Nội tâm bình thản khi ta xem nhẹ được mất
- An Hòa
- •
Một người khi làm việc mà có thể xem vinh nhục như đóa hoa kia sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm bình thản không kinh động, xem chức vị đến rồi đi thất thường tựa như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh.
Trong sách “Tiểu song u ký” có ghi lại câu đối: “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn. Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”. Câu đối tuy ngắn gọn, nhưng lại khắc sâu được nhân sinh quan và thái độ đối với vạn sự: được thì không hoan hỷ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm. Có thể làm được như vậy mới có thể giữ tâm cảnh được bình thản ôn hòa, thanh bạch tự nhiên.
Vào thời Hoàng đế Chân Tông, triều nhà Tống, Hướng Mẫn Trung được bổ nhiệm làm quan Hữu bộc xạ (tương đương Tể tướng). Ngày hạ chiếu thư bổ nhiệm chức quan cho Hướng Mẫn Trung, Hoàng thượng nói với Hàn lâm học sĩ Lý Tông Ngạc rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, chưa từng bổ nhiệm quan Bộc xạ. Hôm nay bổ nhiệm Mẫn Trung nhậm chức quan này, đây không phải là một sự bổ nhiệm tầm thường. Mẫn Trung chắc hẳn là vui mừng lắm”.
Lý Tông Ngạc trả lời: “Thần từ sáng sớm hôm nay đã vào trong cung rồi, cũng không biết đã tuyên bố chiếu thư, không hiểu giờ này Mẫn Trung như thế nào?”
Hoàng đế nói: “Trong nhà Mẫn Trung hôm nay khách đến chúc mừng nhất định là rất đông, khanh qua nhà ông ta xem thử, rồi ngày mai trở lại báo cáo cho Trẫm. Không nên nói ấy là chủ ý của trẫm”.
Lý Tông Ngạc tới bái kiến, trước cửa yên lặng không có một bóng người. Lý Tông Ngạc và Hướng Mẫn Trung vốn là bạn thân thiết nhiều năm nên Tông Ngạc đi thẳng vào trong phủ, nói lời chúc mừng: “Hôm nay nghe nói có chiếu thư bổ nhiệm ngài, các quan sỹ đại phu đều rất vui, cả nước đón mừng”.
Hướng Mẫn Trung chỉ ậm ừ đơn giản cho qua chuyện, không nói thêm điều gì nữa. Lý Tông Ngạc lại nói: “Từ khi đương kim Hoàng thượng đăng cơ đến nay chưa từng bổ nhiệm chức Bộc xạ, đây không phải là sự bổ nhiệm tầm thường. Nếu không có đức cao vọng trọng, Hoàng thượng làm sao ban cho ngài ân huệ thâm hậu như vậy được?”
Hướng Mẫn Trung vẫn chỉ trả lời lấy lệ, không vui không mừng.
Lý Tông Ngạc rời khỏi gian nhà chính, phái người đến phòng bếp, hỏi hôm nay trong phủ có yến tiệc chiêu đãi khách khứa bà con gì hay không. Người trong bếp cũng nói trong phủ hôm nay yên tĩnh không người.
Ngày hôm sau, Lý Tông Ngạc lên triều, Hoàng thượng hỏi: “Hôm qua khanh có tới gặp Mẫn Trung không?”.
Lý Tông Ngạc trả lời: “Bẩm thần đã gặp ông ấy rồi”.
Hoàng thượng lại hỏi: “Tâm ý của Mẫn Trung ra sao?”.
Lý Tông Ngạc đem những gì mình thấy báo cáo lại. Hoàng thượng cười nói: “Hướng Mẫn Trung thật sự là không quan tâm đến chuyện được mất, trong tâm không nghĩ gì đến quan tước cả”.
Từ xưa tới nay, phần lớn những chuyện thăng quan phát tài đều được xem là chuyện cát tường, khiến người ta mừng vui chúc tụng, còn Hướng Mẫn Trung đối diện với quan cao lộc hậu thì hoàn toàn bình thản. Đó có lẽ là bởi vì trong tâm ông không có quá nhiều tư dục, nên mới có thể không bị danh lợi ràng buộc mà đạt tới cảnh giới: “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”.
Xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người cảm thấy sống rất mệt mỏi, không chịu nổi sức ép của cuộc sống. Rất nhiều người cũng suy nghĩ, tại sao xã hội không ngừng phát triển, mà gánh nặng của người ta lại càng nặng thêm, tinh thần ngày càng trống rỗng, tư tưởng thì nông nổi, không thể có được trạng thái bình thản, an nhiên, tự tại. Thực ra, xã hội không ngừng phát triển, có vẻ là văn minh hơn xưa, nhưng có lẽ chính sự “phát triển” đã khiến người ta đã rơi vào vũng lầy không cách nào tự thoát ra được.
Sự hấp dẫn của tiền bạc, sự tranh giành quyền lực, sự chìm nổi chốn quan trường khiến người ta hao tâm kiệt sức. Những chuyện tranh chấp thị phi, thành bại, được mất khiến người ta vui, buồn, lo, sợ. Một khi điều thèm muốn khó có thể thực hiện hoặc suy tính khó đem lại thành công, hy vọng tan vỡ thành ảo ảnh thì họ cảm thấy lạc lối, u uất, có người thậm chí vì vậy mà trả giá bằng cả mạng sống của mình. Khi người ta sống mà chạy theo sự tôn sùng vật chất thì dần dần sẽ không còn biết phân biệt tốt xấu đúng sai nữa. Quả thực là cái được không bù nổi cho cái mất, hối hận không thể vãn hồi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Bậc trí giả “được” không cao hứng, “mất” không sầu bi
- 3 cảnh giới cao của đời người: Nhìn xa, nhìn thấu và xem nhẹ
Mời xem video: “Lùi một bước” là một loại cảnh giới cao thượng
Từ khóa danh lợi phú quý được mất nội tâm