Nguyễn Tri Phương: Đánh tan, thu phục loạn quân (P4)
- Trần Hưng
- •
Sau thất bại ở Đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương bị giáng chức làm Tham tri. Từ đó dù quân và dân Nam bộ vẫn một lòng chống Pháp, nhưng vua Tự Đức không còn lòng tin chống Pháp nữa, chỉ muốn tìm cách thỏa hiệp với người Pháp. Nguyễn Tri Phương được cử đi để đối mặt với những vấn đề khác của đất nước.
- Tiếp theo phần 3
Đánh tan phản quân
Năm 1861, Tạ Văn Phụng mạo xưng là con cháu nhà Lê tên là Lê Duy Minh dấy binh chống lại Triều đình nhằm khôi phục nhà Lê. Năm 1862, Tạ Văn Phụng cho quân bao vây chặt thành Hải Dương, Triều đình phải đưa viện binh đến ứng cứu.
Với danh nghĩa “phù Lê” được nhiều người tin theo, quân của Tạ Văn Phụng rất mạnh, đánh chiếm các nơi. Tạ Văn Phụng cũng cho người vào Nam gặp Thiếu tướng Bonnard thương thảo nhờ đem quân ra giúp, hứa nếu thành công thì sẽ để cho Pháp bảo hộ. Tuy nhiên lúc này Pháp đang tập trung lo chiếm và ổn định Nam bộ nên chưa có ý định ra bắc.
Tháng 6/1863, Triều đình phải cử Nguyễn Tri Phương ra bắc dẹp loạn quân của Tạ Văn Phụng. Tạ Văn Phụng thấy lực lượng của mình đang mạnh nên tự tin đưa 500 chiến thuyền vượt biển đi đánh Kinh đô Huế, tuy nhiên thuyền gặp bão bị đánh đắm nhiều khiến cuộc tiến quân phải ngừng lại.
Tháng 7/1864, Tạ Văn Phụng đưa quân đánh chiếm được La Khê (thuộc Quảng Ninh ngày nay) nhiều tướng lĩnh cấp cao của Triều đình tử trận trong đó có Hiệp thống Trương Quốc Dụng.
Tháng 5/1965, Tạ Văn Phụng cho 300 chiến thuyền đến đánh phá miền biển duyên hải. Nguyễn Tri Phương cho quân đón đánh một trận kịch liệt, Tạ Văn Phụng bại trận. Từ đó Nguyễn Tri Phương cho quân tiến đánh khiến quân của Phụng liên tiếp bại trận.
Nguyễn Tri Phương lần lượt lấy lại được các thành bị mất, nhiều bộ hạ của Phụng bị bắt. Năm 1865, Tạ Văn Phụng phải chạy trốn vào miền Trung, nhưng bị bắt giải về Kinh đô Huế xử tử.
Thu phục quân Cờ Đen, đánh bại quân Cờ Trắng, Cờ Vàng
Lúc này tại Trung Quốc, cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thất bại, tàn quân chạy đến vùng biên giới với Đại Nam, cùng với tàn quân của nước Đình Lăng trở thành quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, quân Cờ Vàng của tướng Hoàng Sùng Anh, quân Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị và Lương Văn Lợi. Các nhóm quân này quấy nhiễu cướp bóc của người dân, các quan lại hết sức vất vả mà không sao dẹp được vì đây là quân có vũ trang.
Triều đình cử Quan Trung quân Đoàn Thọ làm Tổng đốc quân vụ Bắc Kỳ chỉ huy quân chống các nhóm thổ phỉ này. Đoàn Thọ đưa quân đến Lạng Sơn, nhưng nửa đêm quân thổ phỉ tấn công vào thành giết chết cả Đoàn Thọ.
Triều đình vội cử Hoàng Kế Viêm làm Tổng đốc quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái (phụ trách các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên và Bắc Ninh) chống quân thổ phỉ. Hoàng Kế Viêm thu phục được một số thổ phỉ, nhưng đám thổ phỉ còn lại vẫn hoành hoành không yên.
Vua Tự Đức phải phong cho Nguyễn Tri Phương làm Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần, được phép tùy nghi lo việc đánh dẹp cho yên. Vua ban cho ông kỳ bài, ấn kiếm, cờ mao tiết, nhung y, v.v. để ông ra bắc đánh dẹp đám quân thổ phỉ.
Ra bắc, Nguyễn Tri Phương gặp Hoàng Kế Viêm để nắm tình hình quân thổ phỉ. Nhận thấy quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc dù không đông lắm nhưng lại mạnh nhất và có thể chế ngự được các nhóm thổ phỉ khác, hai ông quyết định thu phục quân Cờ Đen.
Lúc này quân Cờ Đen giành khu vực thị trấn Lào Cai, tức châu Bảo Thắng, tự động thu thuế, khai thác, cướp bóc khắp nơi. Quan quân nhà Nguyễn không ngăn được.
Nguyễn Tri Phương làm bản sớ tâu về Triều đình, vua Tự Đức đồng ý phong cho Lưu Vĩnh Phúc làm Đề đốc với nhiệm vụ tuần phòng ở biên cảnh.
Được sự hậu thuẫn của Triều đình, Quân Cờ Đen đánh bại quân Cờ Trắng tại Tuyên Quang. Quân Cờ Vàng tiến đánh giành khu vực Lào Cai của quân Cờ Đen nhưng bị đánh bại, rồi quân Cờ Đen phối hợp cùng quân nhà Nguyễn đánh bại quân Cờ Vàng ở Hà Giang.
Dù Triều đình sử dụng quân Cờ Đen nhưng ít người tin vì bản tính thổ phỉ của đội quân này. Lúc này có Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích là vị quan thanh liêm lại đức độ nên rất được lòng người. Nguyễn Quang Bích mời thủ lĩnh của quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc đến phủ của mình dùng tiệc.
Lưu Vĩnh Phúc nhìn thấy trong phủ có thanh kiếm quý rất quen, chính là thanh kiếm của sư phụ mình là Lý Phúc. Lưu Vĩnh Phúc bèn hỏi thì biết Nguyễn Quang Bích khi đi sứ sang nhà Thanh đã gặp gỡ với Lý phúc, hai người tâm đầu ý hợp nên càng trở nên thân thiết. Khi Nguyễn Quang Bích chia tay về nước thì Lý Phúc đã tặng thanh kiếm quý này.
Từ đó Lưu Vĩnh Phúc có hay ghé qua phủ của Nguyễn Quang Bích. Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích dùng đạo lý của Nho gia mà dần cảm hóa được thủ lĩnh quân Cờ Đen, khiến Lưu Vĩnh Phúc dần mất đi tính thổ phỉ, quân Cờ Đen cũng không còn cướp bóc hung bạo như trước nữa.
Sau nay khi khi Pháp tiến đánh miền bắc, chính quân Cờ Đen trở thành lực lượng quan trọng đánh bại quân Pháp nhiều trận. Cũng chính Nguyễn Quang Bích là người tiến cử Lưu Vĩnh Phúc lên Triều đình để quân Cờ Đen đến Hà Nội chống Pháp. Nhờ đó mà 2 lần quân Pháp ra bắc thì cả 2 lần tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ đều bị quân Cờ Đen tiêu diệt ở Cầu Giấy.
Với chiến công thu phục và diệt được đám thổ phỉ hoành hoành ở phía bắc, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức khôi phục nguyên hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá, nhưng vẫn sung Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “6 tu dưỡng để trở thành người biết tôn trọng người khác”:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn chống Pháp Nguyễn Tri Phương