Sĩ tử đi thi và hai giấc mộng: Phúc hay họa là ở tâm thái
- Thiên Cầm
- •
Nhân sinh hơn nhau ở tâm thái – Câu nói này liệu có khiến bạn nghĩ ngợi gì chăng? Trong cuộc sống, một tâm thái tốt có thể khiến bạn lạc quan, khoáng đạt; một tâm thái tốt có thể giúp bạn nhẹ nhàng đối mặt với khổ nạn; một tâm thái tốt có thể khiến bạn coi nhẹ danh lợi, sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc.
Chúng ta không thể làm chủ những điều mình gặp phải, nhưng lại có thể khống chế tâm thái của mình. Chúng ta chẳng thể cưỡng chế thay đổi người khác, nhưng lại có thể thay đổi bản thân. Một người có thành công hay không, chủ yếu do tâm thái người ấy quyết định.
Chàng thư sinh vào kinh ứng thí và 2 giấc mộng kỳ lạ
Thời xưa có một chàng thư sinh lần thứ 3 vào kinh ứng thí, cậu vào ở lại nhà trọ mà hai lần trước mình từng ở. Đêm hôm đó cậu mơ hai giấc mộng liên tiếp. Giấc mộng thứ nhất là cậu ở trên cái dầm cao trồng trên tường, giấc mộng thứ hai là thiên hạ xảy ra mưa lớn, cậu đội chiếc nón lá, tay còn cầm một chiếc ô.
Hôm sau cậu thư sinh tìm thầy bói mệnh giải mộng. Thầy bói mệnh vừa nghe thì buột miệng nói rằng: “Cậu vẫn nên thu dọn về nhà đi. Cậu thử nghĩ xem, trồng một cái dầm cao trên tường chẳng phải là phí công vô ích hay sao. Đội nón lá với cầm ô chẳng phải là làm việc thừa thãi hay sao?”
Cậu thư sinh nản chí, bèn quay trở lại nhà trọ thu xếp hành trang, chuẩn bị về nhà. Ông chủ quán trọ vô cùng kinh ngạc, bèn hỏi: “Mai mới thi, sao hôm nay quan khách đã về rồi?” Cậu thư sinh kể lại giấc mộng cho ông chủ quán trọ.
Ông chủ quán trọ nói rằng:
Theo tôi nghĩ, thầy bói mệnh này giải mộng không đúng, quan khách nhất định đỗ đạt cao lần này. Quan khách thử nghĩ kỹ lại mà xem, trên tường trồng một cái dầm cao chẳng phải là “Đỗ cao” hay sao. Từ “Trồng” và từ “Trúng” phát âm gần giống nhau. Công tử đầu đội nón lá, tay lại cầm thêm chiếc ô chẳng phải “đã vững vàng lại càng thêm vững vàng hơn nữa” hay sao?
Cậu thư sinh nghe vậy cảm thấy lời ông chủ quán trọ nói cũng có đạo lý, thế là cậu lại vực dậy tinh thần tiếp tục tham dự cuộc thi. Quả nhiên cậu đã đỗ bảng nhãn.
Tâm thái có thể quyết định trạng thái sinh mệnh của một người, từ đó quyết định số phận của một người. Người có tâm thái tiêu cực chỉ nhìn thấy chữ “nguy”, người có tâm thái tích cực lại nhìn thấy chữ “cơ” (thời cơ).
Người có tâm thái tích cực sẽ vĩnh viễn nhìn thấy hy vọng, khiến tâm hồn có thêm khoảng không rộng lớn hơn. Người có tâm thái tiêu cực vĩnh viễn chỉ nhìn thấy nguy cơ và khiến người khác cảm thấy cuộc sống đầy rẫy những bóng đêm.
“Kinh Dịch” có câu: “Quân tử dĩ độc lập bất cụ, tuần thế vô muộn”. Câu này nghĩa là: Người quân tử lúc xử thế, bởi nội tâm mạnh mẽ, nên thường dũng mãnh tiến về phía trước, không hề sợ hãi. Dẫu rơi vào nghịch cảnh, chẳng được người khác đồng cảm, thấu hiểu, họ cũng vẫn giữ được một nội tâm cân bằng, không oán trời trách người, mà trầm tĩnh, chờ đợi thời cơ.
Giữ vững tâm thái chính là điều mà “Kinh Dịch” chỉ dạy. Còn có những cách nói khác về tâm thái như “vô dục tắc cương” (không mong cầu thì mạnh mẽ), “bất dĩ vật hỷ bất dĩ vật bi” (Không buồn vì vật, chẳng vui vì vật). Đây đại để chính là nói cách để có thể giữ vững tâm thái.
Nói thì dễ, làm mới khó. Muốn giữ được tâm thái như vậy, cần dựa vào việc thực hành và trải nghiệm, cảm ngộ không ngừng. Tâm thái ấy có biểu hiện cụ thể trong 4 phương diện sau:
Kính sợ
“Kính” không phải là sự cung phụng bề mặt mà là sự thành thực tự đáy lòng.
“Sợ” không phải là sự khiếp nhược trong nội tâm mà là sự chấn động nơi tâm linh.
“Kinh Dịch” có câu: “Thiên thuỳ tượng, kiến cát hung”, nghĩa là chỉ cần nhìn vào những biến hoá của thiên tượng mà biết được điềm cát hung.
Trời đất có quy luật, bốn mùa cũng có quy định, vạn vật đều có phép tắc. Đứng trước Tự nhiên, sinh tử, yêu ghét chúng ta đều phải biết kính sợ. Dẫu bạn làm bất cứ việc gì thì trời biết, đất biết, bạn biết, tôi biết, bởi lẽ trên đầu 3 tấc có thần linh.
Biết kính sợ mới không tự tung tự tác, mới biết cách tôn trọng người khác, mới nắm vững được chừng mực và giới hạn đạo đức tối thiểu của một con người.
Biết kính sợ mới giữ được sự lương thiện trong nội tâm.
Con người xưa kia không thiếu sự kính sợ, chỉ e trời ra sấm chớp trừng phạt. Ngày nay khi đối diện với bao sự kiện làm tổn hại tới trẻ nhỏ như sữa bột giả, vắc xin độc, thử hỏi con người hiện đại liệu còn biết kính sợ luật nhân quả hay không?
Từ bi
“Kinh Dịch” có câu: “Quân tử dĩ hậu đức tải vật”. “Hậu đức” chính là sự từ bi. Từ bi chính là sức mạnh nâng tầm thế giới, giải thoát cho chúng sinh. Khi trong tâm có từ bi, thì mới hiểu sinh mệnh đều là những âm hưởng tự nhiên vô cùng trân quý.
Người có tâm từ bi, có đại trí huệ ắt sẽ có đại phúc báo. Từ bi chính là bao dung, là mở rộng sức dung chứa của lòng mình.
Người không từ bi, nhìn việc gì cũng không thấy thuận mắt. Người có tâm từ bi, mới có thể nhìn thông nghĩ thoáng.
“Trên đời không có kẻ đáng hận, chỉ có người đáng thương”. Nếu hiểu được câu này, bạn đã minh bạch được cái gốc của sự từ bi.
Xả bỏ
Trong “Kinh Dịch” có hai quẻ Tổn và quẻ Ích, có tổn hại thì sẽ có ích lợi, có được ắt phải mất. Cũng như vậy, xả đồng nghĩa với việc có xả mới có đắc, không xả không đắc, xả ít đắc ít, xả nhiều đắc nhiều. Học cách buông bỏ mới có được, chỉ muốn được mà không chịu mất chỉ là điều phi thực tế.
Trên hành trình nhân sinh đằng đẵng, phải xả bỏ tự ngã vô lối, phải lãng quên những thứ không thuộc về mình, không yêu cầu quá hà khắc, quá cao xa, không cưỡng cầu, mới có thể xả bỏ mà hướng tới một cảnh giới cao hơn.
Lý trí
“Kinh Dịch” viết rằng: “Thời chỉ tắc chỉ, thời hành tắc hành, động tĩnh bất thất kỳ thời, kỳ đạo quang minh”. Nghĩa là khi cần tĩnh thì phải tĩnh, khi cần hành động thì phải hành động. Dẫu là tĩnh tại hay hành động thì đều cần nắm vững thời cơ. Đây chính là trạng thái lý trí của tinh thần.
Biết thực tế, biết lý trí, thì sẽ không nóng lòng tranh công đoạt lợi, không đầu cơ, đục nước béo cò, mà luôn làm việc hợp với Đạo.
Tâm thái lý trí, coi trọng hoàn cảnh hiện thực này còn quan trọng hơn cả trí thông minh. Tự vỗ ngực cho rằng mình thông minh ngược lại còn bị sự thông minh ấy gây trở ngại. Chúng ta thường vì sự thông minh của bản thân mà coi nhẹ việc bắt tay vào làm trong thực tế. Đôi khi, buông bỏ sự thông minh của bản thân, lại có thể khiến bạn lạc quan và khoáng đạt hơn.
Một tâm thái tốt có thể khiến bạn lạc quan, khoáng đạt; một tâm thái tốt có thể giúp bạn nhẹ nhàng đối mặt với khổ nạn; một tâm thái tốt có thể khiến bạn coi nhẹ danh lợi, sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng Kinh dịch tâm thái Vận mệnh Nho giáo