Quốc hiệu nước Việt qua các thời kỳ
- Trần Hưng
- •
Lịch sử nước Việt trải qua thời gian dài với nhiều quốc hiệu khác nhau, từ những tên gọi trong “truyền thuyết” như Xích Quỷ, Văn Lang, được chép vào phần huyền sử, cho đến Âu Lạc của An Dương Vương, kế tiếp là Nam Việt của nhà Triệu, rồi thời kỳ Bắc thuộc, sau đó là đến quốc hiệu các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, v.v.. Hãy cùng điểm lại những lần đổi tên nước gắn liền với các dấu mốc lịch sử.
Những tên gọi trong huyền sử
Trong huyền sử, nước Việt có hai tên gọi là Xích Quỷ và Văn Lang. Tên gọi Xích Quỷ xuất hiện trong sách Lĩnh Nam Chích Quái, trong khi tên gọi Văn Lang thì xuất hiện trong Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Lĩnh Nam Chích Quái và Việt sử lược được viết vào thời nhà Trần, trong khi đó Đại Việt sử ký toàn thư viết vào thời nhà Hậu Lê. Trước đó thì hầu như không có sách sử để khảo cứu.
Hai cái tên Xích Quỷ và Văn Lang xuất hiện đột ngột vào thế kỷ 13, tức hơn 1000 năm sau Công nguyên, lại chép về truyện của 2000 năm trước Công nguyên. Do đó tính khả tín khó có thể bảo chứng, nêu ra chỉ để tham khảo.
Âu Lạc
Âu Lạc là quốc hiệu đầu tiên có thể khảo chứng được. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, Triệu Đà khi nhắc đến việc xưng vương của mình có đề cập đến quốc hiệu Âu Lạc của người Việt. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng nhắc đến quốc hiệu Âu Lạc này.
An Dương Vương thống nhất người Lạc Việt và Âu Việt thành một nước, đặt tên là Âu Lạc, xưng vương. Ngoài ra trong Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng đề cập đến việc người Việt chống lại cuộc xâm lăng của quân Tần do tướng Đồ Thư dẫn đầu.
Nam Việt
Năm 179 TCN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương và sáp nhập Âu Lạc vào lãnh thổ Nam Việt của mình.
Nam Việt bao gồm hầu hết các tộc người Việt trong nhóm Bách Việt, có biên giới đến núi Ngũ Lĩnh (phía nam vùng Giang Nam, Trung Quốc ngày nay), phía tây đến Dạ Lang (nay là Quảng Tây, Trung Quốc), phía nam đến dãy Hoàng Sơn (Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay), phía đông đến Mân Việt (Phúc Kiến, Trung Quốc ngày nay). Kinh đô đặt ở thành Phiên Ngung (tức ở Quảng Châu, Trung Quốc ngày nay).
Nhà Triệu được các triều đại sau này coi là một triều đại của nước Việt. Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ “Kỷ nhà Triệu”, Bình Ngô đại cáo có viết: “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương”.
Vào cuối thời kỳ nhà Triệu, nhà Hán đem 30 vạn quân tiến đánh Nam Việt, trong nước thì bị Thái hậu làm loạn. Vì thế mà Nam Việt mất về tay nhà Hán vào năm 111 TCN, đánh dấu thời kỳ ngàn năm thuộc Bắc.
Lĩnh Nam
Khoảng năm 39 SCN, các cuộc khởi nghĩa chống nhà Hán nổ ra khắp nơi. Cuối năm 39 Hai Bà Trưng hiệu triệu các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Tất cả các châu quận đều được quân Hai Bà Trưng chiếm lại, gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v. tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông thuộc Trung Quốc ngày nay, biên giới phía bắc kéo dài đến hồ Động Đình.
Dân chúng tôn Trưng Trắc lên ngôi vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng Trắc đặt tên nước là Lĩnh Nam, tức vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh.
Năm 42 SCN, nhà Hán đưa quân sáng đánh Lĩnh Nam, cuộc chiến kéo dài đến năm 43 SCN thì Hai Bà Trưng thất thủ, Lĩnh Nam cũng mất từ đây.
Vạn Xuân
Năm 203, Hán Hiến Đế đặt vùng đất người Việt vào một Châu gọi là Giao Châu, bao gồm 9 quận là: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Đam Nhĩ, Châu Nhai (Đam Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông).
Đến thời nhà Lương năm 541, Lý Bí chia quân tiến đánh các nơi, năm 542 thì thu phục được toàn bộ Giao Châu. Sau đó quân của Lý Bí đánh bại viện binh quân Lương và quân Lâm Ấp ở phía nam.
Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn Giang Sơn Xã Tắc mãi đến muôn đời.
Năm 602, nhà Tùy đưa quân tiến đánh Vạn Xuân, Lý Phật Tử đầu hàng, Vạn Xuân tồn tại được 58 năm thì mất. Nhà Tùy lấy lại tên cũ gọi là Giao Châu.
Đại Cồ Việt
Vào thời nhà Đường, năm 679, vua Đường Cao Tông đặt tên cho các vùng đất ở đông, nam, tây, bắc là An Đông, An Nam, An Tây và An Bắc. Giao Châu ở phía nam được đổi tên thành thành An Nam.
Đến năm 863, quân Nam Chiếu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) đánh chiếm được An Nam của nhà Đường. Nhà Đường cho quân tiến đánh nhằm chiếm lại nhưng đều thất bại.
Năm 865, nhà Đường cử Cao Biền đến An Nam. Cao Biền vây quân Nam Chiếu tại thành Giao Chỉ, đến năm 866 thì đánh bại hoàn toàn quân Nam Chiếu.
Vua Đường Ý Tông thuận theo thỉnh cầu của Cao Biền, cho đổi tên An Nam thành Tĩnh Hải Quân.
Khúc Thừa Dụ nhân lúc nhà Đường sắp mất, giành lại quyền tự chủ nhưng không xưng vương. Khúc Thừa Dụ tạo nền tảng cho Dương Đình Nghệ và sau đó là Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 Sứ quân, thống nhất Giang Sơn về một cõi, lên ngôi hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, dời đô về Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.
Quốc hiệu này được duy trì qua thời Đinh, Tiền Lê, Lý.
Đại Việt
Năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đây là vị vua thứ 3 của nhà Lý. Sau khi lên ngôi, vua cho đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Tên Đại Việt kéo dài 346 năm, qua thời nhà Trần, cho đến thời nhà Hồ.
Đại Ngu
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi tên nước từ Đại Việt thành Đại Ngu.
Hồ Quý Ly chọn tên này vì cho rằng họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn – một trong Ngũ Đế thời “Tam Hoàng Ngũ Đế”. Bởi vì khi Chu Vũ Vương lật đổ Trụ Vương của nhà Thương, thì tìm con cháu của Ngu Thuấn là Công Mãn phong làm vua ở nước Trần (một nước chư hầu của nhà Chu), đổi sang họ Hồ với tên là Hồ Công Mãn.
Cuối năm 1406, quân Minh tiến đánh nhà Hồ, quân nhà Hồ không được lòng dân, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt được. Đại Ngu mất từ đây, nhà Minh đặt tên là quận Giao Chỉ, sáp nhập vào lãnh thổ nhà Minh.
Đại Việt
Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh. 10 vạn hàng binh quân Minh trở về nước. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Vua, lập ra nhà Lê, lấy lại quốc hiệu cũ là Đại Việt. Quốc hiệu này tiếp tục tồn tại cho đến thời nhà Nguyễn.
Việt Nam
Năm 1802, hậu duệ còn lại của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, hiệu là Gia Long.
Năm 1804, vua đặt tên nước là Việt Nam. Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép rằng: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài.”
Đại Nam
Với việc Ai Lao thần phục và xin được nội thuộc, Cao Miên mong được bảo hộ, lãnh thổ Việt Nam vào thời nhà Nguyễn của vua Minh Mạng vô cùng rộng lớn, diện tích 575.000 km2, tức gấp 1,7 lần so với Việt Nam ngày nay.
Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm 1839, vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam.
Việt Nam
Sau khi người Pháp thuộc địa hóa Đại Nam, ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, bao gồm Đại Nam và Cao Miên. Đến năm 1899 thì Pháp sáp nhập thêm Lào vào Liên bang Đông Dương.
Sau này khi thoát khỏi tình trạng thuộc địa, trong cuộc nội chiến, xuất hiện Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về cơ bản đều sử dụng quốc hiệu Việt Nam. Sau 1975 thì quốc hiệu nước ta vẫn là Việt Nam, và tên gọi này được kéo dài đến ngày nay.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam quốc hiệu