Mặc dù ngày nay “bần” và “cùng” thường xuất hiện cạnh nhau, “bần” và “cùng” cũng đều mang ý nghĩa chỉ sự thiếu thốn về vật chất, tuy nhiên hàm nghĩa của “bần” và “cùng” là bất đồng đẳng. Và trong quan điểm của cổ nhân, thanh bần không đáng sầu lo, còn hoàn cảnh đến bước đường cùng lại chính là khảo nghiệm.

Hàm nghĩa bất đồng của "bần" và "cùng"
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)

Theo “Thuyết văn giải tự” viết: “Bần, tòng bối tòng phân”, ý nói bần (贫) là từ chữ bối (贝) và chữ phân (分) hợp thành. Thời cổ đại, hải bối từng là một loại tiền tệ, được gọi là Bối tệ (tiền vỏ sò) đại biểu cho tài phú. Vì vậy các ký tự có mang chữ bối (贝) hầu hết đều liên quan đến tiền bạc của cải, như chữ tài (财), quý (贵), tiện (贱), lỗ (赔), lãi (赚)… Chữ phân (分) là chữ biểu nghĩa và biểu âm. Tài, hợp thì nhiều và phân thì thiếu, bần (贫) chính là ý thiếu tài.

Tuy nhiên, theo cổ nhân, thanh bần (nghèo mà trong sạch) thì không có gì đáng phải sầu lo. Sách “Luận Ngữ” viết rằng, Khổng Tử lo đạo chứ không lo bần. Nhan Hồi dù sống trong phòng ốc sơ sài, cơm trong ống nước trong bầu nhưng vẫn luôn vui vẻ, chuyên cần học tập.

Trái lại, giàu có mà không tu đức thì chỉ chiêu mời tai họa. Vào thời Tây Tấn, Thạch Sùng là người giàu có vô địch thiên hạ, nhưng luôn tranh giành của cải với người khác, vì tài mà chiêu họa, dẫn đến cả nhà bị xử trảm. Cho đến tận trước lúc chết, Thạch Sùng mới tỉnh ngộ mà hối hận. Sách “Quốc ngữ. Tấn ngữ” viết rằng: “Nhược bất ưu đức chi bất kiến, nhi hoạn hóa chi bất túc, tương điếu bất hạ”, nghĩa là nếu như không lo lắng chuyện đạo đức không được kiến thiết mà lại chỉ lo của cải trong nhà không đủ thì đó mới chính là bi ai.

Tử Cống là người giàu nhất trong số các học trò của Khổng Tử, và được xưng là Nho thương thủy tổ. Tử Cống từng suy nghĩ sâu xa về bần và phú của nhân sinh, ông hỏi Khổng Tử rằng: “Nghèo mà không nịnh, giàu mà không kiêu, như thế thì sao?” Khổng Tử tán đồng với quan điểm về bần và phú của Tử Cống, nhưng cũng nói cho Tử Cống biết rằng thái độ đối với bần phú đời người như vậy vẫn chưa được tính là cảnh giới cao. Khổng Tử cho rằng thái độ đối đãi với bần và phú trong đời người nên là: “Tuy bần cùng vẫn vui với đạo, tuy giàu có vẫn khiêm tốn hảo lễ.”

Nếu như bần chỉ là sự thiếu thốn vật chất thì cùng không chỉ có nghĩa là thiếu thốn về vật chất tiền bạc mà đồng thời còn đang phải chịu đựng nỗi thống khổ về tinh thần.

Chữ cùng (“穷”) là tận cùng, cùng cực, đáy, như “cùng đường đuối lý”, “cùng đồ mạt lộ”, “cùng hung cực ác”. Theo “Thuyết văn giải tự” viết: “Cùng, cực dã, tòng huyệt cung ( cung ) thanh” (cùng cũng là cực, là kết hợp của chữ huyệt 穴 và chữ cung 躬). Chữ cùng (窮) phồn thể là chữ hội ý kiêm hình thanh. Những chữ có chữ huyệt (穴) đều liên quan đến lỗ, động, như chữ không (空), hầm lò (窑), ống khói (突)… Chữ cung (躬) là thân thể. Thân ở dưới hang huyệt thì duỗi không nổi, ý nói con người ở vào trạng thái cực hạn, khốn quẫn bế tắc hoàn toàn. Tuy nhiên, trong Hán tự giản thể của chữ cùng “穷” không thể hiện nội hàm này.

“Cùng” cũng có ý là bần cùng, nghèo khốn nhưng là bần khốn đến cực điểm, không có gì cả. Trong “Tuân Tử. Đại lược”, Tuân Tử viết rằng: “Đa hữu chi giả phú, thiểu hữu chi giả bần, chí vô hữu giả cùng”, nghĩa là sở hữu nhiều là phú, sở hữu ít là bần, một chút cũng không có là cùng.

Trong Hán ngữ cổ, chữ “cùng” càng biểu thị sự quẫn bách, không thoát ra khỏi, không chỉ là nghèo đói về vật chất mà còn là sự thống khổ tinh thần. Vì thế, “cùng” càng là hoàn cảnh khảo nghiệm ý chí và phẩm đức của một người hơn là “bần”. Nhân thế thăng trầm, thái độ của cổ nhân khi đối diện với những thuận nghịch của nhân sinh cũng bất đồng.

Sách “Luận ngữ” viết: Khi Khổng Tử chu du khắp các nước, đến nước Trần, ông đã cạn lương thực, và những người trong đoàn tùy tùng của ông đều quá đói. Thấy vậy, Tử Lộ oán giận hỏi: “Quân tử cũng cùng đường sao?” Khổng Tử đáp: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ” , ý tứ là người quân tử sẽ giữ vững đức dù cùng khổ, còn kẻ tiểu nhân cùng đường dễ làm điều xằng bậy.

Mạnh Tử lý giải rằng: “Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly Đạo”, ý nói người cùng không mất nghĩa, kẻ hiển đạt không rời xa đạo, “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tế thiên hạ”, ý nói khi cùng thì lo giữ thân làm phúc cho mình, khi hiển đạt thì cứu tế thiên hạ.

Thi nhân nổi tiếng thời Chiến Quốc, Khuất Nguyên khi bất lực với thế thời đã chọn cách kiên thủ: “Ngộ bất năng biến tâm nhi tùng tục hề, cố tương sầu khổ nhi chung cùng”, ý tứ là ông sẽ không thay đổi chí hướng của mình, sống gặp sao hay vậy, thà rằng cả đời chịu cảnh bất đắc chí.

Trong “Đằng Vương các tự”, Vương Bột viết rằng: “Lão đương ích tráng, ninh di bạch thủ chi tâm? Cùng thư ích hiền, bất trụy thanh vân chi chí”, ý nói tuổi tuy đã cao, nhưng chí khí vẫn mạnh mẽ, sao có thể thay đổi tâm tính khi bạc đầu? Cảnh ngộ tuy gian khổ, ý chí càng kiên định, quyết không thể từ bỏ ý chí thanh cao.

“Dịch Kinh – Hệ Từ” nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, sự vật phát triển đến cực điểm thì sẽ phát sinh biến hóa, gọi là vật cực tất phản, hết cùng lại thông. Vô luận là bần cũng vậy, cùng cũng vậy, cho dù là gặp cảnh sơn cùng thủy tận tưởng như không có đường ra, chỉ cần chúng ta không thay đổi tâm nguyện ban đầu, thủ vững chính đạo thì sẽ phát hiện ra một con đường mới ở ngay trước mắt mình.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: