Vài câu chuyện về người xưa thực hành đạo “Nhẫn”
- An Hòa
- •
Người xưa giảng: “Bách hành chi bổn, nhẫn chi vi thượng”, trong trăm nết thì đạo “Nhẫn” là cao thượng hơn cả. “Nhẫn” là pháp bảo để tu thân và xử thế. Thực hành đạo “Nhẫn” không phải là thuận theo một cách vô đạo, vô nguyên tắc, cũng không phải thể hiện của sự yếu nhược. Người có đức, có chí mới có thể bao dung được những điều mà người khác không dung được, mới có thể nhẫn được những điều mà người khác không nhẫn được.
Từ xưa đến nay, làm Vua mà biết nhẫn nhịn thì trong nước không có điều tai hại. Bậc chư hầu mà biết nhẫn nhịn thì làm nên nghiệp lớn. Quan lại mà biết nhẫn nhịn thì phẩm vị tăng cao. Anh em biết nhẫn nhịn thì nhà cửa giàu sang, không chia cắt. Vợ chồng biết nhẫn nhịn thì niềm ân ái mới được trọn đời, tình nghĩa không phai nhạt. Bạn bè biết nhẫn nhịn thì danh nghĩa chẳng hư. Bản thân mà biết nhẫn nhịn thì chẳng lo tai họa đến.
Ở vào tình thế bị người khác sỉ nhục mà có thể cung kính, khiêm tốn, tu sửa bản thân mà không phát sinh ra tâm oán hận thì đó chính là người có tâm đại nhẫn. Người xưa thường dùng ý chí rộng rãi như vậy làm nguyên tắc đối nhân xử thế. Có rất nhiều câu chuyện lịch sử nói về việc thực hành đạo “Nhẫn” này.
Thời Tây Hán, Trương Thích Chi giữ chức Đình Úy trọng yếu, nói theo cách hiện đại là phụ trách quản lý việc tư pháp của cả nước.
Có một ngày, khi quan viên tề tụ đầy đủ trên triều, một vị ẩn sĩ già tên Vương Sinh quay đầu lại nói với Trương Thích Chi rằng: “Bít tất của ta bị tuột rồi, hãy thay ta buộc nó lại!”
Trương Thích Chi liền quỳ xuống cẩn thận buộc bít tất của Vương Sinh mà không hề tỏ ý bực bội.
Về sau, có người hỏi Vương Sinh: “Vì sao ngay trên triều đình, trước mặt mọi người, ông lại làm nhục Trương Đình Úy như vậy?”
Vương Sinh nói: “Ta vừa già lại hèn mọn, không có đồ vật gì tốt đưa tặng cho Trương Đình Úy. Trương Đình Úy quỳ xuống buộc bít tất cho ta, ta chỉ là muốn gia tăng thanh danh của ông ấy mà thôi.”
Mọi người qua chuyện này đều kính trọng sự rộng lượng nhẫn nhục của Trương Thích Chi. Trương Thích Chi khoan dung độ lượng, chí công vô tư, nói thẳng can gián, về sau trở thành trọng thần của nhà Tây Hán, được lưu danh sử sách.
Câu chuyện này thể hiện ra giá trị quan của cổ nhân. Điều mà người xưa tôn kính nhất thường không phải tài năng, địa vị, mà là đức hạnh khiêm nhường.
Lý Văn Tĩnh Công là tể tướng thời Tống Chân Tông. Một lần, có một vị thư sinh ngỗ ngược ngăn ngựa của ông lại, trình lên một phong thư can gián, nội dung trong thư đều nói đến những thứ mà vị thư sinh cho là sai lầm của Lý Văn Tĩnh Công.
Sau khi Lý Văn Tĩnh Công xem xong, khiêm tốn nhìn thư sinh nói rằng: “Hiện tại ta không có thời gian, chờ sau khi ta trở về, lại xem kỹ hơn vậy!”
Không ngờ thư sinh kia lại giận dữ, lập tức quở trách Lý Văn Tĩnh Công rằng: “Ngài ngồi ở chức vị cao, lại không thể giúp quốc gia giàu mạnh, không thể giúp dân chúng an khang, lại không chịu nhượng chức cho người hiền tài, gây trở ngại cho con đường làm quan của người có tài, chẳng lẽ ngài không cảm thấy hổ thẹn sao?”
Lý Văn Tĩnh Công cung kính trả lời: “Ta đã nhiều lần xin ẩn lui, nhưng Hoàng thượng một mực không bằng lòng, cho nên ta vẫn chưa thoái lui được!”
Từ đầu đến cuối, Lý Văn Tĩnh Công đều không có sinh tâm oán hận.
Lý Văn Tĩnh Công từng nói: “Nhục là một chữ khó chịu đựng nhất. Từ xưa đến nay, rất nhiều hào kiệt đều thất bại ở chỗ này!”
Từ Giai là đại quan triều nhà Minh, ông từng làm quan đốc học ở Hàn Lâm Viện. Trong một lần khảo thi, một thư sinh dùng điển cố mà Từ Giai chưa biết đến. Từ Giai lúc phê chữa bài, cho rằng đó là chuyện bịa đặt, nên cho điểm rất thấp. Người đi thi thời xưa được phép xem lại bài đã chấm và đưa thắc mắc tới quan chấm bài. Lúc thư sinh nhận được bài, hướng đến Từ Giai mà giải thích, Từ Giai nghe xong lập tức đứng lên nói: “Ta từ lúc tuổi trẻ đã may mắn thi đậu tiến sĩ, kỳ thực ta học chưa đủ nhiều, thật cảm ơn cậu đã chỉ giáo.” Vậy là Từ Giai cho thư sinh này điểm rất cao.
Lý Tông Ngạc triều Tống, làm người khoan hậu, học rộng tài cao, làm quan đến Hữu Gián Nghị Đại Phu. Cha của ông là Tể tướng. Thời cha ông ở chức cao, ông luôn tránh đi hiềm nghi, xa rời quyền thế, đi xe ngựa đơn giản, không khác gì những người đọc sách bần hàn khác.
Có một ngày, Lý Tông Ngạc đang đi trên đường thì gặp cha. Nhưng người đánh xe ngựa cho cha ông lại không nhận ra ông, đối với ông nhục mạ quát lớn. Từ đó về sau, mỗi lần Lý Tông Ngạc gặp được người này, đều lảng tránh che giấu, vì sợ người này sẽ xấu hổ khi biết rõ thân phận của mình.
Lý Tông Ngạc thân là con Tể Tướng, chẳng những có thể đối mặt với nhục mạ bất công mà không tức giận, còn có thể rộng lòng tha thứ, thiện ý suy nghĩ cho người khác, thật sự là người quân tử thành thiện có tu dưỡng cao.
Danh thần Vương Sưởng thời Tam Quốc đã từng khuyên bảo con:
“Người khác công kích chúng ta, chúng ta nên lùi một bước mà xét lại bản thân. Nếu chúng ta có điều không đúng, như vậy người khác nói là quá thỏa đáng rồi. Nếu chúng ta không sai sót giống như lời người ta nói, như vậy người đó đang nói lời xằng bậy. Đối phương phê bình đúng, tức thì đối với đối phương không có tổn hại gì, đối phương nói xằng bậy, tức thì đối với bản thân chúng ta cũng không có tổn hại gì, vậy cần gì phải trả thù đây? Cho nên yếu lĩnh của sự nhẫn nhục chính là tự xét lại bản thân mình.”
Khi người khác ngỗ nghịch với chúng ta, chỉ cần im lặng tĩnh tư một lát liền có thể được thuận cảnh và đạt được lòng dạ bao la. Cho nên Đỗ Mục có viết trong thơ rằng: “Nhẫn quá sự kham hỉ”, sau khi nhẫn được thì chuyện sẽ thành vui, đây chính là phương pháp vượt qua nghịch cảnh.
“Vân du trai lục” có ghi rằng: “Phàm là gặp phải kẻ ngang ngược, trước tiên phải nghĩ xem bản thân vì sao mà bị lọt vào cảnh ấy, sau đó mới tự hỏi mình cách xử lý. Bình tâm tĩnh khí, không cần phẫn nộ thì liền có thể tiêu trừ được tai họa.”
Mọi người e ngại người khác chửi bới mình thường là vì bản thân còn có tâm muốn đề cao mình hạ thấp người khác, hoặc còn có khát vọng được người ngưỡng vọng thỏa lòng hư vinh. Bởi vậy khi gặp chuyện làm tổn hại thanh danh của mình liền tránh né.
Thật ra không có người khác chỉ trích, chúng ta sao có thể nhìn ra khuyết điểm của mình, nhìn không thấy khuyết điểm của mình thì sao có thể tu chỉnh bản thân? Một người làm như “tai điếc mắt mù” thì sao có thể thành công, sao có được sự kính trọng từ nội tâm của người khác?
Cổ nhân có câu: “Tự mãn chiêu mời tổn hại, khiêm tốn được lợi ích”, nếu lúc bị vũ nhục, chúng ta có thể buông tâm ngạo mạn, từ lời của người khác mà cân nhắc hành vi của mình, có lẽ sẽ có tiến bộ và đề cao mới. Khi chúng ta dùng tâm cung kính đối đãi với người khác, dùng khiêm tốn cân nhắc bản thân, thường sẽ nhận được một cảnh giới tinh thần khác biệt, giống như mọi người thường nói: “Nhẫn một chút gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm tốn khoan dung Nhẫn nhịn trí tuệ cổ nhân