Phút cuối
- Vũ Thế Thành
- •
Hồi sinh viên, có lần tôi lẩn thẩn quan sát con kiến bò trên tờ giấy. Có một vòng tròn được vẽ trên giấy, và con kiến loay hoay đi ra khỏi vòng tròn đó. Dĩ nhiên nó ra được, nhưng phải đi cắt ngang qua vòng tròn. Tôi để ngón tay mình vào vòng tròn, rồi nhấc ngón tay ra khỏi vòng tròn, không cần phải đi cắt ngang qua vòng tròn như kiến.
Đó là tôi giả dụ con kiến sống trong không gian 2 chiều (mặt phẳng), và ngón tay ở không gian 3 chiều (có thêm chiều cao). Điều bình thường của ngón tay lại là điều phi thường của con kiến. Nó không hiểu vì sao ngón tay lại làm được điều kỳ diệu như thế.
Và tôi giả dụ tiếp, có thêm không gian 4, 5, 6,… chiều gì đó, và “con người” sống trong thế giới 4,5,6 chiều đó sẽ ẩn hiện bất thường, làm những chuyện phi thường mà con người ở không gian 3 chiều (như tôi) không sao hiểu được.
Có thể có một thế giới khác ngoài khả năng chứng minh của con người. Tôi chỉ nghĩ đến đó thôi, tuổi trẻ còn bao thứ để nghĩ ngợi, mơ mộng, vui chơi.
Cách nay 8-9 năm, tôi chợt nhớ lại con kiến và ngón tay, và tự hỏi: Chết là hết – Hết tuyệt đối hay con người sẽ bước qua một thế giới khác? Thế giới ấy thế nào, có vừa trắc ẩn, vừa tàn nhẫn như thế giới này không? Đời có nhân quả không? Nhân quả có ảnh hưởng trên hành vi con người không? Nếu không, cứ thế tàn bạo với nhau, chết là hết mà. Còn nhiều câu tự hỏi khác nữa về cõi nhân sinh, tôi không trả lời được.
Chỉ còn lại niềm tin. Niềm tin này đã thúc đẩy tôi viết “Phút cuối trong tầm tay” với nhiều ẩn dụ lúc đóng lúc mở. Niềm tin mỗi người khác nhau mà…
Vũ Thế Thành – Sài Gòn 2020
Phút cuối trong tầm tay
Âm nhạc ảnh hưởng đến cảm xúc của con người là chuyện thường, nhưng cảm xúc đến độ rơi nước mắt là chuyện hiếm. Suýt nữa tôi đã rơi vào tình huống khó coi này chỉ vì nghe một bản nhạc sến. Nhưng nghe nhạc đến rơi lệ vẫn là chuyện nhỏ. Nghe nhạc tới mức tự tử mới là chuyện lớn.
Năm 1932, anh chàng nhạc sĩ người Hungary, Rezso Seress, thất nghiệp, thất tình, ngồi bên cửa sổ căn hộ tồi tàn ở Paris, nhìn ra bầu trời u ám, cuộc tình u ám, đời người cũng u ám, đã sáng tác ra bản nhạc mang tên “Chủ nhật u ám” (Gloomy Sunday).
Chỉ một hai năm sau, bản nhạc này đã sinh chuyện. Báo chí thời đó ghi nhận, chỉ riêng thập niên 1930 đã có tới mười chín vụ tự tử liên quan tới bản nhạc này. Tự tử đủ kiểu: bắn súng vào đầu, xả hơi gas, nhảy sông, nhảy lầu, treo cổ… Người nào chết cũng kè kè bên mình bản nhạc Gloomy Sunday.
Một vụ tự tử “lãng mạn” khác xảy ra ở Bắc Luân Đôn. Một thiếu phụ để nguyên chồng đĩa vào máy, mở hết volume, chỉ chơi độc bản nhạc tử thần này, hết đĩa này, máy tự động thả đĩa khác xuống cho đến khi kim máy (stylus) bị kẹt, máy hát cà lăm… Ông hàng xóm bị tra tấn lỗ tai, hãi quá chạy qua thì thấy bà này nằm chết trên ghế vì uống thuốc ngủ quá liều.
Chưa hết, có người để lại lá thư tuyệt mạng, nguyện vọng xin cho nghe bản nhạc này trong tang lễ của họ.
Người ta nghe nhạc, nghe để chết, nghe tới chết, và chết rồi vẫn còn muốn nghe. Nhưng liệu âm nhạc có phải là thủ phạm gây ra cảm xúc quá mức cần thiết như vậy không? Từ cảm xúc rồi đi tới quyết định tự kết liễu đời mình đâu dễ dàng như thế.
Năm ngoái một người bạn gửi tặng một album nhạc không lời, tôi đã không đá động gì tới cho đến một tối ngồi nhâm nhi ly rượu vang một mình ở Đà Lạt. Uống rượu một mình là chuyện phiền toái. Mưa to gió lớn đi đâu? Uống rượu nghe nhạc, rồi thì lẩn quẩn chìm trong cái dĩ vãng thập cẩm, tự nhiên hồi tưởng những người đã đi qua đời mình, từ gần tới xa, từ nhạt đến đậm, thì bản nhạc đó chợt tới. Tôi chưa hề nghe bản nhạc này trước đó, tựa đề của nó là “Phút cuối” với tiếng kèn saxophone của Nguyễn Hùng.
Lúc nhìn đời xuyên qua ly rượu với những mức độ cảm xúc khác nhau, thì lý lẽ của con tim cũng khác. Khi thì thấy mình đúng, còn lỗi người ta. Khi thì mình vẫn nhất định đúng, mà lỗi người ta cũng chẳng sai. Tự mâu thuẫn luôn luôn là lý giải tuyệt vời cho số phận.
Cảm xúc lại thường không đứng yên, nó đổi chiều liên tục trong suốt trạng thái đó, từ sai tới đúng, từ đúng tới sai, và rồi chẳng ai đúng ai sai, thôi thì coi như duyên phận chỉ có thế.
Khi tiếng saxophone “Phút cuối” gào lên như rút cạn cả lòng, một ý tưởng dũng cảm chợt nảy ra trong đầu tôi, ước gì tôi có thể tập hợp hết các cố nhân về đây, để tôi chỉ hỏi họ một câu: “Ở cái phút cuối hồi đó mấy bà đã nghĩ gì?” Trong trạng thái hoang tưởng, người ta thường nhầm lẫn giữa sự dũng cảm và liều lĩnh.
Các nhà phân tâm học có thể nhảy vào cuộc để phân tích trạng thái hoang tưởng này dưới nhiều góc độ lý thuyết (suông) khác nhau. Nhưng họ cũng nên biết, đôi khi những giây phút hoang tưởng lành mạnh đó biết đâu lại chẳng là nét chấm phá cho cuộc đời vốn quá nhiều tẻ nhạt.
Giai điệu của bản nhạc có thể làm người ta đê mê, chìm đắm trong thế giới âm thanh, nhưng giai điệu chưa đủ làm ai toi mạng cả. Giai điệu phải cộng hưởng với lời ca mới thành bão xoáy.
Khi Gloomy Sunday được thu đĩa với ca từ do Tito viết lại bằng tiếng Hungary thì bi kịch bắt đầu. Nhiều vụ tự tử đã xảy ra, chỉ thấy nói là tự tử chết thôi, không đề cập tự tử bằng cách nào. Rồi kể cả hôn thê của Tito cũng nhảy xuống sông Danube tự vẫn. Oan nghiệt chồng chất khi chính người yêu của tác giả bản nhạc cũng uống thuốc ngủ tự tử, bên cạnh là tờ giấy ghi tựa đề bản nhạc.
Khi lời nhạc được chuyển qua tiếng Anh với giọng ca của Billie Holiday thì tự tử trở thành cao trào. Báo chí ghi nhận khoảng một trăm vụ, nhỏ nhất là cô bé mười bốn tuổi và lớn nhất là ông già tám mươi.
Lời của bản nhạc tử thần này, dù là ở version hay ngôn ngữ nào cũng đều chứa đựng những từ nhạy cảm: vòng hoa, ngọn nến, quan tài, khăn liệm, kiếp sau… Ca từ tiếng Anh của Sam Lewis còn tợn hơn nữa: “My heart and I have decided to end it all” (1). Đài BBC phát hoảng, cấm phát thanh bản nhạc có lời này. Mãi đến năm 2002, lệnh này mới bãi bỏ.
Cuối thập niên sáu mươi, bản nhạc này được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển sang tiếng Việt với tựa đề “Chủ nhật buồn”. Ca từ thế này, “…Trước quan tài khói hương mờ, bốc lên như vạn ngàn lời. Dẫu qua đời mắt tôi cười, vẫn đăm đăm nhìn về người…”. Nghe cũng rờn rợn, nhưng hình như chưa thấy có người Việt nào tự tử vì bản nhạc này.
Tự tử gắn liền với trạng thái tuyệt vọng hay tâm bệnh nào đó. Cùng hoàn cảnh nghiệt ngã, có người chịu được, có người không. Các loại hình nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, tiểu thuyết… không phải là nguyên nhân.
Báo chí thường có xu hướng giật gân, huyền thoại. Nhưng giả dụ, nếu hơn một trăm vụ tử tự đó có liên quan đến bản Gloomy Sunday, thì âm nhạc chỉ ít nhiều làm giảm đi sức đề kháng của con người trước nghịch cảnh. Dù sao, sức đề kháng cũng không phải là nguyên nhân chính.
Thực ra, cao trào tự tử lên cao cũng gần giống với lên đồng khóc tập thể, khi có sự tôn sùng một cá nhân như huyền thoại. Ý định tự tử cảm thấy như được chia sẻ bởi những người đi trước, và thế là bắt chước nhau tự tử (copycat suicide). Cái chết càng lãng mạn càng đẹp, điều mà tâm lý học gọi là hiệu ứng Werther, sẽ bùng phát (2).
Khi đại khủng hoảng kinh tế xảy ra vào thập niên ba mươi của thế kỷ trước, đẩy cả triệu triệu người lâm vào nghịch cảnh, thì việc cho rằng bản Gloomy Sunday có dính líu ít nhiều tới hiệu ứng Werther là điều có thể hiểu được. Nhưng ba mươi sáu năm sau ngày Gloomy Sunday ra đời, chính tác giả bản nhạc tử thần này, Rezso Seress, lại nhảy lầu tự vẫn, thì giải thích sao đây?
Tự tử hầu như không được đồng tình của xã hội. Con người thụ động khi bước vào cõi đời, nhưng lại chủ động khi quyết định rời bỏ nó. Rời bỏ mà chẳng biết sẽ đi về đâu, nhưng ít ra cũng thoát khỏi sự bế tắc cùng cực trước mắt.
Những người có niềm tin tôn giáo tin rằng, sau khi chết, họ sẽ đi về cõi nào đó – tùy thuộc vào giá trị mà họ tạo ra ở cuộc sống này, vì thế họ không chấp nhận tự tử.
Nhưng dù thế nào, những nhà xã hội học, bác sĩ tâm lý nhìn vấn nạn tự tử ở góc độ thực tế hơn. Họ trân trọng và chiến đấu vì mạng sống con người qua nghề nghiệp của mình.
Ở góc nhìn khác, vấn đề không phải là cuộc đời có đáng sống hay không, mà lỡ sống rồi thì phải sống cho đủ, cho tới luôn. Nỗi buồn sẽ thoáng qua. Cùng tắc bĩ, bĩ tắc thông. Trong khi chờ thông, thì hãy cười. Cười to hay cười thầm cũng được, miễn là cười, còn hơn là nén chặt cái bế tắc ấy vào lòng, rồi đi tìm… phút cuối.
Rồi tôi cũng tìm ra ca từ của bản nhạc “Phút cuối”. Mới đây nghe lại bản nhạc này (có lời), cũng nhâm nhi ly rượu vang, cũng lơ mơ hoang tưởng, nhưng lần này tôi thực tế hơn, rạch ròi giữa sự dũng cảm và liều lĩnh!
Nhạc của Lam Phương đúng là sến thật như ông tự nhận, nhưng tôi thích, và trong bản “Phút cuối” của ông, tôi thích nhất câu sến rện này, “…Núi đồi lồng lộng, chiều mưa nhớ ai?”
Ai đã từng ở Đà Lạt vào những chiều mưa chắc sẽ thấm đòn, phải thế không những người Đà Lạt?
Vũ Thế Thành
Đà Lạt 2012
Trích “Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ”, tái bản 2021
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
(1) Tạm dịch: Cả tôi và con tim tôi đều đã quyết định lìa bỏ cõi trần.
(2) Hiệu ứng Werther: Chỉ tình trạng bắt chước nhau tự tử (copycat suicide). Hiệu ứng được đặt theo tên của nhân vật Werther trong tiểu thuyết “The Sorrows of Young Werther” của Goethe. Trong truyện, anh chàng Werther đã kết liễu cuộc đời mình bằng súng lục sau khi tình yêu bị khước từ. Nhiều thanh niên thời đó đã bắt chước Werther tự tử khi họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng.
Từ khóa Tự tử Vũ Thế Thành