Phát triển văn hóa đọc ở giới bình dân – Kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Văn hóa đọc là một trong những nền tảng quan trọng để quốc gia phát triển bền vững, tiến tới văn minh và duy trì văn minh. Thực tiễn đã chứng minh những nước có kinh tế phát triển và có cống hiến lớn cho nhân loại đồng thời cũng là những nước có nền văn hóa đọc phát triển, có truyền thống lâu đời. Nhật Bản là một ví dụ. Nhờ nền tảng văn hóa đọc tốt với tỷ lệ người biết chữ cao ngay từ thế kỉ 18-19 và kĩ nghệ in ấn sớm phát triển, Nhật Bản đã sớm học hỏi thành công khoa học kĩ thuật, tư tưởng, phương thức quản lý vận hành xã hội của phương Tây và xây dựng được nước Nhật hiện đại.
Một trong những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản để lại cho các nước đi sau trong phát triển văn hóa đọc là phát triển văn hóa đọc ở giới bình dân, những người lao động bình thường, những người nội trợ.
Các bộ luật về văn hóa đọc
Muốn phát triển văn hóa đọc có hiệu quả thì quốc gia phải có chiến lược vĩ mô trong đó dành trọng tâm cho phát triển văn hóa đọc rộng khắp mọi tầng lớp, chú ý đến cả tầng lớp bình dân.
Ở Nhật Bản, ngay từ sớm đã có những bộ luật về văn hóa đọc như: Luật thư viện trường học (ban hành lần đầu năm 1953, sửa đổi năm 2016), Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005)… Các bộ luật này luôn chú ý tới nguyên tắc bình đẳng trong tiếp nhận văn hóa đọc của các tầng lớp xã hội. Trong đó, Luật chấn hưng văn hóa đọc ở phần “Triết lý cơ bản” – Điều 3 khoản 1 nhấn mạnh:
“Việc xúc tiến thực hiện chính sách chấn hưng văn hóa đọc phải được tiến hành nhằm tạo ra môi trường ở đó tính tự chủ của tất cả quốc dân được tôn trọng đồng thời quốc dân có thể thụ hưởng lợi ích của văn hóa đọc phong phú một cách bình đẳng trong suốt cuộc đời ở những nơi khác nhau như địa phương, trường học, gia đình và các nơi khác bất chấp các yếu tố như khu vực cư trú, điều kiện bản thân hay các yếu tố khác”.
Những bộ luật rất cơ bản nói trên đã tạo ra nền tảng và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển rộng khắp, quan tâm tới các nhóm yếu thế trong xã hội cũng như những địa phương xa trung tâm ở vùng nông thôn. Đặc biệt nó giúp cho Nhật Bản hạn chế được đáng kể hiện tượng “xa rời văn hóa đọc” ở giới trẻ khi internet và các thiết bị điện tử cầm tay nối mạng trở nên phổ cập trong xã hội.
Hệ thống thư viện
Muốn người dân có thói quen đọc sách và đọc sách ngày một nhiều thì tất yếu phải xây dựng được môi trường mà ngay cả người dân bình thường nhất vẫn có thể dễ dàng có sách trong tay để đọc. Tất nhiên, người dân có thể mua sách để đọc nhưng để giới bình dân đọc sách dễ dàng thì hệ thống thư viện miễn phí trong đó chủ yếu là thư viện công đóng vai trò quan trọng.
Trong hơn 70 năm qua nước Nhật đã liên tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thư viện công rộng khắp trên cả nước. Ở thời điểm năm 2021 Nhật Bản có 3316 thư viện công. Nhờ đó, đông đảo người dân bất chấp hoàn cảnh kinh tế, địa vị xã hội vẫn có cơ hội tiếp cận sách và mượn sách miễn phí thường xuyên. Năm 2021 cá nhân người dân Nhật Bản đã mượn tới hơn 545 triệu bản sách từ hệ thống thư viện công.
Ngoài hệ thống thư viện thông thường Nhật có có thư viện trẻ em phục vụ trẻ em và các gia đình có con nhỏ.
Các thư viện ở Nhật Bản không chỉ thuần túy là nơi cho mượn sách mà nó còn là trung tâm thông tin, trung tâm giáo dục. Các thư viện được thiết kế trong một tổ hợp có bãi đỗ xe lớn, cảnh quan giống như công viên, nơi có thể ăn uống, giải trí, đi dạo… rất tiện lợi. Vì vậy mà các gia đình khi đi thư viện sẽ dẫn cả trẻ em tới đọc, mượn sách, giải trí, dạo chơi ở đó trong suốt cả ngày cuối tuần.
Có nhiều dòng sách phong phú, kích cỡ phù hợp, giá cả phải chăng
Ngành công nghiệp xuất bản xuất hiện rất sớm ở Nhật Bản. Sách sớm trở thành hàng tiêu dùng của giới bình dân ngay từ thời Edo (thế kỉ 18-19). Người bình dân đã tiêu thụ sách với số lượng lớn cho nên những cuốn sách của Fukuzawa Yukichi như “Tây Dương sự tình”, “Khái lược văn minh luận”, “Khuyến học” đã bán được từ mấy chục vạn bản tới cả triệu bản ngay từ giữa và cuối thế kỉ 19.
Dựa trên nền tảng đó, trong 70 năm qua, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà xuất bản Nhật Bản đã không ngừng phát triển, cải tiến sản phẩm tạo ra nhiều dòng sách phục vụ giới bình dân. Họ thường sản xuất các sách có kích thước bỏ túi, giá dưới 1000 yên (dưới 190 nghìn đồng tiền Việt). Những sách dạng này thường là sách “khai sáng” giải thích, bình luận súc tích, dễ hiểu các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, triết học, lịch sử hoặc các cuốn sách hướng dẫn kĩ năng xã hội, kĩ năng nghề nghiệp, quản trị đời sống cá nhân.
Nơi bán chúng cũng rất gần gũi và thuận tiện với giới bình dân. Nó được bày bán ở nhà ga, nơi buổi sáng hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng vạn người đi qua, ngồi đợi tàu. Nó cũng được bán trong các cửa hàng tiện lợi, nơi người bình dân thường lui với mua sắm thức ăn nhanh, nước uống, tạp chí… Những hiệu sách nằm trong các trung tâm mua sắm, siêu thị, ở đầu phố cũng làm cho người dân bình thường dễ dàng tiếp cận với sách. Hiện tại, nước Nhật có khoảng 13.000 hiệu sách.
Các phong trào khuyến đọc
Để tạo ra môi trường thuận lợi cho văn hóa đọc thì các phong trào khuyến đọc quy mô lớn, nhắm vào mọi giới trong xã hội là không thể thiếu. Ở Nhật, từ quốc gia cho tới các tổ chức của người dân, của các hội nghề nghiệp đều chú trọng điều này. Hiện tại ở nước Nhật có nhiều phong trào khuyến đọc sôi nổi góp phần tạo ra ngày một nhiều người đọc sách, yêu sách trong đó tiêu biểu là các phong trào như: “20 phút cha mẹ đọc sách cùng con”, “Book-start”, “lập thư viện-tủ sách”, “đọc sách buổi sáng”.
Phong trào “20 phút cha mẹ đọc sách cùng con” bắt nguồn từ phong trào “20 phút mẹ đọc sách cùng con” ra đời vào tháng 5 năm 1960 do nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi Mukuho Toju (1905-1987), khi đó đang là Giám đốc Thư viện tỉnh Kagoshima khởi xướng. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc và phát triển thành “20 phút cha mẹ đọc sách cùng con”. Ngôi trường đầu tiên thực hiện phong trào này là Trường tiểu học Ryusui ở khu phố Satsuma, nơi nhà văn Mukuho Toju sinh sống cho đến nay vẫn tiếp tục thực hiện phong trào này. Năm 2005, một tấm bia kỉ niệm hình cuốn sách mở ra đã được đặt trong trường, trên trang sách ghi dòng chữ “Nơi phát tích phong trào 20 phút cha mẹ đọc sách cùng con”. Phong trào đã phổ cập thói quen đọc sách trong các gia đình bất chấp địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế.
Phong trào “book start” cũng có mục tiêu tương tự. Phong trào này khởi đầu từ nước Anh sau đó Nhật Bản học tập, áp dụng thí điểm ở vài thành phố lớn như Tokyo, Kyoto rồi nhân rộng ra toàn quốc. Các chính quyền địa phương sẽ cấp ngân sách cho tổ chức NPO có tên “Book-start” của Nhật Bản để tổ chức này phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan tiến hành tặng cho mỗi trẻ em ra đời ở Nhật Bản một cuốn sách kèm theo tờ rơi hướng dẫn đọc sách. Phong trào cho đến nay, sau mấy chục năm vẫn được tiếp tục. Bản thân gia đình tôi khi sinh con trai đầu lòng ở Nhật Bản cũng nhận được món quá đầy ý nghĩa này. Cách làm này tạo ra sự hưởng thụ, tiếp cận văn hóa đọc công bằng cho tất cả người dân, kể cả trẻ em nước ngoài sinh ra ở Nhật Bản.
Trong những năm 60-70 của thế kỉ trước, khi nền kinh tế Nhật phát triển thần kì, đàn ông Nhật Bản bận rộn với công ty, cơ quan, những người phụ nữ Nhật làm nội trợ chuyên nghiệp đã dấy lên phong trào lập ra các tủ sách, thư viện tư nhân để phục vụ trẻ em và các gia đình. Phong trào với thủ lĩnh và những người thực thi là phụ nữ nội trợ này đã tạo ra một mạng lưới, tủ sách rộng khắp toàn quốc, đưa văn hóa đọc đi vào từng ngóc ngách đời sống của gia đình.
Ngoài ra, ở trường học Nhật Bản còn tiến hành phong trào “đọc sách đồng loạt”, “đọc sách buổi sáng”. Mỗi ngày, các trường học tiến hành giờ đọc sách khoảng 10 phút. Ở đó có thể thầy cô, tình nguyện viên, giáo viên đọc một cuốn sách nào đó cho toàn trường nghe. Cũng có thể học sinh sẽ đọc trong im lặng cuốn sách mà mình chọn. Phong trào này hiện tại vẫn tiếp tục trên quy mô rộng lớn, đặc biệt là ở các trường tiểu học.
Chính nhờ những chính sách vĩ mô và các giải pháp, phong trào khuyến đọc cụ thể nhắm vào giới bình dân nói trên mà Nhật Bản đã đạt được những thành tựu đáng nể về văn hóa đọc trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn trở nên phổ biến. Điều tra của Bộ nội vụ Nhật Bản năm 2006 cho thấy 41. 9% những người được hỏi (trên 10 tuổi) có thói quen đọc sách “như một thú vui”. Trung bình mỗi năm mỗi người Nhật đọc khoảng 12-13 cuốn sách. Ở Nhật Bản trong cuộc sống thường ngày, người ta cũng dễ nhìn thấy cảnh người dân đọc sách trên tàu điện, xe buýt, ở nhà ga, công viên…
Nhờ nền tảng văn hóa đó, nước Nhật đã có được những nhà khoa học, nghệ sĩ xuất chúng có ảnh hưởng trên thế giới và xây dựng được nước Nhật hiện đại.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Tại sao nhiều du học sinh người Việt không đọc sách?
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
- Thi đua của giáo dục Việt Nam trong mắt người Nhật
- Tại sao người Việt sống ở nước ngoài lâu vẫn không ứng xử văn minh?
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách Giáo dục Nhật Bản văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương