Nhà Trần không chỉ trọng Phật giáo mà còn trọng Đạo giáo
- Trần Hưng
- •
Trong số các trang phục của vua nhà Trần như triều phục dùng để thiết đại triều, thường phục để thiết thường triều và tiện phục để dành cho các hoạt động ngày thường, thì thường phục khiến vua Trần trông như một vị Đạo sĩ, chân nhân. Điều này cho thấy rằng, trái với quan niệm của nhiều người, nhà Trần không chỉ trọng Phật giáo mà còn trọng cả Đạo giáo nữa.
Nguồn gốc thượng võ sùng đạo Phật của nhà Trần
Theo gia phả nhà Trần, thì cụ tổ nhà Trần là Trần Tự Minh thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở đất Mân (Phúc Kiến – Trung Quốc). Trước những mâu thuẫn giữa người Bách Việt và người Hán, năm 227 trước Công Nguyên, Trần Tự Minh đã theo dòng người Bách Việt xuống phía Nam, sau về sống ở vùng Kinh Bắc.
Dòng dõi nhà Trần ở Kinh Bắc kéo dài 700 năm, đến năm 582 thì sinh ra Trần Tự Viễn ở Từ Sơn. Trần Tự Viễn có bản tính tiên thiên, tấm lòng lương thiện, nên được một vị sư nổi tiếng thời đó là Pháp Hiền đem lòng quý trọng thu nạp và truyền cho đạo Phật cùng võ công.
Trần Tự Viễn kế nghiệp sư Pháp Hiền, say sưa truyền bá Thiền Tông. Ông cũng truyền thụ võ công cho các đệ tử. Dân chúng nhờ môn võ của ông mà đã chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Tùy – Đường. Cũng từ đó dòng võ họ Trần nổi tiếng khắp cả nước. Đến đời Trần Tự An (1010 – 1077) thì võ phái này được đặt tên là Đông A (chiết tự từ chữ Trần).
Truyền thống thượng võ và tôn sùng Phật Pháp vẫn được kế thừa từ đời Trần Tự Viễn. Nhiều người chọn con đường tu hành, nhiều đời vua đều chọn cách bỏ lại mọi quyền lực, của cải, thú vui, cũng như sự kính ngưỡng của người đời để đi tu.
Chính vì nguồn gốc này và việc các vị vua đời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông đều rất coi trọng và hồng dương đạo Phật, nên ít ai biết rằng nhà Trần cũng rất hâm mộ đạo Lão hay chính là Đạo giáo.
Mặc thường phục, vua Trần trông như chân nhân
Về vấn đề thường phục của vua Trần, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trong cuốn ngàn năm áo mũ có đề cập đến chi tiết, xin tóm lược lại phía dưới:
Xét riêng cách ăn mặc, qua một số miêu tả của sứ thần nhà nguyên, ta thấy các vị vua nhà Trần thường xuất hiện với dáng dấp của một vị chân nhân hoặc một vị thần tiên thoát tục. Tỉ như lụa bọc tóc màu trắng của vua Trần nhân Tông được sứ thần Trần Cương Trung miêu tả “trông xa như Luân cân của đạo sĩ” (Sứ Giao thi tập).
Vua Trần Minh Tông mặc áo giao lĩnh màu vàng, đội mũ, thắt dây thao dự yến tiệc được sứ giả nhà Nguyên khen “thanh thoát tựa như thần tiên, đến khi về nước cứ nói mãi về phong thái thanh tú của vua” (Toàn thư).
Ngoài ra, Toàn thư còn cho biết Trần Nhật Duật từng mặc áo Xưởng hạc, đội mũ như đạo sĩ để làm bùa phép, trấn cho vua Trần Minh Tông khỏi ốm, v.v.
Trong “An Nam chí lược – Chương phục”, Lê Tắc cho hay rằng thường phục của vua Trần sử dụng màu trắng hệt như màu của đạo sĩ: “Thường phục coi màu trắng là cao quý, người trong nước mà mặc màu trắng thì bị coi là tiếm chế, riêng phụ nữ không cấm.”
Ngoài ra, cũng theo Lê Tắc ghi nhận thì mũ vua Trần đội khi mặc thường phục là loại mũ Phù Dung, chính là mũ của Đạo sĩ. Loại mũ này hiện nay tại Trung Quốc vẫn được các pháp sư chấp sự sử dụng trong các khóa lễ hoặc diễn pháp. Trong các tranh về Đạo giáo thì các vị chân nhân tối cao như Thái Thượng Lão Quân và Nguyên Thủy Thiên Tôn cũng đều đội mũ Phù Dung.
Về nguyên nhân gọi tên mũ là Phù Dung thì sách Tam tài đồ hội thời Minh chép:
Mũ Phù Dung là loại mũ trơ, xung quanh không có thân riềm bằng vải. Song cũng có hai ba loại, có loại tên Tỳ Lô, Nhất Trản Đăng. Mũ này được gọi là Phù Dung, bởi hình dạng tương tự.
Như vậy trên thực tế, vương triều nhà Trần cũng rất hâm mộ Đạo giáo.
Nền tảng của xã hội
Thực ra, vào thời Trần, Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đều được triều đình Đại Việt coi trọng, tạo nên cục diện tam giáo đồng tôn.
Quan lại được tuyển chọn đều thuộc hàng mẫu mực, phải thông tỏ Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo, và thi đậu Thái học sinh. Nhiều người là danh nhân thời đó như Đặng Kế, Đỗ Quốc Tá, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Triều…
Bấy giờ tam giáo được sử dụng để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định. Đó là nền tảng gốc rễ vững chắc nhất để nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lăng từ nước ngoài.
Một điểm cũng rất đặc biệt là các vị vua Trần khi thấy hoàng tử trưởng thành thì đều nhường ngôi cho con, rồi lên làm thượng hoàng, chọn con đường tu luyện. Mãi đến sau đời vua Anh Tông, các đời vua Trần càng ngày càng không còn tín ngưỡng Phật Pháp như trước, khiến vương triều yếu dần, bắt đầu từ vua Trần Dụ Tông thì suy yếu hẳn.
Nhà Trần có thể ba lần đánh bại đội quân hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới là nhờ có một xã hội ổn định, thăng hoa đạo đạo đức tinh thần dựa trên nền tảng là niềm tin vào tín ngưỡng. Một khi tín ngưỡng không còn, khiến đạo đức tinh thần từ vua, quan đến người dân đều trượt dốc, thì một vương triều dù hùng mạnh đến thế cũng suy yếu rồi mất.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
- Câu chuyện định mệnh của vị thư sinh thời Trần làm quan đầu triều khi chưa đến 20 tuổi
Mời xem video:
Từ khóa Phật giáo Đạo giáo lịch sử Việt Nam nhà Trần Nho giáo tam giáo