 1873. Nhưng nhận thấy viện binh chưa đến đủ, nên đến ngày 10/11 Garnier gia hạn thi hành tối hậu thư đến ngày 14 tháng 11 năm 1873, quá hạn này sẽ tuyên bố quyền tự do thông thương ở miền bắc.
Đến ngày 12/11, pháo thuyền Espignole từ Sài Gòn đã đến nơi. Ngày 13/11, pháo thuyền Scorpion từ Hồng Kông cũng đã đến Hà Nội.
Sau khi các tàu chiến cùng viện binh đã đến đầy đủ, ngày 19/11 Garnier gửi tối hậu thư cho quan quân trong thành Hà Nội yêu cầu đầu hàng và giao nộp thành.
Các tối hậu thư của Garnier không làm Nguyễn Tri Phương lo sợ, mà càng làm tăng thêm quyết tâm chống Pháp của ông. Tuy nhiên thành Hà Nội được xây từ thời vua Gia Long đến thời điểm ấy không hề có chiến tranh đe dọa nên không hề đặt trong tình thế phòng thủ, binh sĩ không thao luyện nên không tinh, vũ khí hầu như là gươm giáo. Nguyễn Tri Phương cũng chỉ đến đây vào tháng 5/1873 nên không thể trong một thời gian ngắn thay đổi được gì. Chỉ có một phần binh lính thực sự quyết theo ông chống Pháp.
Trận đánh thành Hà Nội 1873
Thấy Nguyễn Tri Phương không đầu hàng giao thành, 6 giờ sáng ngày 20/11/1873 quân Pháp bắt đầu tấn công thành Hà Nội, mở đầu là các pháo thuyền trút đại bác vào thành. Quân trong thành nhiều binh lính lần đầu xông trận, cũng là lần đầu tiên chứng khiến đại bác công phá mạnh mẽ thì hoảng sợ bỏ chạy ra cửa phía tây.
Đến 6h30 quân Pháp cho các pháo thuyền và các khẩu pháo trên đất liền tập trung bắn vào cửa số 1 ở phía đông.
Sau khi bắn phá xong, Dupuis cho quân tiến vào cửa phía đông dọn đường cho quân Pháp tiến vào, đồng thời cho quân đến phía bắc chặn đường rút lui của quân Đại Nam. Khi quân trong thành phát hiện ra thì đã quá muộn.
Khi Dupuis cho quân tiếp cận được cửa thành phía đông, thì quân Pháp cũng cho bắn phá các cửa thành khác rồi cho quân tiến vào.
Quân trong thành quyết chống giữ, nhưng khi các cổng thành đều bị đạn pháo bắn phá vỡ, trước hỏa lực dữ dội của Pháp, các quan chịu trách nhiệm giữ thành là Tổng đốc Bùi Đức Kiên, án sát Tôn Thất Trác liền bỏ chạy, binh sĩ thấy thế thì nhiều người cũng chạy theo.
Trong khi đó Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ huy binh sĩ giữ thành thì bị một mảnh đạn đại bác trúng bụng khiến bị thương nặng.
Quân Pháp vào được trong thành, binh sĩ trong thành chủ yếu dùng vũ khí là gươm giáo không thể chống cự lâu dài, con trai Nguyễn Tri Phương cũng bị tử trận.
Quân Pháp chiếm được thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương tuổi cao sức yếu lại bị thương nặng cùng 2.000 binh sĩ giữ thành bị bắt.
Theo các tài liệu của Pháp thì người Pháp cho rằng Nguyễn Tri Phương là vị tướng chủ lực và tài nhất của An Nam, ông đã chỉ huy tất cả các mặt trận chống Pháp từ Đà Nẵng, Gia Định đến Hà Nội. Người Pháp muốn chữa khỏi vết thương nhằm mua chuộc ông, như thế sẽ dễ dàng thu phục được quân và dân chúng ở Bắc hà.
Tuy nhiên Nguyễn Tri Phương không nhận bất kỳ sự chữa chạy nào của người Pháp, đồng thời tuyệt thực đến chết cùng thành Hà Nội. Lúc đó Nguyễn Tri Phương đã 73 tuổi, ông ra đi để lại sự thương xót tiếc nuối vô hạn cho dân chúng, binh lính cùng các sĩ phu bắc hà thời đó.
Garnier bị chết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội
Dù vua Tự Đức không muốn chống Pháp mà chỉ muốn thượng lượng thỏa hiệp, nhưng dân chúng Hà Nội cùng binh lính không theo Triều đình đều đồng lòng chống Pháp, đội quân nghĩa dũng mọc lên khắp nơi cùng quân Cờ Đen tiến đánh quân Pháp.
Sau khi chiếm được thành Hà Nội, quân Pháp đánh chiếm liên tiếp các thành khác ở miền bắc. Trong khi đó quân Cờ Đen đến Hà Nội đánh chiếm các tiền đồn khác, áp sát thành Hà Nội. Garnier phải vội đưa quân các nơi tập trung giữ thành Hà Nội đồng thời báo về Sài Gòn xin thêm viện binh.
Tháng 12/1873, Lưu Vĩnh Phúc cho quân Cờ Đen của mình mai phục ở Cầu Giấy, rồi quân Cờ Đen cùng quân Triều đình và quân nghĩa dũng tấn công thành Hà Nội.
Lúc này Garnier cùng đại diện Triều đình đang thương lượng trong thành Hà Nội thì bị tấn công. Garnier đích thân ra ngoài nghênh chiến, dùng trọng pháo hiện đại bắn trả liên tiếp. Trước hỏa lực mạnh mẽ của quân Pháp, quân Cờ Đen liền rút lui về hướng Cầu Giấy theo kế hoạch, Garnier đưa cả pháo truy đuổi theo sau.
Đến Cầu Giấy, quân Cờ Đen mai phục đổ ra đánh, Garnier cùng hơn 100 binh sĩ bị tử trận. Chiến thắng này vang dội đến tận Paris, Lưu Vĩnh Phúc xem việc giết chết được Garnier là trả thù cho Nguyễn Tri Phương.
Thừa thắng Hoàng Kế Viêm cho quân tiến đánh Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, tình thế đảo chiều. Đến tháng 1/1874 (tức chỉ 2 tháng sau khi chiếm được thành Hà Nội) thì quân Pháp buộc phải rút hết về Sài Gòn, trao trả lại miền bắc cho nhà Nguyễn. (Xem thêm: Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp)
Sau cuộc rút lui này, phải đến mãi 8 năm sau, tức năm 1882 quân Pháp mới có thể tiến đánh Hà Nội lần thứ hai.
Thương tiếc vị tướng sống chết cùng thành Hà Nội, người dân đã thờ Nguyễn Tri Phương cùng Hoàng Diệu ở đền Trung Liệt trên gò Đống Đa cùng đôi câu đối:
Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên
Dịch:
Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà
- Mạn Hòe: Người Pháp duy nhất được thờ ở miếu công thần nhà Nguyễn
Mời xem video “Một người có thể không thành công nhưng nhất định phải thành thục”:
Từ khóa Hà Nội lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn chống Pháp Nguyễn Tri Phương