Vương Phu Chi là người Hành Dương, là triết gia nổi tiếng vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Ông từng xây dựng một ngôi nhà bằng đất và sống ở núi Thạch Thuyền nên các học giả còn gọi ông là Thuyền Sơn tiên sinh. Những câu chuyện về phương pháp giáo dục làm nên con người Vương Phu Chi được ghi lại trong cuốn “Thanh sử cảo. Vương Phu Chi truyện”, “Khương Trai văn tập. Gia thế tiết lục” và “Khương Trai thi thặng cảo”.

Phương pháp giáo dục làm nên triết gia Vương Phu Chi
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Vương Phu Chi là cử nhân cuối triều nhà Minh. Khi Trương Hiến Trung khởi nghĩa đã từng mời ông tham gia, đồng thời còn bắt cha ông là Vương Triêu Sính làm con tin để bức bách Vương Phu Chi phải nghe theo. Vương Phu Chi tự cầm dao đâm bản thân đầy thương tích rồi gọi người khiêng mình đi gặp Trương Hiến Trung, nguyện lấy thân mình thay cho cha. Trương Hiến Trung thấy vậy đã thả cả hai cha con ông về.

Sau khi nhà Minh sụp đổ, quân Thanh tiến về phía nam, Vương Phu Chi dấy binh chống lại nhà Thanh ở Hành Sơn, Hồ Nam. Dấy binh thất bại, ông gia nhập triều đình Nam Minh của Vĩnh Lịch Đế. Về sau bởi vì thấy triều đình Vĩnh Lịch hủ bại, Vương Phu Chi đã từ chức. Từ đó về sau, Vương Phu Chi ở trong núi Thạch Thuyền xây nhà đất ẩn cư, nhất tâm cố gắng sáng tác suốt 40 năm. Khi ông sống ẩn cư, có quan chức địa phương ngưỡng mộ danh tiếng của ông và muốn mời ông rời núi, nhưng Vương Phu Chi không hề lay chuyển. Ông giỏi thơ ca, từ khúc và quan trọng hơn là tinh thông học thuật. Một số sáng tác triết học của ông đều rất nổi tiếng, như “Chu Dịch ngoại truyện”, “Thượng Thư dẫn nghĩa”

Vương Phu Chi đã đạt được những thành tựu to lớn trong triết học và sử học. Điều này không thể tách rời khỏi sự giáo dục mà cha ông là Vương Triêu Sính đã dành cho ông từ khi còn nhỏ.

Vương Triêu Sính là cống sinh phó bảng trong kỳ thi hương vào niên hiệu Thiên Khải, triều Minh. Ông không chọn dùng phương pháp giáo dục bằng những lời nói tức giận mà luôn nhẹ nhàng hướng dẫn chỉ bảo con. Mỗi khi con có hành vi không phù hợp, ông ôn hòa giáo dục trực tiếp, kiên nhẫn khuyên bảo.

Lúc nhàn rỗi, Vương Triêu Sính sẽ dạy các con những lời răn của tổ tiên, giảng giải một số sự tích và gia phong của những người trong lịch sử. Ông còn thường khêu đèn đàm luận với các con, có khi đến nửa đêm cũng chưa nghỉ ngơi.

Vương Phu Chi khi còn nhỏ chưa biết tự ước thúc bản thân, cho nên thường nói điều sai. Những lúc như vậy, Vương Triêu Sính cũng không vội vàng trách cứ con mà chỉ tỏ vẻ mặt nghiêm khắc, không nói chuyện với con để cho con có thể tự xét lại nội tâm của mình. Đợi đến khi nội tâm của Vương Phu Chi thực sự nhận thức được điều sai trái, bày tỏ quyết tâm sửa chữa, ông mới phê bình và dạy dỗ, trợ giúp con nhận thức được sai lầm của bản thân một cách rõ ràng hơn.

Vương Phu Chi đã kế thừa truyền thống gia giáo tốt đẹp của cha mình, vì vậy ông cũng rất chú trọng giáo dục con cháu. Vương Phu Chi từng dùng hình thức thơ ca, giáo dục con trai lập chí, chú ý rời xa những ảnh hưởng xấu của thế tục. Trong một bài thơ, ông viết:

Lập chí chi thủy, tại thoát tập khí
Tập khí huân nhân, bất lao nhi túy…
Tụ trung huy quyền, châm tiêm cạnh lợi…
Khởi hữu trượng phu, nhẫn dĩ thân thí…
Yên hữu kỳ câu, tùy hành trục đội?
Vô tẫn chi tài, khởi ngô chi tích.
Mục tiền chi nhân, giai ngô chi trị.
Đặc bất tiết nhĩ, khởi vi ngô luy.
Tiêu sái an khang, thiên quân vô hệ…
Dĩ chi độc thư, đắc cổ nhân ý.
Dĩ chi lập thân, cứ hào kiệt địa.
Dĩ chi sự thân, sở dưỡng duy chí.
Dĩ chi giao hữu, sở hợp duy nghĩa…

Ý nghĩa của những lời này là:

Khi bắt đầu lập chí thì điều mấu chốt là không để bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu của thế tục. Những thói hư tật xấu nơi thế tục là thứ dễ lây nhiễm người ta nhất, giống như không uống rượu mà cũng sẽ say vậy. Những người bị nhiễm thứ độc hại này thường sẽ ở sau lưng mà hại người, lại liều mạng đi tranh giành từng chút lợi ích cực nhỏ như đầu mũi kim. Đâu có có bậc đại trượng phu nào mà cam tâm đi học hỏi với những người này? Đâu có người tài năng xuất chúng nào nguyện ý làm bạn với những hạng người dung tục như vậy?

Những tài phú vô cùng vô tận kia, không phải là thứ mà những người như chúng ta đây nên tích trữ. Tận mắt thấy được phẩm tính của những người kia, cũng là những thứ mà chúng ta nên dứt bỏ. Chúng ta thực khinh thường cho những người nguyện ý mệt mỏi vì của cải như thế. Tiêu sái thoát tục, bình an khỏe mạnh là thứ mà chúng ta hướng tới, có thể không bị ràng buộc, tư tưởng tự do phóng khoáng. Dùng cảnh giới như vậy mà đọc sách thì liền có thể dễ dàng lĩnh hội được thâm ý của người xưa. Dùng cảnh giới như thế mà lập thân thì không lo không thể thành hào kiệt. Dùng cảnh giới như thế để phụng dưỡng bề trên thì có thể vun đắp được tình cảm sâu đậm, chí hướng cao xa. Dùng cảnh giới như thế để kết giao bằng hữu thì hành vi có thể phù hợp lễ nghĩa.

Vương Phu Chi yêu cầu con cái không để bị ảnh hưởng bởi những thói xấu nơi thế tục, điều này cho thấy cái tâm siêu thoát của ông.

Vương Phu Chi còn viết bài thơ giáo dục cháu trai của mình. Trong bài thơ, ông giáo dục cháu trai phải tạo lập chí thú cao thượng như chim phượng và chí hướng rộng lớn như chim yến. Đồng thời, ông cũng răn dạy cháu không được nhiễm những thói hư tật xấu ở đời, không nên đi truy cầu các loại tài phú, chỉ có thể tiêu sái thoát tục, không dính bùn nhơ nước bẩn của thế tục thì mới đạt tới cảnh giới cao thượng.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Mặc An
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: