Nước Anh thời Trung cổ, phép thuật từng là một loại dịch vụ
- Ánh Dương
- •
Rất có thể khi nhắc đến “phép thuật thời Trung Cổ” thì hình ảnh về phù thủy sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn kiểu như: những mụ già nhăn nheo đang lúi húi chế thuốc từ các nguyên liệu bí ẩn, trong một cái vạc có màu hệt như mắt của con sa giông. Hoặc bạn có thể nghĩ về những nạn nhân xấu số bị các linh mục cực đoan đổ tội là phù thủy và bị hành hình tàn bạo. Nhưng những liên tưởng này đều không chính xác.
Phù thủy ngày nay thường được hiểu là những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ để gây hại cho người khác. Và nỗi sợ phù thủy chỉ bắt đầu bao trùm châu Âu vào cuối thế kỷ 15.
Công dụng của phép thuật
Phép thuật là một hiện tượng phổ biến. Mỗi xã hội ở mọi thời đại đều chứa đựng một số hệ thống niềm tin và trong mọi xã hội đều xuất hiện những người thỉnh cầu khả năng khai thác hoặc thao túng các sức mạnh siêu nhiên đằng sau các hệ thống niềm tin ấy. Thậm chí ngày nay, phép thuật vẫn thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta một cách tinh tế – có người vẫn đeo bùa, các thứ “lấy hên” hay dán các tấm giấy “vẽ loằng ngoằng” trước cửa nhà để xua đi những thứ xấu. Tại Iceland, chính phủ đã công nhận một người có khả năng nói chuyện được với yêu tinh; người này tuyên bố có thể nhìn, nói chuyện và đàm phán được với các sinh vật siêu nhiên vốn vẫn được tin là đang cư ngụ tại Iceland.
Mặc dù ngày nay chúng ta có thể nhìn nhận những câu chuyện về ma thuật chỉ là trí tưởng tượng xa vời hoặc những điều giả tưởng, nhưng phép thuật đã thực sự được thừa nhận rộng rãi trong thời kỳ Trung Cổ. Một câu thần chú hoặc bùa mê có thể thay đổi cuộc sống của ai đó. Những lời nguyền thường khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, còn những lời nguyện ước lại khiến mọi chuyện tốt đẹp.
Người ta nhận thức rằng, phép thuật có khả năng thực hiện một loạt các sự việc, từ những điều kỳ diệu đến những việc thế tục nhỏ mọn.
Ở khía cạnh thế tục, bùa phép từng được sử dụng trong mọi mặt của cuộc sống. Chúng được sử dụng để tìm đồ vật bị mất, gieo mầm tình yêu, tiên đoán tương lai, chữa lành bệnh tật và tìm ra các kho báu bị chôn vùi. Với cách thức sử dụng này, phép thuật đã cung cấp giải pháp cho các vấn đề thường nhật, đặc biệt là đối với các vấn đề không thể giải quyết được bởi các phương thức khác.
Phạm tội hình sự
“Làm phép thuật là vi phạm luật pháp” – Phép thuật vốn không bị coi là một tội ác trong xã hội con người cho đến khi Đạo luật chống lại Phù thủy và Phù phép năm 1542 ra đời (Act against Witchcraft and Conjurations).
Trước đó, nó chỉ được tính là một hành vi sai trái đạo đức và bị Nhà thờ kiểm soát. Và trừ khi phép thuật được sử dụng để gây hại – ví dụ như cố ý giết người – thì Nhà thờ cũng không quan tâm lắm.
Nhà thờ không có thẩm quyền xử phạt về thể xác nên phép thuật thường bị trừng phạt bằng tiền phạt hoặc bằng cách cùm tội nhân tại cột sám hối công khai đối với các hành vi nghiêm trọng.
Ngày nay những hình phạt này có vẻ là ác độc, nhưng chúng còn nhẹ hơn rất nhiều so với hình phạt của tòa án thế tục lúc bấy giờ – các bản án cắt bỏ một phần cơ thể hoặc xử tử có thể được tòa áp dụng ngay cả đối với các vi phạm nhỏ. Về sau, phép thuật được đặt ở vị trí cuối danh mục ưu tiên xử lý của những người thi hành pháp luật. Nghĩa là phép thuật có thể được thực hiện tương đối tự do – nhưng cần phải cẩn trọng.
Trong số hàng trăm trường hợp sử dụng phép thuật được lưu giữ trong các hồ sơ tòa án giáo hội của Anh, có một số tuyên bố chứng thực hiệu nghiệm của bùa chú. Năm 1375, John Chestre – một thầy phù thủy khoe rằng ông đã tìm lại được 16 USD (tương đương 15 bảng Anh) bị mất cho một người đàn ông tại Garlickhithe.
Trong khi đó, Agnes Hancock tuyên bố cô có thể chữa bệnh cho mọi người bằng cách ban phước lên quần áo của họ, hoặc nếu bệnh nhân của cô là một đứa trẻ, cô sẽ thỉnh cầu sự giúp đỡ từ các nàng tiên.
Các tòa án không chấp thuận việc này và cô đã nhận được chỉ lệnh buộc phải ngừng sử dụng bùa chú hoặc gánh chịu nguy cơ bị buộc tội dị giáo – một tội danh tử hình. Điều này bất chấp các bằng chứng của Agnes cho thấy bệnh nhân của cô thường hài lòng với hiệu quả trị bệnh. Theo các tư liệu được biết đến thì Agnes đã không phải hầu tòa thêm một lần nào nữa.
Phép thuật trong giới Hoàng gia
Đã từng có giai đoạn từ trẻ đến già, người giàu hay người nghèo đều dùng đến phép thuật. Nhưng khác xa với các tầng lớp thấp trong xã hội, phép thuật được một số người có quyền lực cao, thậm chí gồm cả các thành viên hoàng gia chỉ thị thực thi.
Trong một vụ án về trộm cắp vào năm 1390, Công tước Edmund de Langley – con trai của vua Edward III và chú của vua Richard II – được ghi nhận là đã trả tiền cho một thầy phù thủy để giúp ông ta tìm thấy một số đĩa bạc bị đánh cắp.
Trong khi đó, Alice Perrers – tình nhân của vua Edward III vào cuối thế kỷ 14 – được đồn đại là đã thuê một tu sĩ để bỏ bùa yêu đức vua. Mặc dù Alice là một nhân vật gây tranh cãi nhưng việc sử dụng phép thuật cho tình yêu – cũng như sử dụng nó để tìm hàng hóa bị đánh cắp – không còn là điều đáng ngạc nhiên.
Eleanor Cobham – nữ công tước xứ Gloucester cũng nổi tiếng là đã thuê một phụ nữ xảo quyệt để thực hiện phù phép tình yêu vào năm 1440 đến 1441 nhưng mục đích là để giúp thụ thai một đứa trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng phép thuật của Eleanor đã vượt quá tầm kiểm soát khi bà bị buộc tội sử dụng pháp thuật với âm mưu gây nên cái chết của vua Henry VI.
Bằng nhiều con đường, phép thuật đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của một giai đoạn lịch sử. Có lẽ nó không phải thứ mà người ta công khai thừa nhận sử dụng (phép thuật từng chính thức bị coi là hành vi vô đạo đức) dù ai cũng biết nó là “bí mật công khai”. Điều này có phần giống với việc sử dụng ma túy ngày nay: Phép thuật đủ phổ biến để mọi người biết tìm nó ở đâu và việc sử dụng phép thuật cũng đã được âm thầm công nhận, mặc dù trên bề mặt thì người ta không tán thành.
Đối với những người bán phép thuật, những người bị gán nhãn là “những kẻ xảo quyệt”, họ coi kiến thức và kỹ năng của mình như một món hàng. Họ biết giá trị của nó, họ hiểu mong muốn của khách hàng và cân bằng trên ranh giới giữa những người cần và những người xua đuổi “dịch vụ” của họ.
Vào giai đoạn chuyển tiếp khi thời kỳ Trung Cổ dần bước sang thời kỳ cận đại, niềm tin phù thủy là tà ác ngày càng lớn và đã dấy lên làn sóng tẩy chay phép thuật mạnh mẽ – cả từ phía tòa án và nền văn hóa đương đại. Tuy nhiên, việc sử dụng phép thuật vẫn còn tồn tại và phổ biến trong xã hội cho đến hôm nay.
Tác giả: Tabitha Stanmore – Tiến sĩ nghiên cứu thời kỳ cận đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Bristol (Anh).
Ánh Dương biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nước Anh Cơ đốc giáo phép thuật Trung Cổ mê tín dị đoan