Hồi đi học, tôi chẳng bao giờ “tâm tư” về sách giáo khoa. Cứ ra mấy sạp sách cũ ở góc đường Lê Lợi và Pasteur tha hồ chọn. Sách toán lý hóa chọn theo tiêu chuẩn: giáo khoa ngắn, bài tập nhiều. Thường thì cùng môn học tôi chọn hai tác giả khác nhau vì đa dạng kiểu bài tập. Sách sử địa thì càng dày càng tốt, đọc sử địa như đọc truyện cũng là cách giải trí.

Nói là sạp sách cũ, nhưng nơi đây cũng bán sách giáo khoa mới, giảm 10-15% so với giá bìa. Có điều sách không đa dạng vì họ chỉ chọn những loại sách bán chạy. Muốn lựa phải vào nhà sách Khai Trí, bên kia đường. Nhà sách này rộng rãi, thoáng mát, có đủ loại sách, tha hồ đọc, đọc cả ngày cũng được, chỉ có điều bán theo giá bìa. Tôi chưa bao giờ hoang phí, mua sách giáo khoa theo giá bìa cả.

Giá sách cũ chỉ bằng 1/3 giá bìa. Sách có “thủ bút” chi chít của người dùng trước, còn rẻ hơn nữa, chỉ khoảng 1/4. Tôi thích loại sách “thủ bút” này vì đàn anh đã nhấn mạnh giùm những chỗ cần nhớ, tương tự như chú thích giùm để mình đề phòng. Đôi khi lại là thủ bút với những dòng cảm khái, thậm chí cũng có thủ bút nhăng nhít nữa. Tôi còn nhớ có một thủ bút thế này: “Em ơi, em đẹp lắm, nhưng cái bằng tú tài đẹp hơn em.” Dù thời bọn tôi, nam thanh niên đứa nào cũng biết, rớt tú tài số phận sẽ là ôm… ba lô, nhưng cảm khái “tàn bạo” như thế không gọi nhăng nhít thì gọi là gì?

Có điều dù giá sách cũ chỉ bằng 1/3 hay 1/4 thì về nhà tôi vẫn “trình báo” với má tôi theo giá… bìa. Bà già tôi sợ thằng con đi lính, thấy nó khệ nệ mang cả đống sách về nhà, thì giá nào mà bả chẳng gật. Đó là khoản “thu nhập” cà phê với bè bạn khi cỗ máy đầu năm chưa khởi động để học nước rút.

Tôi không nhớ mình bắt đầu dính líu vào sách cũ khi nào. Có lẽ từ hồi học lớp Năm (lớp Một bây giờ), ngay khi vừa biết đọc mà không cần lẩm nhẩm đánh vần. Thoạt đầu là mua truyện tranh Tarzan, Batman, công chúa ngủ trong rừng,… Truyện mỏng dính nhưng là khoản tiền tôi nhịn ăn sáng để mua. Tôi nghiện đọc, muốn đọc thêm thì trao đổi truyện với bè bạn. Chưa đủ đáp ứng cơn nghiện, tôi đổi ba truyện cũ lấy một mới với người bán. Và sau cùng là mua sách xon. Sách bán xon sách mới, nhưng nhà phát hành bán tống bán tháo, nên đánh dấu mực xanh trên đầu sách, giá chỉ bằng 1/3. Lên lớp Tư, tôi chán truyện tranh chuyển sang đọc truyện cổ tích, Tâm hồn cao thượng, Những kẻ khốn cùng,… dạng tóm tắt, nhưng chỉ toàn đọc ké của chúng bạn.

Một nguồn đọc khác, các bạn thời nay chắc không ngờ nổi, đó là từ sách giáo khoa. Hồi đó thầy cô chỉ giới thiệu sách nên mua, còn mua hay không, hay mua sách của tác giả nào cũng được. Nguồn đọc chính là đọc ké từ các bạn học các sách giáo khoa tập đọc, sử ký, địa lý, khoa học thường thức,… từ nhiều tác giả khác nhau. Bài đọc cuối tuần trong sách luôn luôn là những câu chuyện hấp dẫn, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như chuyện Tô canh hẹ, Ba anh em họ Điền,…

Lên trung học tình huống lại khác. Đọc các trích đoạn trong sách giáo khoa rất… khó chịu, vì đang hấp dẫn thì chấm hết. Tôi còn nhớ vài tác giả như Thanh Tịnh (Tôi đi học), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Trần Tiêu (Con trâu), Bùi Hiển (Nằm vạ), Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Huỳnh Tịnh Của (Chuyện giải buồn), Trương Vĩnh Ký (Chuyện đời xưa),… Giải pháp duy nhất là đi thuê sách đọc cho đã. Thuê ở mấy tiệm gần nhà, tiệm này không có thì qua tiệm khác.

Lên Đệ II cấp (cấp 3) thì không còn là những tác giả có trong sách giáo khoa nữa, mà là tiểu thuyết đủ loại không có trong chương trình học. Tới đây tôi phải mò tới Cảnh Hưng ở đường Phan Đình Phùng. Có lẽ đây là tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn, từ sách Học làm người, sách lịch sử thế chiến, tiểu thuyết, trinh thám Z28,… Lên tới đại học, tôi vẫn tìm đến Cảnh Hưng để thuê sách. Truyện kiếm hiệp thì khỏi phải nói, mỗi lần tôi mướn ít nhất 5 quyển đọc mới sướng. Ông chủ Cảnh Hưng nhỏ con, nhưng chơi đẹp với bọn học trò, trả sách trễ cả tuần, cũng chỉ tính một ngày.

Ở bậc trung học cũng vài ba lần tôi mua sách mới, không những mới mà còn đẹp nữa, bìa dầy, giấy trắng. Sách do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục phát hành, với sự tài trợ của cơ quan phát triển quốc Tế Hoa Kỳ. Sách mang đến lớp bán cho học sinh thấp hơn giá bìa rất nhiều, gần như cho không. Những sách này chẳng có dòng chữ nào quảng cáo cho Mỹ đâu, thường là sách tham khảo như quyển Việt Nam Văn học sử yếu, Việt Nam Thi văn Hợp tuyển của Dương Quảng Hàm. Hiện nay tôi còn giữ được một quyển, đã ngả sang màu vàng.

Khi lên đại học, dù tiền bạc rủng rỉnh hơn nhờ đi dạy kèm, nhưng mua sách mới vẫn là chuyện nan giải. Tôi vào Khai Trí, đứng hàng giờ, đọc lướt đi lướt lại nhiều lần, xem kỹ Lời mở đầu, lật cuối xem Mục lục. Đó thường là sách tham khảo như bộ Nhân Định của Nguyễn Văn Trung, Bên giòng lịch sử của Cao văn Luận, Lịch sử chữ Quốc ngữ của Đỗ Quang Chính… Đắn đo lắm mới bỏ tiền túi ra mua.

Tháng 5 năm 75 đổ đời, sách mới tràn ngập hè phố Lê Lợi, Pasteur bán theo giá giấy vụn. Tôi phải đi mua bao bố để đựng, đi vài lần như thế, cũng chừng hơn trăm quyển. Toàn những sách giá trị, dù đã đọc sách mướn, nhưng vẫn mua lại như Giã từ vũ khí, Chiến hữu, Giờ thứ 25, Doctor Zhivago, Tầng đầu địa ngục,… Vài tháng sau đó là những ngày phần thư ảm đạm. Tôi phải cúng dường mươi quyển để ra cái điều thành khẩn (còn giấu đi rất nhiều). Sách nọc độc văn hóa mà sao lưu luyến như tình nhân, vuốt ve, cầm lên đặt xuống. Đêm chia tay sách, cạn một xị rượu. Buồn não nuột!

Đầu thập niên 80, tôi tìm đến chợ sách cũ ở Đặng thị Nhu. Chợ sách cũ này có nhiều hàng hiểm, nhất là sách kỹ thuật. Nơi đây chỉ một quầy duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers” của Mỹ. Sách handbook nghề nghiệp của Mỹ thì không chê vào được. Hồi đó tôi làm nghiên cứu, mỗi năm ôm một đề tài cấp Bộ, khi cần tra cứu tôi thường đến quầy này, vờ vĩn xem sách, ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Quyển này giá 4 chỉ vàng. Tiền gửi xe còn không có, phải dắt xe đạp vào tận quầy để đọc. Đến riết, chủ sạp quen mặt biết ý, chỉ tay vào sách nói, đọc thoải mái. Làm nghề bán sách và cho thuê sách mà dễ dãi với người mua chẳng khác nào tích đức cho con cháu.

Chợ sách Đặng Thị Nhu bị xóa sổ vào giữa thập niên 80, buộc gom sách về cho cơ quan nhà nước quản lý. Các chủ quầy chạy hết, tản ra các nơi khác. Khi chợ sách dẹp tiệm, tôi đứng ngẩn người giữa chợ trống hoắc, cảm giác như người tình bỏ đi. Một buổi tối cách đây vài tháng, tôi thả bộ trên con đường cũ. Đương Đặng thị Nhu, trước đó có tên là Bùi Quang Chiêu, còn gọi là hẻm Cá Hấp, chỉ dài hơn trăm mét. Tôi cố tìm lại vị trí sạp sách cũ. Chẳng nhận ra gì nữa, thay vào đó là các cửa hiệu sáng trưng… Bồi hồi nhớ người bán sách, “… Đọc thoải mái”. Chợ sách khác chợ đời!

Tôi mất sách cũng khá nhiều vì cho mượn, nhưng sách ra đi hiếm khi quay trở lại. Có ai đó nói, có sách hay mà cho mượn là ngu. Mượn được sách hay mà đem trả lại còn ngu hơn. Đúng và đau!

Hồi dọn nhà cách nay hơn 10 năm, tôi thải ra cả vài trăm quyển sách. Sách khoa học thì lạc hậu quá rồi. Sách tham khảo, hay tiểu thuyết bây giờ tìm lại trên mạng cũng không khó, hoặc sách đã được in mới lại. Bây giờ ngẫm lại thấy hối tiếc. Tôi có cảm giác mình như kẻ phụ tình.

Tư chất của tôi là bề bộn, từ thuở nhỏ đã thế. Cần đọc thứ gì thì moi sách từ tủ ra đọc. Đọc xong quăng đại vào tủ, khi trên nóc, lúc dưới gầm, có khi la liệt sách ở chỗ nằm, chỗ ngồi. Đó là chưa kể những năm sau này, tôi phải in tài liệu khoa học ra giấy để tiện đâu đọc đấy, note trên giấy cũng dễ. Những tập giấy rời rạc này thì lung tung vô kể, đụng đâu nhét đó, gầm sofa, gầm bàn, tủ bàn viết,… Bừa bãi, loạn xà ngậu như vậy. Nhưng khi cần tôi tìm những sách đang đọc dở dang ấy rất dễ, dễ hơn nhiều so vơi nghiêm trang lục tìm trong tủ sách.

Đã nhiều lần tôi muốn dọn dẹp lại các tủ sách cho dễ coi một chút, nhưng năm này lại hẹn năm sau. Gần Tết năm ngoái, tôi quyết định thực hiện. Dọn dẹp là phải xếp loại sách nào vào ngăn đó. Thời gian gian sắp xếp, kể cả phủi bụi không đáng kể, mà chỉ vì chúng là những quyển sách cũ. Mở ra thử vài trang rồi lại bị lôi cuốn vào, không phải vì nội dung sách, mà vì biết bao ký ức, từ trang bìa sách, tranh trong sách, chữ viết tay của mình… Mua hồi nào, mua ở đâu? Đọc sách này hồi đó mình nghĩ thế nào… Quyển Sử ký Tư Mã Thiên dày bảy, tám trăm trang. Hồi đó phải chờ tới ngày lãnh lương mới mua được. Ba ngày ngồi cặm cụi với đống sách cũ mà chưa đâu vào đâu.

Sách càng cũ, đọc càng lâu… Đọc thì ít, mơ màng thì nhiều. Sách cũ nhất là quyển Địa lý lớp Nhì (lớp 4) của Nguyễn Hữu Hồng in năm 1961, do nhà xuất bản tư nhân in nên giấy xấu, đụng vào là tả tơi, dù trước đó tôi đã vá bằng keo trong chằng chịt.

Đọc lại sách cũ giống như gặp lại người bạn cũ. Sách mua càng lâu, ký ức càng nhiều. Dòng đời trôi nhanh quá! Sắp xếp tủ sách hồi năm ngoái vẫn còn dở dang. Lại sắp thêm một cái Tết nữa. Chẳng biết năm nay tôi có đủ kiên nhẫn để sắp xếp lại tủ sách của mình không?

Vũ Thế Thành
Tháng 01/2015

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm:

Mời xem video: