Phẩm đức đáng quý của “con trâu” và vài “con trâu” lưu danh sử sách
- Minh Nhật
- •
Người ta nói rằng người cầm tinh con Trâu có bản tính hiền lành, trung thực, siêng năng, mạnh mẽ và tự tin. Kỳ thực con Trâu còn có nhiều phẩm đức đáng quý hơn thế, và trong dòng chảy thời gian, có rất nhiều “con trâu” lưu danh sử sách.
Truyền thuyết kể rằng khi phải chọn 12 con vật để đưa vào “sinh tiếu”, Ngọc hoàng đã tổ chức một cuộc chạy thi cho tất cả muông thú, và 12 con vật đầu tiên tới đích sẽ trở thành các “con giáp” trong lịch pháp. Chướng ngại cuối cùng của cuộc đua là một con sông lớn mà các con vật đều phải vượt qua. Chuột đã nhờ Trâu chở qua sông, nhưng khi sang được bờ thì Chuột lại lao tới đích trước để giành chiến thắng, để lại Trâu về đích thứ nhì.
Mặc dù chỉ về nhì, nhưng con Trâu lại là một loài vật hết sức đặc biệt trong 12 con giáp.
Trâu hiền hậu vô ưu, đáng ở trên nhưng không ở trên, “lùi một bước biển rộng trời cao”, vì vậy mà bình an vô sự, đây chính là đạo Trung Dung của Nho gia.
Trâu siêng năng, mạnh mẽ, có năng lực mà biết ẩn giấu đi, khác gì hoa lan mọc ở trong núi sâu, không vì chốn không người mà không thơm, đó là khí chất của bậc ẩn sĩ.
Trâu an lành, trung thực mà chắc chắn, cương nghị, chính như bậc quân tử kia, nhu hoà bao dung tựa ngọc, kiên cường bất động tựa sắt.
Trâu vất vả chốn ruộng đồng, nhẫn nhịn lao khổ, nhưng nhân đó mà hợp với đạo Trời, bởi vì “Thiên đạo thù cần”, Trời xanh ban thưởng cho người cần cù chịu khó.
Bởi vì có nhiều phẩm đức tốt đẹp như thế nên không lạ gì khi trong lịch sử, trâu trở thành con vật “tải Đạo”, chở Lão Tử tới cửa Hàm Cốc, góp phần vào sự ra đời của cuốn Đạo Đức Kinh nổi tiếng ngàn đời.
Nói về tu Đạo và con trâu thì không thể không nhắc tới Lý Bạch (701 – 762), ông là một thi sĩ cầm tinh con Trâu đặc biệt trong lịch sử phương Đông. Ông cũng là người tu luyện, được xưng tụng là “Thi tiên”, bởi thơ của ông luôn đứng từ một cảnh giới cao hơn mà bao quát vạn vật. Truyền thuyết rằng sau khi ông bị đuổi khỏi triều đình thì thường uống rượu say, nhờ cơ duyên được chứng kiến tiên nữ múa, từ đó thấu hiểu lẽ sinh tử mà viết ra bài “Cửu nhật Long sơn ẩm”:
Cửu nhật Long sơn ẩm,
Hoàng hoa tiếu trục thần.
Tuý khan phong lạc mạo,
Vũ ái nguyệt lưu nhân.
Nghĩa là:
Ngày trùng cửu uống rượu trên núi Rồng,
Hoa vàng cười kẻ làm quan bị đuổi đi.
Say nhìn gió thổi rơi mũ,
[Tiên nữ] múa tuyệt đẹp dưới trăng làm người chẳng muốn dời chân.
Cũng bởi thấu hiểu lẽ sinh tử rồi nên Lý Bạch mới cảm khái viết về cõi nhân sinh rằng:
Sinh giả vi quá khách,
Tử giả vi quy nhân.
Thiên địa nhất nghịch lữ,
Đồng bi vạn cổ trần.
Nghĩa là:
Sống là khách qua đường,
Chết tựa về cố hương.
Trời đất này khác chi quán trọ,
Người ở trong cõi trần ai đó mà bi thương [không biết chốn về].
Vậy nên suy ngẫm về những tính cách của con trâu, lại đọc mấy dòng thơ của Lý Bạch, thì người mong muốn tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh không khỏi cảm thán nghĩ tới việc cầu Đạo.
Đã nói tới ưu điểm tính cách nhiều như vậy thì hãy thử xét cái khuyết điểm của trâu xem sao?
Tính con trâu lừng lững chậm rãi, khù khà khù khờ, nên thời nay người ta thường chê trách là “Ngu như trâu”. Nhưng “Ngu lâu hưởng thái bình”, hơn nữa người xưa lại nói “Đại trí nhược ngu”, bậc đại trí thì nhìn như kẻ khù khờ. Tác gia nổi tiếng triều Minh, Lữ Khôn, viết trong “Thân ngâm ngữ” rằng: “Người ngu xuẩn sẽ bị người khác chế nhạo, người thông minh sẽ bị người khác hoài nghi. Người thông minh mà thoạt nhìn như ngu dốt kỳ thực là bậc trí giả.”
Nước trong quá thì không có cá. Người bao dung không câu nệ tiểu tiết, đời người hà tất việc gì cũng phải nghiêm túc? Làm người hồ đồ tất có nhân duyên, làm việc hồ đồ ắt có cơ duyên. Thông minh cũng phân lớn nhỏ, hồ đồ cũng có thật giả. Người thực sự hồ đồ càng nói càng sai, càng làm càng lỗi, càng sống càng khổ. Người giả hồ đồ tại rất nhiều sự việc “thị phi” thì biết sai không trách, biết đúng không bày tỏ, càng sống càng thuận. Bậc đại trí huệ giả ngốc nhưng lại sống một đời an yên, không ngã lòng bởi hư vinh vụt sáng, không mê đắm trong bóng trăng ảo ảnh.
Mà con Trâu “vô vi”, không tranh với đời là vậy, nhưng trong sử Việt cũng không thiếu người cầm tinh con trâu làm vương giả, như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Lê Đại Hành, vua Lê Lợi, vua Tự Đức, vua Bảo Đại… Điểm đặc biệt hơn đối với những nhân vật đế vương tuổi trâu là về cơ bản họ đều hết sức nổi bật, dù thành bại thế nào, họ cũng được nhiều người biết tiếng. Bởi vậy người tuổi trâu mới thật là nhiều ưu điểm làm sao.
“Lời quê góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh” vậy thôi, nhưng năm mới Tân Sửu 2021 này, người Việt cùng các dân tộc khác trên thế giới kỳ thực đang đứng trước khó khăn, nguy hiểm thật lớn. Bởi thế mong ước rằng chúng ta có thể học hỏi theo phẩm đức của con Trâu, hành động thuận theo Trời Đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên, thiện lương trung thực không dối trá, khiêm tốn lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật, tụ hợp được cái Chân của Đạo gia, cái Thiện của Phật gia, cái Nhẫn nhịn bao dung của Trời đất. Quốc gia dân tộc mà làm được điều ấy thì thật là đáng mừng, cá nhân mỗi người mà làm được điều ấy thì thật là đáng quý vậy.
Minh Nhật
Xem thêm: Tượng Phật Lư Xá Na ở hang Long Môn và huyền cơ thời mạt thế
Mời nghe radio:
Từ khóa Đạo gia vô vi con trâu năm Sửu