Mạn Hòe: Người Pháp duy nhất được thờ ở miếu công thần nhà Nguyễn
- Trần Hưng
- •
Đền Hiển Trung của nhà Nguyễn, tục gọi là miếu Công Thần, được xây dựng để thờ những công thần đã hy sinh giúp vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn và lập ra nhà Nguyễn. Đáng chú ý là trong đền thờ này có một người Pháp: ông Mạn Hòe.
Khi Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy tìm ở Nam bộ, có thời gian đã nhờ Bá Đa Lộc giúp đỡ. Sau thời gian dài gian khó, tháng 1/1780, Nguyễn Phúc Ánh làm chủ vùng đất Nam bộ, xưng Vương, các nhà sử học gọi ông là Nguyễn Vương.
Bá Đa Lộc tiến cử một số người Pháp cho Nguyễn Vương, trong đó có Manuel, âm tiếng Việt đọc là Mạn Hòe. Dù có nhiều người Pháp phục vụ cho Nguyễn Ánh nhưng “Đại Nam liệt truyện” ghi danh rõ 7 người, trong đó người được nêu danh đầu tiên chính là Mạn Hòe.
Sau khi được tiến cử, Mạn Hòe được cử làm Cai cơ coi đội trung nông. “Đại Nam liệt truyện” viết: “Khi trước Đa Lộc tiến Mạn Hoè có thể dùng được, trải bổ làm Khâm sai Cai cơ coi đội trung nông [trung khuông]”.
Tháng 4/1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy 3 vạn quân cùng 100 chiến thuyền tiến đánh quân Nguyễn. Thủy quân nhà Nguyễn do Tống Phước Thiêm chỉ huy dàn trận tại vùng biển Cần Giờ chặn quân Tây Sơn.
Nhận thấy quân mình lợi thế do thuận chiều gió, Nguyễn Huệ lệnh dùng hỏa công. Các chiến thuyền Tây Sơn theo chiều gió tấn công mạnh, quân Nguyễn vất vả chống đỡ rồi dần rối loạn và bỏ chạy cả. Chỉ có một tàu duy nhất của Mạn Hòe cố cầm cự đến cùng, Mạn Hòe anh dũng tử trận trên tàu.
Cuốn “Sử Ký Đại Nam Việt” ghi như sau:
“Bấy giờ quan quân thấy tàu quân Tây Sơn vào cửa mà chạy xuôi nước thuận gió làm vậy, thì kinh khiếp cả. Vả lại ông Manoe chẳng quen đàng [đường], thì tàu phải [mắc] cạn, chẳng còn đi được; lại chẳng ai có gan đến cứu người. Quân trong tàu thấy làm vậy, lại quân giặc ở gần lắm, thì mất viá. Lại thấy tàu đã bê vào bờ, nên quân ấy chạy trốn, chẳng còn ai ở lại. Ông Manoe một mình ở trong tàu túng lắm; song chẳng ngã lòng, một cứ thói quân lính bên tây mà đánh cho đến chết. Quân giặc thấy tàu phải cạn thì đua nhau đến. Nhưng mà bao nhiêu người xuống tàu ấy thì ông Manoe chém đi hết. Song bởi quân ấy đông quá, mà ông Manoe thì một mình chẳng làm chi được. Bấy giờ ông ấy thấy tàu đầy quân giặc, thì xuống dưới lòng xét, nơi đã quen trữ thuốc súng mà đốt đi. Cho nên bỗng chốc cả thuyền vỡ ra cháy cách gớm ghiếc lắm; bao nhiêu người trong tàu chết hết.”
Theo như ghi chép này thì do Mạn Hòe không thuộc đường nên tàu bị mắc cạn, không sao rút đi được với các tàu khác, dù thế ông cũng quyết không hàng mà cho nổ tung tàu.
Hay tin này, Nguyễn Vương đã trực tiếp chỉ huy một đội thuyền đến giải cứu, tuy nhiên hỏa lực của quân Tây Sơn rất mạnh, thuyền của Nguyễn Vương bị bắn gãy cột buồm và phải rút đến Bến Nghé.
Sau khi chết Mạn Hòe được phong làm Hiệu Nghĩa công thần phụ quốc Thượng tướng quân, bài vị được thờ ở đền Hiển Trung cùng những công thần khác, tổng cộng là 1015 vị.
Đền Hiển Trung nằm ở Sài Gòn – Chợ lớn, từng nằm trong khu vực quân Pháp lập trại lính Ô Ma. Sau này điền Hiển Trung trải qua quân Nhật Bản chiếm, rồi quân Pháp quay lại, khiến ngôi đền này hoàn toàn bị xóa sổ.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lòng người hướng về ai?
- “Rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà” – P1
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn