Nước Vạn Xuân – P1: Lý Bí giành lại giang sơn
- Trần Hưng
- •
Dù chỉ tồn tại 58 năm, nhưng nước Vạn Xuân đã trải qua 3 đời vua, đằng sau đó là câu chuyện về những con người quả cảm, mong muốn xây dựng một vùng đất thịnh vượng mãi mãi.
Giấc mơ kỳ lạ về vị vua sẽ giáng thế
Lý Bí là người dựng lập nên nước Vạn Xuân. Nhiều nguồn sử liệu cho thấy tổ tiên của ông là người thuộc tộc Bách Việt, vào cuối thời Tây Hán thì trốn đến Giao Châu để tránh nạn binh đao.
Về sự ra đời của Lý Bí, “Việt Thường thị tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” có ghi chép rằng:
“Một hôm, Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám hào quang ngũ sắc trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà.
Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn.
Vào giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Tỵ sinh hạ 1 nam. Thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghiêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, quả là không phải người thường. Khi sinh có mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm đầy phòng, khí lành tràn ngập trong phòng”.
Thuở nhỏ Lý Bí tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, lên 5 tuổi thì cha mất, 2 năm sau thì mẹ cũng qua đời, Lý Bí chuyển đến ở cùng người chú ruột.
Một hôm có một vị thiền sư đi ngang qua nhìn thấy cậu bé Lý Bí khôi ngô, tuấn tú, liền xin mang lên chùa nuôi dạy. Sau 10 năm chuyên cần đèn sách, Lý Bí học rộng hiểu sâu, giỏi cả văn võ.
Chiêu mộ binh mã, khắp nơi kéo về hưởng ứng
Thấy Lý Bí có tài, Thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương mời ông làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Làm quan rồi ông mới thấy chính quyền nhà Lương đối xử rất hà khắc và tàn bạo với người dân. Bất bình với việc đô hộ tàn ác này, ông từ quan về quê chiêu mộ binh mã chống lại chính quyền đô hộ.
Được nhiều người hưởng ứng, quân của Lý Bí ngày càng lớn mạnh, thanh thế vang xa. Tù trưởng vùng Chu Diên (Hải Dương ngày nay) là Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục đem quân về hợp với quân của ông.
Nhiều người nuôi chí chống lại ách đô hộ của nhà Lương, nhưng chưa tìm được cơ hội, nay nhận thấy cơ hội đã đến đều gia nhập quân của Lý Bí. Như cha con Phạm Lương và Phạm Thị Toàn đã bán cả tài sản gia nhập nghĩa quân. Các hào kiệt, tù trưởng, thủ lĩnh các địa phương cùng lần lượt theo về với Lý Bí.
Lập nước Vạn Xuân
Cuối năm 541, Lý Bí chia quân tiến đánh quân Lương, quân của Thứ sử Tiêu Tư không sao địch nổi. Các cánh quân của Lý Bí cùng tiến đánh thành Long Biên, Thứ sử Tiêu Tư thua trận phải bỏ chạy về Quảng Châu.
Năm 542, quân Lý Bí chiếm được các châu thuộc phía Bắc, ông lại cho quân đánh xuống phía Nam thu phục được toàn bộ Giao Châu.
Cuối năm 542, vua Lương Vũ Đế sai Tôn Quýnh và Lương Tử Hùng đem binh sang lấy lại Giao Châu. Nghe danh tiếng đội quân Lý Bí, 2 viên tướng này không dám đưa quân sang ngay mà xin đợi đến mùa thu sang năm, nhưng Vua Lương không đồng ý, yêu cầu tiến đánh ngay.
Lý Bí cho quân chủ động đến bán đảo Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) để đón đánh.
Quân Lương vừa kéo đến thì bị quân của Lý Bí đổ ra đánh, nữ tướng Phạm Thị Toàn tham gia trận đánh này lập được công lớn. Quân Lương 10 phần thì chết 6, 7 phần, hoàn toàn tan rã.
Lợi dụng lúc quân Giao Châu tiến đến phía Bắc đánh quân Lương, thì quân Lâm Ấp ở phía Nam vượt dãy Hoành Sơn chiếm quận Nhật Nam, rồi kéo quân tiến đánh quận Cửu Đức.
Lý Bí liền sai tướng Phạm Tu xuống phía Nam đánh Lâm Ấp. Nữ tướng Phạm Thị Toàn vừa đánh tan quân Lương ở phía Bắc xong cũng xuống Nam cùng tướng Phạm Tu đánh bại quân Lâm Ấp.
Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn giang sơn xã tắc mãi đến muôn đời.
Triều đình được thành lập với hai ban văn, võ. Triệu Túc làm Thái phó đứng đầu ban võ, Tinh Thiều đứng đầu ban văn.
Nữ tướng từ chối ngôi vị vương phi, lập chùa đi tu
Khi triều đình đã ổn định, Lý Nam Đế nhớ đến nữ tướng Phạm Thị Toàn. Trong mắt mọi người, bà xinh đẹp, nết na, không chỉ giỏi văn chương mà võ công cũng là đệ nhất, luôn dẫn đầu quân xông pha trận mạc, tham gia tất cả các trận đánh quan trọng, hết đánh quân của Thứ sử Tiêu Tư, lại đánh tan quân Lương ở Hợp Phố, đánh bại quân Lâm Ấp ở phía Nam. Tất cả những chiến thắng quan trọng đều có công đầu của nữ tướng tiên phong Phạm Thị Toàn.
Vua Lý Nam Đế ngỏ ý muốn Phạm Thị Toàn vào cung làm vương phi, cùng mình hưởng cảnh thái bình. Thế nhưng vị nữ tướng này đã từ chối:
“Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ.”
Biết không thể gượng ép, nhà vua đành chấp thuận. Phạm Thị Toàn về quê lập chùa tịnh tu cho đến lúc mất. Sau khi bà qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm Thành Hoàng.
Năm 1103, vua Lý Nhân Tông sắc phong cho Phạm Thị Toàn là “công chúa ni cô”, tương truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
- Ngô Quyền: Từ cuộc thi tài kén rể hào hứng sử Việt tới chiến thắng khiến giang sơn đời đời bền vững
- Không phải của Lý Thường Kiệt, bài thơ “Nam quốc sơn hà” có từ bao giờ?
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Lý Bí Lý Nam Đế Vạn Xuân Chuyện nước Vạn Xuân