Nhà sáng lập Daiso: Hành trình đến tỷ phú bán lẻ hàng đầu thế giới
- Trần Hưng
- •
Daiso là chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Nhật Bản, được mệnh danh “thiên đường mua sắm” với gần 5.000 cửa hàng xuất hiện khắp thế giới. Nhưng ít ai biết rằng tiền thân của Daiso là công việc kinh doanh trên một chiếc xe tải bán hàng rong của ông Hirotake Yano.
Người sáng lập Daiso, ông Hirotake Yano, đã khởi đầu sự nghiệp bằng một thất bại khi cửa hàng buôn bán cá của bố vợ do ông điều hành bị vỡ nợ và phá sản. Trước đó, ông tốt nghiệp Đại học Chuo tại thủ đô Tokyo và đã kinh qua một số công việc khác nhau.
Dù thất bại nhưng Hirotake Yano vẫn tiếp tục tìm kiếm mô hình kinh doanh khác phù hợp với số tiền ít ỏi của mình. Năm 1972, ông tìm mua lại các sản phẩm của doanh nghiệp phá sản với giá rất rẻ, chất lên xe tải rồi chở đi bán rong.
Vì hàng bán nhiều, giá bán thấp, nên việc dán tem giá lên từng sản phẩm khiến ông rất mất thời gian và công sức. Trong khi đó, giá từng mặt hàng không chênh nhau nhiều. Vì thế Hirotake Yano nảy ra ý tưởng bán toàn bộ sản phẩm đồng giá 100 yên (gần 1 USD).
Lúc bấy giờ, không phải ai cũng cảm thấy ý tưởng của Hirotake Yano là phù hợp. Một người phụ trách siêu thị lớn đã nhận xét rất khắc nghiệt rằng: “Bán hàng theo kiểu hàng hóa lẫn lộn như thế thì sẽ chẳng bao giờ khá’’. Tuy vậy điều đó không làm giảm lòng tin của Hirotake Yano.
Công việc kinh doanh thuận lợi giúp Hirotake Yano có được số vốn ban đầu. Năm 1977, ông quyết định sáng lập Daiso với ý nghĩa là “tạo ra điều gì đó to lớn” và tiếp tục với mô hình kinh doanh đồng giá của mình.
Năm 1991, Hirotake Yano khai trương cửa hàng đồng giá 100 yên đầu tiên ở Nhật Bản, rồi các cửa hàng khác. Thời điểm đó là một vài năm sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ.
Vừa phải đối diện với khủng hoảng kinh tế, vừa phải giữ mức giá 100 yên cho mỗi sản phẩm, vừa phải khiến cho công việc kinh doanh có lãi, đó là cả một bài toán khó. Nhưng không vì thế mà Hirotake Yano đưa sản phẩm chất lượng thấp ra thị trường. Ông lựa chọn sản phẩm thiết yếu chất lượng cao, đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất với khối lượng lớn để có được mức giá thấp, từ đó đảm bảo thu lợi với mức giá 100 yên.
Khủng hoảng kinh tế và tiền lương tăng chậm đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người Nhật. Họ muốn tìm đến những cửa hàng bán lẻ giảm giá, và Daiso bắt đầu trở thành lựa chọn của người tiêu dùng Nhật Bản. Công việc kinh doanh khởi sắc, và dần dần Daiso trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.
Ngày nay Daiso có doanh thu 420 tỷ yên mỗi năm, cùng với chuỗi 3.150 cửa hàng ở Nhật Bản và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài. Daiso bán khoảng 70.000 mặt hàng dân dụng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Dù thành công nhưng ông Hirotake Yano là một tỷ phú trầm lặng, khiêm tốn và “không biết gì về công nghệ”. Ông cố gắng phát triển Daiso dần dần, chú trọng sự ổn định hơn là mở rộng tràn lan, và luôn cảm thấy lo lắng khi phải mở rộng công việc kinh doanh của mình. Nhưng ông không sợ thất bại, ông tâm sự: “Kinh doanh cũng giống như việc trèo lên một ngọn núi cao, nó dạy ta những bài học từ khó khăn và thử thách. Rồi khi đã lên đến đỉnh, ta sẽ thấy biết ơn ngọn núi đó”.
Ở Nhật Bản, trong khi nền kinh tế đã hồi phục từ rất lâu, người dân Nhật Bản vẫn luôn mong muốn tiết kiệm và không từ bỏ thói quen mua sắm hàng đồng giá mà Daiso đã tạo ra suốt hàng chục năm nay.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Shibusawa Eiichi: Người đặt nền móng cho kinh tế Nhật Bản hiện đại
- Chuyện đời của doanh nhân TQ dũng cảm phơi bày tội ác thu hoạch tạng
Mời xem video: Con bị điểm kém, cha mẹ nói “câu này” ảnh hưởng đến cả cuộc đời con
Từ khóa Daiso đạo đức kinh doanh doanh nhân kinh doanh ngành bán lẻ thương nhân nổi tiếng