Tại bến sông Thi làng Bích Tràng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) có một ngôi chùa mang tên chùa Cỏ, thờ phụng một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Người dân mỗi khi đến bến đợi đò thường dừng chân bên ngôi chùa này, chính vì thế mà ngôi chùa cùng câu truyện nữ tướng trở thành một phần trong tâm thức của người dân làng Bích Tràng.

Gia nhập nghĩa quân Thánh Thiên

Theo truyền thuyết dân gian, vào những năm đầu công nguyên, làng Bích Tràng có cô gái xinh đẹp tên là Thảo, vì nhà nghèo nên phải làm thuê cắt cỏ cho một phú hộ trong làng. Thảo có tiếng là người cắt cỏ rất nhanh.

Năm cô Thảo 18 tuổi thì phú hộ muốn lấy làm vợ lẽ nhưng cô Thảo không chịu. Phú hộ liền đem bắt trói lại, nhốt trong chuồng trâu rồi bỏ đói mấy ngày liền. Có hai ông cháu gần đó thương cảm liền tìm cách giúp cô Thảo trốn đi. Người ông tên là Bạch, còn người cháu còn nhỏ tên là Nhật.

Lúc này Giao Chỉ vào thời thuộc Hán, Thái thú Tô Định hà khắc khiến nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Cô Thảo bỏ trốn và xin gia nhập vào nghĩa quân của Thánh Thiên. Biết cô giỏi làm cỏ, Thánh Thiên giao cho coi các trại cỏ nhằm cung cấp thức ăn cho ngựa và voi.

Cô Thảo tìm lập các trại cỏ, rồi tìm hai ông cháu Bạch và Nhật từng cứu mình chạy thoát đến giúp làm trại cỏ. Các trại cỏ này góp công trong các chiến thắng của nghĩa quân Thánh Thiên cùng đội quân Hai Bà Trưng sau này.

Nhận thấy các cuộc khởi nghĩa chống Quân Hán có nhiều, nhưng nằm rải rác ở các nơi nên không tạo thành một sức mạnh, Trưng Trắc và Trưng Nhị cho người đến gặp thủ lĩnh các cuộc khỏi nghĩa cùng hội quân về Mê Linh. Thánh Thiên cùng các thủ lĩnh khác lần lượt đưa quân đến Mê Linh hội quân cùng Hai Bà Trưng.

Tướng quân giữ trại cỏ

Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng điểm 6 vạn quân, tổ chức lễ hội xuất quân ở Hát Môn. Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với Trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.

hai ba trung 1
Hai Bà Trưng. (Ảnh: Phucam1999, Wikipedia, CC BY-SA) 4.0)

Quân Hai Bà Trưng chiếm lại ược 65 thành trì. Trưng Trắc đặt tên cho nước là Lĩnh Nam, biên giới phía bắc kéo dài tận đến Hồ Động Đình (nằm giữa tỉnh Hà Bắc và Hà Nam ở Trung Quốc).

Đất nước thái bình, vua Trưng khao thưởng cho quân sĩ, cô gái Thảo ngày nào được phong làm tướng quân, được gọi là Hương Thảo nghĩa là cỏ thơm.

Hỏa thiêu quân Hán

Năm 42 sau công nguyên, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Đoàn Chí đem quân tiến đánh Lĩnh Nam. Quân Hán tiến vào quận Giao Chỉ, các trận đánh lớn diễn ra ở Lãng Bạc và Cẩm Khê.

Đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ. Hai Bà Trưng rút ra khỏi Cẩm Khê nhưng quân Hán đuổi sát, Hai Bà Trừng cùng đường phải nhảy xuống dòng Hát giang bảo toàn danh tiết.

Lúc này Hương Thảo đang ở trại cỏ, nhận được tin dữ liền cho mọi người để tang và lập đàn bái vọng vua Trưng.

Ít lâu sau, một tướng của Mã Viện là Mã Hắc Trì đến yêu cầu giao nộp trại cỏ, Hương Thảo buộc phải đồng ý và hẹn ngày quân Hán đến đến để giao nộp và hứa sẽ mở tiệc khao đãi quân Hán.

Sau đó Hương Thảo đốc thúc mọi người mang cỏ khô đến chất xung quanh khu nhà sẽ đón tiếp quân Hán, rồi chuẩn bị tiệc lớn đón tiếp quân Hán.

Đúng ngày hẹn, Mã Hắc Trì cùng 500 binh sĩ đến. Chỉ có Hương Thảo cùng 2 ông cháu cứu mình khi xưa tiếp quân Hán, lại chuẩn bị sẵn kê khai các trại cỏ để giao cho Mã Hắc Trì. Thấy trong trại chỉ có 3 người, Mã Hắc Trì không nghi ngờ cho toàn quân tiến vào ăn uống.

Ở bên ngoài mọi người chuẩn bị sẵn chất dẫn hỏa, khi quân Hán đã no say, Hương Thảo nói cậu bé Nhật đánh trống báo hiệu, ở bên ngoài mọi người nghe tiếng trống thì đốt luôn các đống cỏ khô xung quanh khu nhà. Cô Thảo cùng hai ông cháu vốn đã cứu mình đều hy sinh trong biển lửa cùng toàn bộ quân Hán.

Tưởng nhớ

Câu chuyện về Hương Thảo không được ghi chép trong lịch sử, nhưng lại được lưu truyền trong dân gian. Dân chúng lập ngôi chùa thờ 3 người gọi là chùa Cỏ. Ngôi chùa nằm trong vườn nhãn lồng soi bóng xuống dòng sông Thi hiền hòa. Trên điện thờ có 3 pho tượng: Ở giữa là tượng Hương Thảo; bên phải là tượng một ông già quắc thước, râu trăng ba chòm, hai tay chắp vào nhau như đang đợi lệnh; bên trái là tượng một chú bé mặt mũi khôi ngô, tay cầm trống có cán, tay cầm dùi giơ cao như sắp đánh trống truyền lệnh nổi lửa thiêu giặc.

Hàng năm dân chúng quanh vùng đều đến đây làm lễ giỗ cho cả 3 người. Theo tục lệ vị bô lão già nhất đốt mấy nắm cỏ khô đặt trong đỉnh đồng, sau đó dùng ngọn lửa được cháy từ cỏ để thắp hương và châm đèn thờ.

Sông Thi, chùa Cỏ, bến sông mang theo rất nhiều kỷ niệm của người dân làng Bích Tràng, được người làng truyền tải vào bài thơ:

Lần theo nỗi nhớ tôi tìm
Ngõ quanh quanh nắng tiếng chim bồi hồi
Bến sông Thi đất cha tôi
Còn xôn xao mái chèo đôi đưa đò
Ngang sông trôi một cánh cò
Buồn vui ai nhớ chuyến đò tôi đưa
Nhà tôi xưa bến sông xưa
Đôi bờ khách vẫn nhặt thưa đi về
Vẫn đây chùa Cỏ sum suê
Bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình
Vẫn kia lớp học ngôi đình
Mái cong cong níu chút tình trẻ thơ
Trở ra đường nhãn nắng thưa
Hương mùa như đón như đưa chẳng rời
Đã xa mấy chục năm trời
Cốm xanh gói lá sen mời ngọt thơm
Chân quê mộc mạc bữa cơm
Nồi riêu cua với tép đơm bờ ngòi
Chị giằng bát xới mãi thôi
Ăn sao hết được tôi ngồi rưng rung
Thương anh bạc tóc còng lưng
Với chị tôi tuổi có chừng bẩy mươi
Nắng mưa trọn một đời người
Đồng quê nâng cả trên mười ngón tay
Bâng khuâng đón gió heo may
Gặp mênh mông lúa dâng đầy đồng quê
Hỡi em quẩy gánh trên đê
Chợ Cầu họp hay em về chợ Thi
Đợi tôi em nhé cùng đi
Đồng bằng trăm ngả mấy khi tôi về
Tự trong hương sắc bộn bề
Tôi say sưa lọc lấy quê riêng mình
Bích Tràng máu thịt tôi sinh
Nghìn năm xa nặng nghĩa tình quê cha.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: